Giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT ngày 30/3/2018 [Kết thúc]

30/03/2018 09:00 AM


BHXH Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với bạn đọc trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên cả nước một cách đầy đủ và kịp thời về chính sách BHXH, BHYT.

Giám đốc Trung tâm Truyền thông Nguyễn Thị Thanh Hương tặng hoa cảm ơn đại diện lãnh đạo các đơn vị tham gia giao lưu trực tuyến.

Khách mời tham gia Chương trình giao lưu là đại diện lãnh đạo và các chuyên gia đến từ các đơn vị: Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Thu; Ban Sổ - Thẻ...

Từ khi thông báo Giao lưu trực tuyến, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được hơn 100 câu hỏi của bạn đọc, trong đó đã có 95 câu được các khách mời trả lời. Số câu hỏi còn lại, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp và chuyển các đơn vị nghiệp vụ trả lời bạn đọc.

Dưới đây là nội dung Chương trình giao lưu. Nội dung được sắp xếp theo thứ tự mới ở trên để quý bạn đọc tiện theo dõi. (Vui lòng nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất):

Câu 95: Bạn đọc từ mail d.trang0412@gmail.com hỏi:

Em đã đóng BHXH - BHYT được hơn 2 năm. Em có kế hoạch sinh em bé trong năm nay, nhưng T3/2018 em đã nghỉ việc. Vậy cho em hỏi, em cần phải đóng thêm bao nhiêu tháng BHXH để được hưởng chế độ thai sản nếu sau 2-3 tháng sau có em bé, mình có phải đóng BH liên tục 6 tháng gần nhất đến khi sinh em bé? Và từ sau em nghỉ (T3/2018) có được lãnh bảo hiểm thất nghiệp?

Em cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

* Về chế độ thai sản:

Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Do Bạn không nêu rõ thời gian tham gia BHXH của bạn (thời điểm bắt đầu tham gia BHXH, và thời điểm dừng đóng BHXH) nên BHXH Việt Nam chưa có đủ căn cứ để trả lời cụ thể.

Đối chiếu quy định nêu trên, nếu trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con Bạn có đủ điều kiện (6 tháng hoặc 3 tháng tham gia BHXH theo các quy định nêu trên, không cần điều kiện tham gia liên tục) thì bạn nộp hồ sơ theo quy định để cơ quan BHXH xem xét, giải quyết.

* Về chế độ BH thất nghiệp:

Tại Điều 49 Luật Việt làm quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Do Bạn không nêu rõ Bạn có đóng BH thất nghiệp liên tục đến tháng 3/2018 hay không nên BHXH Việt Nam không có căn cứ trả lời Bạn. Đề nghị Bạn đối chiếu với quy định nêu trên, nếu đủ điều kiện thì Bạn nộp hồ sơ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm để được xem xét, giải quyết.

Câu 94: Bạn đọc từ mail antoanlinh2018@gmail.com hỏi:

Anh/Chị cho em hỏi?  

Con của em sinh ra hiện tại đã được 15 ngày. Em đã làm giấy khai sinh cho bé rồi và cũng đã đăng ký làm thẻ BHYT cho bé, đã được 7 ngày rồi nhưng vẫn chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Hiện tại bé đang bị bệnh. Em muốn đưa bé đi khám bảo hiểm y tế. Nhưng bé chưa có thẻ. Vậy em muốn khám bệnh cho bé khi chưa nhận được thẻ BHYT thì phải làm như thế nào để được bệnh viện chấp nhận khám BHYT cho bé. 

Mong sớm nhận được câu trả lời từ Anh/Chị. 

Cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp con bà đang trong thời gian chờ cấp thẻ BHYT thì khi đi KCB bạn chỉ cần xuất trình giấy hẹn cấp thẻ BHYT của con bà; trường hợp con bà không có giấy hẹn cấp thẻ BHYT thì khi đi KCB chỉ cần xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định ngay tại cơ sở KCB.

Câu 92: Bạn đọc tên Nguyễn Đình Nam – Hà Nội hỏi:

Tôi đang tham gia đóng BHXH tại Hà Nội, hiện nay tôi bị bệnh nặng thường xuyên phải đi khám bệnh và lấy thuốc. Tôi có nguyện vọng muốn đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Vậy xin cho hỏi điều kiện như thế nào để được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 40/2015/TT-BYT, ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT thì đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe theo Hướng dẫn số 52 HD/BTCTW ngày 02/12/2005 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc điều chỉnh bổ sung đối tượng KCB tại một số cơ sở y tế của Trung ương được đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Hữu nghị.

Do ông không nói rõ ông thuộc đối tượng nào nên chưa có cơ sở trả lời cụ thể. Vì vậy, để được biết các trường hợp được đăng ký KCB ban đầu tại BV Hữu nghị Việt Xô đề nghị ông liên hệ trực tiếp với BHXH Hà Nội hoặc tìm đọc Hướng dẫn số 52 HD/BTCTW.

Câu 91: Bạn đọc từ mail huongta1994@gmail.com hỏi:

Em đã đóng bảo hiểm xã hội qua công ty Elentec Việt Nam.

Trong hơn 1 năm làm việc và 2 lần đổi thẻ BHXH thì nơi em đăng ký khám chữa bệnh vẫn là địa chỉ gần nhất nơi em sống là trạm y tế xã Thanh Lâm.

Tuy nhiên, bên nhân sự vừa thông báo đợt gia hạn thẻ tới em bắt buộc phải đổi nơi khám chữa bệnh do nơi đăng ký quá tải.

Vậy em xin hỏi em đã đăng ký ở đây hơn 1 năm tại sao bây giờ lại bị bắt đổi nơi khác vì lý do quá tải?

Nếu quá tải tại sao một số người khác đổi từ nơi khám chữa bệnh khác sang trạm y tế xã Thanh lâm thì lại được hay là vì lý do nào khác nữa.

Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Với phản ánh của bà, chúng tôi sẽ chuyển đến cơ quan BHXH Hà Nội để làm rõ vấn đề này. Sau khi có ý kiến của BHXH Hà Nội, chúng tôi sẽ phản hồi và gửi vào địa chỉ email do bà cung cấp (huongta1994@gmail.com).

Câu 90: Bạn đọc từ mail baclieu.hoang@gmail.com hỏi:

Tôi công tác tại UBND xã và vợ tôi là giáo viên, hiện tại vợ chồng tôi đã đóng bão hiểm xã hội trên 12 tháng. Hiện tại vợ tôi đang mang thai, vậy khi vợ tôi sinh con, tôi có được hưởng chế độ của bảo hiểm xã hội không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH quy định lao động nam đang đóng BHXH (không quy định tham gia BHXH tối thiểu bao nhiêu tháng và vợ có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hay không) khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 05 ngày đến 14 ngày làm việc tùy hình thức sinh.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 đối tượng hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn không thuộc đối tượng được áp dụng chế độ thai sản. Bạn công tác tại UBND xã nhưng không nói rõ thuộc đối tượng nào, nếu bạn thuộc đối tượng quy định tại Điều 30 Luật BHXH và đang đóng BHXH thì bạn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Khoản 4 Điều 101 Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải có bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh của con. Trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi phải có Giấy xác nhận của cơ sở y tế.

Câu 89: Bạn đọc từ mail Uyennle03@gmail.com hỏi:

Tôi bị mất thẻ BHYT nhưng chưa được cấp lại do nơi cư trú và nơi làm việc khác tỉnh. Vậy khi đi KCB như thế nào mới được BH thanh toán tiền BHYT?

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp ông/bà bị mất thẻ thì phải đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT và sẽ được cấp giấy hẹn cấp lại thẻ BHYT. Trong thời gian này, khi đi KCB bạn chỉ cần xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh sẽ được hưởng BHYT theo quy định.

 Trường hợp ông/bà chưa làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT mà vẫn đi KCB thì ông/bà phải tự thanh toán các chi phí KCB tại cơ sở KCB và lấy hóa đơn về thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH theo quy định.

Câu 88: Bạn đọc từ mail dinhtu1428@gmail.com hỏi:

Em mới bắt đầu mua thẻ BHYT ở phường nên có 1 chút thắc mắc là em đăng ký khám ở bệnh viện đa khoa đường sắt - Long Biên - Hà Nội. Nhưng em lại muốn khám ở viện 108 thì thẻ BHYT của em có thể dùng khám bệnh được không ạ? Em có phải chi trả thêm các khoản phí nào khi đi khám khác bệnh viện đăng ký không ạ? Em cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp ông/bà đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện đa khoa đường sắt, khi tự đi KCB tại Bệnh viện 108 là bệnh viện tuyến Trung ương mà không có giấy chuyển tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng BHYT và không được thanh toán chi phí KCB ngoại trú.

Câu 87: Bạn đọc từ mail v.trang892@gmail.com hỏi:

Thẻ BHYT của tôi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là bệnh viện đa khoa thành phố Hoà Bình. Nay tôi muối sinh con tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì được hưởng bao nhiêu %.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp bà đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện đa khoa thành phố Hòa Bình, khi tự đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện tuyến tỉnh để sinh con mà không có giấy chuyển tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng BHYT và không được thanh toán chi phí KCB ngoại trú.

Câu 86: Bạn đọc từ mail manhtruong5280@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHYT bắt buộc liên tục hơn 5 năm. Diện thanh toán 80%. Nay tôi chữa răng tại bệnh viện 354. Phải làm chụp răng. Bác sĩ nói BH không thanh toán khoản này.Tôi phải tự thanh toán 600.000đ cho 1 chụp răng bằng thép thường. Xin hỏi bệnh viện trả lời và thu mức giá như vậy có đúng không? Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 8 Điều 23 Luật BHYT quy định các trường hợp sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong KCB và phục hồi chức năng không được hưởng BHYT.

Theo đó, trường hợp của ông sử dụng vật tư y tế chụp răng bằng thép thường thì quỹ BHYT không thanh toán. Mức giá vật tư y tế này thì do bệnh viện căn cứ các quy định hiện hành để quyết định mức giá người bệnh phải thanh toán.

Câu 85: Bạn đọc từ mail Anhcoitnvn1994@gmail.com hỏi:

Em ký hợp đồng không thời hạn với công ty và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 24/8/2017 em làm hết tháng 2/2018 thì nghỉ việc mà dự kiến sinh của em là 14/9/2018. Vậy em có được hưởng bảo hiểm xã hội không và được trợ cấp bao nhiêu ạ. Tới lúc em sinh thẻ BHYT của em còn hiệu lực không ạ vì ngày hết hạn là 31/12/2018.

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định lao động nữ khi sinh con phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh. Trường hợp của bạn dự sinh vào 14/9/2018, Bạn đã đóng BHXH đủ 06 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định.

