Cách ly những người trở về Việt Nam từ vùng có dịch là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch vào Việt Nam.

05/02/2020 08:34 PM


Chiều 05/02, Bộ Y tế tổ chức họp cung cấp thông tin diễn biến về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Cách ly những người trở về Việt Nam từ vùng có dịch là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cuộc họp cung cấp thông tin chiều 5/2 tại Hà Nội

24.567 ca mắc nCoV

Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận 24.567 ca mắc, 493 trường hợp tử vong, trong đó riêng tại Trung Quốc có 491 trường hợp, Hồng Kông có 01 trường hợp và Philippines là 01 trường hợp.

Còn tại Việt Nam, tính đến thời điểm này  đã có 10 ca dương tính với nCoV, trong đó có 3 trường hợp đã điều trị khỏi và được ra viện. Trong 10 bệnh nhân được xác định dương tính với nCoV, đa phần là những người  đến từ vùng dịch, hoặc người quá cảnh tại Vũ Hán. Chỉ có 2 công dân Việt Nam  có tiền sử tiếp xúc gần với những người đã được xác định dương tính với nCoV kể trên nhiễm bệnh.

Bộ Y tế đã công bố số điện thoại 2 đường dây nóng và 21 số điện thoại đường dây nóng của các bệnh viện trên cả nước tiếp nhận thông tin cũng như tư vấn cách phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn cho các bệnh viện, cơ sở y tế để cách ly, điều trị những trường hợp mắc hoặc nghi mắc bệnh, ban hành nhiều  khuyến cáo cách phòng ngừa dịch bệnh tới người dân.

Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: Dịch nCoV bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, đến nay, các ca nhiễm tăng rất nhanh, con số tử vong cũng tăng hàng ngày. Tuy nhiên, hôm nay (05/02), thông tin từ Trung Quốc cho thấy có dấu hiệu lạc quan là số nghi nhiễm giảm so với trước, số bệnh nhân khỏi tăng lên.

Việt Nam chữa thành công ca đầu tiên là niềm vui không chỉ ở nước ta. Trước đó, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.

Về điều trị, đầu tiên là điều trị triệu chứng, sốt hạ sốt, ho trị ho, kèm theo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Theo dõi thật sát hô hấp, nếu phát hiện tình trạng suy hô hấp sẽ phải can thiệp ngay. Mức nhẹ cho thở oxy; mức 2 can thiệp hỗ trợ; mức 3 cho thở máy. Không phải ai cũng phải thở máy. Khi tổng kết 10 trường hợp, đa phần bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, duy nhất có bệnh nhân Trung Quốc có bệnh lý nền mới cho thở oxy.

Bộ Y tế đã thận trọng đưa ra phác đồ điều trị đồng thời mở cửa học tập các phương thức ở nước ngoài. Vì vậy, phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận với phương thức của thế giới, tương tự việc điều trị dịch SARS trước đây.

Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng

Về phương án điều trị, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các bệnh viện trung ương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Ngay đối với các bệnh viện này, cũng đã dự trữ 3.000 giường bệnh, các bệnh viện tại Hà Nội dự trữ 2.000 giường bệnh. Vì vậy chúng ta chưa cần xây bệnh viện dã chiến, mà sử dụng bệnh viện sẵn có.

"Chúng ta không giấu dịch, không che giấu bất kỳ thông tin nào. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng không thể giấu được. Mạng xã hội có những thông tin không đúng, chúng ta phải bình tĩnh. Chẳng hạn những thông tin như cần tích trữ lương thực, thậm chí cả vàng là không đúng", GS.TS Nguyễn Thanh Long khuyến cáo.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, rất may là qua các nghiên cứu của nhà khoa học cho thấy người đã bị nhiễm virus Corona và được chữa khỏi bệnh thì sẽ khó có khả năng tái nhiễm, có thể miễn dịch được trong 2 năm. Ngoài ra, việc chữa trị cho bệnh nhân mắc virus Corona, theo quy định của Luật Truyền nhiễm sẽ miễn phí việc điều trị đến khi khỏi bệnh.

Ông Long thông tin: Bộ Y tế đã chỉ đạo chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Ngay cả các bệnh viện trung ương tuyến cuối chúng tôi cũng chuẩn bị hàng nghìn giường bệnh. Chúng ta không xây bệnh viện dã chiến mà sử dụng luôn các bệnh viện. Sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân trong tình trạng xấu nhất.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết: Vấn đề khẩu trang đang nhận nhiều sự quan tâm. Chúng ta nên theo khuyến cáo của WHO. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân khi nào dùng khẩu trang y tế và khi nào dùng khẩu trang thông thường để dự phòng nhiễm hoặc phát tán dịch bệnh ra nơi đông người.

Về xét nghiệm, Việt Nam đủ năng lực để thực hiện các xét nghiệm. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập huấn chuyên môn, tập huấn nhanh nhất, chuyển giao kỹ thuật nhanh nhất để nhiều nơi có thể xét nghiệm được, như Quảng Ninh có thể xét nghiệm được virus Corona.

Đối với việc hạn chế và cách ly những người trở về Việt Nam từ vùng có dịch, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng đây là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch vào Việt Nam.

Kết luận cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, lần này chúng ta đã đối phó với dịch bệnh nCoV rất chủ động, đã chuẩn bị tất cả các phương án để đối phó với dịch. Điều rất quan trọng là sự chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch, sự phối hợp nhịp nhàng giữa  các ngành, Ban chỉ đạo Quốc gia 2 ngày họp 1 lần, giải quyết các vấn đề thực tiễn để làm sao có thể triển khai đồng bộ các biện pháp với  tinh thần hạn chế tối đa lây nhiễm NcoV. Thủ tướng đã nói, chúng ta có thể chấp nhận hy sinh một số  lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Bởi  sức khỏe của người dân là quan trọng.

Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ khai trương một app và 1 Cổng thông tin của Bộ Y tế, tất cả thông tin sẽ được cập nhật, chia sẻ, rất mong những thông tin chính xác và hiệu quả nhất sẽ đến được với người dân./.

PV