Hội thi tuyên truyền viên BHXH, BHYT khu vực miền núi phía Bắc: Đậm đà bản sắc vùng cao

27/10/2019 11:04 AM


Ngày 27/10, tại Thái Nguyên, Hội thi tuyên truyền viên BHXH, BHYT khu vực miền núi phía Bắc đã diễn ra sôi nổi, đậm đà bản sắc vùng cao với sự tham gia của 12 đội đến từ BHXH các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái.

Tham dự hội thi có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng; đại diện một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam; lãnh đạo và đông đảo CCVC của BHXH 12 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh trao giải Nhất cho BHXH tỉnh Thái Nguyên

Nhiều thông điệp ý nghĩa

Mỗi BHXH tỉnh tham gia cuộc thi với 02 tiết mục: Văn nghệ và Tiểu phẩm tuyên truyền. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thị Thủy - Trưởng Ban Giám khảo đánh giá: Khán giả có mặt tại Hội thi thực sự bất ngờ khi được chứng kiến và thưởng thức nhiều tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ rất đặc sắc do các cán bộ ngành BHXH biểu diễn.Thông qua các tiết mục biểu diễn, các cán bộ, CCVC ngành BHXH đã thể hiện không những nắm chắc về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ tuyên truyền; đồng thời rất tài năng về biểu diễn nghệ thuật và có tinh thần nhiệt huyết công tác BHXH, BHYT, được hể hiện rõ nét qua  lời thoại, lời ca, tiếng hát và trong từng nội dung thi của các đội dự thi”

Phần thi Tiểu phẩm, các đội thi đem đến cho Hội thi những cảm xúc đặc biệt, nhất là khi các diễn viên không chuyên với tài năng diễn xuất và ca, hát của mình đã xây dựng lên những tiểu phẩm với nội dung sâu sắc, sát thực tiễn và đi vào lòng mọi người. Thông qua hình thức sân khấu hoá, các tiểu phẩm đã tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT; ý nghĩa, giá trị, tính nhân văn của BHXH, BHYT trong chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội, ổn định chính trị, phát triển bền vững đất nước; tuyên truyền về truyền thống vẻ vang, những thành tựu nổi bật của ngành BHXH; đồng thời phản ánh tình hình thực tiễn thuận lợi, khó khăn về công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh trao giải Nhì cho BHXH tỉnh Lào Cai và BHXH Sơn La

Đội chủ nhà BHXH tỉnh Thái Nguyên với tiểu phẩm “Tôi quyết” là câu chuyện mộc mạc, gắn liền với đời sống người dân. Cuộc tranh luận của đôi vợ chồng già về lợi ích của tấm thẻ BHYT bị ngắt quãng giữa chừng khi có cuộc điện thoại thông báo người nhà phải nhập viện mổ với chi phí cao mà không có thẻ BHYT. Từ lo lắng, hốt hoảng cho đến nhẹ nhõm khi biết cô con gái là tuyên truyền viên của BHXH tỉnh cho biết đầu năm đã mua thẻ BHYT cho cả gia đình đã được “diễn” hết sức chân thực với những thông điệp ý nghĩa về việc tham gia BHYT hộ gia đình.

Tiểu phẩm “Ông trời có mắt” của BHXH tỉnh Lai Châu thể hiện hoàn cảnh của anh Công - là công nhân xây dựng bị tai nạn lao động, anh được BHYT thanh toán viện phí, được trợ cấp hàng tháng thể hiện rất rõ “BHXH, BHYT là niềm tin cho mọi gia đình”.

Hay Tiểu phẩm “Tấm bùa hộ mệnh” của BHXH tỉnh Bắc Kạn nêu bật lên được sự cần thiết của tấm thẻ BHYT với mỗi gia đình khi nói về khó khăn của một gia đình có người chồng bị tai nạn mà lại không tham gia BHYT. Mọi chuyện tưởng lâm bế tắc, nhưng bất ngờ lại được cứu vãn bởi sự lo xa của cô con dâu tương lai. Câu chuyện cũng thể hiện nỗi lòng của cô cán bộ ngành BHXH khi vận động mọi người tham gia BHXH, BHYT nhưng lại bị chính những người thân yêu nhất của mình từ chối. Là cán bộ BHXH, am hiểu rõ lợi ích của tấm thẻ BHYT, nên trước đó cô con dâu đã đăng ký tham gia BHYT cho cả gia đình.

“Cây BHXH tự nguyện” của BHXH tỉnh Lào Cai.

