Nỗ lực mở rộng độ bao phủ BHYT để tiến tới BHYT toàn dân
09/01/2024 01:52 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2023, ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, bao gồm: Vượt chỉ tiêu về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ); đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh); đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia BHYT (93,2%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (7/9 chỉ tiêu).
Sáng nay (9/1), tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024, nhằm tổng kết, đánh giá việc triển khai công tác y tế năm 2023 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Nghiên cứu điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành Y tế trong năm qua. “Năm 2023, ngành Y tế đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu được Quốc hội giao và 7/9 chỉ tiêu cụ thể về y tế. Hoạt động KCB thông thường cơ bản đáp ứng nhu cầu. KCB từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới tiếp tục được tăng cường. Đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan BHXH, 99,5% cơ sở KCB trên toàn quốc. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế có mặt được nâng lên. Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh, làm cơ sở, nền tảng quan trọng giải quyết những vướng mắc, bất cập của ngành Y tế cả trước mắt và lâu dài…”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Đề cập phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, toàn ngành Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế. Trong đó, tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật KCB (sửa đổi); hoàn thiện trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật BHYT; đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.
Đặc biệt, tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; đáp ứng đầy đủ, kịp thời vắc-xin; tập trung kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến, đẩy mạnh triển khai đề án BV vệ tinh, bác sĩ gia đình. Đồng thời, mở rộng độ bao phủ BHYT để tiến tới BHYT toàn dân; nghiên cứu điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và trình độ, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nâng cao chất lượng nguồn lực y tế gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam. Nghiên cứu xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu, trong năm 2024, Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện việc mua sắm thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa vào sử dụng 2 BV Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho các cơ sở KCB tiếp cận các nguồn vốn, bao gồm vốn vay ưu đãi của Chính phủ và vay thương mại, để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao Cờ Thi đua của Chính phủ tặng 3 tập thể thuộc Bộ Y tế gồm: BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Răng Hàm Mặt Trung ương.
Hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu được Quốc hội giao
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Năm 2023, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường, khó dự báo, tác động đến kinh tế-xã hội trong nước và sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế. "Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của người dân, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế toàn ngành, nên nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước trong năm 2023"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu
Theo đó, trong năm 2023, ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, bao gồm: Vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ); đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh); đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia BHYT (93,2%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (7/9 chỉ tiêu).
Về công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm bớt TTHC và ứng dụng CNTT; động viên, khuyến khích gắn tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, tăng cường lắng nghe thực tiễn, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ dần từng bước các khó khăn, vướng mắc trong phòng chống dịch bệnh, chế độ chính sách, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vắc-xin, cơ chế tài chính, BHYT.
Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp củng cố năng lực ngành Y tế sau dịch bệnh như: Tăng cường nguồn lực đầu tư, chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực y tế, tăng cường công tác chỉ đạo (như tại TP.Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh…). Nhiều đơn vị thuộc Bộ, cơ sở KCB và Sở Y tế các địa phương đã nỗ lực vượt khó, chủ động, linh hoạt hơn trong triển khai nhiệm vụ được giao.
Trong công tác xây dựng thể chế, ngành Y tế tiếp tục chú trọng và tập trung hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở KCB và địa phương. Trong công tác phòng chống dịch bệnh, dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác tiếp tục được kiểm soát tốt; ngành tập trung cùng chính quyền địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng…), các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ…).
Hoạt động KCB thông thường phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ sở KCB được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ. Kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới; công tác quản lý chất lượng BV, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục có bước chuyển biến. "Ngành Y tế tập trung giải quyết các vướng mắc, triển khai các dự án xây dựng các cơ sở y tế đang xây dựng. Cùng với đó, KCB từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến và cơ sở KCB"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Năm 2023, ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối, hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao. Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở. Đồng thời, tập trung cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT và CCHC trong lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số (tính từ năm 2021 đến nay, Bộ Y tế xếp thứ nhất trong số 18 bộ, ngành về cắt giảm TTHC).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức mà ngành Y tế đang gặp phải và cần được khắc phục, nhất là trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng; mô hình bệnh tật kép, già hóa dân số nhanh, biến đổi khí hậu… Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật đã được tích cực xây dựng, từng bước hoàn thiện, nhưng còn chưa đầy đủ; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số địa phương và cơ sở KCB; nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho 3 đơn vị của Bộ Y tế
Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở KCB còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra, thậm chí có nơi còn có vi phạm; công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế; việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT chưa bảo đảm được yêu cầu; công tác đào tạo nhân lực ngành Y tế còn những vấn đề về việc bảo đảm chất lượng; một số dự án vẫn còn kéo dài… Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới đối với ngành Y tế là vẫn rất nặng nề.
Vì vậy, tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị tất cả cán bộ, nhân viên toàn ngành Y tế nêu cao tinh thần đoàn kết, càng khó khăn càng phải thống nhất, đoàn kết, nêu cao y đức, tinh thần quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự chia sẻ và đồng thuận của người dân để ngành Y tế phục hồi và phát triển bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian tới.
PV
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...