Khảo sát chính sách tiền lương tại Bộ LĐ-TB&XH

28/10/2017 11:16 PM


Chiều 26/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương tới khảo sát việc thực hiện chính sách tại Bộ LĐ-TB&XH.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Nguồn ảnh: VGP)

Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan được Chính phủ giao quản lý chính sách tiền lương, quản lý Nhà nước về BHHX,  và chính sách người có công - đây là những nội dung quan trọng trong việc xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công mà Chính phủ sẽ trình Trung ương Đảng vào năm 2018.

Báo cáo thực trạng chính sách BHXH từ khi triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá IX đến nay của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy: Trong giai đoạn 2007-2016, đã có 1,34 triệu người được hưởng các chế độ trợ cấp hằng tháng (số giải quyết năm sau thường cao hơn năm trước, bình quân khoảng 134.000 người/năm); hơn 6 triệu lượt người hưởng các chế độ trợ cấp một lần từ quỹ hưu trí và tử tuất và quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, nhiều nhất là giải quyết BHXH một lần cho gần 5 triệu lượt người (bình quân gần 500.000 người/năm).

Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2007, Chính phủ đã có 05 lần điều chỉnh lương hưu, với mức tăng từ 164,8%-228,8% (tuỳ thuộc vào mức lương khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu) so với mức lương hưu của tháng 12/2002. Trong đó, người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và trước tháng 9/1993 được điều chỉnh với tỉ lệ cao hơn những người nghỉ hưu ở giai đoạn từ tháng 4/1993 trở về trước.

Và từ năm 2008 đến nay, Chính phủ cũng đã 10 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với mức tăng thêm 213,7% so với cuối năm 2007.

Tính đến hết tháng 9/2017, số người tham gia BHXH trong cả nước là khoảng 14,6 triệu người (gồm 13,3 triệu người đang đóng BHXH và 1,3 triệu người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH)- chiếm trên 27% lực lượng lao động. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu phát triển BHXH được đề ra tại Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ rõ, chính sách BHXH của Việt Nam đã bao phủ hết các chế độ, nhưng việc thiết kế chính sách và triển khai còn nhiều hạn chế như: Chưa đảm bảo sự công bằng, chưa thu hẹp được khoảng cách về thu nhập trong thụ hưởng BHXH; chưa thực hiện được mục tiêu đảm bảo tính bền vững quỹ BHXH trong dài hạn; thiếu sự kết nối với các hợp phần khác của hệ thống an sinh xã hội và thiếu sự chia sẻ; chính sách BH thất nghiệp chưa thực hiện được vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động;…

Chính vì vậy, việc cải cách chính sách BHXH trong thời gian tới phải đảm bảo mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH. Đó là phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60-70% NLĐ sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu (bao gồm cả lương hưu xã hội). Đồng thời, đảm bảo phát triển bền vững và cân đối quỹ BHXH trong dài hạn, nhất là quỹ hưu trí và tử tuất. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và quản trị hệ thống BHXH, tiến tới đạt được sự hài lòng của người dân về một hệ thống chính sách BHXH hiệu quả, có khả năng phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Nguồn ảnh: VGP)

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH và ý kiến của một số cơ quan Đảng, Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phải xác định rõ phạm vi, thực trạng của tiền lương trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.

Theo Phó Thủ tướng, chính sách tiền lương được pháp luật quy định toàn bộ hoạt động kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, chính sách tiền lương chỉ được áp dụng tại khu vực kinh tế chính thức (DN, cơ sở kinh doanh có nộp thuế, đóng BHXH cho NLĐ), còn lại, chính sách tiền lương chưa được xác định rõ tại phần lớn hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức. Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH làm rõ thực trạng, xây dựng chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp theo hướng thoả thuận về giá cả sức lao động theo cơ chế thị trường.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, Bộ LĐ-TB&XH sắp xếp lại cơ cấu đề án, trong đó nêu rõ quan điểm của Đảng về việc thực hiện chính sách BHXH, thực trạng chính sách BHXH hiện nay, đặc biệt, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế không được dập khuôn máy móc, mà phải chọn lọc cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta. Đồng thời, cần hệ thống lại nội dung đề cương và các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn; sắp xếp, biên tập lại theo nhóm, trong đó đặc biệt lưu ý những vấn đề mới, mang tính đột phá và khả thi, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu BHXH Việt Nam cần tham gia tích cực vào việc xây dựng Đề án này, đặc biệt trong vấn đề quản lý, sử dụng quỹ BHXH./.

PV