Giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT ngày 07/9/2017 [Kết thúc]
07/09/2017 08:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên cả nước một cách đầy đủ và kịp thời về chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với bạn đọc trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam (tại địa chỉ: www.baohiemxahoi.gov.vn).
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn tặng hoa khách mời tham gia giao lưu
Khách mời tham gia Chương trình giao lưu gồm: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; đại diện lãnh đạo và các chuyên gia đến từ các đơn vị: Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Thu; Ban Sổ - Thẻ...
Chương trình giao lưu trực tuyến đã kết thúc. Từ khi thông tin về Chương trình Giao lưu trực tuyến, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã nhận được hơn 130 câu, đã trả lời được 103 câu, các câu hỏi còn lại của bạn đọc sẽ được Cổng Thông tin điện tử chuyển cho các đơn vị nghiệp vụ trả lời và cập nhật vào mục Hỏi đáp trong thời gian sớm nhất.
Dưới đây là nội dung Chương trình giao lưu. Nội dung được sắp xếp theo thứ tự mới ở trên để quý bạn đọc tiện theo dõi. (Vui lòng nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất):
Câu 103: Bạn đọc từ mail tgiang.tgc@gmail.com.vn hỏi
Hiện em đang làm việc tại 1 công ty và tham gia đóng BHXH từ năm 2011 nhưng em làm mất sổ thì làm lại như thế nào ạ? BHXH hướng dẫn là phải in tất cả các năm đóng BHXH nhưng em chỉ tìm được và in từ năm 2013 còn lại không in được nữa vậy các anh chị hướng dẫn giúp để em làm lại sổ BHXH với.
Xin trân thành cảm ơn!
BHXH Việt Nam trả lời:
Theo Khoản 1, Điều 27 và Khoản 2, Điều 46 Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đối với trường hợp cấp lại sổ BHXH:“Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng. Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch. Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: mất, hỏng”; thành phần hồ sơ cấp lại sổ BHXH do mất gồm Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS). Vì vậy, trường hợp của bạn cần nộp Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) cho đơn vị sử dụng lao động gửi cơ quan BHXH nơi quản lý để được cấp lại sổ BHXH.
Câu 102: Bạn đọc từ mail tuyetmo.ebisuyavn@gmail.com hỏi:
Tôi có câu hỏi kính mong BHXH giải đáp giúp tôi: Người lao động công ty của tôi hay bị tường hợp khi họ đi khám chữa bệnh họ không được hưởng giấy GCN để hưởng chế độ ốm đau, lí do Bệnh viện đó thuộc Bệnh viện Đa Khoa của Tỉnh, mà người lao động khi họ khám họ hoàn toàn không phân định được đó làm Bệnh viện tuyến Tỉnh.
Hỏi: BHXH Việt Nam có thể cho tôi biết cách kiểm tra bệnh viện nào thuộc tuyến tỉnh để tôi có thể giải đáp lại với Người lao động mà không cần phải hỏi BHXH tại nơi đơn vị tôi công tác được không, vì người lao động họ ở các Tỉnh khác nhau?
Hiện nay, trên các trang web của BHXH tỉnh, thành phố chỉ mới đăng tải danh mục các cơ sở KCB ban đầu trong địa bản tỉnh và danh mục cơ sở KCB ngoại tỉnh. Về thông tin cụ thể của các bệnh viện đề nghị Ông/Bà có thể tra cứu trên trang web tại bệnh viện đó.
Câu 101: Bạn đọc từ mail thunga.etc@gmail.com hỏi:
Công ty tôi đã nộp hồ sơ báo tăng đóng mới cho NLĐ qua mạng từ T3/2017 và đã được nhận thông báo sẽ trả kết quả hồ sơ (ký hợp đồng lao động vào T2/2017 nhưng báo tăng vào T3/2017) tại BHXH quận Đống Đa. Sau đó BHXH đã trả lời "Từ chối: yêu cầu diều chỉnh, bổ sung hồ sơ do là truy thu riêng T2/17 chứ không phải tăng mới". Bộ phận nhân sự không để đọc nhầm file thông báo cho rằng NLĐ đã được đóng Bảo hiểm (nhân sự thông báo cho tôi là bên BHXH thông báo tôi chỉ được báo tăng đóng bảo hiểm từ T3/2017). Đến T7/2017, công ty chốt bảo hiểm để chuyển sang quận khác thì mới biết tôi không được đóng bảo hiểm, trong khi cá nhân tôi vừa bị bác sỹ đình chỉ thai kỳ do bệnh lý vào T6/2017 => tôi không được hưởng chế độ thai sản do chưa được đóng bảo hiểm. Vậy tôi không được hưởng chế độ thai sản do phá thai bệnh lý: BHXH có trách nhiệm gì không khi không tiếp tục hướng dẫn cụ thể công ty khi hồ sơ đóng mới cho NLĐ (cụ thể không yêu cầu công ty hoàn thiện hồ sơ...) cùng trách nhiệm của công ty tôi. Xin cảm ơn!
Căn cứ quy trình quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, Bà đề nghị cán bộ làm công tác BHXH của đơn vị liên hệ với cơ quan BHXH quận Đống Đa để được hướng dẫn lập hồ sơ đóng và truy đóng BHXH thời gian tháng 02/2017 đối với Bà.
Câu 100: Bạn đọc từ mail thunga.etc@gmail.com hỏi:
Tôi đã đóng bảo hiểm được trên 5 năm thì ngừng đóng. Sau đó tôi bắt đầu đóng tiếp bảo hiểm theo công ty từ tháng 3.2017. Đến 16/5/2017 tôi phải nhập viện đình chỉ thai theo Chỉ định của Bác sỹ tại bệnh viện phụ sản trung ương hà nội (tôi có giấy yêu cầu đình chỉ thai của bác sỹ bệnh viện phụ sản TW, lúc ra viện tôi có giấy chứng tử, thai 28 tuần). Trường hợp của tôi là đã đóng đủ 03 tháng trước khi tôi nhập viện. Vậy cơ quan bảo hiểm phản hồi giùm tôi: trường hợp của tôi là đã đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi phá thai bệnh lý theo Luật bảo hiểm xã hội 2014 theo điều 31 mục 3: được hưởng nghỉ hưởng chế độ 50 ngày theo Luật? Từ T10-2008 đến T1.2012 mức đóng BH là 5.5 triệu. Từ T3.17-T5.17: mức đóng là 4.1 triệu. Vậy tổng số tiền tôi sẽ nhận được theo chế độ thai sản là <50 ngày x (5.5+4.1)*0.5>30 ngày. Ngoài ra tôi sẽ nhận được tiền 5 ngày nghỉ dưỡng sức sau = 30% lương cơ bản?. Kính đề nghị Cơ quan bảo hiểm giải đáp thắc mắc giùm tôi. Xin chân thành cảm ơn! Thu Nga.
Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Theo quy định tại Công văn số 4597/BYT-BMTE ngày 14/7/2014 của Bộ Y tế: Những trường hợp đình chỉ thai nghén trước 22 tuần tuổi thai là phá thai, từ đủ 22 tuần đến trước khi hết 37 tuần tuổi thai là đẻ non.
Trường hợp của bạn là đình chỉ thai nghén, thai 28 tuần tuổi, có giấy chứng tử của con, theo quy định nêu trên là đẻ non con chết. Theo thông tin bạn cung cấp, trong vòng 12 tháng trước khi sinh con (tháng 5/2016 đến 5/2017) bạn mới đóng BHXH đủ 3 tháng (từ T3/2017 đến T5/2017) nên không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật BHXH: Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Trường hợp của bạn không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản nên không được hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản.
Câu 99: Bạn đọc từ mail anhngaqn@gmail.com hỏi:
Tôi là giáo viên sinh tháng 2/1966 tham gia bảo hiểm từ tháng 10/1992. Tôi có dự định nghỉ theo chế độ tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP vào tháng 10/2018. Nhưng đến tháng 10 /2018 số năm tham gia bảo hiểm của tôi là 26 năm và còn thiếu 4 năm để được hưởng mức 75% lương đóng bảo hiểm. Như vậy 4 năm bị thiếu tôi có thể tham gia bảo hiểm tự nguyện được không? Và để nhận mức lương 5.700.000đ tôi sẽ đóng tổng cộng là bao nhiêu.
- Trường hợp của bạn nếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nghỉ việc theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và thuộc đối tượng bảo lưu thời gian đóng BHXH thì bạn có thể lựa chọn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu với mức hưởng cao hơn.
- Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, mức lương hưu hàng tháng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tuổi đời, giới tính, thời gian đóng BHXH, mức tiền lương thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH.
Do nội dung hỏi của bạn chưa có đầy đủ thông tin nêu trên nên cơ quan BHXH chưa có cơ sở trả lời về mức đóng BHXH tự nguyện cụ thể đối với bạn để được hưởng mức lương hưu 5.700.000 đồng. Đề nghị bạn cung cấp hồ sơ đến cơ quan BHXH địa phương để được hướng dẫn.
Câu 98: Bạn đọc từ mail ngocsuongcc.tphcm@gmail.com hỏi:
Tôi sinh năm 1990, hiện là công chức nhà nước năm 2010 tôi có cho một người em mượn chứng minh nhân nhân làm hồ sơ xin việc làm do nó chưa đủ tuổi, đến năm 2011 tôi xin việc làm và đóng bảo hiểm cho đến nay, còn em tôi làm đến năm 2016 xin nghi việc và lấy chồng xa. Cho tôi hỏi trường hợp tôi đứng tên hai sổ bảo hiểm 1 ở TP.HCM, 1 ở bình phước sau này có ảnh hưởng gì đến lương hưu của tôi không? Em tôi đã xin nghỉ việc và làm mất sổ bảo hiểm ở TP.HCM. Cho tôi biết cách giải quyết như thế nào ạ. Xin cảm ơn!
Việc em bạn mượn hồ sơ của bạn để đi làm là vi phạm Khoản 4, Điều 17 Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 của Quốc hội và Khoản 20, Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Vì vậy, để có đủ căn cứ xác định mức độ vi phạm và hướng xử lý, đề nghị bạn và em bạn liên hệ với BHXH Thành phố Hồ Chí Minh để BHXH Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm tra, xác minh cụ thể sai phạm tại đơn vị sử dụng lao động, sau đó có văn bản báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Khi có kết luận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động và người lao động làm thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, cụ thể:
- Hồ sơ cấp lại sổ theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Quy trình Thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Sơ yếu lý lịch khai lại đúng với nhân thân của người lao động, có xác nhận của người sử dụng lao động;
- Bản xác nhận của người sử dụng lao động về thời gian người lao động làm việc tại đơn vị, có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận;
- Bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của người cho mượn hồ sơ (trừ trường hợp đã chết) có chứng thực của chính quyền địa phương; Bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của người mượn hồ sơ có chứng thực của chính quyền địa phương.
Quang cảnh buổi giao lưu
Câu 97: Bạn đọc từ mail mongtuyennguyenthi30@gmail.com hỏi:
Cho em hỏi công nhân tăng mới bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tháng 7 mà khi in bìa sổ tháng 8, cho em hỏi như vậy có ảnh hưởng đến quá trình không ạ? Người lao động có thể tra cứu như thế nào để biết quá trình đóng bảo hiểm ạ.
Em xin cảm ơn!
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Quy định về mẫu sổ BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 01/10/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thì cơ quan BHXH thực hiện in bìa sổ BHXH để trả cho người lao động khi người tham gia BHXH lần đầu. Hàng năm, cơ quan BHXH in tờ rời sổ BHXH để trả cho người lao động. Trường hợp người lao động tăng mới tháng 7 mà in bìa sổ BHXH tháng 8 thì không ảnh hưởng đến quá trình tham gia của người lao động. Người lao động có thể tra cứu thông tin và quá trình đóng BHXH tại địa chỉ: http://baohiemxahoi.gov.vn.
Câu 96: Bạn đọc từ mail lacniemtyn@gmail.com hỏi:
Em có làm ở công ty và có đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2016. Sau đó em nghỉ việc và hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đến tháng 4/2017 em đã rút bảo hiểm 1 lần. Bây giờ em đi làm ở công ty mới. Và công ty mới yêu cầu em nộp lại sổ bảo hiểm. Nhưng em đã bị thu sổ sau khi rút bảo hiểm 1 lần. Vậy giờ em có xin cấp lại được sổ bảo hiểm được không ạ? Nếu được thì thủ tục như thế nào ạ. Em cảm ơn! Mong nhận được câu trả lời sớm nhất từ nhóm ạ.
Theo Khoản 2, Điều 46 Quy trình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Namđối với trường hợp cấp lại sổ BHXH thì: “Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng. Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch. Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: mất, hỏng”. Trường hợp bạn đã hưởng hết BHTN, BHXH một lần ở công ty cũ thì cơ quan BHXH không thực hiện cấp lại sổ BHXH. Khi bạn làm việc ở đơn vị mới, bạn khai báo số sổ BHXH đã có để đơn vị sử dụng lao động báo tăng với cơ quan BHXH để cấp sổ BHXH cho bạn theo số sổ BHXH đã có.
Câu 95: Bạn đọc từ mail nguyenchanh24392@gmail.com hỏi:
1. BHXH Việt Nam cho em hỏi chế độ thai bị lưu từ 25 tuần trở đi được hưởng là 50 ngày khi làm thủ tục hưởng ngoài giấy ra viện có cần thêm giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH không? (trên giấy ra viện bác sĩ có ghi chú nghỉ công tác theo chế độ)
2. Khi chị em mang thai chị em đóng bảo hiểm ở tỉnh Bình Dương, sinh xong xin nghỉ làm luôn thì chị em có thể về quê (tại Hà Nội) để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thai sản được không ạ? (tự làm ạ)
1- Khoản 2 Điều 101 Luật BHXH năm 2014 quy định: Trường hợp lao động nữ thai chết lưu phải có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú, Giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.
Tại Khoản 2 Điều 25 Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế quy định: Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện thì cơ quan BHXH căn cứ số ngày nghỉ ghi tại phần ghi chú của Giấy ra viện để làm căn cứ thanh toán chế độ BHXH theo quy định.
Trường hợp trên, nếu Giấy ra viện có chỉ định số ngày nghỉ thêm (nghỉ ngoại trú) của bác sỹ thì được chấp nhận là chứng từ thanh toán, NLĐ không cần phải cung cấp thêm Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
2- Theo quy định tại Điều 102 Luật BHXH năm 2014 thì:
NLĐ đang làm việc khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.
NLĐ thôi việc trước thời điểm sinh con thì nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi cư trú.
Đối chiếu với trường hợp chị của bạn, sinh con xong mới xin nghỉ làm thì phải nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động để lập hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH.
Câu 94: Bạn đọc từ mail nguyenchanh24392@gmail.com hỏi:
Tôi đóng bảo hiểm ở tỉnh Bình Dương nhưng tôi nghỉ việc về quê (miền Bắc) thì có làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở ngoài Bắc được không ạ?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm và Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luât Việc làm về BH thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng làm việc, NLĐ có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi NLĐ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp NLĐ thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì có thể ủy quyền nộp hồ sơ theo quy định.
Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp của bạn sau khi nghỉ việc về quê thì có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng BH thất nghiệp tại quê của bạn.
