Kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về ASXH ở nước ta
01/10/2018 03:56 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người vừa tồn tại với tư cách cá nhân vừa là thành viên của mỗi gia đình, của cộng đồng và xã hội. Người luôn thấu hiểu sâu sắc rằng giải phóng con người, đem lại lợi ích cho con người chính là tạo ra động lực vô cùng lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người cũng nhấn mạnh những quyền cơ bản của mỗi con người là quyền được sống, quyền được tự do, được sung sướng, mà trước hết là có cơm ăn áo mặc, nhà ở, được học hành và chữa bệnh, những quyền cơ bản ấy chính là nội hàm của an sinh xã hội (ASXH), luôn là mục tiêu phấn đấu của bất kỳ xã hội nào để đem lại hạnh phúc cho con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: Internet)
Ngày nay, có nhiều quan niệm về ASXH, nhưng tựu chung lại có thể hiểu: Theo nghĩa rộng, ASXH bao trùm lên nhiều mặt cuộc sống của con người, đó là các quan hệ nhằm ổn định đời sống, nâng cao chất lượng sống của các thành viên xã hội, góp phần ổn định, phát triển và tiến bộ xã hội. Theo nghĩa hẹp, ASXH là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình, chủ yếu là những trường hợp bị giảm sút thu nhập do gặp những rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tàn tật, mất việc làm, nghỉ thai sản, về già cũng như các trường hợp bị thiên tai, địch họa…
Tư tưởng về ASXH của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa phù hợp với xu thế phát triển của thế giới vừa phù hợp với sự phát triển của đất nước ta theo từng thời kỳ lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định chính sách ASXH là chính sách có tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, có tầm quan trọng và vai trò to lớn đối với cuộc sống con người. Chính sách ASXH được coi là nền tảng cơ bản trong chính sách xã hội của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Tư tưởng của Người được thể hiện trong các văn kiện của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cụ thể, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1929 (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) đã nêu rõ: “Tổ chức tất cả vô sản giai cấp vào công hội thực hành bảo hiểm cho thợ thuyền, giúp đỡ thợ thuyền thất nghiệp...”. Sau đó, tại Hội nghị Trung ương tháng 11/1940, Đảng ta đã ra Nghị quyết “Sẽ đặt ra Luật BHXH” khi thiết lập chính quyền cách mạng và tạo lập quỹ hưu bổng cho người già. Để cụ thể hóa chủ trương này, năm 1941 trong Chương trình Việt Minh đã đề ra chính sách xã hội đối với những người làm công ăn lương: “...đối với công nhân, ngày làm việc 8 giờ, định tiền lương tối thiểu, cứu tế thất nghiệp, BHXH, thủ tiêu giấy tờ giao kèo nô lệ, lập các giấy giao kèo giữa chủ và thợ, công nhân già có lương hưu trí...”. Qua đó nói lên tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Người, là nền tảng hình thành và phát triển các chính sách ASXH ở nước ta sau này.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mặc dù với một nền tài chính hết sức eo hẹp, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu nhưng ngày 03/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh số 54-SL và ngày 14/6/1946 ký Sắc lệnh số 105-SL ấn định những điều kiện cho công chức về hưu. Tiếp sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành các Sắc lệnh số 76-SL và số 77-SL về chế độ hưu trí cho công nhân viên chức và công chức.
Hòa bình được lập lại năm 1954, Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Sau 03 năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về ASXH, ngày 31/12/1959, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó ghi nhận: “Người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức bảo hiểm xã hội, cứu tế và y tế để đảm bảo cho người lao động được hưởng điều đó. Nhà nước đảm bảo cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương”. Việc chăm sóc y tế cho nhân dân cũng được quan tâm, chú ý, thông qua việc Nhà nước triển khai xây dựng hệ thống bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, trung tâm y tế từ Trung ương đến địa phương để chăm sóc y tế cho nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức theo phương thức khám chữa bệnh không mất tiền.
Cùng với việc quan tâm đến sự nghiệp trồng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trước lúc đi xa, năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại di chúc và không quên căn dặn, định hướng cho công tác ASXH: “Đầu tiên là công việc đối với con người” và “Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”. Trung thành, kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về ASXH, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương xây dựng và hoàn thiện các chính sách về ASXH. Nhằm mục đích phục vụ yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu không ngừng cải thiện đời sống của công nhân, viên chức Nhà nước với số lượng ngày càng tăng. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 27/02/1961, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 218/CP ban hành “Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân viên chức Nhà nước” và ngày 30/10/1964, ký Nghị định số 161/CP ban hành “Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; đối với nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ...”; Điều lệ tạm thời về BHXH đã quy định rõ các nguyên tắc đãi ngộ, phạm vi và đối tượng áp dụng, đặc biệt là thành lập quỹ BHXH độc lập thuộc ngân sách Nhà nước.
Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, chính sách ASXH tiếp tục được hoàn thiện, thông qua việc khắc phục những hạn chế của chính sách BHXH trước đó, xây dựng chính sách BHXH phù hợp với sự đổi mới của nền kinh tế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tồn tại nhiều thành phần kinh tế, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, người sử dụng lao động, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hòa nhập với xu thế phát triển BHXH của các quốc gia trên thế giới, Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII đã chỉ rõ: “Đổi mới chính sách BHXH theo định hướng: Mọi người lao động và đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều đóng góp vào quỹ BHXH. Từng bước tách quỹ BHXH đối với công nhân viên chức Nhà nước khỏi ngân sách và hình thành quỹ BHXH chung cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế…”. Thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII và Hiến pháp năm 1992, ngày 23/6/1994 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX đã thông qua Bộ luật Lao động, trong đó dành cả Chương XII để quy định về BHXH. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Điều lệ BHXH kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 và Điều lệ BHXH đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân và công an nhân dân kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/71995. Có thể thấy, đây là những những cơ sở pháp lý cơ bản và hoàn chỉnh nhất từ trước đến thời điểm này, để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động BHXH ở Việt Nam, thể hiện ở một số nội dung, như: Phạm vi đối tượng BHXH được mở rộng; quy định cụ thể mối quan hệ giữa quyền lợi và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động; quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, hạch toán độc lập với ngân sách Nhà nước và được Nhà nước bảo hộ.
Về chăm sóc y tế cho nhân dân nói chung và người lao động nói riêng, vào đầu những năm 80 các cơ sở khám chữa bệnh lâm vào tình trạng thiếu thốn kinh phí hoạt động, không đủ điều kiện để củng cố và phát triển, các bệnh viện từ Trung ương đến tỉnh, huyện đều xuống cấp. Trong đó, chi phí cho khám chữa bệnh ngày càng tăng do áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sử dụng các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền trong chẩn đoán và điều trị. Thực hiện chủ trương đổi mới trong lĩnh vực y tế với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, ngày 24/4/1989 Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 45/HĐBT cho phép các cơ sở khám chữa bệnh thu một phần viện phí. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 hiến định: “Nhà nước đầu tư, phát triển và thống nhất quản lý sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân... thực hiện BHYT tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe”. Ngày 15/8/1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ BHYT kèm theo Nghị định số 299/HĐBT. Điều lệ này quy định việc thực hiện BHYT bắt buộc và tự nguyện, trong đó có quy định người tham gia BHYT phải đóng góp vào quỹ BHYT và thành lập hệ thống BHYT trên phạm vi toàn quốc.
Tiếp tục hoàn thiện, phát triển ASXH theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010, trong đó nêu rõ: “Đổi mới hệ thống BHXH theo hướng đa dạng hóa hình thức và phù hợp với kinh tế thị trường; xây dựng chế độ BH thất nghiệp, thực hiện tốt chế độ bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động”. Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền được bảo đảm ASXH” và “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề, việc làm và nơi ở; người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi…”.
Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, ngày 18/06/2012 tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung, trong đó có những quy định về BHXH, BHYT. Ngày 16/11/2013 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Việc làm, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Đặc biệt, ngày 29/06/2006 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật BHXH, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 với loại hình BHXH bắt buộc; từ ngày 01/01/2008 với loại hình BHXH tự nguyện và từ 01/01/2009 với loại hình BH thất nghiệp (tiếp tục sửa đổi, bổ sung và thông qua ngày 20/11/2014). Ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 04, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009; Luật quy định các mối quan hệ của các chủ thể tham gia BHYT, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan chức năng (tiếp tục sửa đổi, bổ sung và thông qua ngày 13/6/2014). Có thể thấy, các đạo luật được ban hành đã đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT, là cơ sở pháp lý quan trọng để thể chế hoá quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Để phát huy hiệu quả các chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng mục tiêu trong quá trình tổ chức thực hiện. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X chỉ rõ: “Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và BHXH ở các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia BHXH, BHYT từ cơ sở. Củng cố và tăng cường quản lý quỹ BHXH, quỹ BHYT bảo đảm thu chi, đầu tư tăng trưởng quỹ hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật.…”. Mới đây, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH, đã đưa ra quan điểm chỉ đạo và mục tiêu: “…Cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm ASXH…”
Đối với Ngành BHXH, được Đảng, Nhà Nước và Chính phủ giao trọng trách tổ chức thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ngành thường xuyên và liên tục nghiên cứu, học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Người về ASXH nói riêng. Đồng thời, nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ được giao. Những nỗ lực của Ngành BHXH, đã được thể hiện rõ nét qua một số kết quả nổi bật như: Hằng năm, Ngành BHXH luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ giao. Về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT: Nếu như số người tham gia BHXH bắt buộc năm 2014 là 11,3 triệu người thì đến hết tháng 8/2018 là gần 14 triệu người, tăng 23,9% so với năm 2014; số người tham gia BHYT năm 2014 là 64 triệu người (với diện bao phủ đạt 71% tổng dân số) thì đến hết tháng 8/2018 là 82,02 triệu người (với diện bao phủ đạt 87,3% tổng dân số) tăng 28.1% so với năm 2014. Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính được tiến hành mạnh mẽ và hiệu quả, công tác ứng dụng thông tin của Ngành thuộc nhóm các đơn vị hàng đầu trong phát triển Chính phủ điện tử, xây dựng được Hệ thống Thông tin giám định BHYT thống nhất trên toàn quốc và hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT... Đó chính là những hành động nhất quán, thể hiện sự trung thành, kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ASXH của Ngành BHXH.
Có thể thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ASXH vẫn còn sống mãi theo thời gian, để các thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu, học tập nhằm vận dụng xây dựng hệ thống ASXH của đất nước ta ngày một phát triển và bền vững hơn./.
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...