Nhiều đột phá trong cải cách chính sách BHXH

10/09/2018 12:14 PM


Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH được coi là đột phá cho hệ thống an sinh xã hội và được kỳ vọng sẽ khắc phục, hạn chế được những khó khăn của BHXH trong thời gian qua.

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị quyết 28 là việc mở rộng thêm 4 đối tượng bắt buộc tham gia BHXH.

Hướng tới BHXH toàn dân

Là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội với nhiều chế độ ưu việt trong thời gian qua, chính sách BHXH của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Độ bao phủ BHXH tăng chậm, chưa hướng đến BHXH toàn dân, sự kết nối giữa chính sách BHXH và các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ; BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia;...

Để khắc phục tình trạng trên, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; ngày 23/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Việc Đảng, Nhà nước cải cách, mở rộng chính sách BHXH chính là mở ra thêm cơ hội cho toàn dân tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội và “Hướng tới BHXH toàn dân”, đây cũng là bước chuyển quan trọng của ngành BHXH, tạo đột phá nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý, tổ chức thực hiện và hướng đến lợi ích người dân.

Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, Nghị quyết số 28 đã xác định BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Đây là cơ hội, định hướng cho các bộ, ngành và BHXH Việt Nam cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đảm bảo cho mọi người dân đều được hưởng chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Khắc phục những bất cập

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị quyết 28 là việc mở rộng thêm 4 đối tượng bắt buộc tham gia BHXH là chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương; người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 28 cũng sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí. Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, một trong những nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tuyên truyền. Gắn kết chặt chẽ hơn công tác tuyên truyền với hiệu quả, kết quả đạt được. Ưu tiên tuyên truyền trên các kênh có tác động xã hội lớn; đồng thời, chú trọng tuyên truyền đến những đối tượng tiềm năng nhưng kết quả tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH còn hạn chế. Nội dung tuyên truyền cần đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền mục tiêu an sinh xã hội bền vững và lâu dài trong cải cách chính sách BHXH.

Thứ hai là ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các ứng dụng BHXH để phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Thứ ba là cải cách quy trình nghiệp vụ để thuận lợi nhất cho người dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện giao dịch điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80% vào năm 2021, đạt mức 85% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt mức 90%...

Thứ tư tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BH thất nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; tham mưu thực hiện nghiêm túc chế độ tài chính, kiểm toán và thông tin báo cáo về BHXH theo quy định của pháp luật. Gắn với việc kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 28 NQ/TW với các chỉ tiêu nhiệm vụ chuyên môn của mỗi địa phương, đơn vị trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Thứ năm chủ động phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung các giải pháp, khắc phục những bất cập hiện nay về chính sách, nhất là các quy định về mức đóng, căn cứ đóng, mở rộng diện bao phủ BHXH, gia tăng số lao động tham gia BHXH khu vực phi chính thức, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, tiến tới BHXH toàn dân…

Theo Báo Hải quan