Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được xây dựng trên tinh thần điều chỉnh những nội dung mới, phù hợp với thực tiễn

28/04/2019 08:34 AM


Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng: Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này được xây dựng trên tinh thần điều chỉnh bãi bỏ những nội dung không phù hợp; điều chỉnh những nội dung mới, phù hợp với thực tiễn. Quan điểm của Bộ khi xây dựng các dự án luật, pháp lệnh sửa đổi là đánh giá cụ thể, chặt chẽ về những tác động, ảnh hưởng liên quan đến luật trước khi ban hành.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp.

Vừa qua, tại TP.HCM, Ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 12 nhằm nghe báo cáo của các Bộ, ngành về tình hình triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và các năm tiếp theo đối với các dự án luật.

Một trong những nội dung chính của phiên họp sáng 26/4 là nghe báo cáo, giải trình về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), Pháp lệnh người có có công; Tờ trình về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; cho ý kiến về đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đối với các dự án, đề xuất thuộc lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội ( bao gồm cả đề nghị phê chuẩn các điều ước quốc tế), các dự án luật, pháp lệnh thuộc các lĩnh vực khác.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Bộ LĐ-TB&XH có dự án Bộ luật Lao động và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Đến nay, hồ sơ dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) đã được xây dựng cơ bản, Bộ đang hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội theo kế hoạch. Bộ cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan để xây dựng dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Sau khi Quốc hội có Nghị quyết thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hoàn thiện, trình cơ quan có thầm quyền theo tiến độ.

Về đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất các dự án luật như: Luật đưa Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật BHXH (sửa đổi), Luật Người Cao tuổi (sửa đổi), Luật Bình đẳng giới và đề xuất gia nhập các Công ước quốc tế: Công ước 98, 105, 87…

Qua nghe báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, các đại biểu nhất trí với ban soạn thảo về chủ trương, sự cần thiết và mục đích yêu cầu sửa đổi các dự án luật, pháp lệnh trong thời gian tới. Các đại biểu cũng đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung thêm các vấn đề liên quan trọng tại dự thảo về dự án luật nêu trên.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đối với Bộ LĐ-TB&XH, cả 3 dự án luật được đề xuất, thảo luận và cho ý kiến lần này đều cần được bàn bạc, tiếp thu các ý kiến đã nêu để đưa vào dự án luật.

Đối với các Công ước, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội tới sẽ cho ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Công ước 98 được xem xét. Do vậy, cần phải luật hóa vào các chương trình này. Bộ luật Lao động trình Quốc hội cho ý kiến, những nội dung của Bộ luật Lao động sẽ có các ý kiến nếu rõ các điều khoản trong Công ước 98, nêu rõ các nội dung cam kết và thông qua trong nội dung luật.

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng: Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này được xây dựng trên tinh thần điều chỉnh bãi bỏ những nội dung không phù hợp; điều chỉnh những nội dung mới, phù hợp với thực tiễn. Quan điểm của Bộ khi xây dựng các dự án luật, pháp lệnh sửa đổi là đánh giá cụ thể, chặt chẽ về những tác động, ảnh hưởng liên quan đến luật trước khi ban hành. Do có tác động đến người lao động và nhiều dự án luật khác, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Bộ tập trung xây dựng, hoàn thiện trong một thời gian khá dài để lấy ý kiến, đánh giá tác động cũng như các vấn đề liên quan từ nhiều phía. Công ước 98 và Bộ luật Lao động dự kiến sẽ được xem xét và cho ý kiến trong tháng kỳ hợp 5 lần này. Quan điểm của Chính phủ đi theo thứ tự, trước mắt là công ước 98. Theo lộ trình 3 công ước thông qua tại 3 thời điểm 2020, 2021, 2022. Tinh thần là trong thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thành tất cả các hồ sơ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Anh cho biết, Luật sửa đổi bổ sung Luật đưa Người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2020. Còn các luật: Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi tiếp tục cho ý kiến trong thời gian tới. Luật Công đoàn chưa có tờ trình nên chưa xem xét trong thời gian tới.

Dự kiến Pháp lệnh Người có công sẽ đưa ra trình vào tháng 7 tới. Pháp lệnh Người có công khi điều chỉnh sẽ có nhiều điểm mới, đề nghị Bộ tổ chức lấy ý kiến tại các địa phương. Để đưa các luật này vào trình Quốc hội, đề nghị các Bộ, ngành cần tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng và làm rõ các vấn đề liên quan còn vướng mắc./.

PV (t/h)