Bộ GD-ĐT kiến nghị trợ cấp lương hưu và thẻ BHYT cho hơn 122.000 giáo viên mầm non
16/08/2018 12:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chia sẻ tại Hội thảo “Đề xuất chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ”, tổ chức ngày 14/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, hiện có hơn 122.000 giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng các chế độ lương hưu, BHXH…
Khó khăn do hoàn cảnh lịch sử
Theo Thứ trưởng Nghĩa, trước năm 1995, do hoàn cảnh lịch sử, giáo viên mầm non gặp nhiều khó khăn về đào tạo và chế độ chính sách. Kết quả thống kê ban đầu cho thấy, hiện có hơn 122.000 giáo viên mầm non ở 31 tỉnh, thành phố nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc.
Trao đổi với PV Báo BHXH, ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết thêm: Trong số hơn 122.000 giáo viên này, có 17.673 người công tác trong thời kỳ từ năm 1975 về trước; từ 1975 đến 1995 là 58.810 người và từ sau 1995 đến 2015 là 17.414 người. Số giáo viên mầm non không được hưởng chế độ do không được chuyển tiếp dạy tiểu học khoảng 47.000 người; số giáo viên không được hưởng chế độ do hoàn cảnh gia đình hay các hoàn cảnh khác khoảng 72.000 người. Nhiều giáo viên vào ngành những năm 1970, sau 20-30 năm công tác không được hưởng bất cứ chế độ, chính sách nào.
Theo ông Tự, đa số giáo viên mầm non thời kỳ này, do yêu cầu cấp thiết của nhân dân, được dân tiến cử làm giáo viên mầm non, không được đào tạo bài bản, không được biên chế, dạy ở các nhà kho hoặc nhờ nhà dân, được trả công bằng thóc hoặc thù lao do cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp. Các giáo viên này đều tâm huyết với nghề, chịu đựng khó khăn, vất vả để thực hiện nhiệm vụ.
Lý giải cho điều này, ông Tự cho biết: Trong thời kỳ trước đây, việc tuyển dụng và nghỉ công tác chưa được quản lý chặt chẽ và quy định cụ thể về tiêu chuẩn và thủ tục như ngày nay. Chẳng hạn như, ở các hợp tác xã, nông trường, lâm trường, xí nghiệp, cơ quan khi lập các lớp học như nhà trẻ, mẫu giáo, vỡ lòng thì cử các xã viên, công nhân, viên chức của đơn vị mình phụ trách các lớp học. Việc cử người cũng rất đơn giản, ai múa dẻo hát hay đều có thể dạy được lớp mẫu giáo. Cho nghỉ việc cũng đơn giản như tuyển dụng, cá nhân muốn nghỉ thì đơn vị cho nghỉ rồi cử người khác, đơn vị yêu cầu nghỉ thì cá nhân cũng không thắc mắc gì. "Vì cơ chế một thời như vậy, nên nhiều giáo viên mầm non đã dạy nhiều năm, rồi nghỉ công tác nhưng không có giấy tờ tuyển dụng cũng như khi nghỉ công tác"- ông Tự nhấn mạnh.
Mặt khác, phần lớn giáo viên mầm non chưa được hưởng chế độ của Nhà nước, bởi họ làm việc trong thời kỳ chưa có quy định chế độ tiền lương, mà chỉ có tiền công do từng đơn vị chi trả. Ở nông thôn, hợp tác xã thì hưởng công điểm hoặc trả bằng thóc. Ví dụ: Mỗi vụ 6 tháng được hưởng từ 30-50 kg thóc tùy theo từng hợp tác xã; hoặc trước những năm 1980, có một số nông- lâm trường, xí nghiệp, cơ quan trả bằng tiền do đơn vị chi trả hoặc do phụ huynh học sinh đóng góp để chi trả ở mức từ 20.000 đồng- 30.000 đồng một tháng…
Kiến nghị trợ cấp lương hưu và thẻ BHYT
Theo ông Tự, những năm 2000, khi Nhà nước ban hành chính sách biên chế cho Hiệu trưởng trường mầm non, do yêu cầu chuyển từ trông trẻ sang chăm sóc, giáo dục trẻ cần có sự đào tạo bài bản, nên một số giáo viên không đáp ứng được, phải nghỉ công tác.