 Khi Bạn sinh con Bạn được hưởng chế độ thai sản, mức hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 39 Luật BHXH năm 2014 (mức hưởng chế độ thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản) và trợ cấp một lần khi sinh theo quy định tại Điều 38 Luật BHXH năm 2014 (trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con)

Tới lúc Bạn sinh con (dự kiến14/9/2018) thẻ BHYT của  bạn không còn hiệu lực. Do Bạn đã thôi việc từ tháng 2/2018.

Câu 84: Bạn đọc từ mail ngochuyen.everest@gmail.com hỏi:

Xin nhờ Cơ quan chức năng giải đáp thắc mắc giúp ạ:

1. Làm sao để biết khi nào doanh nghiệp đóng mức mới? Có bắt buộc hay không?

2. Khi phải đóng mức mới thì có cần làm giấy tờ gì hay không ạ ? Có form sẵn không ạ?

3. Doanh nghiệp có thể nợ tiền BHXH trong bao lâu? Mức lãi tính khi chậm nộp là bao nhiêu?

Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 17, Nghị định 115/2015NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì từ 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Do đó khi người lao động thay đổi mức lương thì doanh nghiệp phải đóng BHXH, BHYT, BHTN theo mức lương mới. Để biết doanh nghiệp có đóng mức mới không bạn truy cập vào Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam để xem.

2. Khi thay đổi mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, doanh nghiệp lập hồ sơ theo quy định tại Điều 23, Quyết định số 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam nộp cơ quan BHXH.

3.  Trả lời ý 3:

- Theo quy định tại Điều 86 Luật BHXH ngày 20/11/2014: Người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng tháng đóng và trích tiền đóng BHXH cho người lao động kịp thời. Pháp luật BHXH không cho phép doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH.

- Về tính lãi chậm nộp BHXH, BHTN: Tại Khoản 3-Điều 122 Luật BHXH ngày 20/11/2014, quy định: "Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội".

- Về tính lãi chậm nộp BHYT: Theo quy định tại Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT. Tại Tiết a khoản 3 Điều 49 quy định như sau:

"Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau: Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế."

Câu 83: Bạn đọc từ mail tranthikimthi68@gmail.com hỏi:

Các cô chú cho con hỏi. Khi đi khám và chữa bệnh ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM mà không xin giấy chuyển viện ở Bệnh viện Tỉnh thì người bệnh được hưởng bao nhiêu % BHYT. Con xin chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT quy định trường hợp người tham gia BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng của đối tượng tham gia BHYT theo tỷ lệ như sau:

- Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú.

Trường hợp bạn tự đi KCB tại Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện tuyến tỉnh thì được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng BHYT và sẽ không được thanh toán chi phí KCB ngoại trú.

Câu 82: Bạn đọc từ mail tantai17tn@gmail.com hỏi:

Em được biết là BHYT vừa có thông báo mới là mua BHYT từng người trong gia đình ai mua cũng được đúng không (chứ không phải là bắt buộc phải mua hết hộ gia đình có đúng không ạ).?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khi tham gia BHYT hộ gia đình bạn tới đại lý thu BHXH, BHYT gần nhất và kê khai tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, bạn tự chịu trách nhiệm về nội dung đã kê khai và không phải trình hay nộp bất kỳ giấy tờ nào khác, thực hiện đóng tiền và nhận thẻ BHYT theo giấy hẹn.

Câu 81: Bạn đọc từ mail sonnguyenhy86@gmail.com hỏi:

Tôi tên Nguyễn Thị Son - sinh 2/1/1986

Số thẻ BHYT: DN4010111095597

Số sổ bảo hiểm xã hội: 0111095597

Cơ quan BHXH quản lý: BHXH quận Đống Đa.

Thời gian đóng BHYT liên tục từ 1/1/2015

Số lần khám chữa bệnh BHYT 4 năm gần đây: 0 lần 

Tôi muốn nhờ cơ quan BHXH Việt Nam xử lý và giải thích giúp mình về trường hợp sau:

Ngày 2/3/2018 tôi có đến bệnh viện bưu điện (cơ sở 1 tại 49 phố Trần Điền) khám do răng khôn đang sưng và đau. Tôi xuất trình đầy đủ chứng minh và thẻ BHYT tại phòng đón tiếp và được đưa phiếu đi khám răng. Trong quá trình này không nói rõ số tiền phải chi trả. Tôi hỏi lại thì được trả lời sau khi khám xong mới biết.Sau khi khám bác sỹ chỉ định phải nhổ do răng mọc lệch, đang viêm và sâu. Được chỉ định đi làm xét nghiệm và chụp xquang.Sau khi nhổ răng xong đến khi thanh toán thì vấn đề như sau: Tôi nhận được 2 biên lại thu tiền với số tiền quá khác nhau. Biên lại 1 có ghi mức BTYT chi trả cho mỗi răng khôn được khổ là 320.000 và mình sẽ được 80% của 320.0000 này. Mình hỏi lại thu ngân thì được trả lời "BHYT chỉ chi trả cho mỗi răng khôn là 320.000đ, còn phần chênh lệch người bệnh tự chi trả”. Tổng mức mình được BHYT chi trả  là 827.376đ  và đóng thêm 2.957.744 tại biên lại khác.

Như vậy mức chi trả khi nhổ răng khôn của mình khi có BHYT đúng tuyền = chi phí khi tôi nhổ tại phòng khám tư nhân.

Cùng ngày bạn mình cũng khổ răng khôn tại bệnh viện Việt Nam cu Ba (đúng tuyền - có bảo hiểm ) được miễn 80% chi phí khám và chỉ chi trả thêm 180.000 đồng.

Vậy tôi hỏi tại sao có sự khác nhau trong việc chi trả khám chữa bệnh của bệnh nhân khi tham gia BHYT như vậy?

BHXH Việt Nam trả lời:

Qua kiểm tra trên Hệ thống thông tin giám định BHYT thì tổng chi phí KCB thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT tại Bệnh viện Bưu Điện ngày 2/3/2018 của bà là 1.034.220 đồng. Do Bà tham gia BHYT theo nhóm do người lao động và ngưởi sử dụng lao động đóng, có mức hưởng BHYT là 80% chi phí KCB BHYT nên bà được quỹ BHYT thanh toán: 80% x 1.034.220 đồng = 827.376 đồng; bà phải cùng chi trả: 20% x 1.034.220 đồng = 206.844 đồng. Như vậy, bà đã được quỹ BHYT chi trả đầy đủ quyền lợi BHYT.

Câu 80: Bạn đọc từ mail xuanluc.nb2@gmail.com hỏi:

Tháng 11/2016 đến tháng 06/2017 em có đóng bảo hiểm xã hội tại Công ty Cổ phần Kiến trúc và đầu tư xây dựng Hà Nội. Hiện nay, em đã chuyển công ty và đóng bảo hiểm xã hội theo số sổ mới thì em có đc thanh toán 1 lần sổ ở công ty cũ không ạ. Nếu được thì cần những thủ tục gì ạ. Lê Xuân Lực 0962288250

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 96 Luật BHXH năm 2014, sổ BHXH được cấp cho từng NLĐ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định.

Trường hợp NLĐ có từ 02 sổ BHXH trở lên ghi thời gian tham gia đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BH thất nghiệp của các sổ BHXH vào sổ mới.

Trường hợp của Bạn có từ 02 sổ BHXH trở lên và đang tham gia đóng BHXH thì không được hưởng BHXH một lần của sổ cũ. Sau khi gộp hai sổ BHXH thì thời gian tham gia BHXH của Bạn được tính bằng thời gian tham gia BHXH cộng dồn từ 02 sổ BHXH để làm căn cứ tính hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp sau này. Đề nghị Bạn liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để thực hiện cộng dồn sổ BHXH làm căn cứ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH khi đủ điều kiện. Hồ sơ gộp sổ BHXH bao gồm:

- Sổ BHXH cũ.

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BYT (mẫu TK1-TS).

Câu 79: Bạn đọc từ mail nguyenhangqh.tnmt@gmail.com hỏi:

Bố tôi là cán bộ công tác tại huyện Thống Nhất (ngoài ra còn là thương binh: 45%). Tháng 10/2013 nghỉ hưu và nhận quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng của Bảo hiểm xã hội Đồng Nai. Nay cấp đổi thẻ BHYT theo quy định mới năm 2018; Tại mục thời điểm trên thẻ BHYT ghi: "Thời điểm đủ 5 năm liên tục: 01/10/2018" như vậy đúng hay sai? Nếu sai thì cấp đổi như thế nào, thời gian bao lâu vì Hiện nay bố tôi bị bệnh ung thư máu đang điều trị thuốc đặc trị chuyên khoa tại bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM nên Thẻ Bảo hiểm y tế là rất cần thiết, có thể hướng dẫn tôi làm thủ tục và cấp đổi lại thẻ trong ngày luôn được không?

Chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

- Theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Tài chính, Y tế “thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước, trường hợp gián đoạn không quá tối đa 3 tháng”.

Trường hợp của bố bạn được tính thời gian tham gia BHYT liên tục từ khi nghỉ hưu (tháng 10/2013) nếu chứng minh được thời gian tham gia BHYT trước khi nghỉ hưu của bố bạn không bị gián đoạn thì thời gian đóng BHYT trước đó vẫn được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.

Trường hợp cơ quan BHXH sơ suất cập nhật thiếu thông tin và cấp thẻ ghi thông tin chưa chính xác, bạn có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi bố bạn đăng ký tham gia để kê khai và cung cấp thêm thông tin cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ xác minh, điều chỉnh dữ liệu và đổi thẻ BHYT mới có thông tin “thời điểm đủ 5 năm liên tục” chính xác.

Câu 78: Bạn đọc từ mail Thu104104@Gmail.Com hỏi:

Trường hợp một người là cựu chiến binh đang cấp thẻ mã Ck, vừa là cán bộ bán chuyên trách tham gia BHXH, BHYT thì cơ quan bhxh cấp theo mã thẻ nào, vì theo quy định của 595 thì trường hợp thẻ BHYT của cán bộ bán chuyên trách là thực hiện theo thứ tự: cơ quan BHXH đóng, NSNN đóng, người lao động và uỷ ban nhân dân đóng?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Luật Sửa đổi, bổ sung một sồ điều của Luật BHYT thì “Trường hợp một người thuộc đồng thời nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.

Trường hợp một người vừa là Cựu chiến binh vừa là cán bộ chuyên trách ở xã, phường thì sẽ được cấp thẻ theo đối tượng cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Câu 77: Bạn đọc từ mail nguyenthinganvnv@gmail.com hỏi:

Em đang làm cấp dưỡng tại trường mầm non 1-6 Hàm Thuận Nam - Bình Thuận. thứ nhất, từ năm 2018 em được khoán lương là 35 triệu/ năm/ người. Trường em nói em phải tự đóng bảo hiểm hết là 34.5% trong khoản tiền 35 triệu đó trường không hỗ trợ nữa. Nhưng 35 triệu chia 12 tháng thì không đủ mức lương tối thiểu vùng để đóng bảo hiểm nên kế toán chia 10 tháng, nhưng bên kho bạc không trừ tiền BHXH như trước mà vẫn trả lương vào tài khoản của em là 3.090.000 đ rồi em phải rút hơn 1.000.000 ra về đưa cho kế toán đi đóng BHXH, mà em đóng 1 triệu sau này nếu nghỉ việc em chỉ nhận tiền BHXH còn 650.000 đ. vấn đề thứ 2 là cả năm 2017 em làm ở trường, trước tết hiệu trưởng nói em có tiền tỉnh cho là 1 triệu nhưng bây giờ kế toán lại trừ 1 triệu tiền tỉnh cho trong 35 triệu của em, mà 35 triệu là tháng 1/2018 mới thực hiện. Cho em hỏi giờ em phải thực hiện như vậy là đúng không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT; Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm; Khoản 1 Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động, trường hợp người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; từ ngày 01/01/2018 bao gồm cả người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đôií tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTNLĐ, BNN.

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 85, Khoản 1 Điều 86, Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014; Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cuả Luật BHYT; Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm; Khoản 1 Điều 3, Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Khoản 1, Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN hiện nay là 32% tiền lương tháng làm căn cứ đóng; tiền lương tháng làm căn cứ đóng là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

Theo quy định của pháp luật thì hàng tháng đơn vị có trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN và trích từ tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động theo mức quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.

Đề nghị Bà đối chiếu quy định nêu trên để biết và kiến nghị đơn vị sử dụng lao động thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Câu 76: Bạn đọc từ mail quachthingocthao31@yahoo.com.vn hỏi:

Tôi ở xã thuộc diện xã nghèo nên tôi có thẻ BHYT diện hộ nghèo do xã cấp, tôi cũng có đi làm ở công ty và có tham gia bảo hiểm đầy đủ, năm 2017 tôi vẫn được công ty cấp thẻ BHYT như các nhân viên khác nhưng đến 2018 thì tôi không được cấp thẻ BHYT của công ty nữa với lý do đã được cấp thẻ ở xã rồi là đúng hay sai, và 2 tháng tiền BHYT mà công ty đã thu của tôi có được hoàn trả lại không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì 1 người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Trường hợp bạn thuộc đối tượng người lao động (đóng BHYT theo công ty), nếu đồng thời thuộc đối tượng hộ nghèo, bạn chỉ được cấp thẻ theo đối tượng người lao động (đối tượng đầu tiên được xác định theo thứ tự đóng quy định tại Điều 12 Luật sửa đổi,bổ sung một số điều của Luật BHYT).

Trường hợp của bạn không được cấp thẻ theo đối tượng người lao động là không đúng, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với địa phương nơi bạn được cấp thẻ hộ nghèo để giảm giá trị sử dụng thẻ hộ nghèo, tránh cấp trùng thẻ, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Số tiền BHYT mà bạn nộp cho công ty sẽ không được hoàn trả lại vì đúng theo quy định của Luật, bạn sẽ đóng BHYT và được cấp thẻ theo đối tượng người lao động.

Câu 75: Bạn đọc từ mail hongtam93.kt@gmail.com hỏi:

Em làm ở công ty cũ có đóng BHXH, BHYT, BHTN được 8 tháng nhưng không được cấp sổ BH, đến nay em đã chuyển công ty và muốn đóng BHXH thì em phải đóng lại từ đầu hay đóng tiếp tục ạ? Nếu bay giờ em muốn tìm số sổ BHXH, và quá trình đóng của em trên mạng có được không ạ? Anh/chị giải đáp giúp em ạ. Em cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Luật BHXH người lao động tham gia BHXH được cấp và quản lý sổ BHXH. Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam, đối với trường hợp người lao động tham gia BHXH được cấp sổ BHXH thời hạn không quá 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Do đó, bạn cần liên hệ với đơn vị cũ để yêu cầu cơ quan BHXH cấp sổ BHXH.

- Căn cứ theo Luật BHXH khi bạn chuyển đơn vị mới thì cơ quan BHXH có trách nhiệm xác nhận sổ BHXH cho bạn và khi tiếp tục tham gia tại đơn vị mới thì bạn chỉ cần cung cấp mã số BHXH cho cơ quan BHXH.

- Bạn có thể tra cứu mã số BHXH và quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN tại địa chỉ http://baohiemxahoi.gov.vn (nếu bạn đã được kê khai thành viên hộ gia đình).

Câu 74: Bạn đọc từ mail nhuy1512@gmail.com hỏi:

Xin cho tôi hỏi tôi đã làm việc tại 1 công ty đã hơn 6 năm và công ty đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đầy đủ. Nhưng tôi vừa mời thôi việc tại công ty và xin vào làm trong 1 công ty khác với thời gian thử việc là 3 tháng. Trong thời gian đó công ty mới không đóng bảo hiểm cho tôi. Vậy trong năm nay nếu tôi có sinh con thì có được hưởng trợ cấp thai sản không. Xin cám ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Do Bạn không nêu rõ Bạn có diễn biến thời gian tham gia BHXH như thế nào và khi nào bạn sinh con nên BHXH Việt Nam chưa có đủ căn cứ để trả lời cụ thể. Bạn có thể tham khảo quy định nêu trên, nếu Bạn có đủ điều kiện thì Bạn nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động để chuyển cho cơ quan BHXH xem xét giải quyết.

Câu 73: Bạn đọc từ mail thanhdungkhmt43@gmail.com hỏi:

Tôi có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc liên tục từ tháng 12/2015 đến hết 30/11/2017 thì tôi nghỉ việc. Hiện tại tôi đang mang thai và dự sinh con vào 20/6/2018. Vậy tôi muốn hỏi là tôi có đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản theo quy định không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong giai đoạn 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp của Bạn nếu Bạn đóng BHXH đến thời điểm sinh con (dự kiến tháng 6/2018) mà cộng tổng thời gian đóng BHXH từ tháng 12/2015 đến khi nghỉ thai sản đủ 06 tháng thì Bạn có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Câu 72: Bạn đọc từ địa chỉ email diepdt93@gmail.com hỏi:

Tôi có tham gia BHXH tại BHXH địa phương trong thời gian từ tháng 02/2017 đến tháng 9/2017 (ngày 16/9/2017 tôi nghỉ việc để chuẩn bị sinh, tháng 9/2017 tôi vẫn đóng BHXH), ngày 27/9/2017 tôi sinh, tôi xin hỏi:

- Như vậy, tôi có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản không?

- Tôi có hỏi nhân viên bản hiểm của Công ty, họ nói thời gian đóng bảo hiểm phải từ 10 tháng trở lên mới được hưởng, như vậy có đúng không?

- Trong trường hợp tôi được bảo hiểm, xin hỏi:

+ Mức lương đóng BHXH của tôi là 2.770.000/tháng, như vậy nếu theo chế độ tôi được hưởng bảo hiểm thai sản là bao nhiêu?

+ Sau khi sinh tôi đã nộp đầy đủ giấy tờ cần thiết về Công ty, mất thời gian tối đa là bao lâu tôi có thể được hưởng?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp của Bạn sinh con vào ngày 27/9/2017 thì trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh (được xác định từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2017),  nếu Bạn đã đóng BHXH liên tục từ tháng 02/2017 đến tháng 9/2017 thì Bạn có 08 tháng đóng BHXH. Do đó, Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Điểm a, c Khoản 1 Điều 39 Luật BHXH năm 2014 quy định: Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp có ngày lẻ thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

Khoản 2, 3 Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản nộp cho cơ quan BHXH. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Câu 71: Bạn đọc từ mail vungocquangts@gmail.com hỏi:

Tên tôi là: Vũ Ngọc Quang - Sinh năm: 08/06/1975.

Đơn vị công tác trước khi nghỉ việc theo nguyện vọng: Trường THCS Hoàng Hoa Thám - Sông Lô - Vĩnh Phúc.

Quá trình công tác của bản thân:

- Năm 1996 tốt nghiệp CĐSP Phú Thọ - Vĩnh Phú, chuyên ngành Văn - Sử - Địa.

- Từ tháng 12/9/1996 đến tháng 01/12/2017 làm giáo viên dạy THCS 21 năm 3 tháng.

- Đến ngày 29/11/2017 tôi được SNV Vĩnh Phúc đồng ý ra quyết định theo CV số 1496/SVN-CCVC “V/v thôi việc theo nguyện vọng đối với viên chức và lao động hợp đồng”.

- Đến ngày 30/11/2017 tôi được UBND huyện Sông Lô ra QĐ theo Công văn số 29/27/QĐ-CTUBND “V/v cho viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng”. Tôi đã đóng BHXH được 21 năm 3 tháng, nay tôi xin hỏi BHXH của tôi được hưởng chế độ gì?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì khi người lao động nghỉ việc hưởng chế độ BHXH, việc giải quyết hưởng chế độ hưu trí (hàng tháng hoặc BHXH một lần) đối với người lao động căn cứ vào giới tính, tuổi đời, tổng thời gian đóng BHXH, chức danh nghề, công việc, nơi làm việc, tiền lương tháng đóng BHXH được ghi nhận tại sổ BHXH và tình hình sức khỏe của người lao động. Nội dung hỏi của Ông chưa có đủ thông tin và không có hồ sơ nên BHXH Việt Nam chưa có căn cứ để trả lời.

Đề nghị Ông cung cấp hồ sơ, liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để được xem xét trả lời cụ thể.

Câu 70: Bạn đọc từ mail phongvu79@gmail.com hỏi:

Tôi tên: Nguyễn Phong Vũ - Sinh năm: 1979 - Hiện đang công tác tại UBND xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thực hiện theo Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện BHYT. Tại Điểm b, Khoản 3, Điều 19 của thông tư này quy định "Từ năm 2016, BHXH cấp huyện thực hiện chuyển kinh phí hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi nhận được danh sách tăng, giảm đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 4 của thông tư này".

Vấn đề này tôi xin hỏi thế nào là đối tượng tăng, giảm khi UBND cấp xã lập danh sách? Có văn bản nào quy định không? Vì hiện nay ở địa phương tôi khái niệm tăng, giảm đối tượng được hiểu chưa rõ và chưa thống nhất.

VD: Năm 2016 đối tượng hộ nghèo của xã lập danh sách là 1.000 đối tượng. Đến năm 2017, 1.000 đối tượng hộ nghèo này được lập danh sách sang đối tượng hộ dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đến năm 2018, khi xã không thuộc xã đặc biệt khó khăn thì 1.000 đối tượng này được lập danh sách cấp thẻ BHYT sang đối tượng hộ nghèo. Vậy năm 2017 và 2018 1.000 đối tượng trên có phải là đối tượng tăng hay không?

Rất mong được BHXH Việt Nam giải đáp thắc mắc trên. Giải đáp thắc mắc xin gửi về địa chỉ mail: phongvu79@gmail.com.

Xin chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Về việc lập danh sách tăng, giảm đối tượng tham gia BHYT do UBND cấp xã lập làm căn cứ chi kinh phí hỗ trợ UBND xã đã được quy định tại Điều 19 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT. Nội dung bạn hỏi, là những vướng mắc BHXH Việt Nam đang xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, sau khi có ý kiến của hai Bộ, BHXH Việt Nam sẽ hướng dẫn để triển khai thực hiện.

Câu 69: Bạn đọc từ mail hoangnn@taihancable.com hỏi:

Công ty mình tháng đầu 01/2018 có giảm vài lao động nước ngoài, nên thẻ BHYT gia hạn năm 2018 công ty mình giữ không đưa cho người lao động. Vậy khi báo giảm lao động công ty mình có làm bản cam kết trả thẻ BHYT được không? Bản cam kết nội dung là thẻ được trả từ đầu tháng 01/2018 và công ty sẽ chịu toàn bộ chi phí KCB nếu có phát sinh, như vậy mình sẽ không trừ tiền thẻ tháng 1/2018 của người lao động (vì tháng 01/2018 họ không sử dụng).

Hiện công ty mình đang tham gia BHXH, BHYT thuộc quản lý của cơ quan BHXH huyện Long Thành - Đồng Nai. Và cơ quan BHXH huyện Long Thành trả lời là không làm bản cam kết được và phải thu tiền thẻ BHYT tháng 01/2018 của những trường hợp trên.

BHXH Việt Nam trả lời:

Về việc công ty bạn giữ thẻ BHYT của người lao động là sai quy định của pháp luật BHYT. Theo quy định, khi người lao động nghỉ việc, công ty có trách nhiệm lập danh sách báo giảm lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS), trường hợp đơn vị  lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó theo quy định tại Tiết a Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 50 Quyết định số 595/QĐ-BHXH.

Đại diện Ban Sổ - Thẻ giao lưu với bạn đọc.

Câu 68: Bạn đọc từ mail trandangdat.vn@gmail.com hỏi:

Tôi tên Trần Đăng Đạt, theo quyết định số 57761 ngày 15 tháng 11 năm 2017, được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng.

Tôi phải đến thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm 3 lần.

- Lần 1: 21/11/2017 đến 23/11/2017

- Lần 2: 18/12/2017 đến 20/12/2017

- Lần 3: 16/01/2017 đến 18/01/2017

Tuy nhiên lần 2, ngày 21/12/2017 tôi mới đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm nhưng nhân viên BHXH thông báo là không xác nhận, tôi không được lãnh BHXH lần 2, và lần 3 tôi phải đến đúng ngày.

Như vậy tôi chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 2 tháng, tôi thấy điều này là rất bất hợp lý và rất nhiều trường hợp người lao động giống như tôi. 

Người lao động làm việc vất vả, đóng bảo hiểm thất nghiệp để phòng những trường hợp không có việc làm, bây giờ chỉ vì 1 sai sót mà họ mất tiền thật là bất công.

Kính gửi đến BHXH Việt Nam những thắc mắc của tôi.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 19, Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì: “Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Vì vậy, trách nhiệm thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đề nghị ông liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi Ông cư trú để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Câu 67: Bạn đọc từ địa chỉ email: thuyspvan@gmail.com hỏi:

Tôi đang là giáo viên tiểu học, có thời gian đóng BHXH được 3 năm. Hiện Tôi đang mang thai và dự sinh ngày 08/02/2018, Tôi muốn được nghỉ thai sản sớm từ ngày 01/01/2018. Như vậy Tôi có được giải quyết cho nghỉ không? Nếu được nghỉ thì chế độ thai sản của Tôi sẽ được tính như thế nào? Từ 01/01/2018 đến 30/6/2018 hay từ ngày Tôi sinh tới khi con đủ 6 tháng?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 1 Điều 34 Luật BHXH năm 2014 quy định: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định thì Bạn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Trường hợp Bạn sinh con vào tháng 02/2018 và nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh từ ngày 01/01/2018 thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con của Bạn là 06 tháng tính từ ngày 01/01/2018.

Câu 66: Bạn đọc từ mail admin.hr@gfsvn.com hỏi:

Cho em hỏi theo quy định thì: "mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí  làm việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiếu vùng".

Vậy BHXH Việt Nam cho em hỏi tại sao có nơi chuyên quản thì bắt buộc phải *7% như em nói trên cũng có những nơi chuyên quản không bắt buộc mà chỉ đóng mức tối thiếu vùng?

Vậy anh chị cho em hỏi nếu làm theo cái nào là đúng ạ? Và tại sao không nhất quán mà lại có sự khác nhau như thế, để khi bọn em giải thích với sếp, sếp bắt bọn em giải trình cái này thì không lý giải được.

Rất mong anh/chị giúp em ạ.

Chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, mức lương thấp nhất làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Như vậy việc tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người đã qua đào tạo học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng là đúng quy định pháp luật.

Câu 65: Bạn đọc từ mail dohung2412@gmail.com hỏi:

Hiện em đang làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, thời gian tham gia BHXH của em được công ty thông báo trên phiếu lương là từ tháng 10/2017 đến nay. Nhưng khi em tra thông tin trên cổng thông tin bảo hiểm thì chỉ hiển thị thời gian đóng có tháng 12/2017 anh (chị) có thể giải đáp dùm em thông tin trên cổng BHXH là sao?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Khoản 2 Điều 21, Điểm a, Khoản 1, Điều 99 Luật BHXH năm 2014, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ tham gia BHXH cho cơ quan BHXH; đơn vị có trách nhiệm đóng và hàng tháng trích từ tiền lương của người lao động để đóng vào quỹ BHXH theo quy định. Thời điểm tham gia BHXH của người lao động bắt đầu từ thời điểm ký hợp đồng lao động. Cơ quan BHXH thực hiện giải quyết đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH cho người lao động căn cứ theo kê khai của đơn vị sử dụng lao động. Vì vậy, đề nghị Ông liên hệ với người làm công tác BHXH của Công ty nơi đang làm việc để biết việc đơn vị kê khai và thực hiện đóng BHXH đối với Ông.

Câu 64: Bạn đọc từ mail tho.lt@mxp.com.vn hỏi:

Tôi là nhân viên BHXH của đơn vị có trên 10.000 lao động đóng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, trong tháng 2/2018 có 2 trường hợp đặc biệt nghỉ thai sản vào ngày 08/02/2018 và 14/02/2018 tôi gửi báo giảm thai sản tới phòng thu từ tháng 2/2018 nhưng khi giải quyết chế độ thai sản bị trả hồ sơ về lý do giảm thu sai yêu cầu giảm thai sản từ tháng 3/2018. Theo khoản 7 điều 34 luật BHXH (Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần), Theo khoản 3 điều 85 luật BHXH (Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.) Kính đề nghị BHXH trả lời giúp BHXH tỉnh Thái Bình hướng dẫn như vậy có đúng không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 quy định: “NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH trừ trường hợp nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản”.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật BHXH năm 2014 quy định: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

Đối chiếu quy định nêu trên, NLĐ của công ty Bạn nghỉ thai sản vào ngày 08/02/2018 và 14/02/2018 không quá 14 ngày làm việc trong tháng 02/2018 nên tháng đó NLĐ vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH và BHXH tỉnh Thái Bình hướng dẫn báo giảm thai sản từ tháng 3/2018 là đúng quy định.

Trường hợp người sử dụng lao động không đóng BHXH tháng 02/2018 cho NLĐ thì tháng 02 không được tính là thời gian đóng BHXH.

Câu 63: Bạn đọc từ mail sutuan47@gmail.com hỏi:

Tôi khám bệnh BHYT đúng tuyến, tôi có được chi trả tiền nội soi đại tràng và xét nghiệm sinh thiết khối u không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp ông/Bà đi KCB BHYT đúng tuyến và có chỉ định của bác sĩ thực hiện dịch vụ y tế nội soi đại tràng và xét nghiệm sinh thiết khối u thì ông/Bà sẽ được quỹ BHYT thanh toán các dịch vụ kỹ thuật này theo quy định.

Câu 62: Bạn đọc từ mail pharmahead.ba@gmail.com hỏi:

Em đang làm việc cho 01 công ty có trụ sở ngoài Hà Nội, chi nhánh tại Bình Định. Khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì ngoài Hà Nội sẽ cấp cho em. Em chọn nơi đăng ký KCB ban đầu tại thành phố Quy Nhơn. Vậy làm thế nào để tra cứu được danh mục các nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu mà ngoài Hà Nội có thể cung cấp được cho các tỉnh lẻ ạ?. Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp ông/bà tham gia BHYT tại Hà Nội nhưng muốn đăng ký KCB ban đầu tại thành phố Quy Nhơn, đề nghị ông/bà truy cập vào địa chỉ website: http://bhxhhn.com.vn của BHXH thành phố Hà Nội để tra cứu danh sách đăng ký KCB ngoại tỉnh.

Câu 61: Bạn đọc từ mail nthhoa@hcmunre.edu.vn hỏi:

Xin cho hỏi tôi cần phải hiểu nội dung ghi trên thẻ BHYT của tôi như thế nào khi trên thẻ ghi: Thời điểm đủ 5 năm liên tục: từ 01/01/2015 là như thế nào cho đúng ạ? Trong khi đó bản thân tôi tham gia đóng BHXH và BHYT từ năm 2005 liên tục cho đến nay ở cùng 1 cơ quan là trường đại học đóng trên địa bàn TP.HCM. Trân trọng cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

- “Thời điểm đủ 5 năm liên tục: từ 01/01/2015” theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch số 41/204/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 nghĩa là bạn đã tham gia BHYT liên tục, thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước, trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng, tính đến 01/01/2015 là đủ 60 tháng liên tục.

- Nếu bạn đã tham gia BHYT liên tục từ năm 2005 thì thời điểm 5 năm liên tục ghi trên thẻ của bạn là chưa chính xác. Trường hợp do cơ quan BHXH sơ xuất cập nhật thiếu thông tin và ghi thông tin trên thẻ chưa chính xác, bạn có thể liên hệ trực tiếp hoặc thông qua đơn vị (hoặc đại lý thu) nơi bạn đăng ký tham gia để kê khai và cung cấp thêm thông tin cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ xác minh, điều chỉnh dữ liệu và đổi thẻ BHYT mới.

