Hoàn thiện hành lang pháp lý cho các Quỹ HTX địa phương

19/12/2017 10:33 AM


Bên cạnh Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương (Quỹ HTX), cả nước đã có 46 Quỹ HTX địa phương có chất lượng tín dụng tương đối tốt. Tuy nhiên, hành lang pháp lý của quỹ địa phương này chưa có, cần được các bộ sớm hoàn thiện để hỗ trợ hiệu quả hơn cho kinh tế tập thể (KTTT), liên kết sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Luật HTX 2012 tiếp tục kế thừa Luật HTX 2003 quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tiếp cận vốn và Quỹ HTX đối với HTX, Liên hiệp HTX. 

Triển khai thực hiện Luật và các Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX, năm 2006, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành các Quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, gần đây nhất là Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg ngày 22/6/2017, thay thế cho Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg. 

Theo đó, Quỹ HTX Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam, có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động của HTX, Liên hiệp HTX thông qua phương thức cho vay đầu tư và hỗ trợ có hoàn lại vốn gốc (cho vay lãi suất 0%), bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

Như vậy, căn cứ pháp lý cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam (ở Trung ương) đã tương đối đầy đủ. 

Tạo nguồn vốn qua Quỹ tài chính

Theo Bộ Tài chính, tổng doanh số cho vay của Quỹ từ khi thành lập (năm 2006) đến nay là 201,3 tỷ đồng cho 91 dự án, trong đó dư nợ vay đến hết năm 2016 là 90 tỷ đồng (trong tổng nguồn vốn là 136 tỷ đồng), nợ xấu là 4,7 tỷ đồng, chiếm 5,3% tổng dư nợ. Các dự án vay vốn của Quỹ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa (chiếm 70% tổng số dự án) tại 35 tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, các HTX sau khi vay vốn tại Quỹ đã tăng trưởng về quy mô và hiệu quả SX-KD: Doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 50 - 60%; số thành viên tăng bình quân 4%; số lao động tăng bình quân 37%; thu nhập bình quân tăng 35%; số nộp ngân sách tăng bình quân 74%. Chênh lệch thu - chi tài chính năm 2016 đạt 377 triệu đồng.

Bên cạnh Quỹ ở Trung ương, tới nay, trên cả nước đã có 46 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ địa phương, trong đó có 31 Quỹ thành lập trước khi Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật HTX 2013 có hiệu lực và 15 Quỹ thành lập sau khi Nghị định 193 có hiệu lực. 

Qua rà soát, Bộ Tài chính cho biết căn cứ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương, UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định thành lập Quỹ và ban hành Điều lệ về tổ chức hoạt động của Quỹ. 

Về mô hình tổ chức, bộ máy, tại các Quyết định thành lập Quỹ địa phương cơ bản đều quy định là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân..., trực thuộc Liên minh HTX tỉnh. 

Một số tỉnh (An Giang, Tiền Giang, Hải Dương, Quảng Ninh) không thành lập Quỹ độc lập mà thực hiện ủy thác quản lý vốn, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ HTX tại địa phương thông qua các tổ chức tài chính, chi nhánh ngân hàng tại địa phương (Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội).

Hầu hết các Quỹ HTX địa phương thực hiện phương thức cho vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, một số Quỹ cho vay vốn lưu động (ngắn hạn), điều này không tương thích với quy định Quỹ HTX Trung ương là không được cho vay vốn lưu động.

Bộ Tài chính cho biết, các địa phương báo cáo rằng chất lượng tín dụng các Quỹ này (tổng nguồn vốn hoạt động là 1.470,5 tỷ đồng, trong đó vốn được cấp hoặc vay từ ngân sách địa phương là hơn 725 tỷ đồng, nguồn vốn khác bao gồm vốn bổ sung từ kết quả hoạt động hàng năm và vốn huy động của thành viên là gần 745 tỷ đồng) tương đối tốt do đặc thù cho vay quy mô nhỏ. 

