Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới ngay từ công đoạn đầu khi lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

03/03/2020 03:57 PM


Ngày 3/3, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong đề nghị Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Lê Thị Nguyệt và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu một số tỉnh/ thành phố; đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ …và một số cơ quan, đơn vị hữu quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Lê Thị Nguyệt cho biết, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp chiến lược để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Hoạt động này ngày càng được quan tâm và đã có những kết quả đáng ghi nhận. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật không chỉ dừng lại ở việc bảo đảm nguyên tắc nam, nữ bình đẳng, không bị phân biệt đối xử về giới mà còn quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, các chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ và trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân. Tuy nhiên công tác này cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều ban soạn thảo chưa thực sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho việc xác định vấn đề giới và lồng ghép giới; trong hồ sơ dự án luật, báo cáo tác động và lồng ghép giới còn chung chung, mang tính hình thức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Lê Thị Nguyệt phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban cũng nêu rõ, tại kỳ họp thứ 9 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Do đó, hồ sơ các dự án luật phải thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện Ủy ban Pháp luật đang tiến hành thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Uỷ ban Về các vấn để xã hội có trách nhiệm phối hợp thẩm tra những dự án luật thuộc lĩnh vực của mình và các nội dung về lồng ghép giới trong các dự án luật. Do đó, tại Hội nghị này, là dịp để Ủy ban lấy ý kiến từ các Bộ, ngành để phục vụ cho việc tham gia thẩm tra.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo về vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật. Cụ thể: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật cư trú; Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo Điều 21 Luật Bình đẳng giới năm 2006, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, chuẩn bị báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo các nội dung: Xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh; Dự báo tác động của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành đối với nữ và nam; Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề giới trong phạm vi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Trong quá trình lập đề nghị xây dựng các Luật và hoàn thiện Hồ sơ, các cơ quan chủ trì soạn thảo đã quan tâm, thực hiện đầy đủ việc lồng ghép bình đẳng giới, phù hợp với quy định của Luật Bình đẳng giới.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, có những dự án Luật được chuẩn bị chi tiết, cụ thể, tuy nhiên vẫn còn dự án Luật sơ sài trong việc đánh giá tác động của một số chính sách. Đối với một số dự án Luật, việc lồng ghép vấn đề giới chưa sâu, vẫn chung chung thì cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, phối hợp với các đơn vị có liên quan để hoàn thành việc đánh giá tác động chính sách và tác động giới một cách kỹ lưỡng, rà soát thêm một bước về trình tự thủ tục để trình ra Quốc hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu rõ, đối với các bộ, ngành cần chủ động tổ chức thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật; thực hiện nghiêm túc việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới ngay từ công đoạn đầu khi thực hiện việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc lập đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng và trong công tác xây dựng pháp luật nói chung. Đồng thời tiếp tục quan tâm, quyết liệt chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; xây dựng kế hoạch chi tiết, khoa học cho việc lập đề nghị xây dựng và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đảm bảo khi đề xuất đưa các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cơ quan chủ trì dự liệu được các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung cũng như tác động của các chính sách.

Bên cạnh đó, cần phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, huy động được sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc xây dựng, ban hành văn bản nói chung, đánh giá tác động của chính sách nói riêng.

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt ghi nhận những ý kiến phát biểu xác đáng, tâm huyết của các đại biểu tham dự. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các, Bộ, ngành trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia đánh giá tác động giới, tác động xã hội; xem xét, đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng Luật, Pháp lệnh. Đồng thời, Ủy ban đề nghị các Cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, Hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Phạm Tú