Phấn đấu giảm thời gian nộp BHXH xuống còn 49 giờ

22/05/2018 02:32 PM


Đây là một trong các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15/5 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Nghị quyết của Chính phủ đánh giá: Sau 4 năm thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta liên tục được cải thiện. Năm 2017, nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực và quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đã đạt được những kết quả tích cực; năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.

Tuy nhiên, những cải thiện về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được Mục tiêu đề ra; thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực và hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua; một số chỉ số quan trọng khác thậm chí còn tụt hạng. (Trong đó, hiệu quả thị trường hàng hóa, chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục, trình độ phát triển kinh doanh và đổi mới công nghệ chậm cải thiện; khởi sự kinh doanh xếp thứ 123; giải quyết phá sản doanh nghiệp xếp thứ 129; đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản liên tục giảm bậc, thời gian kéo dài 57,5 ngày và hiện xếp thứ 63; giải quyết tranh chấp hợp đồng kéo dài 400 ngày và xếp thứ 66...). Một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn chưa thực sự chủ động, quyết liệt và kết quả đạt được còn hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để đạt được Mục tiêu xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực canh tranh bằng mức trung bình của các nước ASEAN 4 (gồm các nền kinh tế: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) đòi hỏi phải có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực

Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết 19-2018

Tiếp tục bám sát các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Kiên định các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.

Tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó, cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể: Khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Cụ thể: Cải thiện năng lực cạnh tranh ngành du lịch thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 67/136 quốc gia). Từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP); cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64/160 quốc gia).

Ảnh minh họa.

Đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT

Về tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Hội đồng Giám định y khoa kết nối cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh; dữ liệu về cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ thực hiện chế độ BHXH với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam để thực hiện giao dịch điện tử phục vụ quản lý nhà nước về BHYT, BHXH và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH. Ban hành đầy đủ, cụ thể các quy trình chuyên môn, hướng dẫn Điều trị và Điều kiện thanh toán BHYT để áp dụng giám định điện tử.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách và khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội sớm đưa vào sửa đổi các vướng mắc, bất cập trong các Bộ luật liên quan đến BHXH - tiền lương - công đoàn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kết hợp thủ tục đăng ký lao động và đăng ký BHXH nhằm cải thiện chỉ số Khởi sự kinh doanh. Triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong khai trình lao động đối với các doanh nghiệp, đơn vị; tạo lập và liên thông cơ sở dữ liệu về quản lý lao động với cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cập nhật cơ sở dữ liệu về an toàn vệ sinh lao động, lao động, việc làm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp.

BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách BHXH, BHYT và BHTN; Phấn đấu giảm thời gian nộp BHXH xuống còn 49 giờ. Phát triển Hệ thống thông tin giám định BHYT, nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, đặc biệt là giám định điện tử để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT. Đổi mới quản lý, giảm biên chế, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của BHXH Việt Nam; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ BHXH Việt Nam./.

PV