Kinh tế - xã hội: Tất cả các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực

04/11/2017 09:06 PM


Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 tổ chức ngày 3/11/2017, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm 2 thành viên Chính phủ mới là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017; Báo cáo công tác khắc phục hậu quả bão, lũ trong thời gian qua và các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong thời gian tới; Báo cáo về việc rà soát, đề xuất cụ thể việc cắt giảm mức phí và loại phí thuộc phạm vi quy định của pháp luật phí và lệ phí; Báo cáo về việc rà soát, cắt giảm các loại chi phí chính thức ngoài phí, lệ phí theo quy định pháp luật phí, lệ phí và chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai; Báo cáo đề xuất các giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Báo cáo sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các kênh đối thoại, tiếp nhận và xử lý thông tin kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tháng 10 và kết quả của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháng 10 năm 2017; Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 và một số nội dung quan trọng khác như về đề nghị xây dựng Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; việc thí điểm tổ chức Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện tại thành phố Hà Nội; dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những kết quả kinh tế-xã hội toàn diện mà đất nước ta đạt được trong tháng 10 và 10 tháng năm 2017; khẳng định “so với tháng 9, tất cả các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực”. Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, trong đó có những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận về nội dung kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 4.

Nhấn mạnh, kết quả tháng 10 đạt được là tốt nhưng không thể chủ quan, thỏa mãn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2017 và thời gian tới.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 sẽ đạt mục tiêu đã đề ra.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, giữ vai trò chủ đạo trong động lực tăng trưởng của nền kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 10%, tính chung 10 tháng năm 2017 tăng 8,7%. Khu vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng ổn định, tính chung 10 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,5 triệu lượt khách. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục đạt được những kết quả khả quan, cán cân thương mại đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, ước xuất siêu khoảng 1,2 tỷ USD, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng.

Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện; theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển doanh nghiệp trong nước đạt kết quả ấn tượng; các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm; các cấp, các ngành đã kịp thời ứng phó, hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, góp phần giảm bớt thiệt hại của người dân;....

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10/2017 đạt được những kết quả hết sức toàn diện, có nhiều mặt nổi bật, trong đó lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu, giải ngân vốn đầu tư, công tác giảm nghèo,… có nhiều tiến bộ. Tinh thần cải cách, đổi mới, sáng tạo ngày càng lan tỏa sâu rộng; chủ trương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, những kết quả đạt được là tích cực, toàn diện, đáng mừng, song không phải vì thế mà chủ quan, thỏa mãn vì còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt. Trọng tâm chỉ đạo điều hành trong những tháng cuối năm là phải tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống bão lụt, hỗ trợ người dân những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai mà hiện nay là cơn bão số 12 đang tiến vào khu vực Nam Trung Bộ. Chỉ đạo chặt chặt chẽ hơn nữa kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh quốc phòng vì khối lượng công việc 2 tháng cuối năm cần làm còn rất lớn. Chuẩn bị tốt các mặt công tác cho Tuần lễ Cấp cao APEC cũng như Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Philippines.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát tốt lạm phát, không để tỷ giá biến động mạnh vào dịp cuối năm. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với chất lượng tín dụng; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Tăng cường chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Thực hiện chủ trương chưa tăng các loại thuế, phí, lệ phí làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. 

Quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và phải giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017. Tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng các Hiệp định FTA; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ. Đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử. Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia với các sản phẩm xuất khẩu, trước hết là lương thực, nông sản, rau quả, thủy hải sản Việt Nam. Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các rào cản thương mại; đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có nạn buôn lậu thuốc lá điếu.

Các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy cầu trong nước, bảo đảm nguồn cung những mặt hàng thiết yếu, tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.

Triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Quan tâm hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng ngắn ngày, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Có giải pháp hữu hiệu, kịp thời về thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm, nhất là thịt lợn, gia cầm, tránh tình trạng tồn đọng và lại phải "giải cứu". Kiểm soát tốt dịch bệnh, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tăng cường kiểm soát chất lượng giống, vật tư nông nghiệp.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh; cơ cấu lại nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cơ cấu lại DNNN và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế.

Thúc đẩy hoạt động các ngành du lịch, dịch vụ; tăng cường kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ, phương tiện phục vụ khách du lịch nhất là trong mùa cao điểm cuối năm. Tận dụng tốt các cơ hội quảng bá, thu hút khách quốc tế nhất là dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động trong công tác thông tin, truyên truyền, bảo đảm quyền được cung cấp thông tin của người dân, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền sai sự thật, gây phương hại cho đất nước, cơ quan, tổ chức, công dân./.

PV