Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng

07/05/2018 03:38 PM


Đề án Cải cách chính sách BHXH sẽ được trình Hội nghị Trung ương 7, khóa XII trong tuần này, trong đó có nhiều điểm mới. Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, người đã nhiều năm gắn bó với công tác BHXH đã có một số trao đổi về vấn đề này.

Ông Đỗ Văn Sinh.

Trao đổi về những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện chính sách BHXH, ông Đỗ Văn Sinh cho rằng có ba vấn đề quan trọng. Thứ nhất, chính sách hiện nay áp dụng BHXH cho người có lao động và có thu nhập, tức là đối tượng có quan hệ lao động. Tuy nhiên, công tác quản lý và phối hợp quản lý còn có nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện. Ví dụ, theo thống kê có khoảng 17-18 triệu lao động có quan hệ lao động phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng trong hệ thống BHXH mới tham gia 13-14 triệu người. Như vậy còn 3-4 triệu người có quan hệ lao động nhưng chưa tham gia, còn đang trốn tránh. Thứ hai, trong những người tham gia rồi nhưng có tình trạng trốn đóng, tức là có lao động nhưng khai báo ít lao động đi, khai báo thâm hụt thu nhập để đóng mức thấp hơn. Thứ ba, là chủ sử dụng lao động thu của người lao động song bỏ trốn dẫn đến quyền lợi của người lao động không đảm bảo được. 

Đề cập đến nội dung xây dựng hệ thống BHXH đa tầng trong Đề án BHXH trình Hội nghị Trung ương 7, ông Đỗ Văn Sinh cho biết, về thiết kế hệ thống, hiện nay đối với những người có thu nhập đang còn bị bấp bênh, tức là thu nhập không đồng đều thì chúng ta có chính sách BHXH tự nguyện nhưng lại chưa thu hút được nhiều. Đơn cử như số lao động ở độ tuổi lao động hiện nay có khoảng 45 triệu lao động nhưng mới có khoảng 13- 14 triệu người tham gia. Như vậy còn hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động không tham gia bảo hiểm.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Nhà nước có chế độ hỗ trợ cho những người tham gia BHXH tự nguyện nhưng mức hỗ trợ còn hơi thấp. Chính sách cần tập trung vào nhóm người có thu nhập nhưng không tham gia BHXH. Đặc biệt, theo chính sách hiện nay, người già trên 80 tuổi trở lên nếu không có thu nhập nào khác, ngân sách nhà nước vẫn phải trợ cấp 270 nghìn đồng/tháng cộng với BHYT. Do đó, phải có chính sách BHXH thêm một tầng nấc nữa để cho mọi người đến lúc tuổi già, khi hết tuổi lao động sẽ có lương hưu. Muốn vậy, vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Nhà nước hỗ trợ để mọi người dân cùng tham gia, để khi về già ai cũng có tiền lương hưu. Nếu Nhà nước hỗ trợ ngay từ lúc đầu sẽ thu hút được đóng góp của người dân.

Theo quy định hiện hành, người có mức lương trên 20 tháng tiền lương tối thiểu, tức là trên 26 triệu đồng thì mức vượt đó không phải đóng BHXH. Mà hiện nay số người có mức lương trên 26 triệu đồng là rất nhiều, như vậy phải có chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, phần bổ sung phải thành bắt buộc đối với người làm công ăn lương. Ở đây nó có hai tác dụng là tăng thu nhập cho người lao động sau khi họ nghỉ hưu; thứ hai là tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp bởi doanh nghiệp nào có mức lương trên 26 triệu đồng thì chủ sử dụng và người lao động không phải đóng bổ sung tiền BHXH. Do đó họ lại càng có lợi thế trong cạnh tranh.

Như vậy sẽ có chính sách BHXH đa tầng, ít nhất là 3 tầng. Trong đó tầng 1 là lương hưu xã hội để phủ rộng tất cả người sau này sẽ có thu nhập bằng lương hưu và có chính sách hỗ trợ của Nhà nước ngay từ bây giờ; tầng 2 là lương hưu như hiện nay nhưng đảm bảo làm sao phải đóng đủ theo thu nhập để sau này họ có lương hưu cao hơn; tầng 3 là lương hưu bổ sung thực hiện theo bắt buộc.

Trao đổi về vấn đề chính sách cần phải triển khai thế nào để mở rộng diện bao phủ BHXH, ông Đỗ Văn Sinh cho rằng cần phải có chính sách linh hoạt. Hiện Nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng, mức đó chưa hấp dẫn cho nên phải tăng mức hỗ trợ lên để người dân thấy rằng Nhà nước có hỗ trợ để họ tham gia cùng nhằm tăng số người tham gia lên. Sau này về già họ sẽ có lương hưu. Bên cạnh đó, hiện số năm hưởng lương hưu với BHXH bắt buộc hiện đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu là hơi dài và có thể kéo ngắn xuống 15 năm vì thế giới đóng 16 năm đã được hưởng lương hưu.

Do đó chính sách cần thiết kế linh hoạt, kể cả chính sách lẫn việc hỗ trợ của Nhà nước làm sao trở thành sức hút với người tham gia thì sẽ mở rộng được người tham gia. 

Theo ông Đỗ Văn Sinh, để đảm bảo tính lâu dài, đề án BHXH cần phải có giải pháp như: Nâng tuổi nghỉ hưu lên, hạn chế hưởng trợ cấp 1 lần. “Hưởng bảo hiểm 1 lần rất rủi ro sau này khi công tác được một số năm rồi rút ra một cục để chi tiêu, kinh doanh nhưng đến già rủi ro không có thu nhập” – ông Đỗ Văn Sinh nói.

Hiện mức đóng của người lao động và chủ sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm ở mức tạm thời là được, nhưng về lâu dài cần điều chỉnh quan hệ tỷ lệ. Hiện nay người sử dụng lao động phải đóng vào quỹ BHXH và các quỹ bảo hiểm, quỹ thất nghiệp lên đến 18,5%, người lao động đóng 9%. Theo ông Đỗ Văn Sinh, nên từng bước điều chỉnh cho quan hệ tỷ lệ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động đóng cân bằng nhau 50-50, nghĩa là tăng dần mức đóng của người lao động lên và giảm dần mức đóng của người sử dụng lao động xuống. Như vậy, có tác dụng hai mặt là nếu đóng góp của người lao động cao lên thì được hưởng cao, còn giảm mức đóng của chủ sử dụng lao động thì họ sẽ giúp giảm áp lực để tăng cạnh tranh trong nền kinh tế. Đây cũng là thông lệ quốc tế./.

PV (Theo Báo ĐĐK)