APPF – 26: Phát triển khu vực vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm

18/01/2018 09:43 AM


Ngày 18/1, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương sẽ được khai mạc tại Nhà Quốc hội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ APPF - 26. Hội nghị hướng đến việc ra Tuyên bố chung khẳng định cam kết của các Nghị viện thành viên trong hợp tác kinh tế, văn hóa và phát triển khu vực vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung

Tại Hội nghị, chủ đề bình đẳng giới là mục tiêu số 5 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Điều này khẳng định, bình đẳng giới là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với mọi quốc gia và một trong những chuẩn mực để đánh giá sự phát triển, tiến bộ xã hội. Mặc dù nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã đạt được nhiều kết quả tích cực sau khi triển khai SDGs, nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Vấn đề bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là nền tảng để xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững.

Nhằm thực hiện mục tiêu này hiệu quả, phù hợp vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung, các nghị sĩ khu vực cần đảm nhận vai trò tích cực hơn trong thúc đẩy bình đẳng giới, tham gia các khâu trong quy trình quyết định chính sách ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia cũng như trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, cần khuyến khích các nữ nghị sĩ APPF tham gia tích cực các phiên thảo luận chung, cùng hành động để thúc đẩy bình đẳng giới.

Do đó, chủ đề của Hội nghị Nữ nghị sĩ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị APPF - 26 là Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung, thể hiện quyết tâm biến lời nói thành hành động, vì bình đẳng giới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới

Bối cảnh quan hệ quốc tế ngày nay đòi hỏi sự tham gia sâu hơn của các Nghị sĩ nhằm đưa ra các văn bản luật, củng cố ý chí chính trị và nâng cao giải pháp ngăn ngừa xung đột, cùng hướng tới mục tiêu vì hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm.

Vì thế, Phiên toàn thể đầu tiên của APPF - 26 sẽ tập trung vào chủ đề: Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Tại phiên toàn thể này, các nghị sĩ sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường hữu nghị, hợp tác, trong đó nhấn mạnh vai trò trọng tâm của ngoại giao nghị viện.

Một vấn đề đáng báo động mà nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới phải đối mặt là chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia như buôn ma túy, rửa tiền, buôn người… đe dọa từng ngày từng giờ tới an sinh của người dân, làm hủy hoại những giá trị của nhân loại. Các quốc gia, nền kinh tế thành viên APEC thừa nhận rằng, chủ nghĩa khủng bố đặt ra thách thức trực tiếp đối với sự an toàn, cởi mở và thịnh vượng của các nền kinh tế thành viên. Do đó, tiếp tục những nội dung đã thảo luận tại các Hội nghị thường niên của APPF, phiên thảo luận toàn thể đầu tiên tại APPF - 26 cũng sẽ là nơi để các nghị sĩ đánh giá lại tình hình, nhất là những nỗ lực chung chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Đồng thời, xác định cách thức, hành động cụ thể để các nghị sĩ ủng hộ các chính phủ thực thi những chính sách chống tội phạm.

Nghị sĩ còn đóng vai trò quan trọng là cầu nối giữa người dân và chính quyền, góp phần đẩy lùi tội phạm, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố thông qua nâng cao chất lượng luật, giám sát thực thi các chính sách bảo đảm đối xử bình đẳng giữa mọi người dân, nêu cao tinh thần đối thoại, hợp tác, nguyên tắc thượng tôn pháp luật và các cam kết quốc tế liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kiểm tra công tác chuẩn bị (Nguồn: Internet).

Thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện

Phiên toàn thể thứ hai của APPF - 26 sẽ tập trung vào nội dung hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ những quan điểm của các nghị viện trong khu vực và đóng góp vào nỗ lực của khu vực nhằm hướng tới mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững, xoay quanh chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Thế kỷ XXI đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ số và chuỗi giá trị toàn cầu, do đó biến đổi một cách căn bản nền kinh tế thế giới. Mặc dù nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi, nhưng chưa chắc chắn và phát triển không đồng đều. Do đó, cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn bảo đảm mọi lợi ích của thương mại toàn cầu phải bền vững và hướng tới mọi thành phần.

Thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện là một trong những ưu tiên hàng đầu của các cơ chế hợp tác quốc tế, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm củng cố hệ thống thương mại đa phương, mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư sang các vấn đề thương mại đầu tư thế hệ mới, tiêu chuẩn cao hơn.

Tại phiên họp này, các nghị sĩ sẽ đóng góp ý kiến về vai trò của đại biểu dân cử đối với các vấn đề như phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư, loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan, phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, kết nối khu vực… Đây cũng là dịp để các nghị viện khu vực chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và tăng trưởng bền vững

Phiên toàn thể thứ ba của APPF - 26 sẽ thảo luận các nội dung liên quan đến hợp tác phát triển khu vực, nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và tăng trưởng bền vững.

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng, đe dọa xóa bỏ những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tuy vất vả để đạt được nhưng rất ấn tượng của châu Á - Thái Bình Dương. Đây không chỉ là thách thức về môi trường mà cả kinh tế, xã hội trong nỗ lực đạt được SDGs. Bởi lẽ, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nếu không có hành động cụ thể, biến đổi khí hậu có thể khiến người dân khu vực chịu rủi ro, gây nguy hiểm cho nhiều hộ gia đình và nguồn thu của chính phủ, làm gia tăng nghèo đói, gây bất ổn xã hội và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

Tất cả những yếu tố này đều cần được tính đến trong hoạt động lập pháp và hoạch định chính sách. Vì lẽ đó, các Nghị viện thành viên cần nhận diện những thách thức và cơ hội của phát triển bền vững trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, tạo thuận lợi cho các nước trong khu vực chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đạt được SDGs, đồng thời yêu cầu các quốc gia và các bên liên quan có những hành động cấp bách, trong đó nghị viện giữ vai trò chủ chốt.

Thế giới ngày nay là một thể kết nối toàn cầu, đa dạng về văn hóa và xã hội. Vì vậy, bảo đảm quản lý sự đa dạng một cách thận trọng có vai trò quan trọng nhằm xây dựng các quốc gia hòa bình và thịnh vượng. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đa dạng và đa văn hóa, với tiềm năng lớn cho phát triển du lịch. Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực và của mỗi quốc gia, góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước. Trong phiên thảo luận này, các đại biểu sẽ chia sẻ những kinh nghiệm tốt về hành động của nghị viện nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và du lịch; những biện pháp để nghị sĩ có thể tham gia và kết nối tốt hơn với cử tri của mình.

Phiên thảo luận thứ tư của APPF - 26 khuyến khích các nghị sĩ khu vực trao đổi sâu hơn về vai trò của APPF trong thúc đẩy quan hệ đối tác vì tăng trưởng bao trùm và bền vững châu Á - Thái Bình Dương.

PV (Theo DBND)