Đưa chính sách BHXH, BHYT đến gần hơn với người dân, người lao động

31/12/2019 01:50 PM


Kết thúc năm 2019, BHXH Việt Nam hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao như: Phát triển người tham gia, tăng thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Đóng góp quan trọng vào thành tích đó là công tác truyền thông của Ngành không ngừng được đổi mới, phát huy hiệu quả tốt. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đã có cuộc chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam nhìn lại 1 năm thực hiện công tác này.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh

PV: Là lãnh đạo Ngành phụ trách công tác truyền thông, Phó Tổng Giám đốc đánh giá thế nào về việc triển khai, thực hiện truyền thông chính sách BHXH, BHYT của Ngành một năm qua?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh:

Năm 2019 là năm bản lề thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH, cũng là năm tiếp tục thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Do đó, ngay từ đầu năm, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch nhằm định hướng rõ nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT tại Trung ương và tại BHXH các tỉnh. Ngoài ra, tùy theo từng thời điểm, BHXH Việt Nam còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác truyền thông có trọng tâm, trọng điểm như: tổ chức các hoạt động truyền thông nhân kỷ niệm ngày BHYT Việt Nam (1/7); hướng dẫn tuyên truyền BHYT học sinh-sinh viên nhân dịp đầu năm học mới 2019-2020...

Có thể nói công tác truyền thông về BHXH, BHYT năm 2019 là một bức tranh đầy mầu sắc với sự chỉ đạo toàn diện, kịp thời của lãnh đạo Ngành; sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố, nhất là sự tham mưu của Trung tâm Truyền thông; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí; sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Công tác truyền thông BHXH, BHYT năm 2019 là một bức tranh đầy mầu sắc (Ảnh minh hoạ)

Nội dung truyền thông đã khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội; làm rõ những vấn đề căn bản, cốt lõi của các điều luật về BHXH, BHYT, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách BHXH, BHYT, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Các hình thức thông tin, truyền thông ngày càng đa dạng, phong phú, tạo được điểm nhấn và thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, người lao động. Tập thể công chức, viên chức của Ngành luôn đoàn kết, thống nhất trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; không ngừng nâng cao về trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT.

PV: Với sự chỉ đạo, phối hợp, nỗ lực đó, năm 2019, công tác truyền thông ngành BHXH đã được những kết quả cụ thể nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh:

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2019, toàn quốc đã có trên 13.000 tin, bài, phóng sự, toạ đàm, chuyên trang, chuyên mục, chương trình... phản ánh về việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và các hoạt động của Ngành được đăng tải trên các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương (tăng hơn 30% so với năm 2018, bình quân mỗi ngày có từ 30 đến 50 tin, bài được các cơ quan báo chí phản ánh).

Công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Ngành (Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam; Báo BHXH; Tạp chí BHXH và hệ thống Trang Thông tin điện tử BHXH các địa phương) được tăng cường. Chỉ tính riêng Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, trong năm 2019, đã tổ chức sản xuất, biên tập, đăng tải gần 4.000 tin, bài, văn bản về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thu hút khoảng 23 triệu lượt truy cập (tăng hơn 4 triệu lượt với năm 2018 và gấp đôi so với năm 2017).

Tổ chức các đợt ra quân truyền thông BHXH, BHYT

Công tác phối hợp truyền thông với các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội năm 2019 cũng có sự khởi sắc. Toàn quốc đã tổ chức hơn 20.000 hội nghị, đối thoại, tư vấn, tọa đàm tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thu hút khoảng hơn 2.000.000 lượt người là cán bộ, hội viên, đoàn viên, thanh niên, người sử dụng lao động và người lao động tham dự. Đặc biệt, ngành BHXH đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức hơn 11.000 hội nghị tư vấn trực tiếp cho nhóm đối tượng tại cơ sở, qua đó góp phần phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có sự gia tăng đột biến. Tính đến hết tháng 11/2019, cả nước có 533 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 113% kế hoạch giao và tăng hơn gấp đôi so với năm 2018.

Từ tháng 4/2019, Fanpage BHXH Việt Nam ra mắt - đánh dấu bước tiến mới trong việc ứng dụng, bắt kịp xu thế thời đại công nghệ 4.0 vào công tác truyền thông của Ngành. Sau hơn 8 tháng triển khai, Fanpage BHXH Việt Nam đã đăng tải hơn 300 tin, bài, ảnh, video (phóng sự) về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, thu hút khoảng 8.000 lượt thích (like), 8.000 lượt người theo dõi (follow), khoảng 2 triệu lượt người tiếp cận các thông tin và hơn 500 người được hỗ trợ tư vấn, giải đáp chính sách BHXH, BHYT. Năm 2019, Hệ thống chăm sóc khách hàng đã tiếp nhận và trả lời 251.320 cuộc gọi thành công của người dân, doanh nghiệp qua đầu số 1900.9068, tăng 92.969 cuộc so với năm 2018…

Tuyên truyền, truyền thông trực tiếp tại nhà người dân

PV:  Từ những nền tảng, kết quả đạt được, Phó Tổng Giám đốc cho biết thời gian tới, BHXH Việt Nam có những phương hướng, nhiệm vụ gì để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh:

Những kết quả trong công tác truyền thông BHXH, BHYT năm 2019 đã góp phần quan trọng cùng Ngành BHXH hoàn thành toàn diện những nhiệm vụ được giao; đưa các chính sách đến gần hơn với người dân, người lao động.

Tuy nhiên, công tác này cũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc phối hợp trong hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật, chính sách BHXH, BHYT giữa BHXH các tỉnh và một số sở, ban, ngành tại địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông tại BHXH các tỉnh, thường xuyên có sự thay đổi ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai thực hiện công tác tuyên truyền tại địa phương. Một số ít địa phương chưa chú trọng hình thức truyền thông, phản ánh gắn với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng BHXH, BHYT. Đặc biệt các nhóm đối tượng có nhiều khó khăn, hạn chế như dân tộc thiểu số, các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn... chưa có biện pháp truyền thông cụ thể, sát đối tượng.

Tuyên truyền, truyền thông đến tiểu thương, hộ kinh doanh

Vì vậy, để thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong năm 2020, BHXH Việt Nam xác định, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt; chủ động phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể… xây dựng đề án truyền thông theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trong đó, nghiên cứu, đưa ra những giải pháp đổi mới công tác truyền thông cả về nội dung và hình thức phù hợp, thân thiện hơn với từng người dân, hướng tới truyền thông trên mạng xã hội, nền tảng điện thoại, tin nhắn. Phát huy lợi thế những hình thức truyền thông đã khẳng định được thành công trong thực tiễn, như: hình thức đối thoại, tọa đàm, hội thi tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT với công nhân, nông dân, phụ nữ, học sinh, sinh viên. Tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn ở địa bàn đông dân cư.

Sân khấu hoá các thông điệp truyền thông về BHXH, BHYT

Bên cạnh đó, Ngành sẽ chú trọng tổ chức các hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông BHXH, BHYT cho đội ngũ làm công tác truyền thông, đặc biệt là cho đội ngũ cán bộ tại Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng của BHXH các tỉnh. Tăng cường tổ chức hội nghị tập huấn bài bản, chuyên nghiệp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên song song với việc tổ chức linh hoạt các hình thức tập huấn khác cho đối tượng là cộng tác viên tuyên truyền như cán bộ trực tiếp làm công tác chính sách BHXH, BHYT, y sĩ, y tá, điều dưỡng viên, trưởng thôn, trưởng xóm, chủ sử dụng lao động, doanh nhân… Quản lý, vận hành và triển khai có hiệu quả dịch vụ chăm sóc khách hàng. Thực hiện việc hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chính sách cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân thông qua hệ thống Call Center. Tăng cường hiệu quả truyền thông trên Cổng Thông tin điện tử.

BHXH Việt Nam cũng tiếp tục đổi mới công tác biên tập ấn phẩm truyền thông BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, ngôn ngữ biểu đạt phù hợp với nhận thức của người dân, đặc biệt là phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sống của người dân theo phương châm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

Phạm Chính (Thực hiện)