COVID-19

Nhật Bản - Thị trường tiếp nhận lao động chất lượng, an toàn, hiệu quả

21/02/2021 07:33 PM


Nhật Bản là điểm đến chất lượng, an toàn và hiệu quả cho lao động Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19, thị trường hoạt động dịch vụ đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ tại các thị trường tiếp nhận lao động lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã ban hành chính sách cấm hoặc hạn chế nhập cảnh. Từ đó khiến cho lực lượng lao động đã trải qua quá trình dài học tập ngoại ngữ, tác phong, rèn luyện tay nghề, đang sẵn sàng xuất cảnh bị kẹt lại ở Việt Nam.

Cân nhắc kỹ lưỡng

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều người đang trong độ tuổi lao động ở Việt Nam đang có nhu cầu tìm hiểu đi làm việc tại nước ngoài cũng đã có thái độ e ngại so với trước thời điểm dịch bùng phát khi đăng ký, nộp hồ sơ tham gia các chương trình.

Xuất khẩu lao động 2021: Đâu là điểm đến chất lượng, an toàn? - Ảnh 1. 
Lao động Việt Nam ở ở tỉnh Miyazaki vui vẻ sau khi hoàn thành hồ sơ nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản (nguồn: Internet)

Có nhiều lý do khác nhau để NLĐ lắng như tình hình dịch bệnh ở nước tiếp nhận có được kiểm soát tốt không, quá trình làm hồ sơ có bị trục trặc do dịch bệnh hay không, hoặc là xí nghiệp tiếp nhận có bị phá sản, ngừng tiếp nhận lao động giữa chừng. Vì thế, việc xem xét lựa chọn thị trường nào để tham gia trong thời gian sắp tới cũng đang được NLĐ xem xét kỹ lưỡng. Những tác động điều trên đã khiến nhiều công ty phái cử gặp khó khăn trong công tác tuyển chọn NLĐ tham gia chương trình mặc dù nhu cầu tuyển dụng từ các thị trường truyền thống vẫn rất lớn. Theo các chuyên gia xuất khẩu lao động, trong bối cảnh đó, Nhật Bản có thể xem là điểm đến chất lượng, an toàn và hiệu quả cho lao động Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều năm qua, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở Nhật Bản có thể được coi là một trong những lĩnh vực kinh tế - đối ngoại mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam. 

Tác động đầu tiên và rõ ràng nhất đó là giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu tình trạng thất nghiệp trong thanh niên. Không chỉ mang về ngoại tệ, nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản trở về nước đã trở thành chủ các doanh nghiệp (DN), từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các lao động khác, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Những công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản đã được chuyển giao thành công qua bộ phận lao động có tay nghề cao. Một đội ngũ lao động có chất lượng, có năng lực quản lý, có tác phong công nghiệp vững vàng đã được hình thành và giúp ích cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Bên cạnh việc luôn cố gắng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, chính phủ Nhật Bản luôn chủ động ban hành chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi Covid 19. Năm 2020, để giúp đỡ lao động nước ngoài gặp khó khăn trong đại dịch, chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ 10 man (tương đương khoảng 22 triệu đồng) cho mỗi lao động. Đây là chính sách nhận được sự tán thưởng rất lớn từ NLĐ, đặc biệt là lao động Việt Nam đang gặp vô vàn khó khăn lúc đó.

Xuất khẩu lao động 2021: Đâu là điểm đến chất lượng, an toàn? - Ảnh 2.

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản cũng đang thảo luận các phương án hỗ trợ tiếp theo tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Dự kiến đầu tháng 3-2021, chính phủ Nhật Bản sẽ có chính sách hỗ trợ mới. Điều đó cho thấy chính phủ Nhật Bản luôn dành sự quan tâm rất lớn cho lao động nước ngoài nói riêng và lao động Việt Nam nói chung đang làm việc tại đất nước của họ. Các chương trình đi làm việc ở Nhật đang triển khai phổ biến nhất có thể kể đến là Chương trình Thực tập kỹ năng dành cho hầu hết các đối tượng lao động phổ thông; Chương trình Kỹ sư, kỹ thuật viên dành cho đối tượng lao động có trình độ cao; Chương trình Kỹ năng Đặc định với nhiều yêu cầu đặc biệt kèm theo. Hiện nay, để đa dạng hoá nhu cầu tiếp nhận của các công ty nội địa và giải quyết nhiều bài toán khác nhau trong việc thiếu hụt lao động, chính phủ Nhật Bản đã ban hành thêm nhiều chương trình như chương trình thực tập số 3, cho phép tổng thời gian làm việc tối đa của thực tập sinh tại Nhật Bản tăng lên đến 5 năm (visa gia hạn Bago). Tiếp đó là visa Kỹ năng Đặc định (visa Tokutei Ghinou), bao gồm 2 loại là visa Kỹ năng Đặc định loại 1 (thời gian lưu trú là 5 năm) và visa Kỹ năng Đặc định loại 2 (được phép gia hạn thời gian lưu trú không giới hạn số lần và hoàn toàn có  thể xin vĩnh trú khi đủ điều kiện). 

Qua đó, có thể đánh giá rằng trong dài hạn thì Nhật Bản vẫn là một thị trường tiếp nhận lao động đầy chất lượng, an toàn, hiệu quả cho người lao động Việt và cho cả bài toán giải quyết việc làm của nhà nước Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn chưa có hồi kết.

PV