Giám sát về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH tại An Giang

10/05/2018 10:08 AM


Sáng ngày 09/5, Đoàn Giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT năm 2017.

Cùng tham dự Đoàn Giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ủy ban) còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; một số Ủy viên thường trực Ủy ban cùng đại diện một số Bộ, Ngành Trung ương.

Về phía tỉnh An Giang, tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, các Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện HĐND tỉnh; lãnh đạo BHXH tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thành Bình báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện chế độ, chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 100.273 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 103,98% chỉ tiêu kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 3.837 người so với năm 2016. Trong đó có 965 doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 46.734 lao động (chiếm 52,21% trên tổng số lao động trong doanh nghiệp), tăng 08 doanh nghiệp và 5.008 lao động so với năm 2016; có 1.655.442 người tham gia BHYT, đạt 100,86% chỉ tiêu kế hoạch được giao, độ bao phủ BHYT đạt 76,52% dân số, tăng 127.259 người so với năm 2016.

Tính đến hết năm 2017, tổng số thu BHXH, BH thất nghiệp là 1.404.417 triệu đồng, tăng 113.726 triệu đồng so với năm 2016; tổng số nợ BHXH, BH thất nghiệp 42.944 triệu đồng, giảm 2.000 triệu đồng so với năm trước.

Công tác truyền thông của BHXH tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, đổi mới và chủ động lựa chọn nội dung, hình thức truyền thông phù hợp theo từng nhóm đối tượng; tích cực triển khai thực hiện công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; đẩy mạnh truyền thông, đối thoại trực tiếp đến khu dân cư, doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc tổ chức chi trả các chế độ BHXH được thực hiện tốt qua hệ thống bưu điện, cụ thể: Chi trả lương hưu và trợ cấp hàng tháng, trợ cấp BHXH một lần và trợ cấp thất nghiệp qua 02 hình thức là chi trả bằng tiền mặt và qua hệ thống ATM. Trong thời gian qua, công tác này đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của người hưởng.

Công tác tổ chức KCB BHYT được thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có nhiều thuận lợi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 100% cơ sở KCB BHYT thực hiện phương thức thanh toán chi phí KCB theo phí dịch vụ. Thủ tục thanh toán theo hợp đồng giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB được đảm bảo theo quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong công tác quản lý, giám sát sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT khi quyền lợi của người bệnh được mở rộng, chính sách thông tuyến, giá dịch vụ KCB được điều chỉnh theo lộ trình; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn;… An Giang là tỉnh biên giới, không có khu công nghiệp lớn, đại bộ phận người dân sống bằng nghề nông, công việc bấp bênh, thu nhập thấp… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao, một số ít doanh nghiệp trốn đóng hoặc đóng BHXH, BHYT không đầy đủ, để tình trạng nợ dây dưa, kéo dài, thậm chí chiếm dụng cả phần tiền đã trích nộp BHXH, BHYT của người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh cơ bản của người lao động.

Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát đã chất vấn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; theo đó, đại diện các Sở, ngành đã trực tiếp giải trình cụ thể các vấn đề với Đoàn và đồng thời cũng đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể nhằm triển khai hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong thời gian tới.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại buổi làm việc.

Theo ý kiến của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, để quản lý tốt vấn đề phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cần đề ra các giải pháp mang tính răn đe, xử lý nghiêm việc trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn để đạt chỉ tiêu Chính phủ giao; chỉ đạo ngành Y tế, BHXH trong việc quản lý quỹ KCB BHYT, chống lạm dụng, giảm bội chi quỹ, đảm bảo việc sử dụng máy xã hội hóa phải đúng chủ trương, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đảm bảo an sinh xã hội nói riêng mà An Giang đã đạt được thời gian qua. Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa: Trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra; nâng cao chất lượng truyền thông chính sách BHXH, BHYT; quản lý có hiệu quả và xử lý tốt vấn đề bội chi quỹ BHYT; phát huy vai trò giám sát của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong cho biết, đối với các ý kiến, kiến nghị của tỉnh An Giang, Đoàn Giám sát sẽ ghi nhận, tổng hợp và trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới./.

Bích Thúy