Câu 93: Bạn đọc từ mail le6hung@gmail.com hỏi:
Tôi sinh năm 1965, đã làm việc tại một cơ quan Nhà nước từ năm 2004, nhưng do chỉ ký Hợp đồng công việc nên không được cơ quan đóng BHXH, nay tôi muốn đóng BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí sau này, nên tôi muốn hỏi một số vấn đề như sau:
1. Tôi có được phép truy đóng BHXH tự nguyện của các năm trước đây không? nếu được thì theo quy định, bắt đầu truy đóng từ năm nào để đến khi tôi tròn 55 tuổi (8/2020) sẽ được hưởng lương hưu? hoặc đến 55 tuổi phải đóng tiếp một lần bao nhiêu tháng, năm để đủ 20 năm mới được hưởng chế độ hưu?
2. Cách tính tiền truy đóng cho một tháng, năm, trong từng giai đoạn trước đây là bao nhiêu (tôi đang ở khu vực 2 - Thành phố Đà Nẵng)?
Xin chân thành cảm ơn!
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014; Điều 9, Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện thì không có căn cứ để Ông/Bà được truy đóng (hoặc đóng bù) BHXH tự nguyện cho những năm trước đây, trường hợp Ông/Bà có nguyện vọng tham gia BHXH tự nguyện thì được đóng từ thời điểm hiện tại theo một trong các phương thức đóng: hàng tháng, 03 tháng một lần, 06 tháng một lần, 12 tháng một lần, một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng).
Trường hợp đến 55 tuổi đối với Nữ hoặc 60 tuổi đối với Nam mà chưa có đủ 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu, nhưng không quá 10 năm (120 tháng) cho đủ 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí.
Câu 92: Bạn đọc từ mail nvphuong265@gmail.con hỏi:
Tôi đóng BHXH tại thành phố Hà Nội từ tháng 6/2016 - 2/2017. Tôi chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 7/2017. Công ty cũ ở Hà Nội đã chốt sổ bảo hiểm cho tôi và hiện tôi đang giữ sổ. Nhưng nhân sự ở công ty mới tại HCM nộp hồ sơ online để đóng BHXH cho tôi thì BHXH quận Tân Phú - HCM trả lại hồ sơ 2 lần và thông báo rằng số CMND của tôi không tồn tại trên hệ thống. Trong khi tôi tra cứu quá trình đóng BHXH trên trang BHXH Hà Nội thì thấy dữ liệu vẫn bình thường (đúng số sổ, số CMND, ngày sinh, họ tên). Vậy giờ tôi phải làm sao?
Bạn kiểm tra lại hồ sơ online đóng BHXH của bạn nộp cho BHXH quận Tân Phú nếu đúng và chính xác với thông tin của bạn (đúng số sổ, CMND, ngày sinh, họ tên) thì bạn mang hồ sơ đến nộp trực tiếp tại BHXH quận Tân phú theo quy định.
Câu 91: Bạn đọc từ mail truonggiangcie@gmail.com hỏi:
Tôi xin hỏi về cách tính đóng BHXH năm 2018 như sau: Hiện tại công ty đang đóng BHXH theo thang lương bảng lương do công ty XD cho tôi là mức: 5.025.000đ (Lương tối thiểu vùng x 1,34). Trong khi đó hàng tháng tôi được lĩnh lương 10.000.000đ/tháng (là lương khoán sản phẩm). Vậy xin hỏi sang năm 2018 thì cách tính đóng BHXH sẽ áp dụng như thế nào? Đóng theo giá trị thang lương, bảng lương là mức: 5.025.000đ (Lương tối thiểu vùng x 1,34)? Đóng theo giá trị hàng tháng tôi được lĩnh là 10.000.000đ/tháng?
Xin BHXH giải đáp giúp tôi. Xin cảm ơn!
Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 2 Điều 30 thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/ 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về HĐLĐ, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động ghi trong HĐLĐ,từ ngày 01/01/2018 tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong HĐLĐ.
Vì vậy, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày 01/01/2018 là tiền lương được ghi trong HĐLĐ của Ông/Bà.
Câu 90: Bạn đọc tên Nguyễn Văn Trung, Bình Định hỏi: Tôi muốn hỏi về vấn đề mức hưởng BHYT khi đi KCB tại tuyến xã? Vợ tôi có tham gia BHYT tự nguyện; cơ nơi khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến xã bãi ngang. Hôm nay vợ tôi bị ngộ độc thực phẩm vào xã khám và điều trị. Và bị thu 180.000 đồng tiền thuốc và 20.000 đồng tiền giấy. Như vậy, cho tôi hỏi theo quy định việc xã thu tiền như vậy có đúng không? Đây không phải là lần đầu tiên xã thu tiền như vậy. Tôi xin cảm ơn.
BHXH Việt Nam trả lời:
Do Ông không cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về những chi phí KCB vợ ông phải chi trả nên chúng tôi không có căn cứ để trả lời Ông. Đề nghị Ông mang toàn bộ hồ sơ, chứng từ thanh toán đến cơ quan BHXH huyện nơi sinh sống để được hướng dẫn.
Câu 89: Ban đọc tên Nguyễn Thành Nam, TP Hồ Chí Minh hỏi: Em muốn hỏi về vấn đề mức hưởng BHYT khi chuyển tuyến giữa các bệnh viện cùng tuyến tỉnh? Em làm việc ở công ty và được đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện đa khoa Sài Gòn. Vậy nếu em có giấy chuyển tuyến của bác sĩ bệnh viện cho chuyển lên bệnh viện 115 thì có được tính BHXH ko ạ và mức hưởng là bao nhiêu?
Trường hợp Bạn có giấy chuyển tuyến từ bệnh viện đa khoa Sài Gòn là bệnh viện tuyến tỉnh, hạng 2 lên bệnh viện 115 là bệnh viện tuyến tỉnh, hạng 1 thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT trong phạm vi hưởng BHYT như khi đi KCB BHYT tại bệnh viện đa khoa Sài Gòn.
Câu 88: Bạn đọc tên Trần Văn Tuấn hỏi: Thắc mắc về mức thanh toán BHYT tối đa cho một lần KCB? Tôi là công nhân và có tham gia BHYT. Tôi muốn hỏi nếu tôi đi KCB và có số tiền phải chi trả 100 triệu thì tôi được bảo hiểm chi trả tối đa là bao nhiêu?
Hiện nay, Luật BHYT không quy định mức thanh toán BHYT tối đa cho một lần KCB.
Trường hợp sử dụng một số dịch vụ kỹ thuật có quy định tỷ lệ, điều kiện thanh toán thì thực hiện thanh toán theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28/9/2016 ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Trường hợp sử dụng vật tư y tế thì mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp các vật tư y tế được quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/04/2017 ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Câu 87: Bạn đọc tên Đặng Hoài Anh, tỉnh Nghệ An hỏi: Anh, chị cho em hỏi vấn đề này với ạ! Em đi khám về và có giấy hẹn khám lại 1 tháng sau đến mổ tại bệnh viện. Vậy em có phải xin giấy chuyển tuyến nữa không ạ? Có cần giấy chuyển tuyến khi đã có giấy hẹn khám lại?
Trường hợp Ban được cơ sở KCB hẹn khám lại thì không phải xin giấy chuyển viện của cơ sở đăng ký KCB ban đầu. Tuy nhiên, mỗi giấy hẹn khám lại chỉ có giá trị sử dụng 1 lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn.
Câu 86: Bạn đọc tên Nguyễn Minh Hoa, Hà Nội hỏi: Con trai em có thẻ bảo hiểm ghi nơi đăng ký KCb ban đầu là tuyến huyện. Nhưng em cho con đi khám ở viện 103 mà không có giấy chuyển tuyến. Nay đã khám xong và hết 380.000 đồng em chưa thanh toán. Vậy bây giờ em về xin giấy chuyển viện thì có được chi trả không? Giấy chuyển tuyến được cấp khi nào? Em cảm ơn.
Theo quy định thì trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở KCB khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật. Như vậy, người tham gia BHYT chỉ được cấp giấy chuyển viện sau khi đã KCB tại cơ sở KCB đó, không được cấp Giấy chuyển viện có thời hạn trở về trước.
Bệnh viện 103 là Bệnh viện tuyến Trung ương nên trường hợp người tham gia BHYT tự đi KCB không đúng tuyến chỉ được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi hưởng và theo mức hưởng BHYT, không thanh toán chi phí KCB ngoại trú.
Câu 85: Bạn đọc từ địa chỉ email thienloan9x@gmail.com hỏi:
Em làm ở công ty cổ phần hóa chất Vinh đóng BHXH từ tháng 8/2016 chuẩn bị tới tháng 8/2017 này em sinh, vì làm ở công ty tư nhân lương 3,5 triệu/26 công. Vậy khi em nghỉ sinh thì số tiền em được nhận hàng tháng là bao nhiêu.
Nếu Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH thì khi Bạn sinh con Bạn được hưởng chế độ thai sản với mức hưởng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 như sau: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Nếu Bạn đi làm và đóng BHXH liên tục từ tháng 8/2016 đến khi sinh với mức lương 3,5 triệu đồng thì bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Mức trợ cấp một tháng bằng 3,5 triệu đồng (hưởng trong 6 tháng). Ngoài ra, bạn còn được trợ cấp một lần bằng 02 tháng lương cơ sở tại thời điểm sinh con (mức lương cơ sở tại tháng 8/2017 là 1,3 triệu đồng).
Câu 84: Bạn đọc từ địa chỉ email quang.luuvinh1975@gmail.com hỏi:
Người lao động được phân công làm việc từ 15h00 đến 24h00 (nghỉ giữa ca từ 19h00 đến 20h00). Trong thời gian nghỉ giữa ca người lao động về nhà ăn cơm tối sau đó trở lại công ty để tiếp tục làm việc, trên đường đi làm từ nhà đến công ty (đi bằng phương tiện mô tô), thì bị tai nạn lúc 19h40. Xin hỏi: Người lao động có được hưởng chế độ tai nạn lao động không? (công ty đóng BHXH bắt buộc đầy đủ; Có biên bản điều tra tai nạn lao động; Tỷ lệ mất sức lao động do thương tật là 22%).
Theo quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ TNLĐ khi bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian như bạn nêu trong câu hỏi được coi là hợp lý và được hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động là 22% từ thương tật do bị tai nạn thì được hưởng chế độ TNLĐ. Tuy nhiên, đơn vị cần đảm bảo đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016), gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ.
Câu 83: Bạn đọc từ địa chỉ email: chienthanhchuong@gmail.com hỏi:
Công ty em có công nhân xin nghỉ việc riêng về thăm quê mẹ tại Bình Định. Trong thời gian này, người lao động bị ốm có đi khám tại quê nhà và có giấy hưởng BHXH. Vậy trong trường hợp này xin được hỏi quý Anh, chị là có giải quyết chế độ cho nhân viên này không?
Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: “Trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì thời gian ốm đau, tai nạn trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng trợ cấp ốm đau; thời gian nghỉ việc do bị ốm đau, tai nạn ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ ốm đau theo quy định”.
Đối chiếu với quy định nêu trên, những ngày người lao động nghỉ việc riêng trùng với ngày người lao động bị ốm đau không được tính hưởng chế độ ốm đau.
Câu 82: Bạn đọc từ mail dogiang8285@gmail.com hỏi:
Công ty em có anh A bị tai nạn giao thông vào tháng 9/2010 trên đường đi làm về. Do phát hiện hòn đá giữa đường muộn nên đâm vào hòn đá, ngã xe máy, bất tỉnh, được người dân đưa đi cấp cứu. Sau khi tai nạn xảy ra, người dân chỉ trình báo công an xã đến lập biên bản tai nạn và sơ đồ hiện trường mà không trình báo cho công an giao thông khu vực biết. Theo kết quả giám định tổn thương là 17%. Công ty đã làm hồ sơ gửi BHXH tỉnh, tuy nhiên BHXH tỉnh có văn bản gửi về yêu cầu bổ sung hồ sơ tại Điều 14 Mục I quy định hưởng chế độ TNLĐ, theo đó phải bổ sung: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường do công an giao thông nơi bị tai nạn lập. Người lao động cũng như công ty không thể có được các hồ sơ theo yêu cầu trên. Vậy xin hỏi: Người lao động có được hưởng trợ cấp TNLĐ do bảo hiểm chi trả không ạ. Nếu được thì công ty cần bổ sung hồ sơ gì ngoài hồ sơ theo yêu cầu trên.
Trường hợp người lao động tại Công ty của bạn bị tai nạn giao thông từ tháng 9/2010 nên hồ sơ áp dụng theo quy định tại Điều 114 Luật BHXH năm 2006. Theo đó, hồ sơ gồm:
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông.
3. Giấy ra viện sau khi đã điều trị tai nạn lao động.
4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.
5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.
Tại Công văn số 2871/LĐTBXH-BHXH ngày 20/8/2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn cụ thể hơn hồ sơ làm căn cứ giải quyết chế độ TNLĐ trường hợp bị tai nạn giao thông thì bản sao Biên bản tai nạn giao thông đối với người hưởng chế độ TNLĐ trong trường hợp bị tai nạn giao thông quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật BHXH được thay thế bằng bản sao Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.
Đối chiếu quy định nêu trên, nếu đơn vị không cung cấp được hồ sơ theo quy định thì cơ quan BHXH không đủ căn cứ để giải quyết chế độ TNLĐ. Đây cũng là vướng mắc trong tổ chức thực hiện chế độ TNLĐ đối với trường hợp bị tai nạn giao thông. BHXH Việt Nam đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay chưa có hướng để tháo gỡ.
Câu 81: Bạn đọc từ mail kimdung313@gmail.com hỏi:
Các khoản bảo hiểm chi trả khi người lao động bị chết do tai nạn lao động thì thân nhân có được hưởng đồng thời 36 tháng lương theo Điều 47 và chế độ tử tuất hàng tháng theo Điều 64 của Luật BHXH hay chỉ được hưởng 1 trong 2 điều thôi?
Theo quy định tại Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016), khi người lao động bị chết do TNLĐ thì thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Như vậy, trường hợp người lao động bị chết do TNLĐ thì thân nhân được hưởng đồng thời khoản trợ cấp bằng 36 lần mức lương cơ sở và chế độ tử tuất theo quy định của Luật BHXH.
Câu 80: Bạn đọc từ mail tuyetmo.ebisuyavn@gmail.com hỏi:
Tôi có câu hỏi kính mong BHXH Việt Nam giải đáp giúp tôi để tôi được rõ: Người lao động vừa tham gia BHYT ở đơn vị, và cũng vừa tham gia BHYT ở địa phương, Hỏi: khi đi khám bệnh người lao động có được hưởng quyền lợi BHYT từ cả 2 bên không?
Trường hợp Ông là người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (trên thẻ BHYT có mã ký hiệu K2) thì khi tự đi KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương mà phải nằm điều trị nội trú thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi hưởng theo quy định của Luật BHYT.
Do thông tin Ông cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi chưa có căn cứ để trả lời Ông cụ thể. Đề nghị Ông mang hồ sơ, chứng từ đến cơ quan BHXH nơi gần nhất để được hướng dẫn cụ thể.
