Người chưa mua BHYT thêm lo
02/08/2017 02:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bắt đầu từ 01/8, 12 bệnh viện tự đảm bảo chi đầu tư và thường xuyên tại Tp.Hồ Chí Minh chính thức điều chỉnh tăng viện phí với bệnh nhân không có thẻ BHYT.
Bệnh nhân có thẻ BHYT nhận thuốc tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
So với giá dịch vụ khám chữa bệnh áp dụng cho những người không có BHYT trước đó, giá viện phí mới này sẽ tăng khoảng 30%, tập trung chủ yếu vào tiền khám bệnh và giường bệnh.
Ngậm ngùi
Theo khảo sát của phóng viên Báo SGGP, trong ngày đầu tăng viện phí tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn TP, nhiều bệnh nhân đã thực sự quan tâm đến giá viện phí mới. Tại Bệnh viện Ung bướu TP, đến tái khám từ khá sớm, chị Trần Tuyết Mai (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, hôm nay đóng tiền khám bệnh thấy giá đã tăng lên so với trước nhiều.
“Trước đây tôi đi siêu âm chỉ 200.000 đồng, bây giờ tăng lên 260.000 đồng. Bệnh nào không biết chứ bệnh ung thư thì điều trị lâu dài lắm, đó là thiệt thòi cho những bệnh nhân nghèo không có thẻ BHYT. Đối với các bệnh nhân điều trị ung thư như tôi, một số phương pháp điều trị đặc biệt có chi phí rất cao như: xạ phẫu bằng Cyber Knife là hơn 20 triệu đồng; xạ phẫu bằng Gamma Knife hơn 28 triệu đồng; xạ trị bằng X Knife hơn 28 triệu đồng… Đây là con số không hề nhỏ, nếu không được BHYT thanh toán, nhiều bệnh nhân sẽ không kéo dài được quá trình điều trị”, chị Lan ngậm ngùi chia sẻ.
Là bệnh viện hạng 1, mỗi năm, tại Bệnh viện quận Thủ Đức, bệnh nhân không có thẻ BHYT chiếm khoảng 20% số người đến khám chữa bệnh. Trước đó, ngày 31/7, bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện quận Thủ Đức cũng đã được điều chỉnh theo Thông tư 02 của Bộ Y tế và được thông báo rộng rãi đến toàn thể bệnh nhân thông tin về tăng giá viện phí kể từ ngày 01/8 trên bảng màn hình Led, bảng thông báo của bệnh viện. Mặc dù được thông báo là thế nhưng nhiều người dân đến khám vẫn tỏ vẻ tiếc nuối khi biết viện phí tăng. Anh Cao Văn Lân (tạm trú ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức) đang chờ chụp X-quang cho biết, vợ chồng anh làm công nhân, bỏ số tiền đi khám bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới kinh tế của gia đình nhưng mắc bệnh cũng phải đi khám. Có bảo hiểm thì tốt hơn rồi, chi phí giảm nhẹ hơn nhiều. Nếu viện phí cứ tăng thế này sớm muộn gì gia đình anh cũng mua bảo hiểm.
Điều chỉnh theo lộ trình
Trước đó, tại kỳ họp lần 5 khóa IX Hội đồng nhân dân TP đã thống nhất với tờ trình của Sở Y tế về thời điểm điều chỉnh tăng viện phí. Theo đó, từ ngày 01/8, các bệnh viện công lập tự chủ tài chính trên địa bàn TP sẽ bắt đầu áp dụng mức giá dịch vụ y tế theo Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định mức giá tối đa khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Cụ thể, phí khám bệnh hiện nay tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 của thành phố đang là 20.000 đồng sẽ tăng lên 39.000 đồng, bệnh viện hạng 2 từ 15.000 tăng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 10.000 tăng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng 4 từ 7.000 lên 29.000 đồng. Như vậy, giá khám chữa bệnh BHYT và không BHYT tại các cơ sở y tế công lập đều đã cộng tiền lương, đồng nghĩa là tiền lương của bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chuyển từ ngân sách chi trả qua người bệnh chi trả.
Các bệnh viện công lập sẽ không còn nhận ngân sách cấp cho chi thường xuyên, thay vào đó là từ nguồn thu viện phí.
Theo Thạc sĩ Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Sở Y tế TP, việc điều chỉnh viện phí vào đầu tháng 8 này sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân vì mức điều chỉnh chỉ tác động nhiều đến người chưa có thẻ BHYT.
Từ 01/8, 12 bệnh viện không nhận ngân sách chi thường xuyên gồm 8 bệnh viện tuyến TP và 4 bệnh viện tuyến quận, huyện (Bệnh viện quận Bình Thạnh, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện quận 1, Bệnh viện quận 2) sẽ áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư 02 của Bộ Y tế, đến 01/10, toàn bộ tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP sẽ đồng loạt áp dụng mức giá mới này.
Việc điều chỉnh giá lần này hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giữa giá khám chữa bệnh của người bệnh không có BHYT và người bệnh có BHYT trong cùng một cơ sở khám chữa bệnh, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân và đẩy nhanh quá trình tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập của thành phố.
Theo thống kê của BHXH TP, hiện nay 80% người dân TP đã có BHYT nên sự điều chỉnh giá viện phí lần này sẽ chỉ tác động đến gần 20% dân số còn lại./.
Theo SGGP
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
[Infographic] Những con số ấn tượng của ngành BHXH Việt Nam ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...