Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với các cơ quan báo chí

08/12/2017 01:59 PM


Sáng 08/12, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với các cơ quan báo chí". Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu dự và đồng chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông; về phía đơn vị tổ chức có đại diện một số Vụ, đơn vị liên quan trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam, cùng đại diện 32 cơ quan thông tấn, báo chí.

Việc tổ chức Hội thảo lần này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bộ LĐ-TB&XH và sự đồng hành của đội ngũ những người làm báo với hoạt động truyền thông về chính sách BHXH, BHYT. Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn nhận định rõ báo chí chính là cầu nối, là những người bạn đồng hành cùng ngành BHXH vì mục tiêu BHXH cho mọi NLĐ, BHYT toàn dân. Qua đó, việc duy trì sự phối hợp và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối với các cơ quan truyền thông báo chí, với đội ngũ những người làm báo trong công tác truyền thông thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT luôn được BHXH đặt lên hàng đầu và đã mang lại những kết quả thiết thực.

Chính sách BHXH, BHYT được truyền tải sâu rộng tới cộng đồng

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân nhấn mạnh: Trong những năm qua, công tác truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT qua các cơ quan thông tấn, báo chí luôn được quan tâm và không ngừng tăng cường phát triển với hầu hết các loại hình báo chí, từ báo in, báo điện tử tới báo phát thanh, và báo truyền hình tại Trung ương và cả các địa phương. Nhờ đó, các thông tin về chính sách BHXH, BHYT đã được truyền tải sâu rộng tới cộng đồng.

Tuy nhiên, từ thực tế công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT thời gian qua cho thấy công tác này còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Để thực hiện tốt mục tiêu BHXH cho mọi NLĐ và BHYT toàn dân, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH, ngành BHXH và các Bộ, ngành liên quan, rất cần sự vào cuộc, chung tay hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT nhằm tạo những bước chuyển mạnh mẽ và hiệu quả trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, của người sử dụng lao động, NLĐ và toàn dân về chính sách BHXH, BHYT.

Tập trung truyền thông tới đối tượng NLĐ khu vực phi chính thức

Trình bày tham luận tại Hội thảo với chủ đề "Một số kiến nghị mở rộng đối tượng tham gia BHXH khu vực phi chính thức và vai trò của truyền thông", Trưởng phòng An sinh xã hội, Viện Khoa học Lao động Xã hội Bùi Sỹ Tuấn đã nêu rõ vai trò và đặc điểm của khu vực phi chính thức trong việc tạo việc làm, thu nhập và giảm nghèo trong những năm qua. Ông Bùi Sỹ Tuấn cũng cho biết, với tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực kinh tế chính thức còn thấp như hiện nay thì trong những năm tới, khu vực kinh tế phi chính thức sẽ tiếp tục là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, trong đó tập trung vào những vấn đề cụ thể như: An sinh xã hội, học nghề, an toàn vệ sinh lao động, tiếp cận thị trường,… cho lao động làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Ở Việt Nam, khu vực kinh tế chính thức chiếm khoảng gần 30% việc làm, số còn lại làm việc trong khu vực phi chính thức. Như vậy, lao động khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn (trên 60% lực lượng lao động của cả nước); bao gồm lao động làm việc trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do, lao động trong kinh tế hộ gia đình, sản xuất kinh doanh cá thể,…; sản xuất các sản phẩm hàng hóa phục vụ dân sinh và cho xuất khẩu; tạo nhiều việc làm cho NLĐ, đóng góp khoảng 30% vào GDP của quốc gia; góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia.

Với 18 triệu việc làm năm 2016, quy mô lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam còn rất lớn và chưa có xu hướng giảm. NLĐ trong khu vực phi chính thức thường không có hợp đồng lao động, không có BHXH, không tham gia công đoàn, không có liên hệ nhiều với các khu vực khác của nền kinh tế và do đó không được sự bảo vệ của pháp luật lao động và an sinh xã hội. “Vì vậy, việc thực hiện BHXH cho mọi NLĐ nói chung và bản thân NLĐ chính là nhằm thực hiện công bằng xã hội trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cho mọi người dân đều được tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật”, ông Bùi Sỹ Tuấn nhấn mạnh.