Câu 79: Bạn đọc từ mail doancanhle@gmail.com hỏi:
Tôi có thẻ BHYT Mã số HC2... (xã ĐBKK) khám tại BV Quân y 13 (Bình Định) (BV hạng 2)thì chỉ được thanh toán 60%; còn khám tại BV Quân dân miền Đông thì được thanh toán 100%. 2) Tôi mổ mắt tại BV mắt TP HCM có chuyển viện đúng tuyến, tổng chi phí gần 9 triệu nhưng phải đóng gần 6 triệu, sao thẻ MS HC2 ... mà phải đóng nhiều vậy?
Câu 78: Bạn đọc từ mail thai.flower.hoa@gmail.com hỏi:
Tôi tham gia BHXH bắt buộc từ 2005, nhưng hiện tại số CMND và địa chỉ thường trú đã thay đổi so với thông tin trên sổ BHXH. Vậy tôi có cần phải điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH cho đúng với số CMND và sổ hộ khẩu hiện tại của tôi không? Nếu điều chỉnh thì xin hướng dẫn cho tôi cần phải làm những thủ tục gì. Tôi xin chân thành cảm ơn.
BHXH Việt Nam trả lời:
Theo Khoản 2, Điều 46 Quy trình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Namđối với trường hợp cấp lại sổ BHXH thì: “Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng. Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch. Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: mất, hỏng”. Số CMND và địa chỉ thường trú là tiêu thức quản lý đối tượng trong cơ sở dữ liệu vì vậy không cần phải điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH.
Câu 77: Bạn đọc từ mail mainguyen87hue@gmail.com hỏi:
Chào anh chị. Tôi là Nguyên, hiện đang công tác tại Đà Nẵng được gần 3 năm, tôi đã có sổ BHXH -thẻ BHYT. Nhưng vừa qua, các nơi điều tra theo hộ gia đình và cung cấp số sổ BHXH theo hộ gia đình. Gia đình tôi (nơi hộ khẩu thường trú) ở tại Huế đã kê khai mà tôi không biết. Giờ tôi có 2 số sổ BHXH, 2 số thẻ BHYT. Vậy cho tôi hỏi có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của tôi sau này không? Và tôi cần phải làm gì để quyền lợi của tôi trong tương lai không bị ảnh hưởng?
Ngày 28/8/2017, BHXH Việt Nam có Công văn số 3799/BHXH-BT hướng dẫn về hoàn thiện cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT. Trường hợp của bạn có 02 số sổ BHXH và 02 số thẻ BHYT thì bạn cần liên hệ với cơ quan BHXH nơi đang tham gia đóng BHXH, BHYT để xử lý đồng bộ mã số BHXH theo quy định và đảm bảo thuận tiện cho bạn khi giao dịch, giải quyết các thủ tục với cơ quan BHXH.
Câu 76: Bạn đọc từ mail quynh.vn@sgc.com.vn hỏi:
Bố mẹ tôi có tham gia BHYT từ ngày 01/03/2011 đến nay với thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT như sau:
Thẻ 1: Từ 01/03/2011 đến 29/02/2012
Thẻ 2: Từ 01/03/2012 đến 28/02/2013
Thẻ 3: Từ 01/03/2013 đến 28/02/2014
Thẻ 4: Từ 01/03/2014 đến 28/02/2015
Thẻ 5: Từ 01/05/2015 đến 30/04/2016
Thẻ 6: Từ 01/05/2016 đến 30/04/2017
Thẻ 7: Từ 28/07/2017 đến 28/07/2018
Kính nhờ BHXH Việt Nam trả lời giúp có phải là bố mẹ tôi đã tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục và thời điểm đủ 5 năm liên tục là 01/05/2016 hay không?
Trân trọng cám ơn!
Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ BHYT lần trước (tức là thời gian có đóng BHYT) trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.
Trường hợp bố, mẹ của bạn có thời gian tham gia BHYT từ 01/3/2011 đến nay là đủ 05 năm liên tục, nhưng do có 02 tháng gián đoạn không đóng BHYT (từ 01/3/2015 đến 30/4/2015) không được tính vào tổng thời gian có đóng đủ 05 năm liên tục. Vì vậy, thời điểm tham gia đủ 05 năm liên tục được tính từ ngày 01/7/2016.
Câu 75: Bạn đọc từ mail mr.trungsmile198@gmail.com hỏi:
Mẹ tôi mua bảo hiểm y tế tự nguyện tại nơi cư trú đã được 5 năm nhưng khi tôi mang thẻ bảo hiểm ra trụ sở của BHYT tại đường giải phóng để xin xác nhận và đổi thẻ bảo hiểm chứng minh mẹ tôi được hưởng chế độ 5 năm thì nhận được câu trả lời mẹ tôi bị gián đoạn 1 tháng trong thời gian 5 năm đấy. Cho tôi hỏi có ai gặp trường hợp như mẹ tôi chưa và cách giải quyết như nào?
Căn cứ Điểm d, Khoản 1, Điều 5 và Khoản 2, Điều 21 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT quy định: “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng”; “Các quy định tại Thông tư này được thực hiện ngày 01/01/2015”.
Trường hợp mẹ của bạn nếu gián đoạn tham gia BHYT 01 tháng trước thời điểm 01/01/2015 thì chưa được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục, nếu thời gian gián đoạn này sau thời điểm 01/01/2015 thì vẫn được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.
Câu 74: Bạn đọc từ mail mthunguyen@gmail.com hỏi:
Tại Khách sạn chúng tôi, hàng tháng, nhân viên được nhận một loại tiền thưởng có nguồn gốc từ phí phục vụ thu được từ khách. Khoản thưởng này tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Vậy, khoản này có phải đóng bảo hiểm từ năm 2018 không? Theo tôi hình dung là không phải đóng BHXH cho khoản thưởng này vì nó chính là khoản thưởng ở điểm 1, điều 103 Bộ Luật Lao động. Xin chân thành cảm ơn quý anh chị giải đáp giúp.
Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ; Khoản 2, Khoản 3 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, từ ngày 01/01/2018 khoản tiền thưởng tùy thuộc vào tình hình kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc không làm căn cứ tính đóng BHXH.
Câu 73: Bạn đọc từ mail Thaotrangqt1334@gmail.com hỏi:
Tháng 3/2017, Công ty tôi có tuyển dụng anh A với mức lương 40 triệu đồng/tháng và Công ty đã báo tăng tại mẫu D02-TS (với mức lương là 40 triệu đồng/tháng). Theo đó, mức lương tham gia BHXH và BHYT của anh A là 24.200.000 đồng/tháng. Đến tháng 7/2017, mức lương cơ sở tăng 1.300.000 đồng/tháng nên mức lương tham gia BHXH và BHYT của anh A là 26.000.000 đồng/tháng. Vậy Công ty tôi có phải báo tăng mức đóng BHXH, BHYT theo mẫu D02-TS hay không? Rất mong nhận được câu trả lời của cơ quan bảo hiểm.
Công ty đã báo tăng mức đóng cho lao động A với mức lương 40 triệu đồng/tháng vào thời điểm tháng 3/2017, đến thời điểm tháng 7/2017 điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1,300,000 đồng thì công ty không phải báo tăng mức đóng cho người lao động theo mẫu D02 - TS.
Câu 72: Bạn đọc từ mail vdlp@foster.com.vn hỏi:
Cho tôi hỏi các trường hợp ốm đau như thế nào thì mới được báo giảm ốm để hưởng quyền lợi thẻ BHYT. Nếu NLĐ chỉ làm phép cho đơn vị báo nghỉ ốm nhưng không có giấy nghỉ hưởng/giấy ra viện thì có được báo ốm không? Nếu có giấy nghỉ hưởng/giấy ra viện nhưng chỉ có 10 ngày, 4 ngày không có giấy tờ có được báo ốm không? Tại sao đối tượng nghỉ không lương có nhu cầu đóng tiền thẻ BHYT đến hết hạn thẻ BHYT để sử dụng thì cơ quan BHXH không cho đóng tiền thẻ?
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 thì người lao động không làm việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó, như vậy trường hợp này người lao động không có tiền lương làm căn cứ đóng BHYT nên không tham gia BHYT.
Trường hợp bạn nêu người lao động đã nghỉ việc 14 ngày trong tháng trong đó có 10 ngày nghỉ ốm và 4 ngày không phải nghỉ ốm, do đó không phải đóng BHYT và không được hưởng quyền lợi về BHYT vì nghỉ ốm chưa đủ 14 ngày theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHYT.
Đối tượng nghỉ không lương thì không có tiền lương làm căn cứ đóng BHYT, do đó không thể đóng tiền BHYT đến hết hạn thẻ để sử dụng thẻ BHYT được.
Câu 71: Bạn đọc từ mail vdlp@foster.com.vn hỏi:
Thời gian thử việc từ 30 ngày đến 60 ngày theo quy đinh của Luật lao động, ký HĐLĐ thử việc thì có phải đóng BHXH từ 01/01/2018 không? Đối với HĐLĐ từ 01 tháng đến dưới 3 tháng từ 01/01/2018 phải đóng BXHH, nhưng có phải đóng BH thất nghiệp không vì không thấy quy đinh về BH thất nghiệp. Nếu luật không quy định mà đơn vị muốn đóng luôn BH thất nghiệp cho dễ theo dõi được không?
Căn cứ quy định tại Điều 26, Điều 27 Bộ Luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng thử việc với người lao động nhưng chỉ được ký hợp đồng thử việc một lần với thời hạn không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ Cao đẳng trở lên (hoặc) không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ (hoặc) không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác; Người làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (kể cả từ thời điểm sau ngày 01/01/2018).
Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 và Điều 124 Luật BHXH năm 2014; Điều 43 Luật Việc làm năm 2013, từ ngày 01/01/2018 người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng không thuộc đối tượng tham gia BH thất nghiệp. Do đó, công ty ông/bà không có căn cứ để đóng BH thất nghiệp cho đối tượng này.
Câu 70: Tôi muốn hỏi về chi trả BHYT trong trường hợp cấp cứu? Em trai tôi bị đau bụng dữ dội do thận bị ứ nước nên tôi đã đưa em tôi vào cấp cứu trái tuyến ở bệnh viện trung ương Huế. Ở đây các bác sĩ đã khám và chữa bệnh cho em tôi và chuyển em tôi lên khoa. Ở phòng cấp cứu có đưa cho tôi một tờ thanh toán khám và điều trị ngoại trú. Trong đó ghi số tiền bệnh nhân phải chi trả là 79.000 đồng; nhưng khi thanh toán thì phòng tài chính bảo tôi phải chi trả 300.000 đồng. Họ bảo do em tôi vượt tuyến nên chỉ được hưởng 40% bảo hiểm thôi và ở đây họ bảo nếu tiếp tục nằm viện thì phải trả tiền viện phí 60%, còn nếu muốn hưởng 80% bảo hiểm thì phải về đi bệnh viện đúng tuyến. Vậy tôi xin hỏi phòng tài chính làm như vậy có đúng không? Tôi xin cảm ơn.
Theo quy định của Luật BHYT trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân trước khi ra viện.
Việc xác định tình trạng cấp cứu là do bác sĩ căn cứ vào tình trạng người bệnh để xác định. Trường hợp không phải cấp cứu mà KCB tại Bệnh viện tuyến Trung ương được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi hưởng BHYT và theo mức hưởng BHYT của đối tượng.
Câu 69: Bạn đọc tên Hoàng Phương Nga hỏi: Tôi muốn hỏi về mức hưởng BHYT đi KCB trái tuyến? Tôi tham gia BHYT theo đối tượng người lao động. Tôi bị bệnh tim quê ở Thanh Hóa mà vào trong Đồng Nai làm. Tôi muốn chữa bệnh trên Sài Gòn nhưng trái tuyến. Như vậy có được hưởng BHYT không? Tôi xin cảm ơn.
Trường hợp Bạn tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tại Sài Gòn thì được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng và theo tỷ lệ như sau:
- Tại bệnh viện tuyến Trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 60% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí KCB.
Câu 68: Bạn đọc tên Trần Tiến Dũng hỏi:
Tôi muốn tư vấn về xác định trường hợp cấp cứu và mức hưởng. Vợ tôi có thai 37 tuần; đang trên đường đi thì nôn ra máu. Tôi đưa vợ tôi vào bệnh viện sản nhi cấp cứu thì người trực bàn giấy đòi giấy chuyển tuyến. Tôi nói là cấp cứu thì lấy đâu ra giấy chuyển tuyến lúc này. Chị trực bàn giấy bệnh viện sản nhi nói: có cấp cứu hay không thì khám mới biết. Sau khi khám theo thủ tục xong thì vợ tôi được nhập viện và sau 7 ngày thì vợ tôi sinh cháu. Như vậy vợ tôi có được hưởng BHYT trong trường hợp cấp cứu hay hưởng theo mức trái tuyến? Tôi xin cảm ơn.
Việc xác định tình trạng cấp cứu là do bác sĩ căn cứ vào tình trạng người bệnh để xác định. Cơ quan BHXH chỉ căn cứ vào hồ sơ bệnh án của cơ sở KCB để thanh toán chi phí KCB BHYT cho người bệnh đúng quy định.
Câu 67: Bạn đọc tên Trần Dũng Sỹ hỏi: Tôi muốn hỏi về quyền lợi KCB BHYT cho người mắc bệnh hiểm nghèo? Có BHYT đi chữa bệnh trái tuyến có được không hoặc có phải nộp lệ phí gì không? Có BHYT mà mắc bệnh hiểm nghèo mà phải dùng máy khám bệnh cao cấp, các loại thuốc cao cấp thì được hưởng bao nhiêu % đối với người dân lao động? Tôi xin cảm ơn.
Mức hưởng BHYT phụ thuộc vào mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT.
- Trường hợp đi KCB trái tuyến, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán toán theo mức hưởng và theo tỷ lệ như sau:
+ Tại bệnh viện tuyến Trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;
+ Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 60% chi phí điều trị nội trú;
+ Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí KCB.
- Trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao và các loại thuốc đắt tiền thì cơ quan BHXH thanh toán các chi phí KCB trong phạm vi quỹ BHYT chi trả theo danh mục và tỷ lệ, điều kiện đã được Bộ Y tế ban hành như: Thông tư số 40/2014/TT-BYT quy định về danh mục thuốc tân dược; Thông tư số 35/2016/TT-BYT quy định về thanh toán dịch vụ kỹ thuật; Thông tư số 04/2017/TT-BYT quy định về thanh toán vật tư y tế.
Câu 66: Bạn đọc tên Phạm Tiến Đạt hỏi:
Cho tôi hỏi về phạm vi chi trả của BHYT bao gồm những chi phí nào? Cụ thể tôi phẫu thuật tán sỏi qua đường hầm kehr có được hưởng BHYT không? Tôi xin cảm ơn.
Tại Khoản 1, Điều 21 Luật BHYT quy định phạm vi chi trả của quỹ BHYT gồm các chi phí sau đây:
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;
- Chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện trở lên đối với một số nhóm đối tượng trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Dịch vụ phẫu thuật tán sỏi qua đường hầm kehr có tên trong Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc nên Bạn sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi hưởng BHYT theo quy định.
