BHXH một lần: Thống nhất phương án, bổ sung thêm các giải pháp hỗ trợ người lao động khó khăn
27/05/2024 10:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Trình Quốc hội 2 phương án về BHXH một lần
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, ngoài việc kế thừa quy định tại Điều 60 của Luật BHXH hiện hành đối với các trường hợp giải quyết hưởng BHXH một lần như: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS, thì dự thảo luật còn quy định điều kiện hưởng BHXH một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Sáu theo hai phương án:
Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, tức là: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện.
Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần này.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: Quochoi
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Theo điểm 6 mục III tại Nghị quyết 28-NQ/TW, có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Cùng với đó, sửa đổi các quy định để khuyến khích người lao động tham gia BHXH thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỉ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với người lao động muốn nhận chế độ hưu trí sớm.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 và cũng là ý kiến của đa số người lao động một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để hạn chế tốt nhất việc người lao động phải lựa chọn việc hưởng BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thì dù lựa chọn phương án nào thì Chính phủ cũng đều phải có thêm các giải pháp khác để hỗ trợ người lao động khó khăn khi có nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống; nếu không, người lao động vẫn có nhu cầu hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền mặt để giải quyết khó khăn trước mắt.
Bổ sung nguyên tắc chung về bảo hiểm hưu trí bổ sung
Về bảo hiểm hưu trí bổ sung, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cũng như ý kiến đại biểu Quốc hội đều đề nghị bổ sung các nguyên tắc cơ bản về bảo hiểm hưu trí bổ sung vì đây là một tầng trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW và làm cơ sở để Chính phủ có căn cứ quy định chi tiết, tổ chức thực hiện.
Toàn cảnh Phiên họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu một số nội dung trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 234/BC-CP, cụ thể: Bổ sung Chương VII với 4 điều quy định (từ Điều 128a đến Điều 128d) mang tính nguyên tắc chung về bảo hiểm hưu trí bổ sung; bổ sung khoản 4 tại Điều 136 giao Chính phủ quy định chi tiết về bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều (tăng 1 chương và tăng 11 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình) cùng 15 điểm mới./.
Thắng Trần
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...