Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá
04/06/2018 04:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 31/5/2018, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 với chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch” và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31/5.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích. Một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Cùng với các tổn thất về sức khoẻ, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các gánh nặng về kinh tế không chỉ cho người sử dụng mà còn cho cả gia đình họ và xã hội. Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2016 cho thấy, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá một năm là 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ ) trong số 25 bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 24 nghìn tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cũng đang được Quốc hội, Chính phủ quan tâm thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ khi phê chuẩn Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và cho phép thành lập Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi các Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân các Tỉnh, Thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá; chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi làm việc, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các khách sạn, nhà hàng và các địa điểm cấm hút thuốc khác theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Quang cảnh buổi Lễ.
Bộ Y tế với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các tổ chức Chính trị xã hội và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Năm 2016 tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị năm giảm 6,5%; tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm khoảng 2%. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm rõ rệt như tại nơi làm việc giảm 13,3%; tại nhà giảm 13,2%; trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%; trong trường đại học cao đẳng giảm 16,4%...
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park chỉ ra thực tế, thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam đều thấp so với các nước. Giá một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là 6.000 đồng, phổ biến ở mức dưới 20.000 đồng. Theo dữ liệu của WHO, giá này nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. Trong khi đó, thuế thuốc lá khi tính trên giá bán lẻ chỉ chiếm hơn 35%, rất thấp so với trung bình thế giới là 56%; thấp hơn so với chuẩn của WHO khuyến cáo là 70%. Vì thế, ông đề nghị cần tăng thuế thuốc lá mạnh hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân.
Để đạt được mục tiêu của Chính phủ, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do thuốc lá; Quỹ Phòng Tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đưa ra hai phương án. Phương án 1: Từ năm 2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 2.000 đồng một bao. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 3%; giúp tránh được 300.000 ca tử vong sớm do thuốc lá; tăng doanh thu thuốc lá thêm 6.300 tỷ một năm. Phương án 2: Từ năm 2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 5.000 đồng một bao. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%; giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do thuốc lá; tăng doanh thu thuốc lá thêm 10.700 tỷ một năm. Trong khi đó, nếu chỉ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 70% như hiện nay thì giá bán lẻ một bao thuốc lá 10.000 đồng cũng chỉ tăng 300 đồng.
Tại lễ Mít tinh, 27 tập thể và 35 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thuốc lá./.
PV
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...