Câu 65: Bạn đọc tên Nguyễn Quỳnh Anh hỏi:
Mẹ tôi có thẻ BHYT thuộc vùng bãi ngang ven biển. Cách đây một tháng, mẹ tôi vào Sài Gòn thăm cháu không may trượt té. Được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn-ITO Tân Bình. Tại đây bác sĩ làm hồ sơ cấp cứu, chuẩn đoán trượt đốt sống kèm thoát vị đĩa đệm và chỉ định mổ. Sau đó mẹ tôi được mổ tại bệnh viện này và điều trị nội trú 7 ngày với chi phí rất tốn kém. Vậy xin hỏi mẹ tôi có được thanh toán BHYT sau khi xuất viện? Mức hưởng BHYT đối với người vùng bãi ngang ven biển thế nào? (Mẹ tôi có đầy đủ hồ sơ khi xuất viện). Rất mong được tư vấn giúp đỡ! Chân thành cảm ơn!
Trường hợp cấp cứu tại bệnh viện không ký hợp đồng KCB BHYT, người tham gia BHYT được được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ chi phí KCB trong phạm vi hưởng như khi đi KCB đúng quy định.
Trường hợp KCB không trong tình trạng cấp cứu tại bệnh viện không ký hợp đồng KCB thì người tham gia BHYT được thanh toán chi phí thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không vượt quá mức sau đây:
- Ngoại trú tại cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương: 60.000 đồng.
- Nội trú:
+ Cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương: 500.000 đồng.
+ Cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương: 1.200.000 đồng.
+ Cơ sở y tế tuyến trung ương và tương đương: 3.600.000 đồng.
Đề nghị gia đình Bà đến cơ quan BHXH huyện nơi cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn thủ tục thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT.
Câu 64: Bạn đọc từ mail vinhhuu10@gmail.com hỏi:
Tôi tên: Nguyễn Phương Đông, giới tính: Nam. Năm nay 56 tuổi, có tổng thời gian tham gia BHXH là đúng 15 năm (15 năm có phụ cấp khu vực hệ số là 0.7), tôi xin hỏi BHXH Việt Nam, tôi có đủ điều kiện để đóng BHXH tự nguyện 1 lần để nghỉ hưu không. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Đối chiếu quy định nêu trên, khi nghỉ việc Ông 56 tuổi (chưa đủ 60 tuổi), có đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc nên Ông không thuộc trường hợp được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, Ông có thể lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức sau: đóng hàng tháng; đóng 03 tháng một lần; đóng 06 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần hoặc một lần cho 05 năm còn thiếu để khi đủ 60 tuổi Ông đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Câu 63: Bạn đọc từ địa chỉ email sonquach191@gmail.com hỏi:
Công ty tôi nằm ở địa bàn huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Năm 2017 Cơ quan BHXH huyện in thẻ BHYT cho lao động công ty tôi và ghi địa chỉ trên thẻ theo địa chỉ cư trú chứ không ghi theo địa chỉ công ty. Lao động bên công ty tôi có đi khám bệnh ở bệnh viện và Bệnh viện cấp giấy nghi việc hưởng BHXH (mẫu C65 mới) nhưng lại ghi theo địa chỉ trong thẻ BHYT (địa chỉ nơi cư trú). Sau đó Công ty tôi làm chế độ cho người lao động, BHXH huyện lại không giải quyết vì sai tên địa chỉ công ty. Như vậy, lao động bên công ty tôi phải đi xin lại theo đúng địa chỉ công ty, vừa mất ngày công làm việc vừa mất chi phí đi lại mà có nhiều trường hợp không giải quyết được khi quay lại bệnh viện xin lại hoặc bác sĩ ghi địa chỉ công ty và ghi thêm cả địa chỉ nơi cư trú (BHXH vẫn không chấp nhận). Như vậy, BHXH Việt nam cho hỏi lỗi này thuộc về Cơ quan nào và Công ty tôi phải làm thế nào để giải quyết tạo thuận lợi cho lao động? Xin chân thành cám ơn và mong nhận được sự phản hồi từ quý cơ quan
Theo quy định tại Điều 100, 101 Luật BHXH hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ ốm đau, thai sản đối với người lao động điều trị ngoại trú là Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Việc cấp, ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thuộc trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người lao động BHXH Việt Nam xin tiếp thu và chỉ đạo BHXH tỉnh Hòa Bình xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Câu 62: Bạn đọc từ mail thanhcolixil@gmail.com hỏi:
Tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ năm 2008 đến năm 2010 thì ngưng đóng sau đó đến năm 2013 đến nay lại tiếp tục đóng BHTN. Vậy trong trường hợp này thì tôi sẽ được hưởng bảo hiểm tối đa là bao nhiêu tháng nếu tôi làm thủ tục để xin hưởng BHTN.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm thì: Thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, tổng thời gian đóng BHTN của bạn được tính cộng dồn từ năm 2008 đến năm 2010 với thời gian từ năm 2013 trở đi.
Về thời gian tối đa hưởng BHTN: Tại Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm quy định: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Do Bạn không nêu rõ thời gian tham gia BHTN nên BHXH Việt Nam chưa trả lời cụ thể thời gian hưởng TCTN, Bạn đối chiếu quy định nêu trên để biết số tháng trợ cấp thất nghiệp được hưởng.
Câu 61: Bạn đọc từ mail bcminh@yahoo.com hỏi:
Tôi có 15 năm trong quân đội, xuất ngũ về địa phương trước ngày 15/12/1993. Sau đó tôi tham gia tại doanh nghiệp, đóng BHXH bắt buộc theo lương do chủ sử dụng lao động quyết định. Hỏi khi tính lương bình quân để giải quyết chế độ hưu trí, tiền lương bình quân 5 năm cuối khu vực nhà nước (quân đội) tôi có được tính thâm niên 15% vào lương bình quân không? Tôi phục viên là đại úy, có 15 năm thâm niên quân đội. Giai đoạn theo lương chủ sử dụng lao động tôi đã biết tính.
Theo thông tin Ông cung cấp, Ông có 15 năm công tác trong quân đội, xuất ngũ về địa phương trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do chủ sử dụng lao động quyết định thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu là bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (05 năm cuối công tác trong quân đội) là tiền lương 05 năm cuối trong quân đội được chuyển đổi sang tiền lương tại thời điểm hưởng (bao gồm cả phụ cấp thâm niên nghề nếu có).
Câu 60: Bạn đọc từ địa chỉ email thuhangtrantn@mail.com hỏi:
Người lao động có giấy ra viện, với nội dung: Chẩn đoán vào viện, Song thai 22 tuần, dọa đẻ non/MC, Chẩn đoán ra viện, sau đẻ thường song thai phương pháp điều trị: đỡ đẻ thường + kiểm soát tử cung bằng dụng cụ + kháng sinh, Ghi chú: Mẹ ổn định ra viện, con tử vong, nghỉ công tác theo chế độ. Có gì bất thường đến khám lại. Hỏi: Trường hợp này được giải quyết theo Điều 33 hay Điều 34 của Luật BHXH số 58/2014?
Trường hợp người lao động nêu trên đẻ sinh đôi sau đó con chết. Do đó, nếu người lao động đủ điều kiện theo Điều 31 Luật BHXH thì được giải hưởng chế độ khi sinh con theo quy định tại Khoản 3, Điều 34 Luật BHXH năm 2014 như sau: Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Câu 59: Bạn đọc từ E-mail dgthoa1201@gmail.com hỏi:
Hiện tại, tôi đang làm việc tại 2 cơ quan: cơ quan 1 (cơ quan giao kết đầu tiên) tôi tham gia BHXH, BHYT, BHTN với mức đóng 4,015,000; cơ quan 2 tôi không tham gia các chi phí trên. Cho tôi hỏi cơ quan 2 có trách nhiệm chi trả tiền tham gia BHXH, BHTN trực tiếp vào lương cho người lao động không? Và mức chi trả là bao nhiêu (nếu có)? Tôi phải cung cấp giấy tờ gì cho cơ quan 2 để chứng tỏ mình đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 186 Bộ Luật Lao động; Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013, Khoản 4 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 Khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH; Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về HĐLĐ, trường hợp người lao động giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN thì người lao động và người sử dụng lao động của HĐLĐ giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc (vào quỹ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất), BHTN theo quy định của pháp luật, tham gia BHYT theo HĐLĐ có mức lương cao nhất, tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng HĐLĐ đã giao kết. Người sử dụng lao động của các HĐLĐ còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp giao kết từ 02 HĐLĐ trở lên thì người lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc giao kết HĐLĐ, việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người sử dụng lao động kế tiếp để biết và đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN hoặc chi trả phần trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN của mình cho người lao động.
Câu 58: Bạn đọc từ email phanlinh314@yahoo.com hỏi:
Tôi công tác ở trường tiểu học. Cơ quan tôi đóng BHXH cho tôi vào tháng 9/2003 đến tháng 7/2006 thì chấm dứt làm việc ở đó. Một thời gian gián đoạn, tôi trúng tuyển vào một cơ quan khác và tiếp tục đóng BHXH từ tháng 9/2010 đến nay. Vậy thâm niên của tôi trong giáo dục sẽ được tính từ mốc thời gian nào? (Tôi chưa từng lãnh tiền BHXH, vẫn giữ sổ và đi làm việc bên ngành khác ngoài giáo dục được thêm 1 năm nữa trước khi vào công tác ở cơ quan hiện tại).
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV- BTC-BLĐTBXH của Bộ Nội vụ - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, trường hợp từ tháng 9/2010 ông/bà trúng tuyển vào cơ quan khác mà vẫn là giáo viên (xếp ngạch giáo viên) trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, hoặc làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập thì được cộng nối thời gian từ tháng 9/2003 đến tháng 7/2006 để được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề giáo viên;
Trường hợp từ tháng 9/2010 ông/bà công tác tại cơ quan khác không phải là giáo viên cơ sở giáo dục công lập hoặc không làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập thì không được cộng nối thời gian từ tháng 9/2003 đến tháng 7/2006 để tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề giáo viên.
Câu 57: Bạn đọc từ email good.lucky.star@yahoo.com hỏi:
Tôi được tuyển chính thức vào công ty từ ngày 01/5/2016, trong phiếu lĩnh lương thì trong tháng 5 đã bị trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nhưng gần đây công ty trả lại sổ BHXH cho công nhân tự giữ thì trong phiếu Quá trình đóng BHXH có ghi tôi tham gia đóng BHXH từ tháng 6/2016. Khi tôi hỏi nhân viên đóng BHXH của công ty thì được giải đáp là luật quy định như vậy, nếu sau này tôi nghỉ việc đúng trong giữa tháng thì công ty sẽ đóng bảo hiểm cho tôi nguyên 1 tháng mà tôi nghỉ. Như vậy tôi xin hỏi điều đó có đúng với Luật BHXH hay không? Hay đây là việc làm sai trái của người làm BHXH công ty?
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85, Khoản 1 Điều 2, Điểm a Khoản 1 Điều 99 Luật BHXH năm 2014, trường hợp ông/bà giao kết và làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên với Công ty từ ngày 01/5/2016 thì người sử dụng lao động (công ty) có trách nhiệm đóng phần trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động và trích từ tiền lương phần trách nhiệm đóng BHXH của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH; cơ quan BHXH xác nhận thời gian tham gia, đóng BHXH của người lao động kể từ tháng 5/2017.
Như vậy, nhân viên phụ trách BHXH của công ty nơi ông/bà làm việc đã đăng ký tham gia BHXH từ tháng 6/2016 là chưa đúng quy định. Ông/bà đề nghị nhân viên kê khai BHXH của Công ty lập hồ sơ điều chỉnh đóng BHXH cho ông/bà từ tháng 5/2016 gửi cơ quan BHXH.
Câu 56: Bạn đọc từ mail ngannguyen0420@gmail.com hỏi:
Tôi đã xin thôi việc ở công ty để đi du học. Sếp bảo sẽ bảo lưu công việc cho tôi 1 năm, 1 năm sau tôi có thể trở về công ty làm lại. Nên bảo tôi viết đơn xin tạm nghỉ việc 1 năm, và công ty sẽ bảo lưu sổ BHXH giúp tôi. Vì tôi chưa làm việc đủ 12 tháng, và sẽ đi du học nên cũng không biết nếu lấy lại sổ BHXH thì có thể làm được gì. Nhưng tôi không rõ là việc công ty bảo lưu sổ BHXH của nhân viên đã nghỉ việc là đúng hay sai. Và nếu để công ty bảo lưu sổ BHXH thì tôi sẽ có những lợi ích gì. Xin cảm ơn!
Trường hợp của bạn, nếu chấm dứt HĐLĐ với đơn vị thì đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ báo giảm lao động gửi cơ quan BHXH để thực hiện xác nhận quá trình đóng BHXH, BHTN để bạn làm căn cứ giải quyết các chế độ BHXH, BHTN hoặc tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới.
Trường hợp bạn tạm hoãn HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương tại đơn vị thì đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH để báo giảm quá trình đóng BHXH, BHTN trên cơ sở dữ liệu. Khi bạn học xong và tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị thì đơn vị làm thủ tục báo tăng lao động để cơ quan BHXH tiếp tục thu BHXH, BHTN của bạn.
Câu 55: Bạn đọc từ mail phamdao163@gmail.com hỏi:
Nhờ cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh kiểm tra và cung cấp giúp em số sổ BHXH của: 1. Phạm Thành Đạt, ngày sinh: 16/06/1982, Số CMND: 162469285, ngày cấp: 22/08/2013, nơi cấp: Nam Định, Địa chỉ email: phamdao163@gmail.com 2. Quý cơ quan cho em hỏi, nếu người SDLĐ không chốt sổ BHXH cho NLĐ, và không trả sổ cho NLĐ mặc dù NLĐ đã nghỉ việc hơn 3 năm, bây giờ NLĐ đó muốn đóng BHXH tiếp tục ở sổ cũ được không ạ. Em xin cám ơn!
1. Để có thể tra cứu mã số BHXH, mã hộ gia đình của mình, đề nghị Bạn tra cứu thông tin tại địa chỉ: http://baohiemxahoi.gov.vn. Theo thông tin cung cấp thì kết quả tra cứu mã số BHXH (cũng là số sổ BHXH) của bạn Phạm Thành Đạt là: 7936227794.
2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 quy định: “Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật” đồng thời theo quy định của Luật BHXH thì sổ BHXH được cấp đối với từng lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở giải quyết các chế độ BHXH theo quy định. Do vậy, mỗi người lao động chỉ được cấp một số sổ duy nhất cho lần tham gia BHXH đầu tiên. Vì vậy, đề nghị Bạn liên hệ với đơn vị cũ để được trả sổ BHXH để khi tiếp tục tham gia BHXH thì cơ quan BHXH ghi quá trình đóng BHXH của Bạn trên sổ BHXH đã cấp.
Câu 54: Bạn đọc từ mail nguyenthanhhanh86@gmail.com hỏi:
Sổ BHXH công ty cấp cho tôi chỉ có trang bìa và không có bất kỳ dấu mộc đỏ nào vậy có đúng không?
