Công tác tuyên truyền, truyền thông BHXH, BHYT: 25 năm không ngừng đổi mới, hoàn thiện

13/02/2020 08:25 AM


Ngay từ những ngày đầu thành lập, BHXH Việt Nam đã xác định, tuyên truyền, truyền thông về chính sách BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm. Trải qua 25 năm, công tác này luôn được đẩy mạnh, đổi mới, chuyên nghiệp, ngày càng gần gũi, hấp dẫn hơn với người dân, người lao động; góp phần quan trọng cùng Ngành BHXH hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Hoàn thiện đội ngũ, bộ máy truyền thông

Ngày 16/02/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành Nghị định số 19/CP của Chính phủ thành lập BHXH Việt Nam. Thời kỳ đấu thành lập với nhiều khó khăn, thách thức nhưng công tác tuyên truyền, truyền thông đã được BHXH Việt Nam coi trọng, tổ chức thực hiện với những mô hình sơ khai.

Đội ngũ làm công tác truyền thông Ngành BHXH ngày càng hoàn thiện (Ảnh minh hoạ)

Theo Quyết định số 606/QĐ-TTg ngày 26/9/1995 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam thành lập Phòng Thông tin - Tuyên truyền, là một phòng chức năng thuộc Trung tâm Thông tin - Khoa học (BHXH Việt Nam). Phòng Thông tin - Tuyên truyền thực hiện hai nhiệm vụ chính: Nghiên cứu và thực hiện chức năng chỉ đạo BHXH các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền.

Tháng 01/1999, Bộ Văn hoá - Thông tin cấp phép cho BHXH Việt Nam thành lập Tạp chí BHXH. Tháng 7/2001, Tạp chí BHXH tách khỏi Trung tâm Thông tin - Khoa học, hoạt động độc lập theo Luật Báo chí.

Ngày 06/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo cơ cấu tổ chức mới, Ban Tuyên truyền BHXH và Báo BHXH được thành lập. Ngày 22/8/2008, Ban Tuyên truyền BHXH được đổi tên thành Ban Tuyên truyền.

Đến thời điểm này, công tác tuyên truyền, truyền thông về BHXH, BHYT đã được 3 đơn vị chuyên trách thực hiện gồm: Ban Tuyên truyền, Tạp chí BHXH, Báo BHXH. Cho thấy, sự quan tâm của lãnh đạo BHXH Việt Nam trong công tác này. Từ đó, công tác tuyên truyền, truyền thông ngành BHXH được đẩy mạnh, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới tất cả các nhóm công chúng trong xã hội.

Tại BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH các tỉnh) đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, truyền thông cũng từng bước được kiện toàn với 1 cán bộ chuyên trách và cán bộ kiêm nhiệm ở cấp huyện. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 99/QĐ-BHXH ngày 28/01/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tại BHXH TP.Hà Nội và BHXH TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện thành lập Phòng Tuyên truyền, tiến tới thành lập tại các tỉnh, thành phố khác.

Ngày 31/5/2016, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định 844/QĐ-BHXH, theo đó Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) được thành lập trên cơ sở Ban Tuyên truyền. Cùng với Báo BHXH, Tạp chí BHXH, Trung tâm Truyền thông là đơn vị dự toán cấp 3, có con dấu, tài khoản riêng, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT bước sang một giai đoạn mới, ngày càng chủ động và hiệu quả. Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng đánh dấu việc thay đổi phương pháp tuyên truyền BHXH, BHYT từ việc lặp đi, lặp lại thông tin để thuyết phục đối tượng tham gia sang quá trình truyền thông: giao tiếp, chia sẻ, trao đổi, phản hồi thông tin giữa cơ quan BHXH với người tham gia nhằm đạt được sự hiểu biết, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tiếp nhận.

Năm 2019, thực hiện Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 10/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, BHXH Việt Nam đã triển khai thí điểm điều chỉnh nhiệm vụ và tên gọi từ Phòng Khai thác và thu nợ thành Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng tại BHXH tỉnh Yên Bái, BHXH tỉnh Đồng Nai từ ngày 01/10/2019 và triển khai thực hiện trên toàn quốc từ ngày 01/01/2020. Như vậy, từ đây công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương đã được giao cho một phòng chuyên môn thực hiện, gắn công tác tuyên truyền với phát triển đối tượng.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền thông

Cùng với sự kiện toàn tổ chức, đội ngũ, công tác truyền thông ngành BHXH cũng ngày càng đa dạng, phong phú, hấp dẫn. 25 năm qua nội dung tuyên truyền, truyền thông về BHXH, BHYT không ngừng được cập nhật, mở rộng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua việc phổ biến, giải thích, làm rõ các chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp luật liên quan.

