Quốc hội thảo luận về việc sử dụng vũ khí, quản lý xuất, nhập cảnh

14/11/2019 06:03 PM


Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình và làm rõ một số nội dung liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu và điều hành phiên họp. Nguồn ảnh: Daibieunhanhdan.vn

Xử lý hình sự với hành vi sử dụng vũ khí có tác dụng tương tự vũ khí quân dụng

Tại Phiên thảo luận, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Chính phủ, đa số các đại biểu đồng tình với tờ trình tại Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, việc xử lý hình sự về các hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, chiếm đoạt trái phép các loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng là hết sức cần thiết, thể hiện chính sách hình sự nhất quán ở nước ta.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi) ủng hộ quan điểm cần sửa đổi Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 2017 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đại biểu cho biết, từ thực tế quy định này, nhiều địa phương đã gửi văn bản xin ý kiến của Tòa án nhân dân Tối cao đối với những vụ việc sử dụng súng hoa cải, súng săn hay các loại súng khác làm chết người, gây thương tích, nhưng không phải vũ khí quân dụng nên các địa phương chưa xử được.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung sung Điều 3 của Luật là cần thiết và phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, không để khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với những hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Về phạm vi sửa đổi bổ sung, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các ý kiến cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật như trong tờ trình, đồng thời, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi thêm các quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Tăng cường công tác quản lý xuất, nhập cảnh

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các ĐBQH dành sự quan tâm đến Khoản 3, Điều 46, dự thảo Luật: “Giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”. ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị, cân nhắc kỹ quy định này, vì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh và điều kiện không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh không có ý nghĩa thực tiễn. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh, việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ.

Bộ trưởng Bộ Công an giải trình và làm rõ một số nội dung tại Quốc hội. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Một số ĐBQH cũng nhất trí rằng, quy định miễn thị thực cho người nước ngoài ở các khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh khi mà việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) bổ sung thêm, không phải cứ miễn thị thực là thu hút khách du lịch mà vấn đề là thu hút khách du lịch bằng sản phẩm du lịch, môi trường tốt và bảo tồn di sản văn hóa. Hơn nữa, càng mở cửa du lịch thì càng phải tăng cường công tác quản lý xuất, nhập cảnh chặt chẽ bảo đảm an toàn cho xã hội, an ninh cho đất nước và cho chính khách du lịch. Đặc biệt pháp luật nước ta đã quy định khu kinh tế ven biển không được miễn thị thực./.

PV