Câu 60: Bạn đọc từ mail thuhuong92haui@gmail.comhỏi:

Tôi có 2 trường hợp muốn được tư vấn như sau:

Trường hợp 1: Tôi đã làm việc và tham gia bảo hiểm ở một công ty được 3 tháng, sau một thời gian tôi thấy không phù hợp nên xin nghỉ việc nhưng công ty không chốt sổ bảo hiểm cho tôi, không trả giấy quyết định thôi việc thì tôi có thể tự đến cơ quan bảo hiểm mà tôi đang tham gia để tự chốt sổ bảo hiểm được không ạ? Hay bắt buộc phải là công ty đó đến chốt sổ bảo hiểm cho tôi ?

Trường hợp 2: Nếu là công ty đó bị phá sản thì tôi có thể đến cơ quan bảo hiểm để chốt sổ BHXH mà không cần giấy quyết định thôi việc được không ạ?

Mong ban tư vấn trả lời giúp tôi!

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc thôi việc thì đơn vị sử dụng lao động thực hiện báo giảm lao động, xác nhận sổ BHXH cho người lao động theo quy định tại Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 23 Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (gọi tắt là Quyết định số 595/QĐ-BHXH). Đề nghị Bạn liên hệ với đơn vị cũ để yêu cầu đơn vị làm thủ tục nộp cơ quan BHXH.

2. Trường hợp công ty bị phá sản thì Bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cơ quan BHXH để được hướng dẫn giải quyết.

Câu 59: Bạn đọc từ mail havanhao.everrichs@gmail.com hỏi:

 Hiện tại em đang làm việc tại Công ty TNHH Samsung electronics Việt Nam, hiện tại công ty có thông báo tất cả nhân viên có 2 thẻ BHYT, 1 thẻ do ngân sách nhà nước cấp cần phải cắt giảm để sử dụng 1 thẻ do công ty cấp nếu không công ty sẽ từ chối chi trả BHYT khi người lao động sử dụng thẻ BHYT ngoài công ty cấp. Em muốn hỏi iện tại em đang nằm trong diện được cấp thẻ BHYT do ngân sách nhà nước cấp nhưng thẻ đó được cấp theo diện vùng đặc biệt khó khăn. Em không cắt giảm thẻ ở nhà mà chỉ dùng thẻ ở công ty được không? Nếu em không cắt giảm có ảnh hưởng gì về sau này không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT thì một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Trường hợp bạn thuộc đối tượng người lao động (đóng BHYT theo Công ty), nếu đồng thời thuộc đối tượng người sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn. Bạn chỉ sử dụng được 01 thẻ BHYT đã cấp theo đối tượng người lao động (đối tượng đầu tiên được xác định theo thứ tự đóng quy định tại Điều 12 sửa đổi Luật BHYT) và cung cấp thêm cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT Giấy xác nhận thuộc đối tượng người đang sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn do UBND xã nơi cư trú cấp, để điều chỉnh quyền lợi trên thẻ BHYT theo quyền lợi của người đang sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn (được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi chi trả BHYT). Trường hợp bạn không cắt giảm đóng theo đối tượng sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn, cơ quan BHXH vẫn phối hợp với địa phương nơi cấp thẻ trùng để giảm giả trị sử dụng thẻ, tránh gây thất thoát Ngân sách Nhà nước.

Câu 58: Bạn đọc từ mail hofan2020@gmail.com hỏi:

Tôi tên là Đặng Đình Dung, sinh năm 1970, số điện thoại: 0969232676. Hộ khẩu thường trú tại: 29A, phố Vạn Kiếp, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Mẹ tôi là: Lâm Thị Chắt, sinh năm 1926, số sổ BHXH 282083, hưởng lương hưu tại tổ 07 phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Hộ khẩu thường trú tại 29A, phố Vạn Kiếp, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Tôi kính mong cơ quan BHXH giải đáp cho trường hợp của tôi như sau:

Do sinh ra tôi đã bị tàn tật bẩm sinh, không có khả năng lao động, nên từ khi sinh ra đến nay mọi chi phí sinh hoạt trong cuộc sống đều phụ thuộc vào sự chu cấp của bố, mẹ tôi. Năm 1990 bố tôi là ông Đặng Đình Kính đã qua đời. Năm 2014, do mẹ tôi tuổi già, sức yếu không còn khả năng chăm sóc, giúp đỡ tôi trong các sinh hoạt hằng ngày nên tôi đã kết hôn với vợ hiện nay là Đào Thị Thủy, sinh năm 1962 để có người hỗ trợ, giúp đỡ tôi trong cuộc sống cũng như trong công việc sinh hoạt hàng ngày. Ngày 01/01/2017 vừa qua, do tuổi già mẹ tôi cũng đã qua đời. Do tôi bị tàn tật và không có khả năng lao động nên hiện nay tôi không có nguồn thu nhập nào để trang trải cho cuộc sống hàng ngày vì vợ tôi cũng không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định nào. Bản thân tôi cũng chưa nhận được sự trợ cấp từ bất kỳ nguồn nào khác. Vì vậy, sau khi mẹ tôi qua đời tôi đã liên hệ với BHXH quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội đề nghị được xét hưởng chế độ tử tuất hàng tháng, nhưng BHXH quận Hai Bà Trưng cho rằng tôi không thuộc trường hợp được hưởng chế độ tuất hàng tháng kể cả trong trường hợp mức suy giảm khả năng lao động của tôi là 81% trở lên với lý do vì tôi đã có vợ. Do đó BHXH quận Hai Bà Trưng đã hướng dẫn tôi hoàn thiện hồ sơ để hưởng chế độ tuất một lần. Nhưng sau khi nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan tôi nhận thấy rằng:

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 67 Luật BHXH năm 2014 có quy định như sau:

“Điều 67. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

1. Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

b) Đang hưởng lương hưu;

2. Thân nhân của những người quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

a) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai’’.

Đồng thời tôi cũng không thấy có văn bản quy phạm pháp luật nào khác quy định rằng vì tôi đã có vợ nên không được hưởng chế độ tuất hằng tháng.

Như vậy, theo quy định của pháp luật về BHXH nêu trên thì tôi nhận thấy mình thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (trong trường hợp mức suy giảm khả năng lao động của tôi là 81% trở lên, đồng thời tôi không có nguồn thu nhập, trợ cấp nào khác).

Vì vậy tôi kính mong BHXH Việt Nam giải đáp giúp là tôi có thuộc trường hợp được hưởng chế độ tuất hằng tháng không ? (Trong trường hợp mức suy giảm khả năng lao động của tôi là 81% trở lên, đồng thời tôi không có nguồn thu nhập, trợ cấp nào khác). Để tôi có căn cứ thực hiện các thủ tục có liên quan theo quy định của pháp luật nhằm giảm bớt khó khăn, bế tắc của tôi trong cuộc sống.

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 67 Luật BHXH năm 2014 quy định thân nhân người lao động là con được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng khi có một trong các điều kiện sau:

- Con chưa đủ 18 tuổi.

- Con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai.

Tại Điểm a, Khoản 4, Điều 67 Luật BHXH năm 2014 quy định về thời hạn đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày người tham gia BHXH chết thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị.

BHXH Việt Nam cung cấp nội dung quy định nêu trên để Ông được biết về điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân là con của người lao động đang hưởng lương hưu bị chết để Ông nắm được.

Câu 57: Bạn đọc từ mail tvhoangbwaco@gmail.com hỏi:

Hiện tại tôi sống ở Vũng Tàu, vợ tôi đã đóng BHXH hơn 30 năm. Vậy xin hỏi Quý BHXH theo chính sách hiện hành vợ tôi có phải tiếp tục đóng BHXH nữa không hay là tạm ngừng đóng đến lúc về hưu (5 năm nữa ạ). Xin chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Trong trường hợp chung nhất, nếu vợ ông đang đi làm thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 mà Bà chưa đủ 55 tuổi thì Bà vẫn tiếp tục đóng BHXH cho đến khi đủ điều kiện về tuổi đời để được hưởng chế độ hưu trí.

Do Ông không cung cấp đủ thông tin về tuổi đời, chức danh nghề nghiệp cụ thể trong thời gian đóng BHXH hơn 30 năm của vợ Ông, việc đóng BHXH hiện hành của vợ Ông là BHXH bắt buộc hay tự nguyện nên cơ quan BHXH chưa có căn cứ trả lời cụ thể.

Câu 56: Bạn đọc từ mail ketoansontung12@gmail.com hỏi:

Anh/chị cho em hỏi thủ tục báo giảm lao động và chốt sổ bảo hiểm xã hội như thế nào?

Cần những giấy tờ và thủ tục như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Điều 23 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN, trường hợp người lao động nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển đi, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí thì đơn vị sử dụng lao động lập Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (mẫu D02-TS), đồng thời đóng tiền đến hết tháng liền kề tháng trước khi người lao động nghỉ việc để cơ quan BHXH dừng (giảm) tính thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phát sinh và xác nhận thời gian tham gia, đóng BHXH, BHTN vào sổ BHXH đối với người lao động.

Câu 55: Bạn đọc từ mail lathidiem9493@gmail.com hỏi:

Công ty chúng tôi là công ty thương mại có vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc) chỉ có một giám đốc người nước ngoài và một nhân viên Việt Nam. Người nước ngoài thực hiện đóng BHYT 3 tháng 1 lần. Tháng 9/2017, nhân viên Việt Nam nghỉ việc và nhân viên mới có thời gian thử việc là 3 tháng. Công ty thực hiện báo giảm lao động và vẫn thực hiện đóng BHYT cho người nước ngoài. Đến nay Công ty thực hiện báo tăng lao động để đóng BHXH cho nhân viên nhưng cơ quan BH không đồng ý và không chấp nhận công ty đã đóng BHYT cho người nước ngoài 3 tháng (10, 11, 12) và báo rằng chỉ chấp nhận khi có ít nhất 1 nhân viên Việt Nam tham gia BH thì người nước ngoài mới có BHYT.

Vậy cho công ty hỏi như vậy có đúng không? Và làm thế nào để thực hiện báo tăng lao động và tham gia BHXH cho nhân viên mới?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 12 Luật BHYT năm 2014 quy định: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động) thuộc đối tượng tham gia BHYT.

Luật BHYT không phân biệt người lao động tham gia là công dân Việt Nam hay người nước ngoài. Do đó, đối chiếu với trường hợp bạn hỏi thì Giám đốc người nước ngoài có làm việc và hưởng tiền lương thuộc đối tượng tham gia BHYT. Đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi đóng trụ sở để được giải quyết theo quy định.

