Xây dựng hệ thống chỉ số vốn con người mới

12/10/2018 08:45 AM


Theo Reuters, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố hệ thống mới xếp hạng các quốc gia dựa trên những thành công trong phát triển nguồn nhân lực. Đây là nỗ lực nhằm khuyến khích các chính phủ đầu tư hiệu quả hơn vào giáo dục và y tế.

Được tiết lộ tại Hội nghị thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang diễn ra ở Bali, Indonesia, chỉ số vốn con người mới được các chuyên gia WB đánh giá dựa trên các tiêu chí như y tế, giáo dục, tỷ lệ sống sót, năng suất và thu nhập tiềm năng trong tương lai… Cụ thể, nó đo tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ thấp còi do suy dinh dưỡng và các yếu tố khác cũng như kết quả sức khỏe dựa trên tỷ lệ sống sót từ 15 đến 60 tuổi. Ngoài ra, chỉ số còn đo những tiến bộ trên lĩnh vực giáo dục của các nước dựa trên số năm đi học của một đứa trẻ tính đến tuổi 18, kết hợp với thành tích quốc gia về các bài kiểm tra năng lực học sinh quốc tế.  

Kết quả cho thấy, nước nào có tỷ lệ trẻ em còi cọc và ít được tiếp cận với giáo dục thường chỉ đạt được thứ hạng thấp. Trong khi đó, những quốc gia giàu có với nền  giáo dục tiên tiến sẽ có nhiều thành tựu. Các nước châu Phi đang đứng đội sổ, tệ nhất là Chad và Nam Sudan. Ở Chad, khả năng thu nhập và năng suất chỉ vào khoảng 29% tiềm năng có thể đạt được nếu được tạo những điều kiện lý tưởng. Ngược lại, Singapore đoạt “vương miện quán quân”, theo sau là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong. Tại đảo quốc sư tử, khả năng thu nhập đạt tới 88% tiềm năng. Trong khi đó, chỉ số này cho thấy, nước nào chỉ đạt được 50% như Marocco và El Salvador sẽ rất có thể mất khoảng 1,4 điểm phần trăm tăng trưởng GDP hàng năm so với tiềm năng dưới các điều kiện giáo dục và y tế lý tưởng. Ngoài ra, trung bình 56% trẻ em được sinh ra ngày nay đang mất đi hơn một nửa thu nhập kiếm được cả đời trong tương lai. Nguyên nhân là bởi các Chính phủ đã không đầu tư đầy đủ để bảo đảm cho người dân được khỏe mạnh, có học thức và khả năng thích nghi với môi trường làm việc phát triển.

Chủ tịch WB Jim Yong Kim bày tỏ hy vọng, chỉ số mới sẽ khuyến khích các Chính phủ thực hiện những bước đi cần thiết nhằm cải thiện thứ hạng, giống như đã quan tâm đến khảo sát “môi trường kinh doanh” vốn rất nổi tiếng của WB. Bảng xếp hạng của khảo sát đó dựa trên việc nới lỏng môi trường kinh doanh bằng thuế thấp, các quy định kinh tế thuận lợi, khả năng tiết kiệm chi phí… Tuy nhiên, ông Kim thừa nhận, những xếp hạng như vậy có thể còn gây tranh cãi. Dẫu vậy, nó cho thấy sự cần thiết phải đầu tư nhiều và tốt hơn về mặt con người, từ đó giúp các nhà lãnh đạo thức tỉnh, xây dựng chính sách giúp tăng trưởng kinh tế bền vững và hiệu quả.

Điều này thực sự quan trọng trong bối cảnh làn sóng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang lấy mất rất nhiều việc làm kỹ năng thấp vào những năm tới. Lúc đó, chắc chắn những người có trình độ chuyên môn thấp và sức khỏe yếu sẽ gặp vô vàn khó khăn khi cạnh tranh việc làm./.

Theo ĐBND