Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý

10/05/2018 04:27 PM


Ngày 10/5, tại Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Đại Sứ quán Cộng hoà Pháp, Câu lạc bộ Y tế Pháp Việt và Hiệp hội các hãng dược (LEEM) tổ chức "Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Pháp - Việt về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý". Tham dự Hội thảo có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Pháp tại Việt Nam, Ông Bertrand Lortholary; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cùng đại diện các Bộ, Ngành, các chuyên gia trong nước, quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua, BHXH Việt Nam với tư cách là cơ quan Chính phủ thực hiện chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về BHYT tại Việt Nam, trong đó có chính sách phát luật về dược nói chung và thuốc nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân và đồng thời đảm bảo cho sự an toàn và bền vững của quỹ BHYT.

Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ chi thuốc trên tổng chi khám, chữa bệnh nói chung và khám, chữa bệnh BHYT tương đối cao hơn so với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Năm 2016 là trên 32.500 tỷ đồng (chiếm 40% chi KCB BHYT), trong đó nhóm thuốc kháng sinh chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng chi thuốc, nhóm thuốc Insulin và hạ đường huyết chiếm khoảng 6% tổng chi thuốc. Vì vậy, tác động của chính sách, của quá trình mua sắm, lựa chọn sử dụng thuốc trong KCB BHYT, với mục tiêu vừa đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu điều trị và vừa đảm bảo hiệu quả công tác quản lý quỹ BHYT là rất lớn - Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội thảo. 

Từ năm 2009 đến nay, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai quan hệ hợp tác với Đại sứ quán Pháp và các đối tác Pháp trong lĩnh vực BHYT, quản lý dược và vật tư y tế thông qua nhiều hình thức, hoạt động, chương trình hợp tác nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của các đối tác Pháp trong việc giải quyết những tồn tại nêu trên. Đặc biệt, sự ra đời của Club Santé tại Việt Nam năm 2018 là một yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy cho việc mở rộng hợp tác Pháp - Việt trong lĩnh vực Y tế và dược phẩm nói chung và hợp tác với cơ quan BHXH nói riêng. Với sự kiện triển khai tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Pháp - Việt về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý có thể xem là sự kiện mang dấu ấn đầu tiên cho việc đẩy mạnh hợp tác giữa BHXH Việt Nam, Đại sứ quán Pháp, Club Santé tại Việt Nam và Hiệp hội các hãng dược phẩm Pháp.

Tại Hội thảo, đại diện Ban Dược và Vật tư Y tế, BHXH Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam, chi tiêu về thuốc chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi cho y tế. Tỷ lệ chi cho thuốc trên tổng chi KCB nói chung và KCB BHYT nói riêng đều cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế - xã hội. Theo đó, tổng chi cho thuốc từ Quỹ BHYT năm 2015 là 25.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,7%; năm 2016 là 31.300 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41%, năm 2017 là 34.980 tỷ đồng, chiếm 34%. Thống kê theo nhóm cơ sở khám, chữa bệnh, chi phí thuốc cao nhất với bệnh viện hạng 1 với khoảng 38% tổng chi phí thuốc cả nước, bệnh viện hạng 2 chiếm 24%, bệnh viện hạng 3 chiếm 19%, bệnh viện hạng đặc biệt chiếm 10%. Chi phí cho nhóm thuốc beta-lactam chiếm cao nhất, khoảng 19%, thuốc ung thư chiếm 10%, thuốc chế phẩm y học cổ truyền chiếm 8%.

Bác sỹ Eric Baseihac, Giám đốc Đối ngoại và Quan hệ quốc tế, Hiệp hội các công ty dược phẩm Pháp (LEEM) chia sẻ kinh nghiệm quản lý tối ưu kết quả điều trị và ngân sách.

Theo đó, danh mục thuốc BHYT hiện nay là danh mục theo tên hoạt chất với 1.064 thuốc, không quy định theo tên biệt dược, không quy định nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế cụ thể như danh mục của nhiều nước trên thế giới, đa số chưa xây dựng dựa trên đánh giá HTA về dược. Nhiều thuốc có giá thành cao, chi phí sử dụng lớn được BHYT chi trả, đặc biệt là nhóm thuốc điều trị Ung thư; nhóm thuốc vitamin đang có chi phí sử dụng lớn; hệ thống thông tin về thuốc còn hạn chế, tra cứu sử dụng gặp khó khăn, chưa có nguồn thông tin chính thống. 