Tại Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 4 Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 01/10/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy định về mẫu sổ BHXH quy định Nội dung ghi trên trang 2 bìa sổ BHXH như sau: “…Dưới cùng ghi chức danh Giám đốc, bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng đậm; Giám đốc BHXH ký tên, đóng dấu và ghi rõ họ tên, bằng chữ in thường, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm”. Trường hợp của Bạn được cấp sổ BHXH nhưng chưa đóng dấu của cơ quan BHXH. Vì vậy, đề nghị Bạn cầm sổ BHXH đến cơ quan BHXH nơi cấp để được đóng dấu theo quy định nêu trên.
Câu 53: Bạn đọc từ mail thaophuongtranht@gmail.com hỏi:
Bên Công ty tôi đang nợ tiền BHXH, vì vậy chưa được BHXH chuyển tiền thanh toán giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động. Nhưng bên Công ty có nhận được công văn của BHXH về việc trong vòng 10 ngày đầu, đơn vị sử dụng lao động chuyển cho cơ quan BHXH danh sách C70b-HD có chữ ký nhận tiền của NLĐ (bản foto) trường hợp chi tiền mặt. Nhưng trong C70b-HD không có cột kí nhận, và kế toán bên tôi không cho kí vào chứng từ gốc. Vậy trường hợp này giải quyết thế nào ạ? Và bên BHXH chưa chuyển tiền thanh toán thì Công ty có cần nộp bản danh sách NLĐ đã ký nhận tiền không ạ? Hay BHXH thanh toán đợt nào thì gửi danh sách đợt đó lên cơ quan BHXH?
Tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Theo quy định trên, khi Công ty của bạn nợ tiền BHXH thì phải có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN đối với người lao động có phát sinh hưởng chế độ để kịp thời giải quyết. Trường hợp Công ty không đóng BHXH cho bạn là vi phạm pháp luật về BHXH.
Về lập Danh sách theo mẫu C70a-HD và công tác chi trả: Tại Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 25 Quyết định số 828/QĐ-BHXH ngày 27/5/2016, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn như sau:
- Đơn vị sử dụng lao động thực hiện chuyển tiền chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK vào tài khoản cá nhân của người lao động (không yêu cầu người lao động ký nhận vào mẫu số C70b-HD).
- Đơn vị sử dụng lao động chi trả chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK bằng tiền mặt cho người lao động trong trường hợp người lao động không có tài khoản cá nhân. Khi nhận được tiền từ cơ quan BHXH, đơn vị sử dụng lao động thông báo cho người lao động đến nhận chế độ bằng tiền mặt, khi chi trả yêu cầu người lao động ký nhận vào Danh sách mẫu số C70b-HD.
- Thời hạn chi trả: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được tiền do cơ quan BHXH chuyển đến, chi trả xong chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK sau ốm đau, thai sản; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được tiền do cơ quan BHXH chuyển đến, thực hiện chi trả xong trợ cấp DSPHSK sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Theo nội dung thư của bạn, Công ty bạn đang nợ tiền BHXH nên chưa được cơ quan BHXH chuyển tiền thanh toán giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động. Khi đơn vị bạn nộp đầy đủ tiền BHXH và nhận được tiền giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK do cơ quan BHXH chuyển đến thì thực hiện theo đúng các quy định nêu trên.
Câu 52: Bạn đọc từ địa chỉ email: khanhninh7979@gmail.com hỏi:
Đơn vị tôi có trường hợp tai nạn giao thông được xem là tai nạn lao động tuy nhiên chỉ có biên bản tai nạn giao thông của công an xã. Vậy có được hưởng chế độ tai nạn lao động không ạ?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho Đoàn điều tra một trong các giấy tờ sau đây:
- Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn;
- Biên bản điều tra tai nạn giao thông;
- Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động.
Do cơ quan Công an xã không có thẩm quyền lập biên bản điều tra tai nạn giao thông nên đối chiếu với quy định nêu trên, nếu người lao động bị tai nạn từ thời điểm Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2016) mà không lập được Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn thì hồ sơ thay thế trong trường hợp này là văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn.
Câu 51: Bạn đọc từ mail trongtham19@gmail.com hỏi:
Mẹ tôi sinh năm 1965 (52 tuổi) làm ngành nghề công nhân cạo mủ cao su. Hiện nay mẹ đã đóng BHXH được 16 năm 6 tháng. Có 12 năm làm công nhân cạo mủ cao su, 4 năm làm công nhân chăm sóc cao su. Sức khỏe mẹ hiện nay đã suy yếu, gia đình mong muốn cho mẹ nghỉ hưu và đóng BHXH một lần để được nhận lương hưu. Xin anh (chị) cho em hỏi, như mẹ có thể được nghỉ hưu không và có đóng BHXH một lần để được nhận lương hưu không. Nếu được thủ tục nghỉ hưu như thế nào?
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 Luật BHXH năm 2014, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ thì được hưởng lương hưu.
Trường hợp mẹ của Bạn sinh năm 1965 (52 tuổi) và có 16 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội nên chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 85 Luật BHXH 2014 thì người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 06 tháng thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu.
Trường hợp mẹ của Bạn chưa đủ 55 tuổi và còn thiếu 3 năm 6 tháng, do đó không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu.
Hiện nay mẹ của Bạn 52 tuổi, đã tham gia BHXH bắt buộc được 16 năm 6 tháng, để đủ điều kiện nghỉ hưu, mẹ của Bạn phải đủ điều kiện về tuổi đời là 55 tuổi và có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên. Nếu mẹ của Bạn không tiếp tục làm việc thì từ nay đến khi đủ 55 tuổi, Bà có thể tham gia BHXH tự nguyện cho thời gian còn thiếu cho đủ 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu, Trường hợp khi mẹ Bạn đủ 55 tuổi mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì khi đó có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ để được hưởng lương hưu.
Về thủ tục hồ sơ hưởng lương hưu quy định tại Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Câu 50: Bạn đọc từ địa chỉ email dngt.1964@gmail.com hỏi:
Tôi công tác và đã đóng BHXH đến nay đã trên 32 năm. Thời gian gần đây thường xuyên bị ù tai nghe không rõ và nặng đầu chóng mặt. Khi đi khám bệnh bác sỹ ko chỉ định nhập viện (do tôi vẫn sinh hoạt, đi lại bình thường) mà chỉ cho đơn thuốc (tôi cùng chi trả 20%) từng đợt và nghỉ công tác hưởng lương BHXH để điều trị ngoại trú 10 ngày, nay tôi đã điều trị được 4 đợt (40 ngày điều trị, hưởng lương BHXH 32 ngày) nhưng chứng bệnh ù tai ko nghe rõ và nặng đầu chóng mặt vẫn chưa giảm, rất khó chịu khi làm việc. Xin hỏi đối với trường hợp của tôi thì thời gian tối đa được nghỉ việc để điều trị ngoại trú và cơ quan BHXH thanh toán lương là bao nhiêu ngày. Xin cảm ơn!
Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:
1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động là Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Do Ông/Bà không nêu rõ đơn vị làm việc; điều kiện làm việc… nên BHXH Việt Nam không đủ căn cứ để trả lời cụ thể, đề nghị Ông/Bà liên hệ đến cơ quan BHXH nơi đơn vị đóng BHXH để được trả lời.
Câu 49: Bạn học từ mail huynhchiphuong1982@gmail.com hỏi: Vừa qua ở các cơ sở KCB ở phía Nam không thanh toán chi phí KCB đối với bệnh nhân có thẻ BHYT hết hạn sử dụng, cụ thể nội trú không thanh toán những ngày thẻ hết hạn, ngoại trú không cấp thuốc cho những ngày thẻ hết hạn, cho tôi hỏi cơ sở KCB thực hiện như vậy là đúng hay sai?
Tại Điểm a. Khoản 4, Điều 16 Luật BHYT quy định thẻ BHYT không có giá trị sử dụng khi thẻ đã hết thời hạn sử dụng. Do đó, việc các cơ sở KCB không thanh toán các chi phí KCB sau ngày thẻ BHYT hết hạn sử dụng là đúng quy định.
Câu 48: Bạn đọc từ mail ytengocphung@gmail.com hỏi: Chúng tôi hiện đang công tác tại trạm y tế ở huyện Thường Xuyên – Thanh Hóa. Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 thì bảng giá KCB từ ngày 1/3/2016 – 30/6/2016 là 7000 đồng/lượt bệnh nhân BHYT, từ 1/7/2016 đến nay là 29.000 đồng/lượt. Trạm y tế chúng tôi có được áp dụng bảng giá này không. Cho tới trước tháng 5/2017, chúng tôi vẫn ở mức 3.000 đồng/lượt, từ tháng 5/2017 đến nay là 29.000 đồng/lượt. Xin được giải đáp. Trân trọng cảm ơn.
Tỉnh Thanh Hóa được điều chỉnh giá có lương vào đợt 3 nên giá dịch vụ y tế có lương sẽ được áp dụng từ tháng 1 năm 2017. Do đó, từ ngày 01/01/2017 trạm y tế nơi Bạn làm việc sẽ được thanh toán giá tiền lượt KCB ngoại trú ngày theo mức 29.000 đồng/lượt.
Câu 47: Bạn đọc từ mail nguyendong144@gmail.com hỏi:
Tôi bị tai nạn lao động trong quá trình tăng ca công trình thi công, mà ngoài giờ hành chính. Thì tôi có được chi trả chế độ bảo hiểm xã hội không?
BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì NLĐ tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ TNLĐ khi bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu bạn bị tai nạn trong quá trình tăng ca do yêu cầu của người sử dụng lao động tại công trình thi công và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định.
Câu 46: Bạn đọc từ mail thuhabui85@gmail.com hỏi:
Công ty tôi có 1 nhân viên sinh 4/5/1965, tính đến 08/2017 đã đóng BHXH được 22 năm, nhân viên đã có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động ngày 22/8/2017 là 61%. Như vậy trong Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí sẽ ghi "Thời điểm nghỉ việc hưởng chế độ hưu từ 01/09/2017 có đúng không; công ty sẽ báo giảm BHXH cho nhân viên từ 09/2017 có đúng không?
Xin cảm ơn!
Theo thông tin bạn cung cấp, NLĐ công ty bạn sinh ngày 04/5/1965 có thời gian đóng BHXH được 22 năm đã có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động ngày 22/8/2017 là 61%. Đối chiếu với quy định tại Điều 55 Luật BHXH năm 2014, tính đến 22/8/2017 NLĐ này đã đủ điều kiện hưởng lương hưu. Nếu từ 01/9/2017, NLĐ không tiếp tục làm việc thì quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí ghi là "Thời điểm nghỉ việc hưởng chế độ hưu từ 01/09/2017” và công ty báo giảm BHXH cho nhân viên từ ngày 01/09/2017 để hưởng lương hưu là đúng quy định.
Câu 45: Bạn đọc từ mail linhkythuatdien@gmail.com hỏi:
Xin hỏi cơ quan BHXH về 1 vấn đề thai sản như sau: công ty tôi có trường hợp con chết sau khi sinh, tôi đã tham khảo thông tư 59/2015 thì được biết nếu con dưới 2 tháng tuổi chết thì mẹ được nghỉ việc 4 tháng tính từ ngày sinh con, vậy nếu nghỉ trước khi sinh là 20 ngày hoặc 1 tháng gì đấy thì thời gian 1 tháng này có được cộng với 4 tháng sau sinh là 5 tháng để hưởng chế độ là 5 tháng không ạ? hay chỉ được hưởng và nghỉ 4 tháng? Tôi xin cảm ơn!
Điểm b Điều 10 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định: Trường hợp lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, sau khi sinh con mà con bị chết, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật BHXH năm 2014 thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được hưởng chế độ quy định tại khoản 3 Điều 34 của Luật BHXH năm 2014.
Đối chiếu với quy định trên, trường hợp của bạn có thời gian nghỉ trước khi sinh (không quá 02 tháng) và sau khi sinh con, con dưới 02 tháng tuổi bị chết, bạn được hưởng chế độ thai sản gồm thời gian nghỉ trước khi sinh và 04 tháng kể từ ngày sinh con.
Câu 44: Bạn đọc từ mail trinhthitheu92@gmail.com hỏi:
Lúc trước em có làm ở một công ty ở quận 9, nhưng không biết công ty có đóng BHXH cho em, sau đó em nghỉ nên không có lấy sổ BHXH. Bây giờ em làm bên công ty mới muốn chốt sổ BHXH nhưng bảo hiểm yêu cầu phải chốt sổ ở công ty cũ, mà em lại không biết sổ của em đã được chốt hay chưa, và hiện giờ đang ở BHXH quận 9, hay công ty cũ giữ, mà em lại không nhớ tên công ty nên bây giờ em muốn biết làm sao để lấy được sổ của em ạ, SCM : 250844895, số sổ: 7911401787, số ĐT: 0976351779. Xin trả lời giúp em với ạ!
Trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 quy định: “Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Đề nghị Bạn liên hệ với đơn vị cũ để yêu cầu xác nhận quá trình đóng BHXH tại đơn vị cũ và trả sổ BHXH cho Bạn.
Câu 43: Bạn đọc từ mail vudieulinh2010@gmail.com hỏi:
Tôi nghỉ việc tại Công ty và được cơ quan bảo hiểm chốt sổ BHXH gồm 6 tờ rời in một lần, được đóng thành 2 dấu giáp lai (tờ 1-3 một dấu và tờ 4-6 một dấu). Tuy nhiên, khi cầm sổ đi giải quyết chế độ BH thất nghiệp thì cơ quan bảo hiểm có từ chối tiếp nhận hồ sơ của tôi với lý do dấu giáp lai chưa đúng quy định và yêu cầu tôi quay về cơ quan bảo hiểm của đơn vị cũ đóng lại giáp lai (đóng thêm 1 dấu giáp lai giữa tờ số 3 và số 4). Cơ quan bảo hiểm tại đơn vị cũ khi tiếp nhận ý kiến của tôi họ có trả lời lại là họ đang làm đúng quy định và từ chối đóng dấu giáp lai tờ số 3 và 4 cho tôi. Vậy tôi không biết đóng dấu như thế nào là đúng để tôi có thể giải quyết được các chế độ của mình?
Tại Tiết 2.5.2, Điểm 2.5, Khoản 2, Điều 5 Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 01/10/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy định về mẫu sổ BHXH quy định Đóng dấu giáp lai như sau: “Trong một lần in nếu có từ 02 tờ rời trở lên, thì phải đóng dấu giáp lai bằng dấu cơ quan BHXH ở khoảng giữa mép phải, trùm lên một phần các tờ rời (mỗi dấu đóng tối đa không quá 05 tờ). Khi chốt lại sổ BHXH phải đóng dấu giáp lai tờ rời mới với tờ rời chốt sổ BHXH trước đó”. Vì vậy, đề nghị Bạn mang sổ BHXH đến cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.
Câu 42: Bạn đọc từ mail hquan1112@gmail.com hỏi:
Tôi vào làm ở Công ty Cổ phần Thiết bị Bách Khoa từ tháng 12/2010 và ký hợp đồng chính thức (đóng BHXH, BHYT) vào tháng 02/2011, số sổ: 7911037089. Tôi làm đến cuối tháng 03/2016 chính thức nghỉ việc tại công ty và được tính BHXH thời gian làm việc là hơn 5 năm tính ra tôi đã đóng BHYT được hơn 5 năm. Tôi nghỉ làm một thời gian và làm lại tại Công ty TNHH Rubik vào tháng 4/2017, được Công ty đóng BHXH, BHYT, trên thẻ BHYT lại ghi thời điểm đủ 5 năm liên tục từ 01/8/2022. Như vậy thẻ BHYT của tôi phải thể hiện đã đủ 05 năm liên tục chứ, xin BHXH xem lại dùm.
Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT thì “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng”; Điểm 2, Điều 47 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì “Đối tượng quy định tại Khoản 4 và 5 Điều 17 có thời gian tham gia BHYT liên tục, thẻ BHYT có giá trị kể từ ngày đóng. Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT”.
Trường hợp của bạn có quá trình tham gia BHYT gián đoạn trên 03 tháng trở lên (tính từ tháng 03/2016 tháng 4/2017). Vì vậy, thời gian này không được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục và thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền.
Câu 41: Bạn đọc từ mail phatdn2001@gmail.com hỏi:
Xin cho tôi hỏi: Con tôi thuộc đối tượng được cấp thẻ thân nhân công an, hiện thẻ BHYT đã bị mờ không nhìn rõ mã thẻ nên tôi liên hệ trực tiếp tại cơ quan BHXH ở Sóc Trăng để đổi lại thẻ BHYT nhưng bộ phận tiếp nhận hồ sơ không nhận hồ sơ mà yêu cầu tôi phải qua hệ thống bưu điện nộp hồ sơ cấp lại gây phiền hà cho người dân. Vậy xin cho tôi hỏi mọi giao dịch cấp lại thẻ BHYT cho người dân không được nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa cơ quan BHXH phải không? Xin BHXH Việt Nam trả lời cho chúng tôi được rõ. Vì làm như vậy gây phiền hà và mất thời gian cho người dân trong khi chúng tôi đến trực tiếp cơ quan BHXH để gửi hồ sơ và nhận kết quả thì không được?
Theo quy định tại Điều 31 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT người tham gia BHYT khi muốn đổi thẻ BHYT có thể nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH (nơi đơn vị đăng ký tham gia và đề nghị cấp thẻ).
Trường hợp con của Bạn là đối tượng thân nhân công an có thẻ BHYT bị mờ, bạn có thể nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH, nơi cơ quan công an địa phương đang tham gia BHYT để được đổi lại thẻ BHYT mới.
Câu 40: Bạn đọc từ mail nguyenthihonghoa1985@gmail.com hỏi:
Em tôi có đóng BHXH từ năm 2009 cho một công ty ở TPHCM. Sau khi nghỉ việc không có nhận lại sổ bảo hiểm, sau đó chuyển qua công ty khác làm, có đến công ty cũ để nhận sổ nhưng họ bảo họ không lưu giữ hồ sơ bảo hiểm nữa, nên đến nay vẫn không biết số bảo hiểm để nộp hồ sơ cho nơi khác. Vậy rất mong anh/chị giúp cách nào để có được số sổ BHXH. Xin cảm ơn!
Trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 quy định: “Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, đề nghị Bạn liên hệ Tổ chức công đoàn đơn vị cũ để được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình hoặc kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về lao động để được hướng dẫn giải quyết.
Câu 39: Bạn đọc từ mail thanhaxim@gmail.com hỏi:
Ngày tháng năm sinh tôi là 30/03/1979, nhưng trên hệ thống của BHXH thể hiện là 01/07/1979. Vậy có ảnh hưởng gì không? Tôi cần chỉnh lại thì làm như thế nào?
Trường hợp của Bạn có sự sai lệch về ngày tháng sinh giữa giấy chứng sinh hoặc CMND với sổ BHXH đã cấp, đề nghị Bạn cung cấp hồ sơ theo quy định Tiết a, Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 27 Quyết định số 595/QĐ-BHXH nộp đơn vị sử dụng lao động hoặc cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.
Câu 38: Bạn đọc từ mail trinhthitheu92@gmail.com hỏi:
Tôi có đóng BHXH cho công ty hàng tháng. Đến 30/6/2017 thẻ BHYT của tôi hết hạn, tôi đã gọi điện nhiều lần thúc giục công ty làm thẻ BHYT mới cho tôi. Nhưng công ty không biết gặp trục trặc gì với bên bảo hiểm mà giờ vẫn chưa làm thẻ BHYT mới cho tôi. Đến ngày 26/8/2017, là ngày dự sinh của tôi mà tôi vẫn chưa có thẻ BHYT. Vậy tôi muốn tôi có thể làm gì để nhận được quyền lợi của thẻ BHYT của tôi không. Đến hiện tại hàng tháng tôi vẫn đóng tiền bảo hiểm đầy đủ, và như thế quyền lợi BHXH của tôi có được nhận đầy đủ không?
Theo quy định tại Khoản 10, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2014 thì thẻ BHYT của đối tượng người lao động có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT; Khoản 1, Điều 30 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì cấp mới thẻ BHYT không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Trường hợp của bạn, thẻ BHYT hết hạn từ ngày 30/6/2017, nếu vẫn đóng tiền tham gia đầy đủ mà chưa được cấp thẻ BHYT mới nối tiếp hạn thẻ cũ, thì bạn cần liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi đơn vị đang tham gia BHYT để được hướng dẫn kịp thời theo quy định.
Câu 37: Bạn đọc từ mail thangnguyenchi76@yahoo.com hỏi:
Tôi muốn hỏi về: Quyền lợi khi đang điều trị mà thẻ BHYT sắp hết hạn. Người nhà tôi đang điều trị tại bệnh viện nhưng thẻ BHYT của người nhà sắp hết hạn, nhưng vì lý do khách quan nên không thể đi gia hạn thẻ ngay được. Tôi xin hỏi quyền lợi của người nhà tôi như thế nào? Xin cảm ơn!
Trường hợp người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến KCB phải xuất trình Giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do tổ chức BHXH nơi tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp và giấy tờ tùy thân có ảnh.
Trường hợp chưa được hưởng quyền lợi BHYT tại cơ sở KCB, đề nghị ông mang hồ sơ, chứng từ đến cơ quan BHXH để được thanh toán theo quy định.
Câu 36: Bạn đọc từ mail nhatam89@yahoo.com hỏi:
Tôi trong lúc chờ cấp thẻ BHYT tăng mới thì bị ốm, do chưa có thẻ BHYT nên tôi điều trị ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện. Nay tôi muốn làm thủ tục thanh toán lại tiền điều trị ngoại trú này được không? Thu tục gồm những gì.
Kính nhờ BHXH Việt Nam hướng dẫn!
Theo quy định tại Điểm a. Khoản 4, Điều 16 Luật BHYT thẻ BHYT không có giá trị khi thẻ đã hết thời hạn sử dụng.
Do đó, người nhà Ông sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT kể từ ngày thẻ BHYT hết hạn sử dụng. Để được hưởng quyền lợi BHYT và không làm gián đoạn thời gian tham gia BHYT, đề nghị người nhà Ông tiếp tục tham gia BHYT.
Câu 35: Bạn đọc từ mail vinhhung113114@gmail.com hỏi:
Trong mục 3 điều 19 và mục 2 điều 18 chương 2 luật BHXH 2014 có quy định người lao động được quản lý và phải bảo quản sổ BHXH của mình nhưng tại sao hiện nay tất cả các công ty đều giữ sổ bảo hiểm của nhân viên, sau đó có một số công ty phá sản không thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH nhiều tháng thì nhân viên không được chốt sổ phải làm như thế nào?
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 58/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 quy định: Cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp sổ BHXH cho người lao động, quản lý sổ BHXH khi người lao động đã được giải quyết chế độ hưu trí hoặc tử tuất; người lao động có quyền được cấp, quản lý sổ BHXH và có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH để theo dõi, cập nhật quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trước khi bàn giao sổ BHXH từ đơn vị sử dụng lao động sang cho người lao động quản lý, theo Công văn số 4027/BHXH-ST ngày 14/10/2016 về việc hướng dẫn rà soát và bàn giao sổ BHXH cho người lao động, cơ quan BHXH phải phối hợp với đơn vị sử dụng lao động và người lao động tiến hành rà soát lại toàn bộ thông tin đã ghi trên sổ BHXH để điều chỉnh, bổ sung thông tin còn thiếu, cập nhật vào dữ liệu trên phần mềm để quản lý thống nhất trên toàn quốc và in lại sổ BHXH thành một mẫu chung thống nhất (đối với những sổ cấp trước năm 2008); đảm bảo khi bàn giao cho người lao động, sổ BHXH đã chính xác, rõ ràng, đầy đủ thông tin về nhân thân, quá trình đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Công việc bàn giao sổ được thực hiện theo lộ trình, theo đó năm 2017 ngành BHXH phấn đấu trả tối thiểu 60% và đến hết 2018 thì trả xong 100% sổ BHXH cho người lao động quản lý. Việc rà soát và bàn giao sổ BHXH cho người lao động được thực hiện theo kế hoạch đối với từng đơn vị sử dụng lao động. Cơ quan BHXH sẽ in Phiếu đối chiếu quá trình đóng BHXH (Mẫu số 03) chuyển cho đơn vị sử dụng lao động để chuyển cho từng người lao động đối chiếu xem thông tin về nhân thân, quá trình đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã chính xác chưa, nếu chưa chính xác thì ghi vào cột điều chỉnh để cơ quan BHXH thực hiện điều chỉnh, bổ sung trên sổ BHXH.
Như vậy, bạn chưa nhận được sổ BHXH là do cơ quan BHXH chưa thực hiện đến đơn vị của bạn. Khi cơ quan BHXH chuyển Mẫu 03 cho đơn vị, đơn vị chuyển đến bạn thì mong bạn phối hợp rà soát thông tin của bạn để cơ quan BHXH hoàn thiện sổ BHXH chuyển giao cho bạn quản lý. Trong thời gian từ nay đến hết năm 2018, bạn sẽ được nhận sổ BHXH.
Câu 34: Bạn đọc từ mail minhhang92@gmail.com hỏi:
Tôi có làm việc tại công ty A từ tháng 04/2015 đến hết tháng 02/2016 sau đó nghỉ việc do công ty có nguy cơ phá sản. Từ tháng 08/2016, tôi làm việc tại công ty B và tiếp tục khai báo số sổ bảo hiểm xã hội cũ. Tuy nhiên, công ty A trước đây tôi làm việc không thực hiện báo giảm BHXH cũng như không hoàn tất nghĩa vụ nộp BHXH cho tôi dẫn đến hiện tại tôi không được cầm sổ cũng như không được chốt sổ trên phòng BHXH thành phố. Đến nay, công ty cũ đã phá sản và làm mất toàn bộ giấy tờ cũng như trốn đóng BHXH, vậy tôi phải làm gì để được chốt sổ cho cá nhân? Tôi có thể xin khai trừ tất cả thời gian đã đóng ở công ty cũ hoặc đóng bù tự nguyện để được chốt sổ không?
Tại Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 46 Quy trình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN); quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định như sau: “Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”. Vì vậy, đề nghị bạn liên hệ và yêu cầu công ty cũ đề nghị cơ quan BHXH xác nhận quá trình đóng BHXH, BHTN tại đơn vị đến thời điểm đơn vị đóng đủ BHXH, BHTN và trả sổ BHXH cho bạn.
Câu 33: Bạn đọc từ mail nguyendanghuy91@gmail.com hỏi:
Cả 2 vợ chồng đều đóng BHXH bắt buộc, khi vợ sinh con và được hưởng chế độ BHXH theo quy định. Vậy chồng ngoài việc nghỉ hưởng BHXH theo quy định khi vợ sinh con, chồng có được nhận BHXH trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng lương cơ sở khi vợ sinh con không?
Theo quy định tại Điều 38 Luật BHXH, Khoản c Điểm 2 Công văn số 3432/LĐTBXH-BHXH ngày 08/9/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về thực hiện chế độ BHXH theo Luật BHXH năm 2014, Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì: Trường hợp sinh con nhưng người mẹ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hoặc chỉ có cha tham gia BHXH và cha đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.
Đối chiếu với quy định nêu trên, do người vợ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định nên người chồng không được nhận trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng lương cơ sở tại thời điểm người vợ sinh con.
Câu 32: Bạn đọc từ mail ninhvan2903@gmail.com hỏi:
Tôi đóng BHXH từ tháng 6/2017, 4/8/2017 vợ tôi sinh con, phải mổ. Vậy tôi có được hưởng chế độ nghỉ 7 ngày không?
Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH quy định lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 05 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày khi vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lêm thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc, 14 ngày đối với trường hợp sinh đôi trở lên phải phẫu thuật.
Theo Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH, không quy định lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi vợ sinh con. Bạn đã đóng BHXH được 2 tháng nên đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản 7 ngày khi vợ sinh con phải phẫu thuật như bạn hỏi.
Câu 31: Bạn đọc từ mail hoanghovietha@gmail.com hỏi:
Em trai tôi lao động cho công ty cổ phần hàng hải Hoàng Gia, bị cướp biển sát hại tại Philippines, nhà ở chưa có, ở chung với bố mẹ đẻ, bố vợ đã chết, mẹ vợ ngoài 70 tuổi, bố đẻ 74 tuổi là hưu trí, mẹ đẻ 71 tuổi, vợ làm ruộng, con thứ nhất sinh năm 2003, con thứ hai sinh năm 2006. Vậy gia đình em tôi được hưởng những chế độ gì và như thế nào. Chúng tôi xin cảm ơn!
Theo quy định tại Luật BHXH năm 2014, NLĐ tham gia đóng BHXH mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên, khi chết, thì thân nhân được nhận trợ cấp mai táng. Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà NLĐ chết.
Trường hợp NLĐ chết do tai nạn lao động còn được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
Ngoài ra, thân nhân NLĐ chết còn được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng tùy thuộc vào các điều kiện như: Thời gian đóng BHXH của NLĐ; quan hệ, độ tuổi, mức thu nhập,… của các thân nhân.
Do nội dung hỏi của bạn không nêu rõ thông tin về thời gian đóng BHXH của NLĐ, trường hợp chết có thuộc chết do tai nạn lao động không, các thông tin cụ thể của các thân nhân nên cơ quan BHXH chưa có cơ sở để trả lời bạn cụ thể. Bạn có thể cung cấp hồ sơ đến cơ quan BHXH địa phương để được hướng dẫn thực hiện.
Câu 30: Bạn đọc từ mail ducle@gmail.com hỏi:
Công văn số 3835/BHXH-CST ngày 27/9/2013 của BHXH Việt Nam còn hiệu lực thi hành không? Vì trong công văn này có việc dẫn Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011; mà từ ngày 01/12/2015 Quyết định 959/QĐ-BHXH đã thay thế QĐ 1111 trên. Vậy khi tôi có nhu cầu muốn đổi lại sổ BHXH khi thay đổi số CMND có được cơ quan BHXH đổi lại không? Cảm ơn!
Công văn số 3835/BHXH-CST ngày 27/9/2013 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ BHXH và Giấy CMND là Công văn cá biệt để giải quyết các vướng mắc về giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp và đến nay vẫn còn hiệu lực thi hành. Theo Khoản 2, Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định Cấp và quản lý sổ BHXH đối với trường hợp cấp lại sổ BHXH thì: “Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng. Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch. Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: mất, hỏng”. Số CMND là tiêu thức quản lý đối tượng trong cơ sở dữ liệu vì vậy không nhất thiết phải cấp lại bìa sổ BHXH.