Ông Bùi Sỹ Tuấn cho rằng, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu này, thì những người làm công tác truyền thông về BHXH, BHYT cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của đối tượng này để có những biện pháp đối mới và đa dạng trong hình thức và nội dung tuyên truyền. Qua đó để các ngành, các địa phương, chủ sử dụng lao động và các tâng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta, đặc biệt là ý nghĩa của việc mở rộng chính sách BHXH đối với NLĐ thuộc khu vực phi chính thức.

Nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí truyền thông

Toàn cảnh Hôi thảo.

Chia sẻ tham luận: "Kinh nghiệm truyền thông về BHXH của Báo Sài Gòn Giải phóng: Vừa tuyên truyền, vừa trực tiếp lắng nghe ưu tư, phối hợp tháo gỡ vướng mắc của người dân", nhà báo Đường Loan, Báo Sài Gòn Giải phóng nhấn mạnh: "Hiếm có chính sách nào lại liên quan mật thiết, và đồng hành với người dân từ khi họ sinh ra đến lúc bước sang thế giới khác như chính sách BHXH".

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của Báo Sài Gòn Giải phóng trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian qua, nhà báo Đường Loan cho biết: Không chỉ tuyên truyền bằng các tin, bài đăng trên Báo Sài Gòn Giải phóng, toà soạn Báo còn kết hợp nhiều hình thức như thư tay truyền thống, email hay điện thoại trực tiếp để góp phần giải quyết trực tiếp các thắc mắc, vướng mắc của độc giả liên quan tới chính sách BHXH, BHYT. Cụ thể, từ tháng 10/2015, Báo Sài Gòn Giải phóng phối hợp với BHXH Tp.Hồ Chí Minh đã mở chuyên mục “Hỏi - đáp chính sách BHXH”, và chuyên mục này từ khi ra đời đã trở thành chuyên mục “hot” của Báo, thu hút hơn 2.000 câu hỏi với những thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân, của độc giả đối với chính sách BHXH, BHYT. Song song đó, không chỉ dừng lại ở việc giải đáp thông qua việc trích dẫn các điều được quy định trong Luật BHXH, BHYT, Báo Sài Gòn Giải phóng còn là cầu nối để đại diện BHXH TP kịp thời trả lời và giải đáp thỏa đáng cho người dân, độc giả.

Nhà báo Kim Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động - Xã hội nhấn mạnh, thời gian trước đây, khi nhắc tới việc khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT luôn được “định hình” với sự lạc hậu, phiền hà,… Do đó, nhiều người dân và cả ngay từ chính những cơ sở khám chữa bệnh cũng chưa hiểu đúng về tác dụng và ý nghĩa to lớn, cùng tính nhân văn của chính sách BHYT. Vì vậy, nhiều người dân còn “thờ ơ” với việc mua thẻ BHYT, và chỉ cho đến khi bị bệnh, được tư vấn, phân tích thì người bệnh mới nhận ra lợi ích của việc tham gia BHYT, sở hữu và được sử dụng tấm thẻ BHYT. Qua đó cho thấy, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp thông tin về lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHYT, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về chính sách BHYT là kênh truyền thông hết sức quan trọng.

Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ và thảo luận về một số chủ đề như: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về BHXH, BHYT trong tình mới; một số kiến nghị mở rộng đối tượng tham gia BHXH khu vực phi chính thức và vai trò của truyền thông; giải pháp đẩy mạnh truyền thông về BHXH, BHYT trên các báo điện tử; phương pháp tiếp cận thông tin tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT của DN; báo chí truyền thông làm thay đổi nhận thức về khám chữa bệnh BHYT; NLĐ với thông tin về chính sách BHXH, BHYT đa chiều: Tiếp cận như thế nào cho đúng;...

Những giải pháp và khuyến nghị do các đại biểu tham dự Hội thảo đưa ra, sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp thành những thông tin, tư liệu hữu hiệu cung cấp cho các cơ quan báo chí, từ đó góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác truyền thông về BHXH, BHYT thời gian tới./.

AT