Ấn Độ: Tăng chi cho chăm sóc sức khỏe để đạt mục tiêu phổ cập BHYT toàn dân

09/11/2017 09:02 AM


Theo dữ liệu mới công bố của Chính phủ Ấn Độ, nước này cần chi 3,8% GDP cho y tế để đạt được mục tiêu BHYT phổ cập. Ấn Độ cần phải đẩy mạnh hơn nữa mới có thể thực hiện được các mục tiêu phổ cập BHYT toàn dân như đã đề ra trước đó tại Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ.

Chính sách Y tế Quốc gia 2017 đã được Nội các Chính phủ Ấn Độ thông qua từ tháng 3 năm nay, đề cập đến việc tăng chi tiêu công cho sức khoẻ "từ 1,15% lên 2,5% GDP vào năm 2025".

Tiến sĩ Rajesh Kumar, chuyên gia nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng của CHOGI, Chandigarh cho biết: "Chính phủ Ấn Độ cần phải chi 3,8% GDP để phổ cập dịch vụ BHYT."

Tiến sĩ Kumar và các đồng tác giả của nghiên cứu "Ước tính chi phí của UHC ở Ấn Độ" kết luận rằng chi phí cho UHC là 1,713 Rupi/người/năm (gần 600.000 VNĐ).

Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục phát triển mô hình có thể ước tính chi phí định kỳ và hàng năm cho việc cung cấp các dịch vụ y tế thông qua các tổ chức công và tư ở Chandigarh (Bắc Ấn Độ). "Đối với những bệnh không có dữ liệu về chi phí điều trị, chúng tôi thu thập dữ liệu về quy trình điều trị tiêu chuẩn và chi phí chăm sóc từ các nhà cung cấp dịch vụ y tế địa phương. Chúng tôi ước tính chi phí cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn cầu thông qua các tổ chức y tế công cộng và tư nhân hiện tại là 1,713 Rs/người/năm ở Ấn Độ. Chi phí này sẽ cao hơn 24% nếu sử dụng thuốc có nhãn hiệu. Thực trạng chi phí tăng nhanh này cho thấy chính phủ cần chi 3,8% GDP để phổ cập dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ", nghiên cứu kết luận.

Khoảng trống ngân sách theo các chuyên gia chỉ là một phần trong những thách thức tiến tới phổ cập BHYT. Các vấn đề lớn hơn liên quan đến vấn đề tổ chức quản lý y tế còn nhiều yếu kém./.

AT