Câu 29: Bạn đọc từ mail brucevtp@gmail.com hỏi:
Chào BHXH, năm 2015, Phát làm việc tại công ty Glory Oceanic huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương và được cấp lần đầu sổ BHXH, sau đó nghỉ việc và rút sổ về nộp tại công ty Hwaseung Vina KCN Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, sau đó nghỉ việc và rút sổ về nộp tại công Ty Jungwoo Vina KCN Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai. Hiện nay phía công ty Jungwoo báo rằng sổ bảo hiểm cũ đã bị mất nên cấp sổ mới với số sổ: 7516130850. Và được hướng dẫn đi tìm lại số sổ cũ để tiến hành việc gộp sổ. Nhưng không biết phải đi tìm số sổ cũ ở đâu vì không thể nhớ được số. Mong cơ quan BHXH cung cấp cho Phát số sổ bảo hiểm theo thông tin dưới đây: - Tên: Võ Tấn Phát - CMND: 271798681 - Ngày sinh: 26/07/1987 Mong nhận được phản hồi sớm. Xin cảm ơn!
Để có thể tra cứu mã số BHXH, mã hộ gia đình của mình, đề nghị Bạn tra cứu thông tin tại địa chỉ: http://baohiemxahoi.gov.vn. Theo thông tin cung cấp thì kết quả tra cứu mã số BHXH (cũng là số sổ BHXH) của bạn Võ Tấn Phát là: 7414003178.
Câu 28: Bạn đọc từ mail hoangthuhuong2008@gmail.com hỏi:
Tôi làm việc tại một công ty ở Hải Phòng, hiện đã nghỉ việc. Tôi có tham gia BHXH tại BHXH quận Ngô Quyền, nhưng khi nghỉ việc thì do công ty nợ tiền bảo hiểm nên chưa chốt được sổ. Vậy tôi có thể chốt sổ bảo hiểm đến thời điểm công ty đã đóng được không? Thời gian còn lại công ty nợ bảo hiểm thì khi nào công ty đóng thì tôi chốt sau. Xin cám ơn!
Tại Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định cấp và quản lý sổ BHXH như sau: “Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”. Vì vậy, đề nghị Bạn liên hệ và yêu cầu Công ty đề nghị cơ quan BHXH xác nhận quá trình đóng BHXH, BHTN tại đơn vị đến thời điểm đơn vị đóng đủ BHXH, BHTN và trả sổ BHXH cho Bạn.
Câu 27: Bạn đọc từ mail minh.tienlanghp@gmai.com hỏi:
Trường hợp nghỉ hưu trí thì đơn vị phải báo điện tử và nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trước bao nhiêu ngày? Ví dụ nghỉ hưu trí từ ngày 01/10/2017.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 110 Luật BHXH năm 2014 thì trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động được hưởng lương hưu, người sử dụng lao động nộp hồ sơ hưởng lương hưu cho cơ quan BHXH theo quy định.
Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp người lao động nghỉ hưu trí từ ngày 01/10/2017 thì đơn vị nộp hồ sơ dừng tham gia BHXH và hồ sơ hưởng lương hưu trong khoảng từ ngày 01/9 đến 01/10/2017 cho cơ quan BHXH theo quy định.
Câu 26: Bạn đọc từ địa chỉ email bichdiep0708@gmail.com hỏi:
Em muốn chốt sổ BHXH cho người lao động và đã gửi mẫu D02-TS. Bên BHXH thành phố hướng dẫn em in bản thông báo tình hình đóng bảo hiểm của người lao động. Tuy nhiên, em lên Trang Thông tin điện tử BHXH của thành phố tra cứu không được. Bên em hiện đang sử dụng phần mềm nộp tờ khai BHXH điện tử. Vậy em cần tra thông báo đã nêu trên ở đâu và cần làm thêm thủ tục gì để chốt sổ BHXH cho người lao động.
Căn cứ Điều 23; Khoản 3, Điều 33 Quyết định 595/QĐ-BHXH, khi đơn vị muốn thực hiện xác nhận sổ BHXH cho người lao động thì gửi danh sách theo mẫu D02-TS cho cơ quan BHXH. Khi cơ quan BHXH nhận hồ sơ đơn vị nộp theo quy định, nếu có phát sinh trường hợp lao động dừng đóng BHXH, giải quyết chế độ BHXH thì cơ quan BHXH thực hiện xác nhận tờ rời sổ BHXH để đơn vị trả cho người lao động, người lao động và đơn vị không phải thực hiện thêm bất kỳ thủ tục nào ngoài quy định nêu trên.
Câu 25: Bạn đọc từ mail MAIOANH@SEZNAM.CZ hỏi:
Từ năm 1977 tôi làm việc tại nhà máy cơ khí Phố Yên, tỉnh Thái Nguyễn cũ. Trong thời gian công tác tôi bị tai nạn lao động mất 21% sức khỏe (có giấy chứng nhận) đến năm 1987 tôi chuyển về trạm vật tư và sửa chữa thiết bị y tế tỉnh Bắc Thái cũ. Vậy tôi có được hưởng chế độ hưu trí hay chế độ gì không? Xin cảm ơn!
Việc giải quyết hưởng chế độ hưu trí đối với NLĐ căn cứ vào điều kiện về tuổi, diễn biến thời gian công tác, điều kiện lao động, tính chất công việc,…
Nội dung bạn nêu không thể hiện đầy đủ các thông tin trên nên cơ quan BHXH chưa có căn cứ trả lời bạn về việc hưởng chế độ hưu trí.
Bạn nêu bạn bị tai nạn lao động, nhưng không rõ hồ sơ có đủ theo quy định về chế độ tai nạn lao động không nên chưa có cơ sở để trả lời.
Để được xem xét trả lời về việc hưởng các chế độ BHXH đối với bạn, đề nghị bạn cung cấp hồ sơ và liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được giải đáp cụ thể.
Câu 24: Bạn đọc từ email anhthiha@gmail.com hỏi:
Theo Luật Lao động thì đơn vị có thể ký hợp đồng thử việc từ 30 ngày đến 60 ngày. Vậy từ ngày 01/01/2018, hợp đồng thử việc từ 30 ngày đến 60 ngày thì có phải đóng BHXH bắt buộc cho thời gian này không?
Theo quy định tại Điều 26, Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng thử việc với người lao động nhưng chỉ được ký hợp đồng thử việc 01(một) lần với thời hạn không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên (hoặc) không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ (hoặc) không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác; người làm việc theo hợp đồng thử việc (kể cả thời điểm sau ngày 01/01/2018), không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Câu 23: Bạn đọc từ email truongton@mail.everrite.com hỏi:
Người lao động nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng và người lao động đã hết thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản xin nghỉ thêm (nghỉ không lương) thì:
1. Đơn vị không đóng BHYT trong thời gian này được hay không?
2. Trường hợp phải đóng BHYT thì người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng hay người lao động tự đóng hết 4.5%?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật BHYT sửa đổi bổ sung thì mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc; Tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó.
Do vậy, trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương (kể cả nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng và trường hợp nghỉ không lương) thì không đóng BHXH, BHYT.
Câu 22: Bạn đọc từ mail nguyenhoangduongf5@gmail.com hỏi:
Tôi là giáo viên, có quyết định nâng lương từ hệ số 3.34 lên hệ số 3.65, hưởng lương từ ngày 15/4/2017. Vậy tháng 4/2017 tôi đóng BHXH theo mức lương nào?
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, trường hợp ông/bà được nâng lương từ hệ số 3.34 lên 3.65 kể từ ngày 15/4/2017 thì tháng 4/2017 đóng BHXH theo mức lương hệ số 3.65.
Câu 21: Bạn đọc từ mail huyenluong109@gmail.com hỏi:
Chồng em làm việc tại Công ty Thiết bị Vệ sinh Caesar Việt Nam ở KCN Nhơn Trạch, Đồng Nai. Từ ngày nghỉ Công ty đến nay đã gần 2 năm nhưng khi liên hệ với Công ty để lấy sổ thì nhân viên phụ trách bảo hiểm luôn nói là không có thời gian tìm sổ để trả. Vậy làm thế nào để công ty trả sổ về cho NLĐ?
Trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 quy định: “Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, Bạn nghỉ việc đã gần 2 năm nhưng công ty cũ vẫn chưa trả sổ BHXH do cán bộ phụ trách bảo hiểm không có thời gian tìm sổ BHXH. Vì vậy, đề nghị Bạn liên hệ Tổ chức công đoàn đơn vị cũ để được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình hoặc kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về lao động để được hướng dẫn giải quyết. Mặt khác, BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo BHXH tỉnh Đồng Nai có ý kiến với Công ty Thiết bị Vệ sinh Caesar Việt Nam ở KCN Nhơn Trạch, Đồng Nai tiến hành trả sổ cho người lao động theo đúng quy định.
Câu 20: Bạn đọc từ mail tranvandung1011@gmail.com hỏi:
Tôi là nhân viên cũ đã nghỉ việc ở Công ty cổ phần công nghệ DTT, trụ sở tại Tầng 3, Tháp 1-2, Dolphin Plaza, số 6 Nguyễn Hoàng, Từ Liêm, Hà Nội. Đã gần 1 năm nghỉ việc tại DTT, nhưng tôi vẫn chưa được công ty chốt và hoàn trả sổ BHXH theo đúng qui định của pháp luật. Mặc dù tôi đã nhiều lần viết email đến công ty DTT để yêu cầu chốt và trả sổ BHXH cho tôi nhưng công ty hứa một vài tuần hoặc tháng sau sẽ trả nhưng chúng tôi vẫn không thấy bất kỳ thông tin gì từ công ty DTT. Vì trong thời gian nghỉ tôi đã chuyển qua 2 công ty và công ty thứ nhất tôi vừa nghỉ muốn tôi nộp lại sổ để họ chốt cho tôi nhưng hiện tại tôi chưa thể lấy được sổ bên công ty DTT.
Tôi được biết công ty DTT đang nằm trong danh sách nợ BHXH trong trường hợp như tôi thì phải làm sao để có thể lấy sổ để qua công ty tôi vừa nghỉ chốt và tiếp tục đóng tại công ty mới. Rất mong nhận được sự hồi đáp từ BHXH để tôi có thông tin đóng bảo hiểm tiếp tại công ty hiện đang làm. Xin cảm ơn!
Tại Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định cấp và quản lý sổ BHXH như sau: “Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”. Vì vậy, đề nghị Bạn liên hệ và yêu cầu Công ty Cổ phần công nghệ DTT đề nghị cơ quan BHXH xác nhận quá trình đóng BHXH, BHTN tại đơn vị đến thời điểm đơn vị đóng đủ BHXH, BHTN và trả sổ BHXH cho Bạn. BHXH Việt Nam sẽ có chỉ đạo BHXH Thành phố Hà Nội đối với Công ty Cổ phần công nghệ DTT.
Câu 19: Bạn đọc từ mail hr01@sora.vn hỏi:
Em có làm thủ tục hưởng chế độ thai sản cho 1 chị công ty em. Nhưng khi báo giảm hưởng chế độ thai sản em lại báo nhầm thành GH3 (nghỉ hẳn khi đang hưởng thai sản). Vậy em làm thế nào để chị ấy được hưởng chế độ thai sản ạ?
Đối với trường hợp nghỉ thai sản báo giảm nhầm phương án (thành GH3 – giảm hẳn) thì đơn vị bạn lập danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN (Mẫu D02 - TS) ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam để điều chỉnh phương án giảm từ tháng người lao động nghỉ thai sản.
Câu 18: Bạn đọc từ mail ngocchau.istyle@gmail.com hỏi:
Tôi nghỉ bệnh từ tháng 6/2017, đến nay công ty không đóng bảo hiểm cho tôi. Tháng 8/2017 công ty không ký tiếp hợp đồng. Tôi có phải/nên đóng BHXH tự nguyện cho 02 tháng qua không?
Theo quy định tại Điều 9, Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện thì không có căn cứ để ông/bà được truy đóng (hoặc đóng bù) BHXH tự nguyện tháng 6/2017 và tháng 7/2017.
Câu 17: Bạn đọc từ mail nguyenthanhduong30@yahoo.com hỏi:
Người lao động ký HĐLĐ với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp có phải đóng BHXH, BHYT, BHTN theo mức lương tối thiểu vùng không? Xin cảm ơn!
Căn cứ quy định tại Điều 90, Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 89 Luật BHXH năm 2014; Điều 14 Luật BHYT năm 2008; Điều 58 Luật Việc làm năm 2013; Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, trường hợp của ông/bà làm việc theo HĐLĐ (HĐLĐ) tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương ghi trong HĐLĐ do người sử dụng lao động quyết định, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại thời điểm đóng.
Câu 16: Bạn đọc từ email huonglan04609@gmail.com hỏi:
Tôi tham gia BHXH từ ngày 01/01/2009, BHTN từ ngày 01/01/2015, ngày 22/01/2015 tôi nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định. Nay cơ quan BHXH chốt thời gian đóng BHXH cho tôi là 8 năm 06 tháng, BHTN là 02 năm (không tính thời gian nghỉ thai sản). Xin hỏi cơ quan BHXH tính như vậy có đúng không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN; Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì thì cả người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, thời gian này được tính để hưởng chế độ BHXH, không được tính để hưởng chế độ BHTN.
Câu 13: Bạn đọc từ mail th.hanh@unicoglobalvn.com hỏi:
Tôi được biết trong Luật BHXH có ghi Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Điều này có đồng nghĩa với việc nếu người LĐ làm việc từ 14 ngày công trở lên thì sẽ được tham gia đóng BHXH tháng đó không?
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 thì người lao động không làm việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó. Việc đóng BHXH phụ thuộc vào số ngày không làm việc không hưởng lương trong tháng, không phụ thuộc vào số ngày làm việc từ 14 ngày trở lên của tháng đó vì số ngày làm việc của mỗi đơn vị khác nhau.
Câu 12: Bạn đọc phamlieu0810@gmail.com hỏi:
Muốn thay đổi địa điểm nhận thông báo kết quả của cơ quan BHXH qua bưu điện thì cần những thủ tục gì? Có mẫu văn bản quy định không?
Căn cứ tại Điều 23 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN; Quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, để thay đổi địa điểm nhận thông báo kết quả của cơ quan BHXH qua bưu điện, đơn vị kê khai vào nội dung tại thứ tự 11 “nội dung thay đổi, yêu cầu” trong Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS) về địa chỉ giao dịch hoặc liên hệ mới, gửi cơ quan BHXH nơi đơn vị đang tham gia, đóng BHXH cho người lao động.
Câu 11: Bạn đọc từ mail dinhnga85@gmail.com hỏi:
1. Công ty em là công ty cổ phần chuyên sản xuất kinh doanh gạch ngói, hiện nay đang đóng bảo hiểm cho người lao động theo HĐLĐ và phụ lục HĐLĐ (khi tăng lương). Tuy nhiên trong thực tế, tổng tiền lương thực nhận hàng tháng cao hơn so với lương trong HĐLĐ (lúc cao lúc thấp do bán được hàng hay không). Vậy cho em hỏi: sang năm 2018, công ty em đóng BHXH theo HĐLĐ hay theo bảng lương thực nhận.
