Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
14/09/2018 09:19 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 13/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2018 - 2023.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết. (Nguồn ảnh: dantri)
Phát biểu tại Lễ ký kết, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra 4 thách thức đối với lao động nông thôn hiện nay.Thứ nhất, nền công nghiệp 4.0 chính là cuộc cách mạng lớn mang tên trí tuệ nhân tạo. Những máy móc hiện đại gần như thay thế vai trò của con người trong nhiều vị trí làm việc. Do đó, cơ cấu thị trường lao động sẽ bị phá vỡ, nguồn lao động giản đơn, trình độ thấp bị đẩy ra ngoài “lề đường” gọi cách khác là thất nghiệp gia tăng.
Thứ hai, như các thỏa thuận của các nước trong cộng đồng ASEAN, các lao động được quyền đi lại tự do, ứng tuyển và làm việc tại bất kì quốc gia nào nếu đáp ứng đủ yêu cầu của các công ty, tổ chức. Do đó, nếu lao động phổ thông của chúng ta không chịu thay đổi, kém về mặt chuyên môn năng lực ắt yếu thế ngay trên chính sân nhà.
Thứ ba, hiện nay chúng ta đang thực hiện các chính sách hỗ trợ ưu tiên vùng miền, tầng lớp và độ tuổi lao động. Nhưng trong nền công nghiệp 4.0, những ranh giới này được phá vỡ hoàn toàn. Tất cả công dân đều sẽ bình đẳng, bớt các chương trình ưu tiên, người dân đừng ỉ lại vào điều kiện khách quan. Nếu không đáp ứng được thì vô tình sẽ trở thành gánh nặng ngược lại cho xã hội.
Thứ tư, số thanh niên hiện nay chiếm gần 25% dân số, nhưng lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên lại chiến gần 73 % lao động cả nước (chủ yếu trong độ tuổi từ 20 - 30 tuổi). Tỷ lệ thất nghiệp cao, chiếm 5% dân số, trong đó phải kể đến một lượng đáng kể sinh viên sau tốt nghiệp không tìm được việc làm. Do trình độ ngoại ngữ thấp, kinh nghiệm ít, chỉ đáp ứng được lao động giản đơn và lao động cơ bắp. Cần lưu tâm hơn lực lượng lao động này.
GS.TS Nguyễn Thị Doan đánh giá, Chương trình phối hợp về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2018 - 2023 là giải pháp quan trọng giải quyết thách thức trên. Theo Bà Doan, Chương trình phối hợp nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 11/CT-TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/01/2013 của Thủ tướng về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.
Đại biện Bộ (LĐ-TB&XH) và Hội Khuyến học Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2018 – 2023. (Nguồn ảnh: dantri)
Theo đó, hai bên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy việc thực hiện quyền giáo dục, học tập của trẻ em; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng cho toàn thể cán bộ, công chức, hội viên và người lao động. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, hội viên và người lao động tích cực học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau. Vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, người lao động tích cực tham gia xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt tiêu chí “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; tích cực tham gia, hỗ trợ công tác khuyến học, khuyến tài ở cơ sở.
Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố, tuyên truyền, vận động các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương xây dựng trở thành đơn vị học tập, công dân học tập, gia đình học tập. Đồng thời, phối hợp với Hội Khuyến học, Bộ Giáo dục và Đào tạo vận động trẻ em trong độ tuổi đến trường, không để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phải bỏ học. Tổ chức tuyên truyền, phát hiện bồi dưỡng, khen thưởng, tuyên dương những tập thể điển hình, cá nhân tiêu biểu trong học tập suốt đời, có những sáng chế có giá trị kinh tế và có ý nghĩa xã hội, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, Hội Khuyến học tổ chức lồng ghép các hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn; là đơn vị cung cấp tài liệu tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cho Bộ Lao động TB&XH.
Phối hợp với LĐ-TB&XH thực hiện công tác tư vấn, giám sát việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, trong các trung tâm học tập cộng đồng.
Bên cạnh đó 2 cơ quan sẽ cùng thực hiện nhiệm vụ đánh giá các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công nhận các “Đơn vị học tập” của ngành LĐ-TB&XH.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc hợp tác cùng hoạt động giữa 2 cơ quan là điều tất yếu, cần có trong bài toán giải quyết việc làm trong độ tuổi lao động nhờ vào sự tham gia của các trung tâm học tập cộng đồng và các trường giáo dục nghề nghiệp./.
PV (t/h)
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh