Tiếp tục hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW
22/06/2018 06:49 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 22/6, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Ban, Bộ ngành liên quan; các chuyên gia về an sinh xã hội trong và ngoài nước, cùng đại diện Sở LĐ-TB&XH một số tỉnh, thành phố…
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee nhận định, Nghị quyết số 28 tiếp tục cho thấy quan điểm phát triển BHXH hướng tới một nền an sinh xã hội bền vững của Việt Nam với những nội dung cải cách chính sách BHXH có nhiều điểm mới tích cực như: Gắn kết phát triển BHXH và bảo trợ xã hội; chú trọng đa dạng hơn các nhóm đối tượng tham gia, nhất là nhóm lao động phi chính thức, nhóm lao động yếu thế… Giám đốc Chang Hee Lee cũng cam kết, ILO sẽ tiếp tục đồng hành mạnh mẽ cùng Việt Nam trong quá trình phát triển an sinh xã hội, cụ thể hóa những nội dung cải cách chính sách BHXH trong thực tiễn.
Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH (Chương trình hành động) đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong tháng 6 này.
Chương trình hành động nhằm đảo bảo 5 yêu cầu: 1- Bảo đảm thể chế hóa triệt để, toàn diện các nội dung cải cách để đạt được các mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 28. 2- Xác định và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, khả thi; phân công trách nhiệm rõ ràng phù hợp với thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ làm cơ sở để các Bộ, Ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động của mình. 3- Xác định rõ lộ trình, bước đi và các hoạt động trọng tâm của từng năm, từng giai đoạn phù hợp với năng lực thể chế hóa và tổ chức thực thi chính sách của bộ máy để bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 28. 4- Chú trọng tính bền vững của các mục tiêu đạt được trên cơ sở tạo mối liên kết vững chắc giữa các nhiệm vụ và giải pháp trong từng giai đoạn và giữa các giai đoạn; kết quả thực hiện của giai đoạn này phải tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn sau. 5- Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp, sự sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức; coi trọng cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát và điều chỉnh hợp lý trong quá trình tổ chức thực hiện cải cách chính sách BHXH.
Đại diện ILO chia sẻ khuyến nghị về những ưu tiên nên áp dụng trong cải cách chính sách BHXH tại Việt Nam, Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ILO Nuno Meira Simoes da Cunha khẳng định, trước những thách thức lớn về mở rộng diện bao phủ BHXH, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người thụ hưởng, tăng tính bền vững của quỹ BHXH,… mà Nghị quyết số 28 đặt ra, thì việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28 của Chính phủ Việt Nam sẽ được đặt nhiều kỳ vọng.
Ông Nuno Meira Simoes da Cunha cũng cho biết, mục tiêu BHXH toàn dân Nghị quyết số 28 đề ra là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. “Và để đảm hoàn thành các mục tiêu cải cách chính sách BHXH của Nghị quyết số 28, Chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam cần phải đảm bảo được sự triển khai đồng bộ và tính thống nhất giữa các văn bản Luật quy định về các chế độ BHXH; cũng như nên cân nhắc tới việc xây dựng một bộ luật toàn diện về an sinh xã hội”, ông Nuno Meira Simoes da Cunha khuyến nghị.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại Hội thảo.
Đồng tình với khuyến nghị về việc cần phải đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản Luật quy định về các chế độ BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cũng đề nghị trong quá trình hoàn thiện Chương trình hành động cần phải đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa tầng 1 và tầng 2 của chính sách BHXH đa tầng; và để đảm bảo mục tiêu BHXH toàn dân thì việc tổ chức triển khai chính sách BHXH theo hướng bắt buộc, có sự hỗ trợ của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn.
Với góc nhìn về tính hội nhập quốc tế của chính sách BHXH được Nghị quyết số 28 đặt ra, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) Cao Thị Thanh Thuỷ kiến nghị, Chương trình hành động cần làm rõ hơn quan điểm 1 và 4 về hội nhập quốc tế của Nghị quyết số 28. Theo đó, nên tổ chức rà soát, đánh giá một cách tổng thể về thực trạng an sinh xã hội của NLĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài và của NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Từ đó, đưa ra chiến lược phát triển an sinh xã hội chung cho các đối tượng này, gắn với lộ trình cụ thể về việc thực hiện BHXH bắt buộc với đối tượng người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đại diện Bộ Nội vụ chia sẻ băn khoăn về lộ trình, đến năm 2021, khi Việt Nam thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ không còn mức lương cơ sở. Vậy với khoảng 12 khoản quy định về các chế độ BHXH theo Luật BHXH, hiện đang gắn với mức lương cơ sở, chúng ta sẽ có những điều chỉnh như thế nào? Về nội dung này, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Trường Giang cũng đề xuất, mong muốn ILO sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Bộ LĐ-TB&XH, nhằm đưa ra những tính toán và phương án cụ thể giải quyết vấn đề này cho Việt Nam.
Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất cơ bản với nội dung dự thảo Chương trình hành động, đồng thời đề xuất tiếp tục triển khai cụ thể hơn với một số nội dung như: Có Ban Chỉ đạo về cải cách chính sách BHXH, tiếp tục phát huy sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trong chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH; đảm bảo triển khai đồng bộ và tính thống nhất giữa các Bộ Luật quy định về các chính sách BHXH; có nghiên cứu tác động với mỗi sự thay đổi về mặt chính sách trong các chế độ BHXH; đổi mới toàn diện công tác thông tin, truyền thông; giao chỉ tiêu phát triển BHXH toàn dân tới từng địa phương; …
Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Trường Giang - đại diện Bộ LĐ-TB&XH kết luận Hội thảo.
Kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Trường Giang khẳng định, Nghị quyết số 28 đã đưa ra những định hướng quan trọng, toàn diện về phát triển BHXH, an sinh xã hội trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để đưa Nghị quyết số 28 vào thực tiễn cần sự vào cuộc và hành động quyết liệt từ các Ban, Bộ, ngành, địa phương. Trong khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, Chương trình hành động sẽ là kế hoạch tổng thể bảo đảm cho thành công việc thực hiện Nghị quyết số 28.
Vụ trưởng Phạm Trường Giang cũng nhấn mạnh, các ý kiến tham gia của các Ban, Bộ ngành, và các chuyên gia tại Hội thảo sẽ là những kinh nghiệm quý góp phần tạo cơ sở cho việc hoàn thiện Chương trình hành động; và bày tỏ mong muốn ILO nói riêng, cũng như các tổ chức quốc tế nói chung tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công cuộc cải cách BHXH lần này./.
Trọng Nguyễn
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...