Thế giới có trên 110,7 triệu ca mắc COVID-19
19/02/2021 09:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 369.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 110,7 triệu ca, trong đó trên 2,45 triệu ca tử vong.
Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Internet
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 58.000 ca), Brazil (51.350 ca) và Pháp (22.501 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.180 ca), Brazil (1.279 ca) và Mexico (1.075 ca).
Đại dịch diễn ra đã hơn 1 năm nhưng Trung Quốc và phương Tây vẫn tranh cãi về nguồn gốc đại dịch. Ngày 18/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích một số chính trị gia phương Tây hoài nghi tính công bằng của cuộc điều tra gần đây nhằm truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 do một phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc thực hiện, đồng thời cho rằng sự công bằng không có nghĩa là "theo lệnh của phương Tây".
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, không thiên vị không có nghĩa là giả định phạm tội nhằm vào Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng các quốc gia liên quan cũng có thể tham gia công tác truy tìm nguồn gốc virus này trên toàn cầu một cách tích cực, trên cơ sở khoa học và hợp tác, đồng thời chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ.
Hôm 9/2 vừa qua, nhóm điều tra chung của WHO và Trung Quốc đã kết thúc cuộc điều tra tại Vũ Hán mà không cung cấp bất kỳ thông tin sâu nào về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Ngay sau khi phái đoàn WHO rời khỏi Trung Quốc, nhiều chính trị gia tại Washington đã lập tức lên tiếng bày tỏ thái độ hoài nghi về kết quả điều tra cho dù các kết luận chưa được công bố.
Châu Âu
Ngày 18/2, CH Séc thông báo số bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện trong tình trạng nguy kịch ở mức cao nhất từ trước đến nay với 1.227 ca, trong bối cảnh khả năng điều trị cho những trường hợp như vậy ở nước này đang bị thu hẹp.
Tính đến sáng 18/2, các khu chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện ở CH Séc chỉ còn 14% chỗ trống, trong đó có 154 giường dành cho bệnh nhân COVID-19. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Jan Blatny ngày 17/2 cảnh báo các bệnh viện tại Séc có nguy cơ bị quá tải vì bệnh nhân COVID-19 trong vòng 2 hoặc 3 tuần nữa.
Chính phủ Séc đang phải đối mặt với những chỉ trích từ phe đối lập và một số nhóm dân chúng vì cách ứng phó chưa hiệu quả với dịch bệnh trong bối cảnh nước này hiện ghi nhận tổng cộng hơn 1,2 triệu ca nhiễm với hơn 18.700 ca tử vong do COVID-19.
Nga cho biết nước này có thêm 13.447 ca nhiễm, trong đó có 1.950 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.125.598 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong 24 giờ qua, Nga cũng có thêm 480 người không qua khỏi, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 81.926 ca.
Theo hãng tin Interfax của Nga, nước này dự định sẽ đăng lý lưu hành loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 là CoviVac vào ngày 20/2 tới.
Châu Á
Tính tới 6 giờ sáng 19/2 (giờ Việt Nam), số ca mắc mới của Ấn Độ là 12.540, lại tăng lên trên ngưỡng 10.000 ca/ngày. Trước đó, ngày 18/2, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết số ca nhiễm mới COVID-19 hằng ngày ở nước này đã lần thứ 4 giảm xuống còn dưới 10.000 ca kể từ đầu tháng, trong khi số ca tử vong duy trì ở mức dưới 100 ca/ngày lần thứ 10 tính trong cùng thời điểm.
Hiện tổng số ca nhiễm COVID19 tại Ấn Độ là 10.962.086 ca, trong đó số ca tử vong là 156.121 người.
Bộ Y tế Ấn Độ hiện vẫn duy trì các biện pháp tích cực nhằm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh COVID-19 với nhiều biện pháp tích cực như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang nơi công công, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày. Hiện nay, bên cạnh các biện pháp trên, Ấn Độ cũng đang tích cực triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế, lực lượng cảnh sát, quân đội làm nhiệm vụ chống dịch. Chính phủ Ấn Độ cũng đã có thông báo đến các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế... đang làm việc tại Ấn Độ lập danh sách để chính phủ cân nhắc cung cấp vancine cho đối tượng này sau đợt đầu. Bên cạnh đó, giới chức Ấn Độ cũng đã triển khai chính sách "ngoại giao vancine" khi cung cấp vancine sản xuất trong nước cho nhiều nước trên toàn thế giới.
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng duy trì tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 10 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, nhằm thực hiện chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 một cách suôn sẻ.
Vaccin Covid 19. Ảnh: Reuters
Tại thời điểm hiện nay, số lượng ca nhiễm mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm, trong khi tình hình hệ thống y tế cũng đang dần cải thiện. Ngày 17/2, Nhật Bản chỉ ghi nhận thêm 1.448 ca nhiễm mới và 79 người tử vong vì dịch COVID-19. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo chỉ là 378 ca, Đây là ngày thứ 11 liên tiếp số ca nhiễm mới ở thành phố này ở dưới ngưỡng 500. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia y tế, đà giảm của các ca nhiễm mới vẫn còn chậm, trong khi số lượng ca nhiễm không thể truy vết vẫn tăng nhẹ. Do vậy, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, cho rằng cần phải giảm bớt tình trạng căng thẳng cho các nhân viên y tế càng nhiều càng tốt trong lúc họ vừa phải đối phó với dịch bệnh, vừa cung cấp các dịch vụ y tế thông thường và tiêm phòng vaccine.
Trên 3 triệu trẻ em Mỹ mắc COVID-19
Tại Mỹ, theo báo cáo mới nhất của Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện nhi, trên 3 triệu trẻ em nước này có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chiếm 13% tổng số ca lây nhiễm. Tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 ở trẻ tại Mỹ ghi nhận ở mức cứ 100.000 trẻ thì có 4.030 ca mắc.
AAP cũng ghi nhận sự gia tăng mắc COVID-19 ở trẻ em trong giai đoạn hơn 2 tuần qua (từ 28/1-11/2). Cụ thể, đã có 219.595 ca mắc mới là trẻ em, tương đương với mức tăng 8%. Tỷ lệ bệnh nhi COVID-19 phải nhập viện chiếm từ 1,2% -2,9% trong tổng số ca nhập viện, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ do bệnh dịch này dao động ở mức 0% - 0,25%.
Trước đó, ngày 17/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ đầu tư gần 200 triệu USD nhằm tăng cường giải trình tự gien, xác định các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Hiện Mỹ đi sau hàng chục nước khác trong nỗ lực phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đe dọa đến hiệu quả của công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết tính đến ngày 16/2, Mỹ đã phát hiện 1.277 ca nhiễm biến thể lần đầu được phát hiện tại Anh. Trong đó, đã có ca đầu tiên nhiễm đột biến thường xuất hiện trong các biến thể có nguồn gốc ở Nam Phi, Brazil và được cho là khiến virus có khả năng chống lại các kháng thể do cơ thể người tạo ra. Theo một nghiên cứu được CDC Mỹ công bố cùng ngày 17/2, mô hình hóa dữ liệu cho thấy biến thể tại Anh có nguy cơ phổ biến tại nước này vào tháng 3 tới. Ngoài ra, Mỹ đã ghi nhận 19 ca nhiễm biến thể được phát hiện lần đầu tại Nam Phi và 3 ca nhiễm biến thể có nguồn gốc từ Brazil./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?