GDP tăng 6,81%, Việt Nam đạt kỳ tích tăng trưởng

29/12/2017 11:28 AM


Theo Báo cáo số liệu tình hình kinh tế - xã hội 2017 do Tổng cục Thống kê công bố chiều 27.12, tăng trưởng kinh tế năm nay tăng 6,81% so với năm 2016, vượt mục tiêu đề ra và cao hơn nhiều năm trước đó.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Con số 6,81% hoàn toàn đáng tin cậy

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định con số 6,81% hoàn toàn đáng tin cậy với phương pháp thu thập số liệu đúng quy trình. Kết quả này thể hiện tính kịp thời, hiệu quả của các giải pháp Chính phủ ban hành và chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương thực hiện.

Phân tích các yếu tố tạo nên kỳ tích tăng trưởng, ông Lâm cho biết, sự hồi phục đáng kể của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với mức tăng 2,9% đã đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào tăng trưởng; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, góp 2,87 điểm phần trăm.

Cũng theo báo cáo số liệu được công bố, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% và kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm xuất siêu 2,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD. Năm 2017 cũng ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cảnh báo, nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Việt Nam cần đẩy mạnh các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, mặt khác cần tự chủ nguyên liệu để giảm dần nhập siêu, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ.

Đáng chú ý, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1,295 triệu tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt doanh nghiệp  tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3,165 triệu tỷ đồng.

Lạm phát năm 2018 ở mức 4 - 6% là hợp lý

Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2018 từ 6,5 - 6,7%, Tổng cục Thống kê nhận định đây là phương án thận trọng dựa vào kế hoạch của các bộ, ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp, tình hình thu chi của Nhà nước. Với dư địa kinh tế còn rất lớn, xu hướng tăng trưởng và động lực cao, mục tiêu này hoàn toàn khả thi, là bản lề cho những mục tiêu dài hạn.

Về lạm phát, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Dương Mạnh Hùng cho rằng mức hợp lý nhất là 4-6%, vừa kích thích sản xuất, vừa giữ cho tiêu dùng cuối cùng của dân cư ổn định.

Tuy nhiên trong năm 2018, bên cạnh những điểm sáng làm nền tảng tích cực, Tổng cục Thống kê nhận định nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức từ xung đột quốc tế, thời tiết cực đoan, thất nghiệp, thảm hoạ thiên tai, tấn công mạng… Đặc biệt là chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN đang tiếp tục gia tăng, thậm chí thấp hơn cả năng suất lao động của Lào. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra thách thức lớn, nhất là đối với các quốc gia có mức thu nhập trung bình như Việt Nam.

Để tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị nước ta cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Đồng thời nghiên cứu thấu đáo nội hàm của Cách mạng 4.0 để bắt nhịp với thế giới, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, trong đó tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh, thực hiện nghiêm luật thuế, phí, chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế.

Theo DBND