BHXH Việt Nam đi đầu trong ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử

17/02/2020 09:41 AM


Đây là nhận định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020” do BHXH Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ: Là cơ quan luôn phối hợp với BHXH Việt Nam theo dõi, đánh giá cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và xây dựng Chính phủ điện tử, chúng tôi thấy rằng, trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2017-2019, BHXH Việt Nam đã cắt giảm khoảng 90% TTHC; số giờ thực hiện TTHC cho người dân và doanh nghiệp đã giảm 60% - đây là nỗ lực rất lớn của BHXH Việt Nam.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành của ngành BHXH là một bước đột phá rất quan trọng. BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ gia đình tham gia BHYT, hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung của Ngành. Đây chính là nền tảng CSDL quốc gia rất quan trọng về bảo hiểm theo Quyết định số 74 của Thủ tướng. Trong khi chúng ta chưa xây dựng, hoàn thiện CSDL quốc gia về dân cư, thì việc 86 triệu thẻ BHYT là những căn cứ rất quan trọng để xác thực và định danh.

Khi chúng ta thực hiện Trục liên thông văn bản quốc gia và xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, thì 18 dịch vụ công mà BHXH tham gia rất thành công. Ngành BHXH đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cấp mã số BHXH và quản lý BHYT hộ gia đình; Cổng Thông tin điện tử tích hợp hệ thống giao dịch BHXH điện tử để cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hệ thống thông tin giám định BHYT cũng kết nối liên thông giữa các cơ quan BHXH với gần 100% cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên toàn quốc. Như vậy, có thể nói, các vấn đề gian lận thanh toán BHYT, gian lận KCB vừa qua cũng đã được xử lý cơ bản triệt để, đây là điều rất mừng!.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống thu nộp, chi trả điện tử BHXH, hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống chatbot, trả lời tự động, thắc mắc của người dân, rồi hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH, ứng dụng BHXH trên thiết bị di động. Chúng tôi đánh giá cao Trung tâm Dịch vụ khách hàng phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân và người lao động về vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT. Cùng với đó, chúng tôi cho rằng, ngành BHXH đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, hệ thống thông tin, CSDL với các bộ, ngành rất tốt.

Đặc biệt, năm 2019 đã khai trương CSDL chuyên ngành BHXH, kết nối thông tin quản lý hộ tịch với Bộ Tư pháp trên Trục liên thông để khai sinh, cấp thẻ BHYT cho các cháu dưới 6 tuổi. Cơ quan BHXH cũng là một trong 4 cơ quan, cùng với Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính là những đơn vị đầu tiên thực hiện tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, như việc cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất.

BHXH Việt Nam cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, với các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Đã sử dụng 100% chữ ký số cá nhân trong văn bản phát hành điện tử theo Quyết định số 28/2018 của Thủ tướng. Tính đến ngày 14/2/2020, đã có 109 hồ sơ thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó số lượng hồ sơ thực hiện tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia nhiều nhất trong các bộ, ngành, địa phương. Như vậy, đã có 42.300 bộ hồ sơ và khoảng trên 20.000 văn bản đã được gửi nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Có thể nói, đây là cách quản trị rất thông minh, tiết kiệm chi phí mà ngành BHXH đã thực hiện rất tốt theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Vấn đề liên quan đến xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề xuất: Trước hết, ngành BHXH cần tiếp tục làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu về định danh cá nhân. Tổ chức để trở thành một nhà cung cấp dịch vụ định danh điện tử, một giải pháp định danh và xác thực điện tử không chỉ cho ngành BHXH, mà cung cấp cho các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khác- đây là cơ sở rất quan trọng, là cốt lõi để phục vụ cho xác định định danh.

Thứ hai, đề nghị Ngành tiếp tục tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, nhất là vấn đề đơn giản hóa các TTHC, vấn đề kết nối, tích hợp, đưa các dịch vụ công thiết yếu có số lượng hồ sơ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia tới đây như: Vấn đề cấp khai sinh kết nối toàn quốc; cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, cấp đổi thẻ BHYT mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký thẻ BHYT- làm như vậy sẽ rất thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, đề nghị phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đơn giản hóa quy trình, biểu mẫu báo cáo 6 tháng, 1 năm; tình hình thay đổi lao động để tích hợp, liên thông thủ tục báo tăng, báo giảm lao động của ngành BHXH và khai trình lao động như báo cáo 6 tháng, báo cáo 1 năm.

Thứ tư, nghiên cứu triển khai kết nối nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng đã giao cho các cơ quan, trong đó Văn phòng Chính phủ là tới đây sẽ thực hiện toàn bộ các thanh toán trên Cổng từ thanh toán nộp thuế, phí, lệ phí, thuế trước bạ, hay thuế thu nhập cá nhân, nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ...

Thứ năm, cần lựa chọn các chế độ báo cáo để chuẩn hóa biểu mẫu.

“Việc ngành BHXH thực hiện tốt các nhiệm vụ, đạt được những mục tiêu đặt ra có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chung của Chính phủ, mang đến niềm tin và thu hút người lao động tham gia BHXH. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành của ngành BHXH là một bước đột phá rất quan trọng...” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định./.