Ấn Độ công bố chương trình chăm sóc sức khoẻ quốc gia lớn nhất thế giới

05/02/2018 01:59 PM


Ấn Độ vừa công bố một kế hoạch BHYT hứa hẹn sẽ tạo ra một mạng lưới chăm sóc y tế cho hàng triệu người không có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế tối thiểu.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Theo đó, Bộ Tài chính Ấn Độ đặt mục tiêu cung cấp BHYT cho hơn 100 triệu gia đình nghèo, tương đương 500 triệu người với mức bảo hiểm 500.000 rupee (tương đương 7.825 USD) cho mỗi gia đình trong một năm.

Ngoài ra, gần 190 triệu USD sẽ được dành riêng cho việc cải thiện các trung tâm y tế địa phương quy mô nhỏ, vốn là nơi khám chữa bệnh cho rất nhiều người nghèo. 

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley nhấn mạnh, đây sẽ là chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia lớn nhất thế giới trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đang từng bước nỗ lực đạt mục tiêu phổ cập chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Hiện Chính phủ Ấn Độ mới chỉ cấp một phần nhỏ kinh phí, khoảng trên 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cho chăm sóc y tế công, kém xa mục tiêu tăng mức chi ngân sách cho lĩnh vực này lên 2,5% GDP vào năm 2025. Dù Chính phủ Ấn Độ đã chi 30.000 rupee cho chương trình chăm sóc sức khỏe các gia đình nghèo, song số tiền này chưa đủ để chi trả cho hầu hết các thủ tục khám chữa bệnh.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Ấn Độ là quốc gia đông dân với 1,25 tỷ người, song đang đối diện thực trạng thiếu bác sĩ có tay nghề. Với đội ngũ khoảng 840.000 bác sĩ hiện nay, tính trung bình cứ 1 bác sĩ sẽ phải khám chữa bệnh cho 1.674 người, chênh lệch lớn so với tỷ lệ 1/1.000 theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ngoài ra, các bệnh viện nhà nước tại Ấn Độ cũng luôn trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, chi phí khám tư có thể "ngốn" tới 1.000 rupee (15 USD), một số tiền quá lớn đối với hàng triệu người Ấn Độ hiện có mức thu nhập chưa đầy 2 USD/ngày./. 

PV (Theo TTXVN)