Nội dung truyền thông đã tập trung phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; nêu bật lợi ích của BHXH, BHYT đối với mỗi người dân và toàn xã hội; làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, trường học, doanh nghiệp... trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Biểu dương và ghi nhận tinh thần nỗ lực của ngành BHXH, ngành y tế, các ban, ngành chức năng trong thực hiện kịp thời, đúng quy định chế độ, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Khẳng định những đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Chú trọng tuyên truyền, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Đấu tranh, phê phán nhận thức lệch lạc, phản bác các luận điệu xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT; những hành vi vi phạm về pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...

Hình thức, phương pháp tuyên truyền, truyền thông chính sách BHXH, BHYT đa dạng, nhiều mầu sắc. Nếu như năm 2009, BHXH Việt Nam mới chỉ phối hợp tuyên truyền với 09 Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thì đến năm 2019 đã nâng tổng số đơn vị phối hợp lên 18 Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội với 25 đầu mối phối hợp. Ngành BHXH đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông quốc gia, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phượng triển khai các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí truyền thông, hướng tới các nhóm đối tượng độc giả, khán - thính giả trong cả nước. Bên cạnh các thể loại báo chí truyền thống, các hình thức mới cũng được đẩy mạnh như: các bài thông tin dưới dạng đồ họa (Infographic), các bài viết theo hình thức siêu tác phẩm báo chí (Mega Story), Media clip, đối thoại, tòa đàm trực tuyến, clip tin tức,… được thực hiện một cách công phu mang tính trực quan, dễ dàng tiếp nhận đối với công chúng. Kết quả trong gần 25 năm qua, các cơ quan truyền thông đại chúng đã sản xuất, đăng tải hàng triệu tin, bài, phóng sự, các chương trình tọa đàm, đối thoại... góp phần tuyên truyền rộng rãi, đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống.

Đa dạng, hấp dẫn, luôn kịp thời áp dụng, cập nhật hình thức truyền thông mới

Bên cạnh công tác phối hợp, những năm qua, ngành BHXH cũng có những ấn phẩm, kênh riêng trong tuyên truyền, truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang có 2 ấn phẩm báo chí hoạt động: Báo BHXH (2 kỳ/tuần và 1 ấn phẩm cuối tháng, tăng 1 kỳ/tuần so với thời điểm thành lập); Tạp chí BHXH (2 kỳ/tháng, tăng 1 kỳ/tháng so với thời điểm thành lập). Cả 2 ấn phẩm này cũng đều có Trang thông tin điện tử trên môi trường internet và Trang nhóm (group) trên mạng xã hội. Công tác tuyên truyền, truyền thông BHXH, BHYT còn được thực hiện qua Cổng TTĐT BHXH Việt Nam phiên bản tiếng Việt (được nâng cấp từ Trang tin điện tử BHXH Việt Nam, thành lập năm 2010) và Cổng TTĐT BHXH Việt Nam phiên bản tiếng Anh (thành lập năm 2017).

Các ấn phẩm, kênh truyền thông trên đã phát huy vai trò chủ lực, là đầu mối cung cấp thông tin về BHXH, BHYT. Trong 25 năm qua, các ấn phẩm, kênh truyền thông đã sản xuất, biên tập, đăng tải hàng trăm nghìn tin, bài, văn bản về chính sách pháp luật BHXH, BHYT; tiếp cận đến hàng chục triệu độc giả, trở thành diễn đàn, người bạn tin cậy của người dân, người lao động, người sử dụng động trong lĩnh vực thông tin về BHXH, BHYT.

Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng trong bối cảnh công nghệ 4.0, BHXH Việt Nam cũng xây dựng, vận hành thử nghiệm Fanpage BHXH Việt Nam trên mạng xã hội Facebook. Hết năm 2019, sau 9 tháng thử nghiệm, Fanpage BHXH Việt Nam đã đăng tải hơn 350 tin, bài, ảnh, video (phóng sự) về BHXH, BHYT, thu hút được gần 8.000 lượt thích (like), theo dõi (follow), gần 3 triệu lượt người tiếp cận các thông tin và tư vấn, trả lời những vướng mắc liên quan tới BHXH, BHYT cho 450 người.

Tại các địa phương, Trang tin điện tử BHXH các tỉnh hằng năm đăng tải hàng ngàn tin, bài, văn bản tuyên truyền về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT; qua đó, thu hút được hàng triệu lượt người truy cập mỗi năm.

Ngoài các ấn phẩm báo chí, trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động biên tập và phát hành hàng trăm triệu tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, truyền thông về BHXH, BHYT. Nội dung các ấn phẩm được biên tập và phát hành phù hợp với từng nhóm đối tượng, đảm bảo đúng theo các văn bản pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Đặc biệt, ngày 31/8/2017, BHXH Việt Nam đã khai trương Hệ thống chăm sóc khách hàng với đầu số 1900.96.9668 hoạt động 24/24h, 7 ngày trong tuần. Từ ngày 01/01/2019, Hệ thống chuyển sang đầu số 1900.9068. Từ khi đi vào hoạt động đến tháng 11/2019, Hệ thống chăm sóc khách hàng đã tiếp nhận và trả lời 204.096 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp còn được tư vấn, hỗ trợ, giải đáp chính sách BHXH, BHYT thông qua Hệ thống trả lời tự động (chatbot).

Hệ thống chăm sóc khách hàng và Hệ thống trả lời tự động đi vào hoạt động đã tạo ra tác động tích cực rất lớn và quan trọng tới việc nâng cao khả năng hỗ trợ người dân, tổ chức khi tương tác với cơ quan BHXH. Thông qua Hệ thống các câu hỏi, vướng mắc của cá nhân, tổ chức được giải quyết nhanh chóng; qua đó nâng cao chất lượng phục vụ, giảm chi phí chung của xã hội, nâng cao uy tín của Ngành trong quá trình truyền thông chính sách với người dân, tổ chức.

“Mỗi cán bộ BHXH là một tuyên truyền viên BHXH, BHYT”

Bên cạnh các phương pháp truyền thông nêu trên, những năm gần đây, BHXH Việt Nam phát động phong trào ”Mỗi cán bộ BHXH là một tuyên truyền viên BHXH, BHYT”.

Theo đó, yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH không chỉ làm tốt nghiệp vụ, chuyên môn mà còn phải tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, truyền thông, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Hưởng ứng phong trào, BHXH nhiều tỉnh, thành phố đã giao chỉ tiêu: Mỗi cán bộ trong 1 tháng, 1 quý, 1 năm phải phát triển, vận động được số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhất định.

Mỗi cán bộ BHXH là 1 tuyên truyền viên, gắn bó, gần gũi với người dân

Các cán bộ BHXH đều tranh thủ ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ đến từng nhà người dân, người lao động truyền thông, vận động người dân, người lao động tham gia BHXH, BHYT. Nhiều người tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng, từ thiện; kêu gọi, thành lập các phong trào biến phế liệu, đổi sản phẩm thành thẻ BHYT; góp vốn xoay vòng tham gia BHXH tự nguyện với người có hoàn cảnh khó khăn… Từ đó, tạo sự tin yêu, lan toả trong cộng đồng về hình ảnh cán bộ ngành BHXH, giá trị nhân văn, chia sẻ của chính sách BHXH, BHYT. Qua những cách làm hay, sáng tạo, thân thiện, nhiều cán bộ ngành BHXH đã vận động được hàng chục, hàng trăm người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trong 1 quý, 1 năm.

Với cấp số nhân, thành tích của hàng chục nghìn cán bộ đã góp phần không nhỏ giúp ngành BHXH trong năm 2019, phát triển được số người tham gia BHXH tự nguyện tăng “đột biến”, bằng cả quá trình 10 năm trước cộng lại. Cho thấy đây là một kênh truyền thông hiệu quả, nhất là trong thời đại người dân, người lao động có thể tiếp cận với rất nhiều thông tin cả tích cực và tiêu cực về chính sách BHXH, BHYT, đôi khi tạo ra tâm lý hoang mang, mất niềm tin. Khi đó, phương pháp truyền thông trực tiếp qua đối thoại, tư vấn, gặp gỡ, trò chuyện của cán bộ BHXH mang lại sự tin tưởng và hiệu quả cao hơn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của phương thức truyền thông này, ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1676/QĐ-TTg ban hành Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Trong đó xác định: Đổi mới về hình thức tuyên truyền, tăng cường tiếp cận tuyên truyền BHXH dựa trên nền tảng công nghệ song song với hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp. Phối hợp đồng bộ các hình thức tuyên truyền trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường phương pháp tuyên truyền đa chiều, kết hợp, dựa trên bằng chứng thay vì một chiều, đơn lẻ.

Có thể thấy, 25 năm qua, công tác tuyên truyền, truyền thông ngành BHXH đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện; đồng hành cũng Ngành BHXH đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều này thể hiện qua số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng tăng cao; Quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được bảo toàn và phát triển; quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng được được bảo đảm.

Cụ thể, nếu như năm 1995, ngành BHXH mới quản lý 2,2 triệu lao động thì đến hết năm 2019, toàn quốc tổng số người tham gia BHXH bắt buộc đã là 15,7 triệu người; 570 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện và 85,6 triệu người tham gia BHYT. Đến cuối năm 2018, tổng số kết dư quỹ BHXH đã tăng gấp 100 lần so với năm 1998. Quỹ BHXH đã trở thành quỹ tài chính công có quy mô hàng đầu Việt Nam, đảm bảo đủ nguồn lực chi trả các chế độ cho người tham gia. Hàng tháng, ngành BHXH giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho hàng triệu lượt người. Mỗi năm có trên 100 triệu lượt người được đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT với chi phí hàng chục ngàn tỷ đồng… góp phần quan trọng vào nền an sinh xã hội của đất nước./.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh