Bảo đảm tối đa quyền, lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT
18/03/2024 03:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có 22 tỉnh, thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách và huy động thêm nguồn xã hội để hỗ trợ mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện; 62 tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT. Để tăng cường lợi ích người tham gia và đạt mục tiêu mở rộng tỷ lệ bao phủ trong năm nay, BHXH Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, công tác phát triển số người tham gia BHXH, BHYT năm 2024 có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng cũng tiềm ẩn những khó khăn. Cụ thể, yếu tố thuận lợi thể hiện rõ ở việc người lao động đã trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, có nơi đạt tỷ lệ 100% như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang... Hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đều quan tâm, tạo thuận lợi để người dân, người lao động có cơ hội tham gia BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến một bộ phận người dân vẫn bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập, nên dù muốn vẫn chưa đủ khả năng tài chính để tham gia BHXH. Đây cũng là lý do khiến một bộ phận người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, làm quá trình tham gia BHXH bị gián đoạn hoặc buộc phải rút BHXH một lần lấy khoản tiền trang trải cho khó khăn trước mắt.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT
Trước tình hình đó, ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng kịch bản thu, phát triển người tham gia năm 2024 phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng nhân rộng các mô hình hay, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 42 - 43%; tham gia BHTN đạt 33 - 33,5%. Chính sách BHYT mở rộng diện bao phủ đến 94,1% dân số.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hai tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT đối với hơn 27,39 triệu lượt người, với số tiền chi tăng 17,35% so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm thực hiện hiệu quả cùng lúc 2 nhiệm vụ bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và bảo đảm cân đối nguồn quỹ, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai dự toán khám bệnh, chữa bệnh BHYT đến các địa phương. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện công cụ cảnh báo gia tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tập trung vào những đơn vị có quy mô và số chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT lớn.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam đề nghị các địa phương triển khai hiệu quả những quy định mới về BHYT; chủ động kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại địa phương, đơn vị. Các cơ sở y tế có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, xác minh các chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tăng cao do cơ sở tự phát hiện hoặc theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan BHXH, làm căn cứ điều chỉnh cho phù hợp các quy định hiện hành.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, mở rộng tỷ lệ bao phủ
Theo BHXH Việt Nam, lũy kế đến thời điểm hết tháng 2/2024, cả nước có 17,69 triệu người tham gia BHXH (trong đó có hơn 16,12 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 1,568 triệu người tham gia BHXH tự nguyện). Đáng lưu ý, so với cùng kỳ năm 2023, số người tham gia BHXH tăng 3,23%, nhưng lại giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2023, trong đó có 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
Phân tích về vấn đề này, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, do khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp khó mở rộng số lượng người lao động. Cần quan tâm vấn đề nhu cầu tuyển dụng lao động cho lĩnh vực cần sử dụng rất nhiều lao động như dệt may, da giày... không cao, dẫn đến việc phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc khó khăn.
Bên cạnh đó, giá cả thị trường hàng hóa cũng có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến chi tiêu của người lao động, tác động đến việc vận động, tăng mới số tham gia BHXH tự nguyện. Song, số người tham gia BHXH trong những tháng đầu năm giảm so với thời điểm cuối năm có tính chất "chu kỳ", nên không đáng lo ngại.
Ngoài những yếu tố khách quan, việc giảm số người tham gia còn có nguyên nhân chủ quan, không ít người lao động có nhu cầu chuyển đổi công việc đang tạm nghỉ việc, tạm dừng tham gia BHXH vì chưa trở lại thị trường lao động. Khoảng thời gian người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm, tích lũy tài chính để tham gia BHXH thường bắt đầu từ quý II hàng năm.
Để đạt mục tiêu mở rộng tỷ lệ bao phủ BHXH đến 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm 2024, ngành BHXH từ Trung ương đến cơ sở đã xây dựng kịch bản thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu và yêu cầu cơ quan BHXH chú trọng triển khai. Cùng với đó, ngành BHXH quan tâm nhân rộng các mô hình hay về phát triển BHXH tự nguyện.
Liên quan tới việc hoàn thiện, bổ sung hành lang pháp lý, nhằm bảo đảm lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các cơ quan chức năng cũng đề xuất bổ sung quy định làm rõ khái niệm "trốn đóng BHXH"; quy định phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng BHXH; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn; quyết định hoãn xuất cảnh; khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự… Ngoài ra, bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động./.
Thắng Trần
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...