Nâng cao hiệu quả thu thập và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu cung - cầu về lao động

30/10/2017 02:00 PM


Đó là chủ đề chính của Hội thảo “Đánh giá thực hiện cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động và phương hướng thực hiện trong thời gian tới” do Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có TS. Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; bà Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc Làm; lãnh đạo Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm; đại diện lãnh đạo Sở, Phòng Việc làm và các Trung tâm Dịch vụ việc làm của 30 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo.

Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu cung – cầu của cả nước

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Việc thu thập, cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động đã có một quá trình triển khai dài và khá bài bản: Cơ sở dữ liệu cung lao động được thí điểm từ năm 2008 với 4 tỉnh, năm 2009 mở rộng thí điểm thêm 11 tỉnh, và đến năm 2010 triển khai trên toàn quốc; năm 2011 cơ sở dữ liệu cầu lao động triển khai thí điểm tại 16 tỉnh và đến năm 2012 triển khai trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội thảo.

Từ đánh giá kết quả thí điểm tại các địa phương, ngày 14/7/2009, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 25/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin cung, cầu lao động (sau này được thay thế bằng Thông tư số 27/2015/TT-BLĐTBXH ngày 24/07/2015 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động) để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động trở thành nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ hàng năm của các Sở LĐ-TB&XH.

Thực hiện hướng dẫn của Bộ, những năm qua các địa phương đã tích cực tổ chức triển khai thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động hàng năm. Trên cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động được thu thập, cập nhật hàng năm đó, ngành LĐ-TB&XH đã có được một bộ số liệu cơ bản phục vụ quản lý lao động - việc làm, xây dựng các báo cáo và đề xuất các chính sách, giải pháp để quản lý, điều chỉnh vấn đề cung - cầu lao động tại địa phương.

Theo báo cáo của Cục Việc làm, qua 8 năm triển khai, hiện cơ sở dữ liệu cung lao động đã có được thông tin của các hộ gia đình tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến năm 2016, cơ sở dữ liệu đã thu thập được thông tin của 15.468.757 hộ. Số liệu này đã được các địa phương dùng để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế  xã hội, xây dựng các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ công tác quản lý lao động, dịch chuyển lao động, vị thế việc làm của người lao động.

Về cầu lao động, qua 5 năm thực hiện, cơ sở dữ liệu cầu lao động đã có được thông tin của toàn bộ doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến năm 2016, số doanh nghiệp thu thập, cập nhật là 311.115 doanh nghiệp, số lượng hợp tác xã phi nông nghiệp là 5.095. Dữ liệu này được sử dụng ở các chỉ tiêu như số lượng, cơ cấu doanh nghiệp chia theo loại hình, theo ngành nghề sản xuất kinh doanh, tổng số lao động đã ký hợp đồng lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động… Cơ sở dữ liệu cầu lao động đã giúp các địa phương quản lý và khai thác được các chỉ số thông tin về việc làm, lao động động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp từ đó đưa ra các chính sách về kết nối cung, cầu lao động, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Việc thu thập và dữ liệu về cơ sở cung - cầu lao động còn nhiều hạn chế

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực tế như vấn đề về lực lượng điều tra viên, kinh phí, khai thác sử dụng dữ liệu.

Còn theo đánh giá của Cục Việc làm, các chỉ tiêu về cung - cầu lao động vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của địa phương; số liệu hàng năm có sự chênh lệch so với số liệu của cơ quan thống kê công bố. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn hạn chế cung cấp một số thông tin về tiền lương, hợp đồng lao động, phần lớn các doanh nghiệp trong cơ sở dữ liệu cầu lao động là doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp thường xuyên có sự biến động, phá sản, giải thể, thay đổi địa chỉ… gây khó khăn trong quá trình thu thập thông tin… Ngoài ra, do số liệu không đầy đủ, kết xuất số liệu thiếu, độ tin cậy chưa cao, số liệu online bị hạn chế do phần mềm, máy chủ hoạt động không ổn định, đường truyền chậm trong khi dữ liệu lớn, mô hình phần mềm khai thác còn mất nhiều khâu trung gian và thời gian xử lý nên việc khai thác, sử dụng dữ liệu còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các cấp, đặc biệt là cấp xã, huyện.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy nêu một số định hướng tăng cường thu thập và khai thác, sử dụng thông tin thị trường lao động thời gian tới.

Phương hướng thời gian tới

Kết thúc hội thảo, thay mặt lãnh đạo Cục Việc làm, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: Trong thời gian tới, việc triển khai thu thập thông tin thị trường lao động nhằm mục tiêu có được dữ liệu để phản ánh cơ bản về tình hình lao động - việc làm trên từng địa bàn phục vụ cho công tác quản lý lao động, xây dựng chính sách và điều tiết thị trường lao động. Do vậy, các cuộc khảo sát chuyên đề cần thiết kế theo từng đối tượng như: Lao động thanh niên, lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, lao động trong ngành dệt may, xây dựng… Cơ sở dữ liệu thị trường lao động hiện tại cũng sẽ được thực hiện theo hướng: Chuyển giao toàn bộ cơ sở dữ liệu thị trường lao động xuống địa phương; hoàn thiện các mẫu biểu ghi chép, phần mềm nhập tin, khai thác theo hướng đơn giản và hướng mở, gắn trách nhiệm cụ thể của UBND các cấp. Đồng thời sẽ rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu để loại bỏ những chỉ tiêu không cần thiết hoặc bổ sung những chỉ tiêu thiết yếu… 

Theo Gia đình & Trẻ em