Tiểu phẩm "Cái tốt về bản” với hình ảnh “cây BHXH tự nguyện" của BHXH tỉnh Lào Cai nêu bật ý nghĩa: khi tham gia BHXH tự nguyện ta gieo hạt mầm nhỏ, 20 năm sau cây lớn cho ta trái ngọt, quả lành. Đồng bào cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ đã mang chính sách BHXH BHYT đến với người dân vùng cao. Câu chuyện là cách ví von, hình ảnh gần gũi, dễ hiểu với người dân vùng cao đã truyền tải những thông điệp về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, được khán giả đánh giá cao.

Đậm đà bản sắc vùng cao

Trong phần thi văn nghệ, thông qua các màn hát múa các đội thi đã mang đến những nét văn hóa đặc sắc của vùng, miền địa phương của mình được thể hiện qua nội dung các ca khúc, điệu múa, trang phục biểu diễn tạo nên những không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Khán giả tham gia hội thi như được hòa mình các điệu múa khèn, múa xòe rộn rã, không khí mùa xuân, niềm vui ngày mùa của người dân vùng cao trong màn hát múa “Hương sắc vùng cao” của BHXH tỉnh Hà Giang, tiết mục hát múa của BHXH tỉnh Bắc Kạn. Các tiết mục đã đem đến tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả.

“Vũ điệu vào mùa” của BHXH tỉnh Lai Châu đã thể hiện sâu sắc truyền thống văn hóa của người bản Cống - niềm tự hào lưu giữ tâm hồn cho bao thế hệ với giai điệu rộn ràng, vui tươi, trang phục đẹp.

Tiết mục “Vũ điệu vào mùa” của BHXH tỉnh Lai Châu

Điệu dân vũ dân gian độc đáo được đồng bào dân tộc Dao sử dụng trong các dịp lễ hội như lễ hội “Cầu Mùa” đã được BHXH tỉnh Điện Biên thể hiện đặc sắc. Chỉ với những động tác múa như điệu đánh mài dao, phát nương, dọn rẫy, tra mố, hái lượm... nhưng đã được thể hiện đặc biệt sinh động, hấp dẫn. Điệu múa “Cầu Mùa” không chỉ thể hiện ước nguyện của con người, cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa mà còn là vũ điệu thể hiện ước vọng hòa bình và mong muốn của con người về sự đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

Tiết mục múa dân tộc Dao “Cầu mùa” của BHXH tỉnh Điện Biên

Tiết mục hát múa “ATK nhớ mãi tên người” của BHXH tỉnh Thái Nguyên, “Sơn La đón Bác Hồ về” của BHXH tỉnh Sơn La được dàn dựng công phu đã để lại trong lòng người xem ấn tượng sâu sắc về lòng biết ơn Bác của người dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, qua gần 25 năm xây dựng và phát triển, chính sách BHXH, BHYT đã khẳng định được vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và trở thành chỗ dựa tài chính vững chắc cho người lao động. Ngành BHXH đang nỗ lực hoàn thiện mình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng sự hài lòng của người dân trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Trong chiến lược phát triển đó, Ngành xác định cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp đối với chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Thông qua Hội thi lần này giúp cán bộ Ngành không chỉ thêm tự hào về Ngành, mà còn tạo động lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. 

“Đây còn là cơ hội để các địa phương học tập, trao đổi những kỹ năng truyền thông, phát hiện những gương điển hình tiên tiến, nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách TTHC, tuyên truyền vận động người dân tham gia BHHX, BHYT. Tôi mong rằng, những tiết mục của ngày hôm nay sẽ không chỉ xuất hiện trên sân khấu, mà còn đi vào thực tiễn trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, để người dân và doanh nghiệp ngày càng hiểu rộng, hiểu sâu hơn về chính sách BHXH, BHYT” - Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Tiết mục văn nghệ của BHXH tỉnh Thái Nguyên

Kết thúc Hội thi, Giải Nhất được trao cho BHXH tỉnh Thái Nguyên; 02 giải Nhì được trao cho BHXH tỉnh Sơn La và BHXH tỉnh Lào Cai; 03 giải Ba được trao cho BHXH tỉnh Tuyên Quang, BHXH tỉnh Hà Giang và BHXH tỉnh Lai Châu. Ngoài ra, đội BHXH tỉnh Điện Biên và BHXH tỉnh Lào Cai là hai đội đạt giải đội thi có tiết mục văn nghệ và tiểu phẩm xuất sắc nhất.

Hội thi thực sự trở thành ngày hội, là dịp để cán bộ, viên chức, người lao động ngành BHXH các tỉnh miền núi phía Bắc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về công tác tuyên truyền BHXH, BHYT; đồng thời cũng là dịp để cán bộ ngành BHXH thể hiện trí tuệ, tài năng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, niềm tự hào về truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển của BHXH Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội thi:

 

ĐH