Song song đó, đại diện Ban Dược & Vật tư y tế nêu ra một số kiến nghị, giải pháp: Xây dựng danh mục thuốc BHYT bằng phương pháp HTA trong dược phẩm, khuyến khích thực hiện các nghiên cứu đánh giá chi phí hiệu quả của thuốc trên cơ sở dữ liệu bằng chứng trong nước; khuyến khích sử dụng thuốc Generic, sử dụng thuốc nội hợp lý; đàm phán giá thuốc, đáu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc, thuốc có chi phí sử dụng lớn… 

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Pháp đã cùng BHXH Việt Nam bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm về một số chủ đề cả hai bên đều đang rất quan tâm như: “Quản lý tối ưu kết quả điều trị và ngân sách”, “Sử dụng thuốc hợp lý: Kinh nghiệm của Pháp”, “Quản lý thuốc kháng sinh: Thách thức toàn cầu và nhu cầu cho Việt Nam”, “Hướng tới điều trị tiểu đường hiệu quả: Làm thể nào để cải thiện quản lý bệnh tiểu đường”. Cụ thể, bác sỹ Eric Baseihac, Giám đốc Đối ngoại và Quan hệ quốc tế, Hiệp hội các công ty dược phẩm Pháp (LEEM) cho biết hệ thống y tế hiệu quả và bền vững được xây dựng dựa trên hai trụ cột có quan hệ bổ sung lẫn nhau gồm: Quản lý chi phí (mức đầu tư, hiệu quả tổ chức hệ thống, ngân sách bền vững) và điều trị tối ưu (hướng dẫn khoa học, sử dụng thuốc và chăm sóc điều trị phù hợp, sự đổi mới và chất lượng). Theo báo cáo của WHO, để lĩnh vực y tế đóng góp hiệu quả cho quá trình tăng trưởng kinh tế nói chung, các nước đang phát triển cần đầu tư 15% GDP cho y tế. Tại Pháp, tuy được đánh giá là đất nước năng động trong lĩnh vực y tế, nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, Pháp vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ đó đặt ra yêu cầu tiên quyết phải đổi mới để xây dựng hệ thống y tế hiệu quả.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Năm 2015, LEEM đề xuất với Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Marisol Touraine ý tưởng về chương trình hành động y tế giai đoạn 2015 – 2018, đây là một dự án tổng thể có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan trong hệ thống y tế với mục đích cải thiện các chỉ số lâm sàng một cách trực tiếp và gián tiếp và tiết kiệm chi phí cho hệ thống y tế (giảm 20% lượng thuốc tiêu thụ đối với bệnh nhân phải dùng thuốc nhiều hơn 10%, tương đương giảm 100 triệu Euro mỗi năm). Sau khi được phê duyệt bởi Bộ Y tế, dự án đã tiến hành chiến dịch truyền thông diện rộng và khởi động những hoạt động cụ thể như: Tập huấn trực tiếp cho cửa hàng thuốc, nâng cấp phần mềm kê đơn nhằm phát hiện các trường hợp kê phối hợp các loại thuốc không hợp lý, tăng cường họp giao ban trao đổi kinh nghiệm giữa các bác sỹ và dược sỹ và đặc biệt, ngày 22/3 hàng năm được Pháp chọn là ngày “Sử dụng thuốc hợp lý”. Sau ba năm thực hiện, 40.000 poster và 1 triệu tờ rơi về lời khuyên dùng thuốc an toàn đã được chuyển đến 22.000 nhà thuốc, 17.000 bác sỹ và bệnh nhân, kết quả cho thấy 93% số người được tiếp cận tờ rơi quan tâm đến chiến dịch, 77% trong đó giữ lại tờ rơi hướng dẫn và 66% quyết định trao đổi với bác sỹ về nội dung được khuyên dùng tại tờ rơi, đặc biệt, ngành Y tế đã tiết kiệm được 185 triệu Euro trong 2 năm 2015-1016, “đây là hiệu quả rất rõ rệt!” - Bác sỹ Eric Baseihac nhấn mạnh.

Hội thảo cũng được nghe các chuyên gia đến từ Bệnh viện đại học Rennes và Tổ chức tư vấn quốc tế về bệnh truyền nhiễm và y tế công trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề quản lý thuốc kháng sinh và điều trị bệnh tiểu đường.

“Hội thảo chia sẻ kinh nghiệp Pháp - Việt về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý” không chỉ là cơ hội góp phần thiết lập, kết nối giữa BHXH Việt Nam với các đối tác, tổ chức, Hiệp hội của Cộng hòa Pháp tạo tiền đề cho các hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia nói chung và giữa BHXH Việt Nam với các đối tác Pháp trong những năm tiếp theo thông qua cơ chế đối thoại thường niên giữa các cơ quan Chính phủ Việt – Pháp mà còn đem lại những đóng góp tích cực trong công tác xây dựng chính sách, triển khai, thực hiện công tác quản lý thuốc đối với BHXH Việt Nam./.

AT