Yên Bái đơn giản hoá thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh bằng BHYT
17/01/2024 10:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai khám chữa bệnh (KCB) BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số”, ứng dụng VNeID tại tất cả các đơn vị KCB trên địa bàn. Đây là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính, bước đầu đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho cả người bệnh và các cơ sở KCB.
Trước đây khi đi KCB tại các cơ sở y tế, người dân thường phải sử dụng thẻ BHYT có ảnh, trong trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tuỳ thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc các giấy tờ hợp pháp khác. Tuy nhiên hiện nay, các thủ tục hành chính khi đi KCB đã đơn giản hơn rất nhiều. Người dân chỉ cần mang theo một chiếc thẻ CCCD có gắn chíp, khi quét mã QR, toàn bộ thông tin của người bệnh đều được cập nhật trên phần mềm. Nhân viên cơ sở y tế khi tiếp nhận cũng không cần khai thác thêm thông tin của người bệnh, giúp rút ngắn thời gian đăng ký cũng như chờ đợi cho người bệnh.
Bà Trần Thị Cậy ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho biết: "Trước đây khi đi khám, tôi phải chờ đợi để nhân viên y tế kiểm tra giấy tờ, nhập thông tin nên mất nhiều thời gian. Có những lúc quên thẻ hay giấy tờ gì là phải chờ người nhà đưa lên. Giờ có CCCD gắn chíp, tôi đưa cho họ quét là xong, rất tiện lợi”.
Với số lượng người dân đến khám và điều trị bệnh khá đông, trung bình khoảng 400 - 500 người/ngày, do đó, kể từ khi đơn giản hoá các thủ tục KCB BHYT, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái đã có thể thực hiện KCB một cách nhanh chóng, tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục.
Bác sĩ Trần Hữu Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, Trung tâm Y tế thành phố đã trang bị đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất gồm đầu quét mã QR, máy tính có sử dụng phần mềm KCB, kết nối trực tiếp với thiết bị đọc mã QR để khai thác thông tin từ CCCD thay thế thẻ BHYT giấy trước đây. Ngoài sử dụng CCCD khi đi KCB, người dân cũng có thể sử dụng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng "VssID - BHXH số” hay ứng dụng định danh điện tử quốc gia VneID. Việc áp dụng linh hoạt các ứng dụng này vào KCB BHYT đã góp phần đảm bảo tính nhanh chóng, thuận tiện, giúp nâng cao chất lượng KCB”
Các cơ sở y tế tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người tham gia BHYT sử dụng dụng thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng VssID, VneID thay thế thẻ BHYT giấy trong khi đi KCB.
Thực hiện những quy định mới trong việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong KCB BHYT, các cơ sở y tế của tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người tham gia BHYT sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng VssID, ứng dụng VneID thay thế thẻ BHYT giấy trong khi đi KCB.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Nhung - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh cho biết: "Thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi đã chủ động trong việc thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính trong KCB. Người dân sử dụng thẻ BHYT giấy, CCCD gắn chip hay ứng dụng VssID đều được bệnh viện hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ BHYT in giấy, cán bộ tiếp nhận của bệnh viện sẽ tra cứu thêm thông tin về CCCD. Trường hợp bệnh nhân có mã số CCCD và đáp ứng yêu cầu về đồng bộ dữ liệu, cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn chi tiết việc KCB bằng CCCD trong lần sau. Việc sử dụng CCCD có gắn chíp để KCB đã góp phần hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính của bệnh viện, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của bệnh viện, giúp giảm các giấy tờ liên quan đến thủ tục khám bệnh BHYT”
Theo BHXH tỉnh, đến nay 100% cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng VneID. Toàn ngành cũng đã kịp thời cập nhật bổ sung định danh cá nhân/CCCD và cài đặt ứng dụng VssID cho người lao động và nhân dân trên toàn tỉnh. Đến hết năm 2023, đã cài đặt VssID cho trên 177.000 người, đạt 108,1% kế hoạch giao.
Ông Nguyễn Trí Đại - Giám đốc BHXH tỉnh nhấn mạnh: "Việc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn, mà còn giúp giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn chậm và thiếu đồng bộ. Việc áp dụng công nghệ mới, thời gian đầu sẽ khiến một số nhóm đối tượng, như người lớn tuổi chưa thể ứng dụng vì khó thay đổi thói quen cũ. Do đó cần sự hướng dẫn, tuyên truyền, có các giải pháp phù hợp để các nhóm đối tượng đều có thể dễ dàng thực hiện”.
Việc sử dụng CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT cho người dân đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý. Các cơ sở y tế và cả người dân tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác, thất thoát thẻ BHYT của người bệnh. Ngoài ra, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT.
PV
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...