Đảm bảo mục tiêu cân bằng quỹ KCB BHYT trên địa bàn – Ưu tiên hàng đầu
12/08/2018 07:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, Sở Y tế, BHXH tỉnh và 27 cơ sở KCB trên địa bàn về tình hình thực hiện khám chữa bệnh BHYT vừa diễn ra ngày 10/7.
Quanng cảnh buổi làm việc.
Báo cáo tình hình sử dụng quỹ KCB BHYT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh Vũ Xuân Hiển cho biết, năm 2016, 2017, chi phí KCB BHYT của Quảng Ninh đều tăng cao, số bội chi lớn, năm 2017 đứng thứ 4 toàn quốc. Năm 2017, tổng số lượt KCB BHYT là hơn 2,1 triệu; các chỉ số thanh toán chi phí KCB đều ở mức cao so với bình quân chung toàn quốc: Tần suất KCB nội trú là 0,28 lượt/thẻ/năm; tần suất KCB ngoại trú là 1,64 lượt/thẻ/năm; chi phí bình quân 1 thẻ là 1.642 nghìn đồng, cao hơn bình quân chung toàn quốc 536 nghìn đồng,…
Chi KCB 6 tháng đầu năm 2018 là 948 tỷ đồng, bằng 57,66% dự toán được giao cả năm 2018; tổng số lượt KCB là 1,1 triệu, trong đó ngoại trú là hơn 934 nghìn lượt, nội trú là hơn 162 nghìn lượt. So sánh bình quân chung toàn quốc thì chi KCB tại Quảng Ninh vẫn ở mức rất cao. Tỉ lệ điều trị nội trú trên tổng số lượt KCB là 14,88%, đứng thứ 9 toàn quốc và cao hơn bình quân cả nước 5,95% (bình quân chung cả nước là 8,93%). Ngày điều trị bình quân 01 lượt KCB của Quảng Ninh là 8,17 ngày/lượt, đứng thứ 4 toàn quốc, cao hơn bình quân chung toàn quốc 1,13 ngày/lượt. Chi phí bình quân cho 1 lượt KCB ngoại trú là 270.000 đồng/lượt, đứng thứ 11 toàn quốc; chi phí bình quân 1 lượt điều trị nội trú là trên 4,2 triệu đồng - đứng thứ 7 toàn quốc; chi phí bình quân cho 1 thẻ BHYT cao hơn bình quân cả nước gần 300.000 đồng...
Đánh giá nguyên nhân dẫn tới bội chi quỹ KCB BHYT, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh Vũ Xuân Hiển nhận định, trước hết là do áp dụng chính sách BHYT mới như thông tuyến huyện, áp dụng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC… đã làm gia tăng chi phí KCB BHYT trong khi mức thu BHYT không đổi. Bên cạnh đó, tại các cơ sở KCB vẫn còn tình trạng chi phí KCB nội - ngoại trú trung bình cao, giá thuốc, xét nghiệm tăng cao; việc sử dụng quỹ KCB BHYT tại một số BV (như BV Y dược cổ truyền, BV Bảo vệ sức khỏe tâm thần, BV Phục hồi chức năng) còn nhiều bất cập về thời gian và giá điều trị. Trong khi đó, sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành BHXH chưa thực sự hiệu quả trong triển khai các giải pháp để chống bội chi quỹ.
Về giải pháp quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT trong thời gian tới, ông Vũ Xuân Hiển cho biết, BHXH tỉnh sẽ thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách BHYT tại địa phương, đồng thời đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo hỗ trợ thực hiện công tác KCB BHYT trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt bám sát thực hiện các giải pháp điều chỉnh giảm các chỉ số KCB BHYT trong 6 tháng cuối năm; tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác đấu thầu thuốc; đổi mới công tác giám định BHYT theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng CNTT chuyên sâu trong phân tích dữ liệu, tập trung giám định theo chuyên đề…; tập trung tăng cường chỉ đạo công tác giám định BHYT; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi trục lợi BHYT; tăng cường kỷ luật, kỳ cương trong thực hiện nhiệm vụ;…
Về phía Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Xuân Diệm - Giám đốc Sở cho rằng, nguyên nhân dẫn tới bội chi quỹ BHYT là do năng lực của một số y, bác sĩ còn hạn chế, dẫn đến việc chỉ định chưa sát, gây lãng phí kết quả xét nghiệm cận lâm sàng; đồng thời việc tiên lượng đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú chưa sát với diễn biến bệnh tật… Trong những năm qua, các cơ sở y tế công lập của tỉnh được nâng cấp với nhiều trang thiết bị hiện đại. Do đó, lượng người dân có nhu cầu KCB BHYT tại các BV này tăng cao, cũng dẫn đến chi phí KCB từ tiền túi của người dân giảm, nhưng chi phí KCB từ quỹ BHYT lại tăng.
Cũng theo ông Giám đốc Sở Y tế, mặc dù tỉ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến Trung ương giảm, nhưng đa số bệnh nhân điều trị tại BV tuyến Trung ương đều là bệnh nhân ung thư, tim mạch cần phải điều trị dài ngày, chi phí lớn. Do đó, tổng quỹ KCB BHYT còn lại chi cho KCB tại các sơ sở y tế thuộc quản lý của tỉnh là không đủ...
Giám đốc BHXH tỉnh Vũ Xuân Hiển phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành đã thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp nhằm kéo giảm bội chi quỹ BHYT. Qua đó, các bên thống nhất triển khai 6 nhóm giải pháp, gồm: Giảm ngày điều trị bình quân chung của toàn tỉnh; giảm tỉ lệ bệnh nhân điều trị nội trú trên tổng số bệnh nhân khám bệnh; sử dụng chi phí KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao chất lượng KCB, kiên quyết giảm chi phí bình quân điều trị nội trú và ngoại trú; giảm tỉ lệ chuyển tuyến lên tuyến Trung ương; đa dạng các nguồn thu từ sự chia sẻ của người dân tới quỹ BHYT; chỉ đạo các cơ sở KCB tích cực chuyển các dữ liệu KCB BHYT tới Hệ thống thông tin giám định BHYT của cơ quan BHXH đầy đủ, kịp thời, góp phần đảm bảo công khai, minh bạch chi phí KCB BHYT.
Đặc biệt, để quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT, đại diện BHXH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác KCB và quản lý quỹ KCB BHYT trong tỉnh, trong đó có việc giao trách nhiệm trực tiếp cho ngành Y tế trong việc giảm bội chi quỹ KCB BHYT. Đồng thời, đề nghị các cơ sở KCB không chỉ định những bệnh nhẹ vào điều trị nội trú như viêm đại tràng, viêm dạ dày - tá tràng, viêm tủy răng, thoái khớp hóa; không kéo dài ngày điều trị, đặc biệt những chuyên khoa lẻ, khoa Đông y, phục hồi chức năng; không chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, trong những năm qua, UBND tỉnh hết sức quan tâm đến tình hình chăm sóc sức khỏe người dân. Theo đó, trang thiết bị y tế cho các cơ sở KCB được đầu tư đồng bộ, hiện đại; trình độ đội ngũ y, bác sĩ ngày càng nâng cao và được nhân dân đánh giá cao... Điều này thấy rõ qua tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến KCB lên tuyến Trung ương giảm mạnh. Tuy nhiên, sau buổi làm việc với Đoàn giám sát của Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam vừa qua đã cho thấy nhiều bất hợp lý về việc sử dụng quỹ KCB BHYT trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: Thời gian lưu trú tại các cơ sở y tế của Quảng Ninh cao hơn mức trung bình trên toàn quốc; hiện tượng lợi dụng xét nghiệm cận lâm sàng hình ảnh vẫn còn; nhiều nơi vẫn diễn ra tình trạng trục lợi quỹ KCB BHYT…. Hệ thống y tế của Quảng Ninh có nhiều tiến bộ và phát triển, tuy nhiên công tác KCB BHYT vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét. Do đó, để đảm bảo nhu cầu KCB cho nhân dân, ngành Y tế cần xem xét lại trình độ y, bác sĩ trong chẩn đoán, KCB; đồng thời đưa ra các giải pháp KCB phù hợp với thực tế để giảm bội chi quỹ BHYT.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long chỉ đạo, trong thời gian tới, Sở Y tế tỉnh cần thực hiện giải pháp tích cực trong việc nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân; triển khai tốt việc sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức y tế trong địa bàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đặc biệt tại các BV chuyên khoa như: Sản nhi, u bướu và tim mạch… Hằng tháng, ngành Y tế và ngành BHXH cần duy trì họp rà soát số liệu, để có sự thống nhất, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế. Đồng thời, sớm sử dụng chung các xét nghiệm để giảm chi phí phát sinh không cần thiết; tránh lạm dụng chỉ định xét nghiệm, thuốc, kỹ thuật. Đảm bảo mục tiêu cân bằng quỹ KCB BHYT trên địa bàn là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới…/.
PV
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...