Trong tổng số 46 Quỹ được thành lập có 3 Quỹ có quy mô nguồn vốn hoạt động ở mức trên 50 tỷ đồng (Tp.HCM, Hà Nội, Bình Dương), chiếm 6,5% tổng số Quỹ; có 5 Quỹ có quy mô nguồn vốn hoạt động ở mức từ trên 30 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng chiếm 10,9% tổng số Quỹ (Bắc Ninh, Đồng Nai, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh); có 13 Quỹ có quy mô nguồn vốn hoạt động ở mức từ 10 đến 30 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng số Quỹ; còn lại 25 Quỹ có quy mô nguồn vốn hoạt động ở mức dưới 10 tỷ đồng, chiếm 54,3% tổng số Quỹ.

Tổng doanh số cho vay của các Quỹ HTX địa phương từ khi thành lập đến nay là 7.838 tỷ đồng cho 3.625 lượt HTX và 550.489 lượt tổ hợp tác (THT), trong đó dư nợ vay đến hết năm 2016 là 1.064 tỷ đồng.

Các dự án vay vốn của các Quỹ địa phương tập trung chủ yếu vào phát triển SX-KD, đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm với lãi suất cho vay dao động 5,13 - 8%/năm, trong đó, cho vay hỗ trợ HTX nông nghiệp đạt 1.316 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, một số ít Quỹ có tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ cao, như Quỹ HTX Đồng Nai (39,3%), Quỹ HTX Quảng Trị (12%), Quỹ HTX Cà Mau (50,2%)…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm HTX Mường Động (Hòa Bình) - mô hình tiêu biểu trong huy động các nguồn lực tài chính để xây dựng chuỗi sản xuất.
 

Vẫn thiếu hành lang pháp lý

Nhìn chung, Bộ Tài chính và Liên minh HTX Việt Nam cho biết Quỹ HTX Trung ương và 46 Quỹ HTX địa phương đã hỗ trợ kịp thời vốn SX-KD cho một số HTX, THT; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực KTTT; khuyến khích các HTX mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động góp phần đẩy mạnh sự liên kết giữa HTX với các DN và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; xây dựng và nhân rộng các mô hình mới, mô hình điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong khu vực KTTT, HTX ở địa phương theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Cùng với các thiết chế tài chính khác, các chính sách động lực của Chính phủ trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển bảo hiểm nông nghiệp thì Quỹ HTX sẽ trở thành một công cụ tài chính hỗ trợ cho hiệu quả cho KTTT theo các nguyên tắc của thị trường.

Tuy nhiên, tới nay chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ HTX địa phương (mới chỉ quy định Quỹ HTX ở Trung ương), do đó nhiều địa phương lúng túng trong việc thành lập và tổ chức vận hành Quỹ. 

Các Quỹ HTX địa phương vận dụng nhiều quy định khác nhau để hoạt động, dễ gây rủi ro về mặt pháp lý, cũng như hoạt động cho Quỹ và gây khó khăn trong việc quản lý và giám sát của các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, quy mô nguồn vốn hoạt động của các Quỹ HTX còn rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn thực tế của khu vực HTX; lực lượng cán bộ chuyên môn còn yếu về trình độ, tính chuyên nghiệp. 

Để thêm một kênh vốn hỗ trợ hiệu quả cho KTTT, mới đây, trong phiên họp của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo, đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sớm xây dựng quy định về Quỹ HTX của các địa phương. 

“Đầu tư cho sản xuất hộ gia đình, cho người nghèo trong phương thức sản xuất liên kết gắn với thị trường DN là cách đầu tư khôn ngoan vì tỷ lệ nợ xấu luôn thấp”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các bộ, Liên minh HTX Việt Nam bảo đảm đào tạo, nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của cán bộ làm việc tại các Quỹ HTX.

Theo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định chung về tổ chức và hoạt động của cả Quỹ HTX Trung ương và Quỹ HTX địa phương để triển khai thống nhất, đồng bộ các quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trong thời gian tới.
 

Theo TBKD