BHXH TP. Hà Nội: Giảm nợ đọng BHXH, BHYT – Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

02/11/2017 02:25 PM


Tình trạng nợ đọng, trốn đóng chiếm dụng BHXH tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố không còn quá xa lạ trong những năm qua và đang ở mức đáng báo động, BHXH thành phố Hà Nội đã sử dụng nhiều biện pháp, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH với quyết tâm giảm nợ đọng.

Quyền lợi người lao động đang đi về đâu?

500 doanh nghiệp nợ hơn 434 tỷ đồng (chiếm 13,3% tổng số nợ toàn thành phố)

Đây là danh sách các doanh nghiệp có số nợ lớn từ 6 đến 24 tháng trở lên, tính đến hết ngày 30/9/2017 được BHXH thành phố Hà Nội đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử. Các doanh nghiệp này đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 2 vạn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Điển hình là Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu VIT Garment (Mê Linh) là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất, với số tiền nợ 15 tháng là hơn 22,6 tỷ đồng. Cùng có số tiền nợ hơn 14 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Cầu 12 CIENCO 1 (Long Biên) đang nợ 12 tháng và Cổng ty Cổ phần Cầu 14 đang nợ 22 tháng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ cao Minh Quân (Hà Đông) nợ 13 tháng với số tiền hơn 11 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4 (Đống Đa) còn nợ 15 tháng với số tiền hơn 10 tỷ đồng;…

Quyết liệt cuộc chiến thu hồi, giảm nợ đọng BHXH

            Trước thực trạng đáng báo động, BHXH Thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp liên ngành với Công an Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Cục Thuế Hà Nội triển khai quy chế phối hợp về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2020; đối thoại với các đơn vị sử dụng lao động, người lao động để thu hồi nợ đọng, đồng thời, hướng dẫn, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong việc tách đóng BHXH để giải quyết chế độ BHXH: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; chốt sổ, giải quyết hưu đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

            BHXH Thành phố chỉ đạo quyết liệt BHXH các quận, huyện, thị xã thực hiện đồng bộ các giải pháp: chuyển đơn vị nợ trên 12 tháng sang Liên đoàn Lao động để khởi kiện; báo cáo Quận ủy, Uỷ ban nhân dân quận để chỉ đạo các cấp chính quyền, phường xã, các phòng, ban, ngành vào cuộc trong công tác thu hồi nợ; thành lập chuyên đề Thu nợ - Thanh tra, kiểm tra.

            Trong tháng 9/2017, BHXH thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (quận Hoàn Kiếm) và thu về được 100% số tiền nợ đọng BHXH là hơn 1,129 tỷ đồng.

BHXH Thành phố cũng chủ động phối hợp với Công an tiến hành kiểm tra 28 đơn vị với tổng số tiền thu hồi được là 3,69/23,94 tỷ đồng (chiếm 15,42%). Trong đó có 16/28 đơn vị đã chủ động nộp tiền, với tổng số tiền các doanh nghiệp tự giác nộp là 3,67 tỷ đồng như: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Thăng Long (Long Biên) nộp đủ 120,4 triệu đồng; Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Kiểm định Xây dựng (Đống Đa) nộp đủ 269,5 triệu đồng; Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Việt Ý (Cầu Giấy) nộp đủ 335,3 triệu đồng;…

            Thanh tra chuyên ngành tại 17 đơn vị đã thu được 3,29/7,98 tỷ đồng (chiếm 41,28%). Trong đó, có 08/17 đơn vị (chiếm 47%) nợ BHXH, BHYT đã chủ động nộp số tiền nợ ngay khi có quyết định thanh tra: Công ty Cổ phần Xây dựng Châu Minh Phát (Nam Từ Liêm) nộp đủ 499,8 triệu đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Bất động sản Á Châu (Cầu Giấy) nộp đủ 286,4 triệu đồng; Công ty Cổ phần Kỹ thuật Xây dựng DONGYANG (Cầu Giấy) nộp đủ 435 triệu đồng; Công ty Cổ phần Dược phẩm Trang Minh Hà Nội (Đống Đa) nộp đủ 400 triệu đồng; Công ty Cổ phần giải pháp Truyền thông Apzon (Cầu Giấy) nộp đủ 251,6 triệu đồng; Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp nguồn lực Việt (Đống Đa) nộp đủ 72,3 triệu đồng; Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Việt Lý (Long Biên); Công ty Cổ phần Thương mại NEM (Long Biên) khắc phục 350/420,8 triệu (chiếm 83,17%) tổng số nợ BHXH, BHYT.

Giải pháp xử lý nợ xấu BHXH trong những tháng cuối năm

Với mục tiêu đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động; trực tiếp thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn nên việc quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ đọng BHXH, BHYT được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt trong năm 2017 và những năm tiếp theo, BHXH Thành phố tiếp tục tập trung thực hiện đôn đốc thu nợ BHXH với trọng tâm tháng 11 như: đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử phạt các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT từ 12 tháng; duy trì phối hợp liên ngành thực hiện hiệu quả thu nợ tại các doanh nghiệp nợ từ 3 đến 6 tháng; tăng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện; đặc biệt, cần tiến hành lập hồ sơ những doanh nghiệp chây ỳ, cố tình nợ đọng, trốn đóng BHXH kéo dài để chuẩn bị thủ tục khởi kiện, xử lý nghiêm minh.

BHXH Thành phố cũng yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã phân loại nợ đọng, tập trung đôn đốc các đơn vị nợ dưới 03 tháng; đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi người lao động để hệ thống an sinh xã hội ngày càng bền vững; gửi văn bản đôn đốc nộp tiền cho tất cả chủ sử dụng lao động (số tiền tạm tính của 3 tháng cuối năm); đồng thời, đẩy nhanh tiến độ rà soát và nhập dữ liệu bàn giao sổ BHXH cho người lao động – đây cũng là một trong những tiêu chí góp phần làm giảm tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH của đơn vị sử dụng lao động.

Với quyết tâm cao và sự chủ động vào cuộc tích cực, BHXH thành phố Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH xuống dưới 4%, đảm bảo quyền lợi chính đáng và giải quyết chế độ, chính sách BHXH kịp thời cho người lao động./.

Mai Khanh