Hiện nay, đời sống của hầu hết giáo viên mầm non này gặp nhiều khó khăn, không có lương hưu, không có chế độ BHXH. Nhiều giáo viên không lập gia đình hoặc gia đình ly tán, nhiều giáo viên mầm non đã tuổi cao sức yếu, không có chế độ, không có chỗ dựa trong cuộc sống.
Năm 2007, Hội Cựu giáo chức Việt Nam cùng với 22 tỉnh đã khảo sát 39.181 nhà giáo đã nghỉ hưu để nắm tình hình đời sống của hội viên. Kết quả cho thấy, có 21,70% người có thu nhập bình quân 200.000 đồng trở xuống cho 1 NLĐ trong 1 tháng; có 14,12% người mắc bệnh nan y; 8,3% người mắc bệnh do hậu quả chiến tranh. “Người về hưu có lương hưu mà đời sống còn khó khăn như vậy, thì giáo viên mầm non nghỉ công tác không có chế độ gì của Nhà nước, thì cuộc sống càng khó khăn hơn”- ông Tự bày tỏ.
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ. Bộ đã nghiên cứu, tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương nhằm đề xuất chế độ, chính sách hợp lý, ghi nhận những đóng góp của giáo viên mầm non trong một giai đoạn khó khăn của lịch sử- góp phần đặt nền móng xây dựng và phát triển giáo dục mầm non.
Theo kết quả khảo sát của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, do cơ chế quản lý trong giai đoạn khó khăn của đất nước, hầu hết giáo viên mầm non khi vào dạy học, nghỉ việc được UBND xã thông báo bằng miệng, không có văn bản giấy tờ. Do vậy, những giáo viên mầm non này khi nghỉ công tác không được hưởng chế độ cũng như không lưu giữ được các giấy tờ cần thiết.
Tại hội thảo vừa qua, đại diện UBND và Phòng GD-ĐT một số địa phương đã thảo luận, đề xuất chế độ, chính sách cho nhóm giáo viên mầm non này. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, có thể căn cứ vào lương cơ bản do Nhà nước quy định ở thời điểm thực hiện chính sách, số năm công tác, tờ khai cá nhân có xác nhận của UBND cấp xã và danh sách tổng hợp của Phòng GD-ĐT huyện để tính hưởng trợ cấp. Đối với người có số năm công tác dưới 5 năm thì cấp 1 thẻ BHYT; với người công tác từ 5 năm trở lên thì trợ cấp mỗi năm công tác một khoản tiền mặt bằng 30% lương cơ bản.
Theo ông Tự, về nguyên tắc, chỉ giải quyết chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non nghỉ công tác mà chưa được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào của Nhà nước. Đối tượng đề nghị hưởng chế độ, chính sách phải bảo đảm có hồ sơ giấy tờ chứng minh thời gian công tác (lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên; quyết định, công văn cho nghỉ việc; giấy khen trong thời gian dạy học; giấy chứng nhận tham gia dạy học...). Trường hợp giáo viên mầm non không còn các giấy tờ này, thì phải nộp bản khai có chứng thực của UBND xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đã tham gia dạy học. Việc xác nhận, xét duyệt giáo viên mầm non được hưởng chế độ phải đảm bảo công khai, chặt chẽ, chính xác, tránh bỏ sót nhưng cũng phải tránh việc làm sai lệch hoặc giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ.
Một số đại biểu cũng đề xuất cho giáo viên mầm non được hưởng chế độ theo hướng trợ cấp một lần như chế độ, chính sách của các đối tượng cùng thời kỳ (cán bộ xã thời kỳ bao cấp, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...).
Theo Báo BHXH
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...