Lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT: Vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm

02/11/2017 05:18 PM


Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán Ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính- Ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Tại phiên thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề cập đến các vấn đề an sinh xã hội như: việc làm, BH thất nghiệp, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT;…

Tán thành báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 mà Thủ tướng đã trình bày trước Quốc hội, Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Quảng Trị cho ý kiến về 07 vấn đề. Trong đó, ông Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh: Chưa bao giờ chính sách pháp luật về BHYT, BHXH được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực như trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nợ đọng BHYT, BHXH, BH thất nghiệp, bội chi lạm dụng, trục lợi, vướng mắc, bất cập trong quản lý sử dụng thanh toán quỹ BHYT đang là vấn đề nóng. Chính phủ cần khẩn trương có giải pháp tháo gỡ tích cực. Ông Thắng đề nghị cần đưa tỷ lệ tham gia BHXH, BH thất nghiệp vào hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Nếu không có giải pháp quyết liệt thì mục tiêu đến năm 2020, 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và 30% tham gia BH thất nghiệp là rất khó khả thi.

Tranh luận về vấn đề độ tuổi thất nghiệp ở sau 35, 40, đại biểu Bùi Xuân Thống - Đồng Nai bày tỏ sự nhất trí đối với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và mong muốn sau kỳ họp, Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo khảo sát vấn đề này. Theo ĐB Thống, tình trạng này không chỉ do NLĐ, mà do quy định của pháp luật lao động, nhất là do các DN muốn né tránh việc phải trả mức lương cao và đóng BHXH theo lương.

Cũng theo đại biểu Bùi Xuân Thống, việc sa thải lao động sau 35-40 tuổi, về mặt pháp luật thì không sai. Tuy nhiên, về mặt xã hội, nếu không nghiên cứu, không có chính sách rõ ràng sẽ rất phức tạp và hậu quả rất lớn, trở thành gánh nặng cho xã hội, bởi vì khi NLĐ thất nghiệp thì quỹ BH thất nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều NLĐ sẽ lĩnh BHXH 1 lần nên sau này không có cơ hội hưởng lương hưu. “Vấn đề này không phải mới, nó diễn ra cách đây hơn 10 năm, nhưng thời điểm từ năm 2000-2005, chúng ta còn đang đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành may, cho nên các doanh nghiệp mới muốn công nhân có trình độ, có tay nghề, nên tình trạng nhảy việc là có”- Đại biểu Thống khẳng định.

Theo đại biểu Thống, sau độ tuổi 35, 40 và đối với nữ thì phải nói hết sức khó tìm việc. Như vậy, ảnh hưởng tới vấn đề đào tạo, đào tạo lại nhất là khi dự ước kết quả thực hiện năm 2017 thì trong tỷ lệ lao động được đào tạo từ 3 tháng trở lên mới khoảng 22%. Như vậy, đây là một gánh nặng hậu quả về mặt xã hội rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Cà Mau đề cập, theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 1,24 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn các năm trước chỉ còn 2,21%. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên vấn đề là người lao động qua đào tạo thất nghiệp. Theo số liệu từ Viện Khoa học, Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì đến thời điểm quý II năm 2017 trong cả nước còn có 180.000 cử nhân chưa có việc làm, vấn đề này đã được các ngành chức năng mổ xẻ nhiều rồi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu. Đây là vấn đề cần quan tâm giải quyết sớm.

Lĩnh vực lao động việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Vĩnh Long cho biết, hiện nay quá trình chuyển dịch lao động sang các lĩnh vực ngành nghề có giá trị cao chưa có sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt còn có sự chênh lệch đáng kể từ tỷ lệ lao động qua đào tạo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đối với lao động trẻ có chuyên môn, kỹ thuật vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, tình trạng thất nghiệp trong đội ngũ nữ công nhân qua 35 tuổi đang có xu hướng gia tăng, số lượng doanh nghiệp nợ, chiếm dụng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT còn cao đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi an sinh xã hội của người lao động và đi ngược lại với chủ trương thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang kiến nghị Chính phủ, ngành lao động, thương binh và xã hội tiếp tục tăng cường rà soát quy hoạch lại hệ thống cơ sở dạy nghề, danh mục ngành nghề nhằm thống nhất mục tiêu chương trình khung giảng dạy, quy mô thời gian đào tạo, học phí trên cơ sở nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động. Có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển dạy nghề gắn với tạo việc làm, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến việc làm, tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động, tạo điều kiện cho người lao động vay vốn sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động của quốc gia. Đặc biệt chú trọng hơn nữa công tác phối hợp liên ngành để tăng cường các biện pháp ngăn ngừa xử lý nghiêm nhằm hạn chế tối đa tình trạng chiếm dụng, trục lợi BHXH, BH tự nguyện. Tích cực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của người lao động, nhất là lao động nữ sau tuổi 35 đang có nguy cơ bị cắt hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp như đã phản ánh.

Trên lĩnh vực y tế, theo đánh giá của Chính phủ dự kiến đến cuối năm 2017, các chỉ tiêu của ngành y tế đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó nổi bật tỷ lệ dân số tham gia BHYT dự kiến sẽ đạt 83%, kết quả đó đã cho thấy sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hướng tới mục tiêu giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế thuận lợi hơn, tạo điều kiện giúp các cơ sở y tế khám, chữa bệnh BHYT cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng bày tỏ băn khoăn, vấn đề chưa yên tâm hiện nay là còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT, dự báo mục tiêu bao phủ toàn dân sẽ khá khó khăn, đặc biệt ở một số nhóm đối tượng đặc thù, nhiều cử tri hiện nay vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục khám, chữa bệnh, chuyển tuyến, thanh toán BHYT cũng như vấn đề y đức của đội ngũ y bác sỹ. Đáng quan tâm hơn tình trạng lạm dụng trục lợi BHYT có xu hướng tăng mạnh, ngày càng tinh vi hơn, xảy ra từ nhiều phía, cả ở người tham gia BHYT và một số cơ sở y tế. Điều này không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong các tầng lớp dân cư mà còn ảnh hưởng đến quỹ BHYT, BHXH. Đại biểu Trang kiến nghị ngành y tế tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và giải quyết kịp thời những vấn đề xã hội đề ra. Đặc biệt, quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, đổi mới quyết liệt hơn trong nhận thức tư duy về quản lý khám, chữa bệnh BHYT, nhất là tại tuyến y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, quyết liệt đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT hướng tới sự hài lòng thực sự của người bệnh, đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về BHYT, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT./.

PV