Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập
23/07/2018 11:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH đã tổ chức Diễn đàn đa phương “Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập”. Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ông Chang Hee Lee – Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, bà Elisa Fernandez – Giám đốc UN Women tại Việt Nam, cùng đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các chuyên gia…
Diễn đàn được tổ chức nhằm thảo luận những vấn đề mới phát sinh về bình đẳng giới, xác định những thách thức và bàn về các giải pháp khai thác tối đa các cơ hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập ở Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, trong những năm qua, hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới đã không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ. Nhiều chiến lược, kế hoạch, chương trình đề án liên quan đến bình đẳng giới được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Luật Bình đẳng giới ra đời năm 2006 đánh dấu một giai đoạn mới thay đổi về chất trong thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Các chính sách khác về giảm nghèo, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên… đều chỉ rõ những ưu tiên các đối tượng thụ hưởng là nữ.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt trên 70%, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt 31,6%. Các chỉ số phát triển giới, chỉ số khoảng cách giới và chỉ số bất bình đẳng giới đều đạt ở mức trung bình cao. Báo cáo phát triển con người năm 2016, Việt Nam được xếp nhóm 1 trong 5 nhóm xếp hạng về bình đẳng giới - nhóm các quốc gia có tình trạng bình đẳng giới tốt nhất thế giới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp còn thấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%; lao động nữ là đối tượng dễ tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công… Có 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp… Nữ chủ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, khó khăn trong tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, là nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, kỷ nguyên số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi các tiến bộ công nghệ như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, người máy… dự báo sẽ có những tác động to lớn đến nhiều mặt đời sống, kinh tế xã hội. Con người sẽ được giải phóng khỏi những công việc đòi hỏi nhiều sức lực, công việc nặng nhọc, những công việc giản đơn có tính lặp lại, cũng như các công việc nội trợ. Kỷ nguyên số sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế tri thức, các hình thức kinh doanh mới và đây cũng được coi là cơ hội để cho cả phụ nữ và nam giới tham gia vào thị trường lao động và thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.
TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện KHLĐXH cho biết, theo kết quả nghiên cứu về thị trường lao động Việt Nam trong 10 năm tới cho thấy, 70% số việc làm có rủi ro cao, 18% có rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp. Theo đó, rủi ro được hiểu là những công việc có thể bị thay thế bằng các hệ thống máy móc tự động hóa. Lao động nữ, lao động có trình độ thấp và lao động ở những ngành nghề có tiền lương thấp sẽ chịu tác động nhiều nhất. Lao động có trình độ học vấn càng thấp thì nguy cơ bị thay thế bởi máy móc ngày càng cao. Lao động nữ làm việc trong các ngành có rủi ro cao hơn 2,4 lần so với lao động nam.
Tại Hội thảo, TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện phụ nữ cũng cho rằng, cách mạng công nghệ 4.0 tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, giúp phụ nữ và các đối tượng yếu thế có thể tự tin khởi sự và điều hành doanh nghiệp với số vốn đầu tư không lớn nhưng có thể mang lại lợi nhuận cao và thường xuyên. Phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ cao, với tiến bộ và công bằng xã hội. Nhưng mặt trái cách mạng 4.0 có thể gây ra sự bất bình đẳng, nó có thể phá vỡ thị trường lao động khi tự động hóa thay thế lao động chân tay, robot có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Hiện cả nước có khoảng 200.000 doanh nghiệp do phụ nữ thành lập. Dưới áp lực của sự phát triển công nghệ, nền kinh tế mỗi ngày một tự động hóa cao, nhiều ngành nghề sẽ biến động lao động, việc làm rất lớn. Trong đó điển hình ngành da, giầy và dệt may là hai ngành có nhiều lao động nữ, ước tính sẽ ảnh hưởng tới 80% việc làm của ngành.
Bàn chủ tọa Diễn đàn
Nhấn mạnh tại diễn dàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, chương trình hành động, các biện pháp tuyên truyền giáo dục, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý và sản xuất thì điều quan trọng hơn là tất cả mọi người, cả nam và nữ giới đều cần tự giác thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử, nữ giới và nam giới phải nâng cao trình độ, sự hiểu biết để vừa tự bảo vệ mình, vừa tích cực tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Thứ trưởng kêu gọi mỗi người, mỗi cơ quan cần thực hiện bình đẳng giới ngay trong gia đình và tổ chức của mình vì sự tiến bộ công bằng và vì mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ trưởng cũng gửi tới Diễn đàn thông điệp “Bình đẳng giới là hạnh phúc của mỗi gia đình và là nền tảng của xã hội văn minh, chúng ta cùng chung tay góp sức thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới tại Việt Nam”. Thứ trưởng tin rằng sau Diễn đàn này, Việt Nam sẽ có nhiều cuộc đối thoại chính sách được tổ chức, nhiều chính sách, biện pháp về bình đẳng giới có hiệu quả hơn được thực thi, đó cũng là đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp quốc.
Tú Anh
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh