Đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực lao động – xã hội theo Nghị quyết 19
26/10/2022 09:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 25/10, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị sơ kết và hội thảo chuyên đề thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW khóa XII trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Văn Thanh.
Giảm số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập
Theo ông Trần Hưng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2017 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để thúc đẩy cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Việc phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã được Bộ thực hiện trên các tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi chính sách, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân liên quan; từng bước hoàn thiện quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công, tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị theo ngành, lĩnh vực.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2017 đến nay, cả nước đã giảm được 166 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, đạt tỷ lệ 11%, đảm bảo lộ trình giảm đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW. Việc sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giảm sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc; tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sau sáp nhập.
Về lĩnh vực bảo trợ xã hội, hiện mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội được hình thành và phát triển với 425 cơ sở trợ giúp xã hội trên phạm vi cả nước, trong đó có 195 cơ sở công lập (bao gồm 8 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 11 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 35 cơ sở chăm sóc trẻ em, 88 cơ sở tổng hợp, 26 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 27 trung tâm công tác xã hội). Số lượng các cơ sở trợ giúp xã hội chỉ đạt 92,2% so với quy hoạch nhưng quy mô phục vụ đạt 157% so với mục tiêu quy hoạch.
Đối với trung tâm điều dưỡng người có công, đến năm 2020, cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và người có công với cách mạng (trong đó có 07 đơn vị trực thuộc Cục Người có công) với quy mô 6.440 giường điều dưỡng và thực hiện nuôi dưỡng 1.325 người có công và thân nhân (trong đó nuôi dưỡng 862 thương binh).
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, cả nước còn 113 cơ sở cai nghiện, trong đó: 97 cơ sở cai nghiện công lập và 16 cơ sở cai nghiện tự nguyên do tư nhân thành lập đang hoạt động, giảm 32 cơ sở. Riêng cơ sở cai nghiện bắt buộc giảm 26 cơ sở (97/123 cơ sở) chiếm tỷ lệ 21%. 100% cơ sở cai nghiện ma túy công lập do nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo chi hoạt động theo quy định.
Ông Trần Hưng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực việc làm, cả nước hiện có 83 Trung tâm dịch vụ việc làm (giảm 47 trung tâm so với năm 2015 và giảm 15 Trung tâm so với năm 2018). Các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tăng cường tính tự chủ, gắn với sự phát triển của thị trường lao động, phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và Thế giới; tích cực đổi mới theo hướng gắn kết với nhau hướng tới hình thành một hệ thống thống nhất, tăng cường kết nối cung - cầu lao động và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối giữa các Trung tâm, giữa Trung tâm với người lao động và giữa Trung tâm với các cơ quan nhà nước có liên quan.
Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện sáp nhập 06 đơn vị thành 03 đơn vị, giảm số đơn vị sự nghiệp công lập xuống còn 44, gồm 30 đơn vị trực thuộc Bộ và 14 đơn vị trực thuộc Tổng cục, Cục và Văn phòng Bộ. Trong đó, số đơn vị do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chỉ còn 06/44 đơn vị (tương ứng 13,6%); 15/44 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư và tự bảo đảm chi thường xuyên (chiếm 34,1%).
TS. Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Trường Đại học Lao động – Xã hội tham luận về kết quả triển khai Nghị quyết 19 tại đơn vị
Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại đối với cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Kết quả đã giảm 53 phòng, khoa (giảm 15,96%) so với năm 2015.
Theo đánh giá của Vụ Tổ chức cán bộ, tổ chức bộ máy và số lượng người làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ đã được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn hơn, đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức quản lý điều hành, tinh giản biên chế và cải cách tiền lương. Việc bố trí, sắp xếp viên chức của các đơn vị cơ bản phù hợp trình độ chuyên môn, qua đó đã phát huy được năng lực, sở trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Kết quả tinh giản biên chế cơ bản đạt tỷ lệ theo từng năm (giảm mỗi năm ít nhất 1,5% biên chế và đến năm 2021 đã giảm 17,11% biên chế so với năm 2015). Việc quản lý, sử dụng biên chế thực hiện đúng quy định. Vượt chỉ tiêu giảm tối thiếu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.
Toàn cảnh Hội nghị
Cần triển khai quyết liệt hơn nữa
Bên cạnh những kết quả nêu trên, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, việc thực hiện Nghị quyết 19 trong các lĩnh vực của ngành vẫn còn một số hạn chế. Một số nội dung triển khai về kiện toàn tổ chức bộ máy ở một số đơn vị sự nghiệp gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức vẫn còn chậm so với kế hoạch. Việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính vẫn còn hạn chế; số đơn vị thực hiện tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư còn ít; hầu hết là các đơn vị tự đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi thường xuyên. Thêm vào đó, công tác xã hội hoá lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công đối với các lĩnh vực của Bộ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong dịch vụ sự nghiệp công về chăm sóc, điều dưỡng người có công và các đối tượng yếu thế. Tinh giản biên chế đạt tỷ lệ chung nhưng chưa đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức do đối tượng tinh giản biên chế chủ yếu là tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chưa giảm nhiều các trường hợp năng lực hạn chế, kết quả hoàn thành nhiệm vụ không cao và chưa chú trọng cơ cấu lại nhân lực theo Đề án vị trí việc làm.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã chỉ đạo các đơn vị trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai quyết liệt việc đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW.
Theo Báo Dân sinh
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...