Câu 54: Bạn đọc từ mail tuduyao@gmail.com hỏi:

Tên tôi là : Nguyễn Duy Tư , Địa chỉ: số 410 ngõ 295 Thụy Khuê –Tây Hồ Hà Nội.

Tôi có cô em gái tốt nghiệp Đại học sư phạm II Hà Nội hệ chính quy, chuyên ngành giáo viên tiểu học. Ra trường em tôi được nhận vào làm giáo viên tiểu học theo chế độ hợp đồng lao động (chưa được vào biên chế) được trả lương và đóng BHXH ghi trong hợp đồng lao động là: ngạch giáo viên tiểu học cao cấp (mã số 15a.203) bậc 1: Hệ số 2,34 kể từ ngày 01/10/2005 tại một trường tiểu học ở TP.Hà Nội.

Đến cuối năm 2008 em tôi được tham dự kỳ thi tuyển viên chức của TP.Hà Nội và đã đỗ được tuyển dụng chính thức vào biên chế nhà nước làm giáo viên tiểu học trong Quyết định bổ nhiệm chính thức vào ngạch giáo viên của Sở Nội vụ TP Hà Nội xếp vào ngạch giáo viên tiểu học (mã ngạch 15.114, bậc 1: hệ số 1,86, bảng lương viên chức loại B kể từ ngày 01/8/2008).

Theo em tôi phản ảnh thì đợt tuyển dụng viên chức trước đó của TP Hà Nội thì cũng giáo viên tiểu học tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành Giáo dục tiểu học thì trong Quyết định tuyển dụng lại xếp ngạch Giáo viên tiểu học cao cấp.

Như vậy, không biết như thế nào là đúng pháp luật, em tôi băn khoăn tại sao khi làm hợp đồng lao động thì được trả lương và đóng BHXH cao hơn khi được tuyển dụng và trong cùng Trường thì người được vào biên chế trước xếp ngạch, trả lương và đóng BHXH khác người vào biên chế sau mặc dù đều cùng tốt nghiệp đại học sư phạm hệ chính quy, cùng chuyên ngành đào tạo giáo viên tiểu học và công việc như nhau. Không biết hỏi ai và cũng ngại nếu phản ánh nội dung này không khéo sẽ ảnh hưởng tới công việc.

Tôi nghiên cứu tâm sự của em tôi thấy có gì đó bất hợp lý nên tôi mạnh dạn viết email này gửi đến Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam với hy vọng sẽ được giải thích rõ ràng nội dung thắc mắc của em tôi như đã trình bày ở trên cụ thể:

+ Việc xếp ngạch, trả lương đóng BHXH của em tôi theo hợp đồng lao động là đúng quy định của pháp luật hay theo quyết định tuyển dụng mới là đúng?

+ Nếu như việc xếp ngạch, bậc lương và đóng BHXH cho tôi trong quyết định tuyển dụng là không đúng quy định của pháp luật thì đề nghị  hướng dẫn cụ thể tôi sẽ gặp cơ quan nào để được giải quyết ?

Tôi xin cảm ơn và mong sớm nhận được hướng dẫn của Quý cơ quan./

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trường hợp tuyển dụng, xếp lương đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp (không thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam).

Câu 53: Bạn đọc samathavu@gmail.com hỏi:

Năm ngoái tôi được hỗ trợ 100% tiền khám chữa bệnh, mã thẻ cũ là Nguyễn Thị Kiếm, sinh ngày: 15/10/1959; mã số: CN3790001617400.

Mà năm nay tôi lại được cấp thẻ mới và đóng phí 20% là sao? Mã số mới: GD47979309619.

Xin được giải đáp

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 15, Điều 1 của Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/36/2014 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình (không được Ngân sách Nhà nước mua BHYT) được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chi trả BHYT.

Trường hợp của bạn mua thẻ BHYT mới theo nhóm hộ gia đình có mã đối tượng ký hiệu là GĐ và mã quyền lợi hưởng BHYT ký hiệu là số 4 (được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh). Vì vậy, mức hưởng BHYT của bạn là đúng với quy định nêu trên.

Câu 52: Bạn đọc từ mail huongnth219@gmail.com hỏi:

Tôi là người Việt Nam kết hôn với chồng người Trung Quốc. Hộ khẩu của tôi ở quận 7 thành phố Hồ Chí Minh, khi kết hôn giấy đăng ký kết hôn do tư pháp quận 7 cấp, con tôi sinh ở Việt Nam giấy khai sinh của bé được UBND quận 7 cấp. Con tôi đang ở cùng với tôi tại địa chỉ thường trú như trong hộ khẩu và bé mang quốc tịch Trung Quốc.

Xin cho hỏi trường hợp của con tôi có được cấp thẻ BHYT miễn phí cho bé dưới 6 tuổi hay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 17 sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT thì đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi do UBND cấp xã lập danh sách tham gia BHYT gửi cho cơ quan BHXH.

Vì vậy, đề nghị bạn liên hệ với UBND cấp xã nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

Câu 51: Ban đọc từ mail doanthiphuong87@gmail.com hỏi:

Vào cuối tháng 11 vừa qua tôi có đăng ký mua BHYT tự nguyện tại UBND phường Mai Dịch – Cầu Giấy, tháng 12 tôi nhận được thẻ nhưng trên thẻ ghi thời gian đủ 5 năm liên tục đến ngày 01/01/2021. Như vậy thời điểm tôi đủ 5 năm chỉ được tính từ 01/01/2015 trong khi tôi đã tham gia đóng BHYT từ ngày 01/12/2013 thì đúng phải đến ngày 31/12/2018 tôi đã đủ 5 năm rồi mới đúng. Tôi có thắc mắc vấn đề này với cán bộ phường thì được giải đáp là thẻ của tôi như vậy là đã đủ 5 năm vì chỉ ghi ngày có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 không ghi ngày kết thúc, còn thời điểm ghi trên thẻ đủ 5 năm đấy là 5 năm tiếp theo tôi thấy không chính xác vì tính từ năm nay đến 2021 chỉ có 3 năm. Bổ sung thêm 1 chút thông tin trong quá trình đóng BHYT của tôi như sau:

- Tháng 12/2013 – 2014 tôi đăng ký nơi KCB ban đầu: phòng khám đa khoa Yên Hòa.

- Tháng 12/201 4– 30/11/2015 tôi đăng ký nơi KCB ban đầu. Cuối tháng 11 tôi có nằm viện nên bị mua BHYT chậm 1 tháng (bị gián đoạn 1 tháng).

- Tháng 1/2016 – 31/12/2016: tôi đăng ký tại bệnh viện E

- Tháng 1/2017 – 31/12/2017: tôi đăng ký tại bệnh viện E

Như vậy thẻ tôi đã đủ 5 năm liên tục chưa?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, thì “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng

Trường hợp của bạn nếu chứng minh được chỉ gián đoạn tham gia từ 01/4/2017 đến 24/6/2017 là chưa quá 3 tháng. Như vậy, thời gian đóng BHYT trước đó vẫn được tính vào thời gian tham gia BHYT liên tục và thẻ BHYT mới của bạn được ghi giá trị sử dụng tính từ ngày đóng tiền (trên biên lai thu tiền). Trường hợp cơ quan BHXH sơ xuất cập nhật thiếu thông tin và cấp thẻ ghi thông tin chưa chính xác, bạn có thể liên hệ trực tiếp hoặc thông qua đơn vị (hoặc đại lý thu) nơi bạn đăng ký tham gia, để kê khai và cung cấp thêm thông tin cho cơ quan BHXH nơi  cấp thẻ xác minh, điều chỉnh dữ liệu và đổi thẻ BHYT mới.

Câu 50: Bạn đọc từ mail thuat077@gmail.com hỏi:

Tôi tên là Nguyễn Quý Thuật sinh tháng 02/1961, đi bộ đội tháng 4/1979 đến tháng 12/1986 do giảm biên chế tôi được phục viên về làm bí thư chi Đoàn thôn. Đến tháng 3/1988 tôi chuyển sang làm Trưởng Đài truyền thanh xã cho đến tháng 4/2017 do tinh giảm cán bộ theo quyết định số 31/2016 của UBND tỉnh Hưng Yên mà tôi bị UBND xã cho thôi việc.

Thời gian trong quân đội tính theo hồ sơ đã quy đổi là 10 năm. Được thưởng 01 Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba, 01 bằng khen của Sư đoàn, 01 bằng khen của Trung đoàn, với quân hàm sỹ quan Trung úy. Bằng tốt nghiệp văn hóa 10/10, 01 bằng trung cấp khoa vô tuyến điện tử, huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát thanh Việt Nam do ông Vũ Văn Hiền ký tháng 10/2007 cho Trưởng Đài truyền thanh xã. Như vậy thời gian tôi làm Trưởng Đài  truyền thanh xã tổng cộng là 29 năm 01 tháng, nếu cộng thêm những năm phục vụ trong quân đội thì tôi được 39 năm 01 tháng. Đến tháng 5/2017 tôi nộp tiền là 1162000 cho BHXH năm 2016 tại bộ phận một cửa của UBND xã và lĩnh sổ BHXH về với sổ sổ là 3316008194. Thưa cơ quan BHXH, tôi muốn hỏi từ năm 2017 trở về sau cho đến khi tôi nghỉ hưu thì có phải đóng tiền BHXH nữa không, và nếu phải đóng thì phải đóng thêm bao nhiêu nữa. Và nếu vậy khi nghỉ hưu thì tôi được hưởng bao nhiêu? Rất cảm ơn quý cơ quan.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì khi người lao động đã có thời gian đóng BHXH, việc giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động căn cứ vào giới tính, tuổi đời, tổng thời gian đóng BHXH, chức danh nghề, công việc, nơi làm việc, tiền lương tháng đóng BHXH được ghi nhận tại sổ BHXH. Nội dung hỏi của Ông chưa có đủ thông tin về thời gian đóng BHXH, tiền lương đóng BHXH theo hồ sơ cụ thể của Ông được ghi nhận trên sổ BHXH nên BHXH Việt Nam chưa có căn cứ để trả lời.

Để được giải đáp cụ thể về việc tham gia BHXH và quyền lợi hưởng BHXH, đề nghị Ông cung cấp hồ sơ, liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để đối chiếu thông tin của Ông tại sổ BHXH làm căn cứ trả lời Ông.