2. Hiện nay công ty em trả phụ cấp độc hại cho người lao động trực tiếp bằng hiện vật (đường, sữa) theo luật cho phép. Vậy sang năm 2018, phụ cấp này công ty em trả bằng hiện vật hay trả bằng tiền. Nếu trả bằng hiện vật thì tính đóng BHXH bằng cách nào? Trân trọng cảm ơn!
1. Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 2 Điều 30 thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/ 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về HĐLĐ, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động ghi trong HĐLĐ, cụ thể:
- Mức lương được tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
- Phụ cấp lương các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
2. Căn cứ quy định tại Điều 141 Bộ luật Lao động, Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại, trường hợp từ trước và sau ngày 01/01/2018 Công ty nơi ông (bà) làm việc bồi dưỡng bằng hiện vật (đường, sữa) đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại thì khoản bồi dưỡng bằng hiện vật này không phải là phụ cấp độc hại, và không dùng để tính đóng BHXH.
Câu 10: Bạn đọc từ mail dauhuong160385@gmail.com hỏi:
Tôi là người Nghệ An nhưng thi viên chức tại 1 trường học ở Đà Nẵng, trong thời gian tập sự 1 năm tôi có đóng các khoản BHXH là 85%. Sau khi được vào chính thức ngạch viên chức, HĐLĐ của của tôi được tính bắt đầu từ ngày 01/3/2015. Hiện tại, tôi muốn kiểm tra thời gian và số tiền tôi đã đóng BHXH hàng năm. Nhưng tôi vẫn chưa biết số sổ BHXH của mình. Vậy tôi phải làm thế nào? Tôi phải vào Trang tin điện tử BHXH Nghệ An hay Trang tin điện tử thành phố Đà Nằng để tìm.
Căn cứ quy định tại Điều 18, Điều 21 Luật BHXH năm 2014; Điều 31, Điều 32 Quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN; Quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, người sử dụng lao động có trách nhiệm: Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu; Hằng năm, niêm yết công khai tại đơn vị thông tin đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động do cơ quan BHXH cấp (theo mẫu C13-TS); Mẫu C13-TS có đầy đủ các tiêu thức của người lao động như mã số BHXH, họ tên, ngày, tháng, năm sinh, chức vụ, chức danh nghề, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, thời gian đóng BHXH.
Hiện tại, BHXH Việt Nam đang cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH (dự kiến hoàn thành trong năm 2017) và hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu thu BHXH tập trung liên thông toàn quốc (dự kiến xong trước ngày 31/12/2018)
Do đó, ông (bà) có thể biết được thông tin về quá trình đóng BHXH của mình tại trường học nơi ông làm việc, công tác; hoặc sau khi cơ quan BHXH đã cấp mã số BHXH và hoàn chỉnh xong quá trình tham gia BHXH của người tham gia liên thông toàn quốc thì ông (bà) có thể tra cứu để biết mã số BHXH và quá trình đóng BHXH cụ thể của mình trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.
Câu 9: Bạn đọc từ mail nguyenhuyhoang82hn@yahoo.com hỏi:
Tôi muốn mua Thẻ BHYT tự nguyện. Hiện nay tôi đang làm việc tại Hà Nội nên muốn đăng ký khám tại một bệnh viện ở Hà Nội, sau này về quê tôi có thay đổi được nơi đăng ký khám chữa bệnh không? Ví dụ: bây giờ tôi muốn đăng ký khám chữa bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai sau này ở Đa khoa tỉnh?
Theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT thì “người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu (sau đây gọi tắt là khám bệnh, chữa bệnh ban đầu) tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Trường hợp của bạn tham gia BHYT tự nguyện, nếu thay đổi nơi cư trú có thể thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo nơi cư trú mới.
Câu 8: Bạn đọc từ mail traducman@gmail.com hỏi:
Tôi về hưu, hiện đang sử dụng thẻ BHYT mang mã số: HT2190021100690, hạn sử dụng đến 31/12/2017. Nhưng tôi là một thương binh (41%), tôi muốn đổi sang thẻ dùng cho người có công (CC) có được không? Nếu được thì đổi ở đâu, thủ tục phải làm những gì? Kính mong quý cơ quan chỉ giúp.
Căn cứ Điểm 2 Khoản 7, Điều 1 của Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/06/2014 quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”; Điểm 2 Khoản 15, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13, quy định: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.
Trường hợp của Ông theo nội dung hỏi hiện nay là đối tượng hưu trí, đồng thời cũng thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Vì vậy thẻ BHYT đã cấp cho Ông theo mã đối tượng hưu trí (ký hiệu HT), mã quyền lợi của người có công với cách mạng (ký hiệu là 2) là đúng quy định.
Câu 7: Bạn đọc từ mail trinhthuyduongrg@gmail.com hỏi:
Tôi mua BHYT hộ gia đình, đến ngày 31/10/2016 thì thẻ hết hạn sử dụng, nhưng đến ngày 01/3/2017 mới nộp tiền tham gia BHYT thì thẻ BHYT có giá trị từ ngày nộp tiền hay sau 30 ngày? Thời gian tham gia BHYT có được tính là liên tục hay không? Ngoài ra, xin cho biết hiện nay tôi có thể mua BHYT cho riêng mình tôi hay bắt buộc phải tham gia hết hộ?
Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT thì “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng”; Điểm 2, Điều 47 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì “Đối tượng quy định tại Khoản 4 và 5 Điều 17 có thời gian tham gia BHYT liên tục, thẻ BHYT có giá trị kể từ ngày đóng. Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT” và Công văn số 1018/TTg-KGVX ngày 10/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Trường hợp của bạn có quá trình tham gia BHYT gián đoạn trên 03 tháng trở lên (tính từ ngày 31/10/2016 đến ngày 01/03/2017). Vì vậy, thời gian này không được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục và thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền. Bạn có thể tham gia cho riêng mình mà không phải bắt buộc tham gia hết những người có cùng sổ hộ khẩu.
Câu 6: Bạn đọc từ mail quangvinh2604@gmail.com hỏi:
Năm 2017 tôi thuộc hộ nghèo thiếu hụt các tiêu chí xã hội (N2) nhưng không được cấp thẻ BHYT hộ nghèo. UBND xã trả lời năm 2017 mới cấp thẻ BHYT hộ nghèo thu nhập (N1), còn N2 chờ hướng dẫn. Đến khi có Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 đã công nhận xã tôi đang sinh sống là xã vùng III nhưng vẫn không được cấp thẻ BHYT vùng III. UBND xã trả lời một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì cấp thẻ BHYT theo đối tượng đầu tiên, tôi thuộc đối tượng hộ nghèo nên không được cấp thẻ BHYT vùng III. Tôi hỏi việc trả lời của UBND xã có đúng hay không? Vậy cần làm gì để được cấp thẻ BHYT?
Căn cứ Điểm 2 Khoản 7, Điều 1 của Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/06/2014 quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”; Điểm 2 Khoản 15, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13, quy định: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”; Khoản 4, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách người tham gia BHYT thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở khu vực khó khăn.
Trường hợp của bạn thuộc hộ gia đình nghèo, đồng thời cũng thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở khu vực khó khăn. Vì vậy, việc cấp thẻ BHYT theo hộ nghèo là đúng quy định. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách hộ gia đình nghèo gửi cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện rà soát, xác định đúng đối tượng được cấp thẻ BHYT. Trường hợp chưa có thẻ BHYT đề nghị bạn liên hệ với Ủy ban nhân dân xã hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để được giải đáp.
Câu 5: Bạn đọc từ mail huong.nguyen@ecoway.com.vn hỏi:
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, không đến công ty để thanh lý hợp đồng, không nhận quyết định thôi việc, cũng như nộp khoản tiền 4.5% BHYT mà Doanh nghiệp đã phải nộp khi báo giảm NLĐ, mà NLĐ lại mang sổ BHXH đến cơ quan BHXH để chốt sổ. Vậy cho tôi hỏi?
- BHXH có tiếp nhận chốt sổ trực tiếp cho người lao động hay không?
- Khi chốt sổ có yêu cầu NLĐ trình quyết định hay không?
- Khoản chi phí 4.5% BHYT/ tháng mà cơ quan BHXH đang thu của DN làm sao để giải quyết khi cơ quan BHXH tự nhận sổ của NLĐ chốt sổ cho họ mà không có quyết định thôi việc cho thời gian làm việc tại đơn vị cần chốt?
Khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc thôi việc thì đơn vị sử dụng lao động thực hiện báo giảm lao động theo quy định tại Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 23 Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (gọi tắt là Quyết định số 595/QĐ-BHXH). Cơ quan BHXH chỉ xác nhận quá trình đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH khi đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ báo giảm lao động.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn tham gia giao lưu cùng bạn đọc
Câu 4: Bạn đọc từ mail cokhiqt@yahoo.com.vn hỏi:
Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Quang Trung xin hỏi BHXH Việt Nam nội dung sau: Vừa qua, tại Doanh nghiệp có 01 trường hợp NLĐ là anh Phạm Văn Toàn (sinh năm 1968) đã tham gia BHXH trên 30 năm, đem nộp hồ sơ đến bộ phận 01 cửa của BHXH tỉnh Bình Định để xin được đính chính thông tin nhân thân liên quan (sinh năm 1964), có photo bản CMND+sổ hộ khẩu+bản sao giấy khai sinh (bản gốc). Nhưng BHXH tỉnh Bình Định có yêu cầu NLĐ phải cung cấp thêm Lý lịch đảng viên để BHXH Bình Định xem xét duyệt giải quyết: vậy BHXH Bình Định căn cứ theo văn bản và quy định hiện hành nào của BHXH VN để bắt buộc DN phải cung cấp hồ sơ đặt thêm này(?!). Nếu NLĐ không có Lý lịch đảng viên thì có được giải quyết chế độ hay không (?!) Doanh Nghiệp xin BHXH Việt Nam cho DN được biết và hướng dẫn để Doanh nghiệp bổ sung các thủ tục đúng theo quy định. Xin cảm ơn!
Thành phần hồ sơ cấp lại sổ BHXH đối với người tham gia thay đổi ngày, tháng, năm sinh theo quy định tại Tiết a, Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 27 Quyết định số 595/QĐ-BHXH gồm: “Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); Giấy Khai sinh hoặc Trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước/Hộ chiếu; Trường hợp là đảng viên theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền” và Công văn số 1901-CV/BTCTW ngày 05/12/2016 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện Kết luận số 13 của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên quy định: “Đối với trường hợp tuổi ghi trong hồ sơ lý lịch cán bộ hoặc các giấy tờ liên quan khác kèm theo hồ sơ cán bộ không trùng khớp với hồ sơ lý lịch đảng viên gốc, khi tiến hành quy trình công tác cán bộ như: quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên thì các cấp ủy, tổ chức đảng phải lấy tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng làm căn cứ để thực hiện…”. Vì vậy, BHXH tỉnh Bình Định căn cứ tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng để xem xét, giải quyết đối với trường hợp người lao động là đảng viên điều chỉnh ngày, tháng, năm sinh đã ghi trên sổ BHXH là đúng với quy định hiện hành.
Câu 3: Bạn đọc có địa chỉ mail doxuanthanhdbp@gmail.com hỏi:
Người lao động thuộc đối tượng không chuyên trách xã đến tháng 3/2017 đã đủ 60 tuổi nghỉ hưu nhưng quá trình đóng BHXH, BHYT mới được 15 năm, nay Ủy ban nhân dân phường vẫn ký hợp đồng làm cán bộ không chuyên trách thì đối tượng có được đóng BHXH theo chế độ của cán bộ không chuyên trách xã không?
Căn cứ quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014; Công văn số 60/LĐTBXH-BHXH ngày 07/01/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc vướng mắc trong thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động, trường hợp người hoạt động không chuyên trách cấp xã tử đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ mà vẫn đang làm việc, được hưởng sinh hoạt phí thì vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Câu 2: Bạn đọc từ mail trangbeauty2907@gmail.com hỏi:
Em là giáo viên dạy hợp đồng tại trường tiểu học trong huyện của tỉnh Thái Bình từ tháng 9/2012, đến tháng 9 này là em được 5 năm, cũng là 5 năm em tham gia đóng BHXH nhưng cho đến nay em vẫn không hề biết mức đóng hàng tháng của em là bao nhiêu? Lúc nhận quyết định của huyện về hợp đồng tại trường tiểu học, trong quyết định có ghi là em được hưởng lương theo mức lương tối thiểu là 1,0 và em được tham gia đóng BHXH. Nhưng em được biết là hàng tháng BHXH trừ vào lương hàng tháng của em theo mức bằng Cao đẳng là 2,1. Em có lên tận trên cơ quan BHXH huyện để hỏi thì cán bộ BHXH nói là BHXH không liên quan gì đến quyết định của huyện, chỉ trừ theo bằng cấp trong hồ sơ. Lương cơ bản của em là 1,0 khi đã trừ phí đóng BHXH đi rồi em chỉ còn 300đ/tháng. Thực sự là em không hiểu hàng tháng em phải đóng BHXH như thế nào? Em rất mong quý cơ quan sớm giải đáp cho em thắc mắc này!
Căn cứ quy định tại Điều 90, Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 89 Luật BHXH năm 2014; Điều 14 Luật BHYT năm 2008; Điều 58 Luật Việc làm năm 2013; Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, trường hợp của Ông/Bà làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) tại trường tiểu học thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương ghi trong HĐLĐ do người sử dụng lao động quyết định, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại thời điểm đóng.
Do đó, ông (bà) căn cứ quy định nêu trên để đề nghị cơ quan đơn vị nơi giao kết HĐLĐ điều chỉnh tiền lương ghi trên HĐLĐ làm căn cứ đóng BHXH theo đúng quy định.
Câu 1: Bạn đọc từ địa chỉ email longhunggpk1c@gmail.com hỏi:
Chúng tôi là công ty cổ phần, giám đốc chúng tôi hiện nay đang đóng bảo hiểm theo mức lương 7.300.000 đồng, phó giám đốc đóng theo mức 5.700.000 đồng, nhưng anh Phó Giám đốc đang muốn đóng bảo hiểm cá nhân của anh ấy theo mức 7.000.000 đồng kể từ tháng 01/2017, phần chênh lệch anh ấy đóng bù thêm trả lại công ty, tôi hỏi như vậy có được không?
1. Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH: Căn cứ quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc:
Trường hợp Phó giám đốc Công ty cổ phần làm việc theo HĐLĐ thì từ ngày 01/01/2016 là mức lương theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng và phụ cấp lương; từ ngày 01/01/2018 là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong HĐLĐ.
Trường hợp Phó Giám đốc là người quản lý doanh nghiệp (do đại hội thành viên công ty bầu) có hưởng tiền lương thì tiền lương làm căn cứ đóng là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, bao gồm: mức lương theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng và phụ cấp lương; từ ngày 01/01/2018 là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
2. Về trách nhiệm đóng BHXH: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21, Khoản 1 Điều 85 và Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014; Điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hàng tháng người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH theo quy định bằng 17,5% quỹ tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH và trích từ tiền lương phần trách nhiệm đóng của người lao động (bao gồm cả người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương) bằng 8% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.
Đề nghị ông (bà) căn cứ quy định nêu trên để thông tin đến Phó Giám đốc công ty nơi ông (bà) làm việc được biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...