Rà soát, bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHYT để mở rộng diện bao phủ
25/10/2024 08:08 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 24/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Thảo luận tại Tổ 3, các ý kiến thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật này, tuy nhiên đề nghị rà soát, bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHYT để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, bảo đảm quyền và lợi ích của người tham gia BHYT.
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3
Thảo luận tại Tổ 3, các đại biểu cơ bản thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta; bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khắc phục được các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như Luật BHXH, Luật Khám bệnh, chữa bệnh…; và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật.
Tham gia góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An quan tâm đến mức đóng BYHT do người sử dụng lao động và người lao động đóng. Đây là một trong điểm mới và thay đổi quan trọng của dự thảo Luật này. “Thay vì mức đóng trước đây là 4,5% trên mức lương cơ sở thì bây giờ là 6%. Điều này được cho là hợp lý và đảm bảo cân đối giữa Quỹ BHYT mà không tạo gánh nặng quá lớn cho người lao động và người sử dụng lao động. Tỉ lệ đóng cũng được quy định rất cụ thể giữa người sử dụng lao động là 2/3 và người lao động là 1/3”, đại biểu nêu rõ. Đại biểu cũng tán thành cao với trách nhiệm đóng bảo hiểm và căn cứ đóng bảo hiểm.
Tuy nhiên, quan tâm đến tác động nhất định đối với xã hội khi thực hiện tăng mức đóng từ 4,5% lên 6%, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, điều này sẽ tăng nguồn thu cho Quỹ BHYT, mở rộng diện bao phủ BHYT và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, khuyến khích người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ thách thức là gánh nặng tài chính cho người lao động và doanh nghiệp. Vì việc tăng mức đóng BHYT có thể tạo thêm gánh nặng cho người lao động và các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những người thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó là thách thức trong việc chậm đóng, trốn đóng BHYT của một số doanh nghiệp và người lao động.
Do đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần có chính sách hỗ trợ đối tượng là người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là người lao động ở khu vực nông thôn, miền núi, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đóng BHYT đầy đủ cho người lao động; tăng cường công tác quản lý hiệu quả sử dựng Quỹ BHYT cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp trốn đóng BHYT. Cùng với đó, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, để thực thi chính sách, cần nâng cao nhận thức của người dân trong nội dung này.
Góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (Điều 12), đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thống nhất chủ trưởng mở rộng đối tượng tham gia BHYT để thực hiện mở rộng diện bao phủ tham gia BHYT. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung một số nhóm đối tượng, như nhóm do người sử dụng lao động hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng quy định Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, theo quy định hiện hành là từ đủ 3 tháng trở lên; Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam; Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội; và một số đối tượng khác như trong dự thảo Luật.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2023, tính đến 31/12/2023, số người tham gia BHYT là 93,628 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT khoảng 93,35% dân số. Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương băn khoăn số còn lại là đối tượng nào, đề nghị cần rà soát thêm để phân loại theo nhóm đối tượng và bổ sung quy định tham gia BHYT để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, thực hiện BHYT toàn dân.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 15, dự thảo Luật quy định: Đối với các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức đóng hằng tháng hoặc 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, quy định này là nhằm thống nhất với Luật BHXH, tuy nhiên, chưa bao hàm trường hợp doanh nghiệp trả tiền lương theo sản phẩm, theo khoán. Vì vậy, để bảo đảm thu hút đầy đủ các trường hợp tham gia BHYT, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung này.
Cơ bản nhất trí với 30 nội dung sửa đổi, bổ sung (tương ứng từ khoản 1 đến khoản 30 Điều 1 của dự thảo Luật), đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tham gia góp ý về trách nhiệm của Bộ Y tế (Điều 6, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008). Tại điểm b, khoản 2 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 6, Luật 2008. Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “Hằng năm” và sửa lại như sau: “4. Hằng năm, tham mưu cấp có thẩm quyền hoặc tổ chức triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế; các giải pháp ưu tiên mở rộng phạm vi, mức hưởng bảo hiểm y tế và tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho y tế cơ sở; trình Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực bảo hiểm y tế”.
Về quyền và trách nhiệm của tổ chức BHYT (quy định tại Điều 40, Điều 41), tại khoản 29 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 41 như sau: “8. Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám định bảo hiểm y tế.”
Đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật đã bỏ quy định tổ chức BHYT có trách nhiệm “kiểm tra” trong việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT của tổ chức BHYT (trong Luật hiện hành). Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, việc sửa đổi này là hợp lý, vì quy định trách nhiệm kiểm tra trong việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHYT. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung tổ chức BHYT có trách nhiệm “Kiểm tra việc sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT” và diễn đạt lại như sau: “8. Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, việc sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT; giám định bảo hiểm y tế.”
Do vậy, cơ quan BHXH thực hiện kiểm tra việc sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT, hợp đồng khám chữa bệnh BHYT nhằm tăng cường việc kiểm soát sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích, phòng chống lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ BHYT, đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tuấn cũng đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong Điều 43 của dự thảo Luật như sau: “Cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trong phạm vi được hưởng”.
Cũng tại Phiên họp chiều nay, các đại biểu thảo luận tại Tổ về dự án Luật Dữ liệu, cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật này. Các ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật hết sức quan trọng, cần thiết để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh để không chồng chéo, trùng lặp với các luật có liên quan nhằm phục vụ phát triển kinh tế số. Các ý kiến tham gia góp ý về một số nội dung như: Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, về thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, về Trung tâm dữ liệu quốc gia…
PV
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...