Bộ LĐTB&XH trả lời về điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ và hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội

07/09/2018 11:41 AM


Gửi ý kiến tới Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Lào Cai đề nghị cơ quan chức năng xem xét có quy định phù hợp về lộ trình tính hưởng lương hưu cho lao động nữ để bảo đảm quyền lợi của lao động nữ so với lao động nam.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Cử tri đề nghị thực hiện tính lương hưu cho lao động nữ theo hướng, 15 năm đầu tính tỷ lệ hưởng là 45%, 6 năm tiếp theo, cứ thêm mỗi năm công tác, lao động nữ được tính 3%; sau đó cứ mỗi năm thêm 2%, tối đa 75%. Với cách này để đạt tỷ lệ hưởng 75%, lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 chỉ cần có 26 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 cần có 27 năm, năm 2020 là 28 năm, năm 2021 là 29 năm và năm 2022 là 30 năm.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ và thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình số 231/TTr-CP ngày 14/5/2018 báo cáo Quốc hội về việc xử lý chênh lệch giữa mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 1/1/2018 theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15/6/2018 về Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, trong đó giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu.

Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021. Hiện nay, Bộ đang tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Cũng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri các tỉnh: Hải Dương, Bình Thuận, Trà Vinh và TP. Hà Nội đề nghị hạ thấp độ tuổi hưởng chế độ người cao tuổi xuống 75 tuổi. Đồng thời, tăng mức trợ cấp cho người cao tuổi vì hiện nay mức trợ cấp quá thấp, không bảo đảm sinh hoạt cho người hưởng.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Về kiến nghị hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống còn 75 tuổi: Thời gian vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã 3 lần trình Chính phủ ban hành văn bản hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội: Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002 quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội; Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 quy định giảm độ tuổi người cao tuổi xuống còn 85 tuổi; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi một lần nữa giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội xuống còn 80 tuổi là cố gắng rất lớn của Chính phủ trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn góp phần bảo đảm đời sống của người cao tuổi.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người cao tuổi.

Về kiến nghị nâng mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi: Trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhiều lần trình Chính phủ ban hành văn bản về điều chỉnh tăng mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người cao tuổi.

Gần đây nhất Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013, trong đó nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 180.000 đồng lên 270.000 đồng. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể đối tượng được hưởng hệ số khác nhau.

Việc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cho các đối tượng lên mức 270.000 đồng/người/tháng và thực hiện đầy đủ các chính sách quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP trong bối cảnh khó khăn về ngân sách là sự cố gắng lớn của Chính phủ. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu, nghiên cứu ý kiến này để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời gian thích hợp.

PV