Đóng BHXH cho NLĐ không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là trách nhiệm pháp lý của DN

28/10/2017 11:11 PM


Chia sẻ về những bất cập còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH của nước ta,nhất là những bất cập liên quan đến việc mở rộng đối tượng, thời gian hưởng lương hưu, công tác khởi kiện đơn vị nợ BHXH,... Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, việc đóng BHXH cho NLĐ không chỉ là trách nhiệm xã hội của DN, mà còn là trách nhiệm pháp lý DN phải thực hiện.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, hiện nước ta mới có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động - tỷ lệ này tương đối thấp; và số người tham gia BH thất nghiệp còn thấp hơn, khoảng hơn 11 triệu người. Ông Hiểu cũng đề nghị, về chính sách BHXH của Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu việc thực hiện để so sánh xem có quốc gia nào có tỷ lệ tham gia BHXH thấp như của ta hiện nay hay không. Đặc biệt, vốn trong khu vực nông nghiệp người dân sốngdựa vào ruộng đồng, nay đô thị hóa quá nhanh, người dân không còn phương tiện mưu sinh; khi trẻ thì còn sức lao động, còn dùng lao động chân tay kiếm việc làm tự do, nhưng khi già không có lương hưu thì phải sống bằng gì. Đây là thách thức rất lớn mà chúng ta cần quan tâm trong thời gian tới bởi nó cũng chính là vấn đề trụ cột để đảm bảo ổn định xã hội.

“Trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH ở nước ta, khó nhất chính là việc xác định đối tượng đóng BHXH. Hiện, chúng ta có trên 500.000 DN, nhưng mới có khoảng 235.000 DN thực hiện đóng BHXH cho NLĐ (chiếm 47%); như vậy số DN trốn đóng BHXH tương đối nhiều. Việc đóng BHXH cho NLĐ không chỉ là trách nhiệm xã hội của DN, mà còn là trách nhiệm pháp lý DN phải thực hiện”, ông Ngọ Duy Hiểu nói. 

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng này: Ngoài ý thức trách nhiệm của chủ DN, thì một bộ phận lớn NLĐ cũng chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và sự cần thiết phải tham gia BHXH của bản thân. Hiện số nợ BHXH của cả nước ước khoảng 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó nợ BHXH khoảng 10.500 tỷ, đặc biệt trong đó đã có khoảng 1.400 tỷ đồng từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản… ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi an sinh của 193.000 NLĐ. 

“Đáng chú ý, về vấn đề nợ BHXH, hiện chúng ta hầu như không có giải pháp thu hồi hiệu quả. Dù xác định khởi kiện là hợp lý, nhưng việc này vẫn đang... trên giấy, khi triển khai trong thực tế thì còn gặp quá nhiều vướng mắc”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc làm sao để đảm bảo quyền lợi an sinh cho 193.000 NLĐ nêu trên chính là thách thức rất lớn mà chúng ta cần phải bàn, để cải cách chính sách BHXH trong thời gian tới. Có thể, chúng ta nên nghiên cứu hạ thời gian hưởng BHXH xuống còn 15 năm- giải pháp này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cho NLĐ. Bởi, qua thống kê cho thấy, lực lượng lao động từ 35-40 tuổi bị thải hồi khỏi quan hệ lao động rất nhiều- nếu nhóm này làm công nhân từ 21- 22 tuổi thì họ cố gắng làm việc đến 40 tuổi để được về hưu và chắc chắn thời điểm đó dù chưa đủ thời gian tham gia BHXH, thì họ cũng sẵn sàng đợi thêm 3-4 năm nữa để được hưởng lương hưu, chứ không phải chọn phương án nhận BHXH một lần. Ông Hiểu nhấn mạnh, “việc chúng ta hạ thời gian hưởng BHXH xuống còn 15 năm sẽ giúp mở rộng được đối tượng tham gia BHXH, giải quyết được vấn đề an sinh xã hội cho nhóm lao động yếu thế trong tương lai”.

Trước những vướng mắc trên, ông Ngọ Duy Hiểu đề xuất nên sửa đổi chính sách để đồng bộ các luật, giảm số năm đóng BHXH, qua đó góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH; đồng thời, sớm sửa quy định của luật liên quan đến quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt DN nợ đóng, trốn đóng BHXH; phải giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh trong việc đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH trở thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thực hiện./.

PV