Kon Tum: Chi trả chế độ cho 8.400 đối tượng thông qua hệ thống Bưu điện

30/03/2018 07:15 PM


Từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2017, BHXH tỉnh Kon Tum và Bưu điện tỉnh đã ký kết 5 hợp đồng dịch vụ thu BHXH tự nguyện, BHYT; quản lý người hưởng, chi trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp (TCTN); chuyển phát sổ BHXH, hồ sơ thủ tục hành chính BHXH qua hệ thống bưu điện.

Thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã tổ chức mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT tại 9/10 huyện, thành phố, hoạt động tại 99/102 xã, phường, thị trấn. Tính đến 31/12/2017 đã khai thác 326 người tham gia BHXH tự nguyện, năm 2016 tăng lên 17.444 người và năm 2017 đạt 18.417 người tham gia BHYT hộ gia đình.

Toàn tỉnh hiện có trên 8.400 đối tượng hưởng các chế độ hàng tháng được chi trả trực tiếp bằng tiền mặt và qua tài khoản cá nhân. Bưu điện thường xuyên cập nhật thông tin người hưởng, thực hiện báo tăng, giảm cho cơ quan BHXH, thu hồi các khoản chi sai, chi vượt cho người hưởng, tiếp nhận và chuyển trả thẻ BHYT kịp thời, đảm bảo quyền lợi đi khám chữa bệnh BHYT của người hưởng. Công tác chi trả chế độ BHXH hàng tháng được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, đúng lịch và kết thúc trước ngày 10 hàng tháng.

Hiện nay, Bưu điện toàn tỉnh đang tổ chức 90 điểm chi trả thuộc 99 xã, phường, tổng số tiền đã chi trả lương hưu hàng tháng qua bưu điện từ năm 2015 đến năm 2017 xấp xỉ 880 tỷ đồng, trong đó, các đơn vị thường xuyên chi trả với giá trị lớn là Bưu điện thành phố Kon Tum chiếm 50% số tiền chi trả, Bưu điện huyện Đăk Hà chiếm trên 20%. Công tác chi trả trợ cấp một lần được thực hiện đồng thời bằng hai hình thức là qua tài khoản thẻ ATM và chi trả trực tiếp bằng tiền mặt tại Bưu điện cấp huyện.

Thời gian qua, Bưu điện đã thực hiện tốt vai trò cầu nối, chuyển phát kịp thời hồ sơ, sổ BHXH, thủ tục hành chính giữa đơn vị sử dụng lao động và cơ quan BHXH, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho đơn vị. Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ nêu trên, thời gian tới Bưu điện cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa một số nội dung như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, mở rộng khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; chủ động phối hợp  với địa phương nắm bắt thông tin người hưởng kịp thời hơn nữa, phấn đấu giảm thiểu tối đa thu hồi tiền do chi sai; nâng cao tỷ lệ số người được chi trả kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ký thay, nhận hộ; kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan BHXH về những khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ, khắc phục; tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất ở những điểm chi trả chưa đáp ứng yêu cầu; thực hiện chi trả tại nhà đối với các đối tượng ốm đau, già yếu đi lại khó khăn; sớm triển khai phần mềm liên thông dữ liệu với cơ quan BHXH để thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, cập nhật tình trạng hồ sơ, kết quả theo hình thức trực tuyến, góp phần thực hiện tốt cải cách hành chính...

Về phía cơ quan BHXH cần tăng cường kiểm tra công tác thực hiện các cam kết theo các hợp đồng dịch vụ, thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật các quy định mới về chính sách, chế độ BHXH, BHYT cho nhân viên, đại lý thu bưu điện, thống nhất tổ chức họp định kỳ để cung cấp thông tin hai chiều, kịp thời cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, khắc phục những hạn chế phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện các hợp đồng dịch vụ đã được ký kết giữa hai bên vì chất lượng phục vụ của người thụ hưởng./.

Thái Đông Hải