Câu 49: Bạn đọc từ địa chỉ email maihuyen6594@gmail.com hỏi:

Em đóng BHXH từ tháng 4/2017, cuối tháng 12.2017 em xin công ty nghỉ sinh và xin nghỉ việc luôn. Công ty sẽ báo nghỉ hẳn chứ không báo nghỉ thai sản. Ngày dự sinh của em là 08/02/2018 thì em có được hưởng chế độ thai sản không? Vừa lúc đó thẻ BHYT hết hạn vào 31/12/2017 thì BHYT có sử dụng khi em đi sinh ở bệnh viện không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp của Bạn, nếu sinh con vào ngày 08/02/2018 thì trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con của Bạn (được xác định từ tháng 02/2017 đến tháng 01/2018), nếu Bạn đã đóng BHXH liên tục từ tháng 4/2017 đến tháng 12/2017, Bạn có 9 tháng đóng BHXH nên Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Thẻ BHYT của Bạn hết hạn vào ngày 31/12/2017 thì không có giá trị sử dụng khi Bạn đi khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày 01/01/2018.

Câu 48: Bạn đọc từ mail vinhphuc1953@gmail.com hỏi:

Tôi có thời gian công tác từ năm 1952 đến năm 1984 là 32 năm và được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Thuận Hải có kết luận với tỷ lệ mất sức lao động 65% và được nghỉ hưởng chế độ BHXH từ năm 1984. Từ đó đến nay (1984-2017) tôi chưa được cơ quan chức năng nào ban hành quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ BHXH và tôi chưa nhận được chế độ thôi việc.

Hỏi: Nay Tôi 77 tuổi (đủ điều kiện nghỉ hưu lúc 55 tuổi – 1995) và như vậy tôi có được sử dụng Biên bản trên để được nghỉ hưu không và thủ tục, hồ sơ như thế nào. Tôi phải liên hệ với cơ quan nào để được giải quyết?

Trân trọng cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp của Ông nghỉ việc từ năm 1984 nhưng đến nay chưa được giải quyết hưởng chế độ BHXH, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH. Để được xem xét trả lời về chế độ BHXH đối với Ông, đề nghị Ông cung cấp hồ sơ gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nơi Ông cư trú để được xem xét trả lời. 

Câu 47: Bạn đọc từ mail hongchau751@gmail.com hỏi:

Em nghỉ thai sản từ 08/01/2018 đến 08/06/2018 thì em đi dạy lại, nhưng mà dự sanh là 5/3/2018, vậy tháng 1,2 này bảo hiểm có truy lương lại cho em ko? Hay bảo hiểm tính 6 tháng từ khi em nộp giấy bệnh viện vào. Tức là từ tháng 3 trở đi. Vậy tháng 1,2 này ai sẽ trả lương cho em.

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 34 và Khoản 2 Điều 39 Luật BHXH năm 2014:

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng;

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp Bà nghỉ thai sản từ ngày 08/01/2018, dự sinh ngày 05/3/2018 thì thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của Bà tính từ tháng 01/2018 đến tháng 6/2018.

Câu 46: Bạn đọc từ mail congtyluatdailong@dailonglaw.com hỏi:

Hiện nay nhân viên, công nhân ở nhiều công ty thường có thu nhập chủ yếu từ 2 khoản: Lương cứng và thưởng theo doanh số hoặc sản phẩm làm được hàng tháng. Vậy khoản thưởng theo doanh số hoặc sản phẩm làm được hàng tháng có phải là khoản phải đóng BHXH bắt buộc hay không?

 Ví dụ 1: Nhân viên kinh doanh của một công ty có khoản lương cứng là 5,000,000 đồng và khoản thưởng theo doanh số như sau: Nếu đạt doanh số bán hàng 70,000,000 đồng sẽ được thưởng 3% trên doanh số, nếu đạt doanh số bán hàng 80,000,000 đồng sẽ thưởng 4% trên doanh số, nếu đạt doanh số bán hàng 90,000,000 đồng sẽ thưởng 5% trên doanh số. Giả sử doanh số bán hàng của nhân viên Nguyễn Văn A trong tháng 01/2018 là 80,000,000 đồng thì tổng thu nhập của Nguyễn Văn A là:

Lương cứng 5,000,000 đồng + Thưởng (5% x 80,000,000 đồng) = 9,000,000 đồng

Hỏi: Khoản thưởng 5% x 80,000,000 đồng = 4,000,000 đồng có phải đóng BHXH bắt buộc hay không?

Ví dụ 2: Trưởng nhóm kinh doanh Nguyễn Văn B của một công ty quản lý 10 nhân viên kinh doanh. Lương cứng của trưởng nhóm kinh doanh là 10,000,000 đồng. Chỉ tiêu doanh số bán hàng tháng 01-2018 của trưởng nhóm Nguyễn Văn B là 1,000,000,000 đồng. Nếu Nguyễn Văn B đạt chỉ tiêu doanh số trên 70% thì sẽ được thưởng 5,000,000 đồng, đạt trên 80% thì sẽ được thưởng 7,000,000 đồng, đạt trên 90% thì sẽ được thưởng 9,000,000 đồng, đạt trên 100% thì sẽ được thưởng 11,000,000 đồng, đạt trên 110% thì sẽ được thưởng 13,000,000 đồng. Giả sử tháng 01-2018 Nguyễn Văn B đạt chỉ tiêu công ty giao là 110%. Tổng thu nhập của Nguyễn Văn B là:

Lương cứng 10,000,000 đồng + Thưởng đạt chỉ tiêu 13,000,000 đồng = 23,000,000 đồng

Hỏi: Khoản thưởng đạt chỉ tiêu 13,000,000 đồng có phải đóng BHXH bắt buộc hay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động, cụ thể:

- “Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận”.

- “Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ”.

- “Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương”.

Phụ cấp lương và các khoản bổ sung phải được ghi cụ thể và trả cố định hàng tháng. Vì vậy, trường hợp khoản tiền thưởng theo doanh số hoặc sản phẩm, nếu không cố định hàng tháng và được ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động thì không làm căn cứ để tính đóng BHXH.

Câu 45: Bạn đọc từ mail nhanhoang1503@gmail.com hỏi:

Em muốn hỏi từ ngày 01/01/2018 hợp đồng lao động thời vụ từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng có phải tham gia BHXH không ạ?

Theo như điểm b, khoản 1 và khoản 2 Điều 2 luật BHXH 2014 bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2018: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH.

Theo như quy định này  hợp đồng lao động theo mùa vụ (hợp đồng thời vụ) từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng có phải tham gia BHXH không ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012; Điểm b Khoản 1 và Khoản 3 Điều 2, Khoản 1 Điều 124 Luật BHXH năm 2014 thì từ ngày 01/01/2018 người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Câu 44: Bạn đọc từ mail minhhuek5@gmail.com hỏi:

Năm 2014 em có đóng bảo hiểm  ở 1 công ty quận Nam Từ Liêm sau đó em nghỉ ở đơn vị đó, họ đã chốt bảo hiểm cho em, nhưng giờ em làm mất tờ chốt bảo hiểm đó rồi thì làm sao có thể xin lại được?

Mong anh chị phản hồi giúp, công ty đó họ đã thay đổi cơ cấu nên giấy tờ thủ tục hơi khó ạ. Cảm ơn anh chị!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm 2.3, Khoản 2, Điều 46 của Quy trình thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định: “Cấp lại tờ rời sổ BHXH trong các trường hợp: mất, hỏng”. Trường hợp của Bạn mất tờ rời xác nhận sổ BHXH thì đến cơ quan BHXH nơi gần nhất để được cấp lại theo quy định tại Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 31 của Quy trình thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định: Người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH; Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH: nộp cho cơ quan BHXH”.

Câu 43: Bạn đọc từ mail phamthitan.89@gmail.com hỏi:

Em là Phạm Thị Tân, số CMND: 142515598, số sổ BHXH: 3012009288. Năm 2012 đóng BHXH tại công ty cũ được 1 tháng sau đó nghỉ việc em đã nhận lại sổ BHXH nhưng không biết là công ty cũ đã chốt chưa. Em làm tại công ty mới vẫn đóng theo mã số sổ này được 1 năm. Vào được tháng thì công ty mới yêu cầu nộp sổ em đã nộp, thời gian gần đây thì lại trả lại sổ là hỏi em là chốt sổ BHXH. Như vậy em muốn hỏi là nhận lại sổ là đã chốt sổ rồi hay chưa? Nếu chưa thì em cần làm gì để chốt sổ? Như thế nào thì biết là mình đã chốt sổ rồi ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định xác nhận tổng thời gian đã đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (chốt sổ BHXH) trên sổ BHXH là ghi quá trình đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH của người tham gia dừng đóng BHXH tại một đơn vị. Như vậy, khi nghỉ việc thì công ty cũ có trách nhiệm làm thủ tục xác nhận tổng thời gian đã đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH cho Bạn. Kiểm tra thông tin mã số BHXH 3012009288 trên phần mềm quản lý thì thời gian tham gia BHXH, BHTN năm 2012 của Bạn đã được cơ quan BHXH xác nhận tổng thời gian đã đóng ở đơn vị cũ. Việc  công ty mới trả sổ BHXH cho Bạn để quản lý thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 và Khoản 3, Điều 19 Luật BHXH số 58/2014/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 và quy định tại Công văn số 4027/BHXH-ST ngày 14/10/2016 của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn rà soát và bàn giao sổ BHXH cho người lao động.

Câu 42: Bạn đọc từ mail diucu1996@gmail.com hỏi:

Em tên là Cư Seo Diu, hộ khẩu gia đình em là người dân tộc Mông và hiện nay em cư trú ở xã Lủng cải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, hiện tại thì gia đình em đang tạm trú xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Vậy gia đình em có được cấp thẻ BHYT không. Và nếu được thì bên tỉnh Lào Cai sẽ cấp hây bên tỉnh Tuyên Quang cấp?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 và Khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT cho đối tượng quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều 1 Thông tư này theo hộ gia đình (bao gồm cả thường trú và tạm trú), gửi cơ quan BHXH. Căn cứ danh sách do UBND xã chuyển đến, cơ quan BHXH thực hiện cấp thẻ BHYT.

Trường hợp bạn hỏi, đề nghị Bạn liên hệ với  UBND xã nơi cư trú hoặc tạm trú để được hướng dẫn và làm thủ tục cấp thẻ BHYT gửi cơ quan BHXH.

Câu 41: Bạn đọc từ mail haianh.9293@gmail.com hỏi:

Hiện nay tôi đang đóng bảo hiểm tự nguyện được gần 10 năm rồi bây giờ tôi không có nhu cầu đóng tiếp thì tôi có thể rút được tiền về không? Chính sách hỗ trợ giải quyết cho tôi như thế nào? Thủ tục ra sao? Rất mong nhận được sự giải đáp từ quý đơn vị.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 Luật BHXH năm 2014 và Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội thì người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đủ điều kiện về tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH.

- Ra nước ngoài để định cư.

- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 56/2017/TT-BYT nêu trên.

- Sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Đề nghị Bạn đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình nếu đủ điều kiện nêu trên thì được hưởng BHXH một lần.

Về thủ tục hồ sơ hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 109 Luật BHXH năm 2014 bao gồm:

- Sổ BHXH.

- Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần.

- Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

+ Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;

+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

- Trường hợp người bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì có thêm trích sao hồ sơ bệnh án; trường hợp người bị mắc các bệnh khác ngoài các bệnh nêu trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên thì có thêm Biên bản giám định y khoa.

Các giấy tờ nêu trên phải thể hiện người lao động không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn. 

Câu 40: Bạn đọc từ mail quynhbhld14@gmail.com hỏi:

Tôi sinh con thiếu tháng, khi vào bệnh viện, tôi không mang theo thẻ BHYT. Hiện tôi đã xuất viện và tự thanh toán viện phí. Các hóa đơn viện phí đều có ghi thông tin của công ty tôi. Vậy, tôi có được thanh toán lại khoản viện phí không? Nếu được thì thủ tục thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Để cơ quan BHXH có cơ sở thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT thì trên hóa đơn viện phí phải thể hiện tên của người tham gia BHYT trùng với tên trên thẻ BHYT. Trường hợp trên hóa đơn viện phí ghi tên của công ty, không ghi tên bà, để có cơ sở thanh toán chi phí KCB BHYT, đề nghị bà đến cơ sở KCB kiểm tra trên hồ sơ bệnh án và điều chỉnh tên trên hóa đơn viện phí. Sau đó, mang các giấy tờ sau đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được thanh toán các chi phí KCB BHYT theo quy định. Thủ tục thanh toán như sau:

  • Giấy đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT;
  • Thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh;
  • Giấy ra viện;
  • Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan).

Câu 39: Bạn đọc từ mail diemthuy761002@gmail.com hỏi:

Hôm nay ngày 03/03/2018 tôi nhận được sổ BHXH do công ty phát, tôi thấy tỷ lệ đóng BHXH bị giảm xuống ở năm 2013 còn 20% thay vì là 24%, từ năm 2014 đến 2016 cũng giảm còn 22%, thay vì 26%. Và trong nội dung chốt sổ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng đã thay đổi thành HT, TT, ÔĐ, TS, TNLĐ, BNN. Vậy cho tôi hỏi mức trích BHXH và YT thay đổi thế nào, cho DN bao nhiêu % và NLĐ bao nhiêu % trong khi NLĐ vẫn đóng ở mức là 8%, vậy số tiền trước nay tôi đã đóng qua DN dưới hình thức trừ lương có được hoàn trả lại không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 91, Khoản 1 Điều 92, Khoản 1, Khoản 2 Điều 102 Luật BHXH năm 2006; Khoản 1 Điều 85, Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014; Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm; Khoản 1 Điều 3, Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN:

Từ tháng 01/2012 mức đóng vào quỹ BHXH, BHTN là 26% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, trong đó người lao động đóng BHXH là 8% bao gồm: 7% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 1% vào quỹ BHTN, người sử dụng lao động đóng 18%, bao gồm: 3% vào quỹ ốm đau, thai sản, 1% vào quỹ TNLĐ, BNN, 13% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 1% vào quỹ BHTN.

Từ tháng 01/2014, mức đóng vào quỹ BHXH là 28% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, trong đó người lao động đóng 9%, bao gồm: 8% vào quỹ hưu trí, tử tuất và 1% vào quỹ BHTN; người sử dụng lao động đóng 19%, bao gồm: 3% vào quỹ ốm đau, thai sản, 1% vào quỹ TNLĐ, BNN , 14 % vào quỹ hưu trí và tử tuất, 1% vào quỹ BHTN;

Từ ngày 01/6/2017 là 27,5%, , trong đó người lao động đóng 9%, bao gồm: 8% vào quỹ hưu trí, tử tuất và 1% vào quỹ BHTN; người sử dụng lao động đóng 18,5%, bao gồm: 3% vào quỹ ốm đau thai sản, 0,5% vào quỹ TNLĐ, BNN, 14% vào quỹ hưu trí tử tuất, 1% vào quỹ BHTN.

Vì vậy, việc ghi tỷ lệ đóng BHXH vào từng quỹ thành phần theo từng như thông tin Ông/Bà cung cấp là đúng quy định.

Câu 38: Bạn đọc từ mail minhducgdp@gmail.com hỏi:

Tôi sinh ngày 09/01/1965, đã có biên bản giám định y khoa từ tháng 01 năm 2018, được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể là 61%. Xin cho hỏi: Biên bản giám định y khoa có giá trị bao lâu? Đến năm 2020 tôi có thể xin về hưu trước tuổi do mất sức lao động hay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế về thời hạn giá trị Biên bản giám định y khoa thì Biên bản giám định y khoa có giá trị đến khi có Biên bản giám định liền kề sau đó với cùng nội dung và mục đích giám định.

Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp của Bạn đã có Biên bản giám định y khoa từ tháng 01/2018, được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể là 61%, đến năm 2020, nếu Bạn chưa thực hiện việc giám định lại thì Biên bản giám định y khoa từ tháng 01/2018 vẫn có giá trị để làm căn cứ giải quyết chế độ hưu trí đối với Bạn.

Câu 37: Bạn đọc từ mail phuongchau.tringuyen@gmail.com hỏi:

Cuối năm 2017 gia đình tôi đã mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tại Quy Nhơn Bình Định, qua năm 2018 tôi được ký hợp đồng chính thức tại công ty ở Hồ Chí Minh, và có báo đã có bảo hiểm tại quê. Không hiểu sao tôi lại được phát thêm 1 thẻ BHYT nữa, nhưng nơi khám lại là ở quê. Bên nhân sự nói tôi báo hủy thẻ ở quê và dùng thẻ công ty phát, nhưng nơi khám vẫn ở quê và thẻ ở quê tôi còn 4 năm nữa là đủ hạn 5 năm liên tục. Mong nhận được sự giúp đỡ từ mọi người. Cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT thì một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Vì vậy, nếu bạn đã tham gia BHYT theo hộ gia đình cuối năm 2017, đến năm 2018 lại được đóng BHYT ở công ty đang làm việc thì bạn sẽ tham gia BHYT theo đối tượng người lao động và được hoàn trả lại tiền đóng BHYT theo hộ gia đình tương ứng với thời gian tham gia BHYT mà công ty đã đóng cho bạn.

Câu 36: Bạn đọc từ mail damthanhxuan2012@gmail.com hỏi:

Tôi là Đàm Thanh Xuân, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ VHTTDL.

Thực hiện theo Luật BHXH năm 2014 thì người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên 3 tháng sẽ phải đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2018. Tổng cục TDTT trong năm 2018 đã thuê 20 chuyên gia nước ngoài huấn luyện cho các đội tuyển quốc gia tại 4 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Dự kiến sẽ tiếp tục thuê 5-10 chuyên gia nữa trong năm.

Vì vậy, việc thực hiện đóng BHXH hiện nay chúng tôi chưa nắm rõ và không biết phải thực hiện như thế nào. Anh/chị cho hỏi có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về việc BHXH cho người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam không ạ? 

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 2, Khoản 1 Điều 124 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 01/01/2018 người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề docơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Khi Chính phủ có quy định về việc tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động là người nước ngoài thì BHXH Việt Nam sẽ thông tin và hướng dẫn thực hiện chung.

Câu 35: Bạn đọc từ email vietnd2608@gmail.com hỏi:

Xin cho hỏi, tôi muốn được cấp thẻ BHYT như trên hình thì hạn sử dụng đến ngày tháng năm nào. Tôi đi khám thì bệnh viện nói là tôi phải đổi thẻ. Vậy, tôi có phải đổi thẻ không. Xin cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Ngày 8/8/2017 Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3340/BHXH-ST về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH  theo đó thời hạn sử dụng thẻ BHYT: chỉ in “Giá trị sử dụng: từ ngày.../.../....”. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT: khi tra cứu thông tin về thẻ BHYT của người tham gia trên Cổng thông tin giám định BHYT mà cơ sở dữ liệu không đầy đủ hoặc không đúng thì liên hệ với phòng/bộ phận giám định BHYT của cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng KCB BHYT để xác minh.Vì vậy, trường hợp của bạn không cần đổi thẻ BHYT mới. Nếu bệnh viện yêu cầu phải đổi thẻ, bạn có thể liên hệ với tổng đài của cơ quan BHXH: 1900636703 để được hỗ trợ đảm bảo quyền lợi KCB BHYT theo quy định pháp luật.

Câu 34: Bạn đọc từ mail hoangnn@pvps.vn hỏi:

Tôi đã tham gia BHYT và BHXH từ tháng 10/2010 đến nay, nhưng khi phát thẻ BHYT năm 2018 ghi thời điểm đủ 05 năm liên tục từ ngày 01/01/2021? Vậy có sai sót gì không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Để việc xác định thời gian tham gia BHYT liên tục đảm bảo chính xác,  BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 238/BHXH-CNTTT ngày 22/01/2018trong đó quy định “Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, rà soát dữ liệu thẻ BHYT, đảm bảo đúng, đủ thông tin về quá trình tham gia BHYT; Trường hợp phát hiện có sai sót thì thực hiện ngay việc đổi thẻ BHYT và phối hợp với Bưu điện, đơn vị quản lý đối tượng, đại lý thu để chuyển thẻ đến tận tay người tham gia BHYT; Thực hiện việc đổi thẻ BHYT ngay trong ngày làm việc khi đơn vị quản lý đối tượng hoặc người tham gia BHYT đến làm thủ tục cấp đổi thẻ BHYT do sai thông tin về thời gian tham gia BHYT”.

Trường hợp thẻ BHYT của bạn có ghi thời điểm đủ 5 năm liên tục chưa chính xác, do quá trình cập nhật thông tin của cơ quan BHXH chưa đảm bảo chính xác, kịp thời. Rất mong bạn thông cảm. Bạn có thể liên hệ trực tiếp hoặc thông qua đơn vị nơi bạn đăng ký tham gia, để kê khai và cung cấp thông tin cho cơ quan BHXH nơi  cấp thẻ kiểm tra, điều chỉnh dữ liệu và đổi thẻ BHYT mới.

Câu 33: Bạn đọc từ mail thamhuynhdl88@gmail.com hỏi:

Từ ngày 01/04/2013 tham gia BHXH tại doanh nghiệp, đến ngày 01/04/2017 nghỉ việc và trả lại thẻ BHYT. Vào tháng 06/2017 mua thẻ BHYT tự nguyện tại xã có giá trị sử dụng in trên thẻ là 24/06/2017, nhưng trong thẻ ghi thời hạn đủ 05 năm liên tục kể từ ngày 24/6/2017. Nghĩa là thẻ BHYT của tôi không được công thời gian liên tục 4 năm trước đó.

Tôi muốn Quý cơ quan giải thích rõ giúp tôi vấn đề vì sao thẻ của tôi không thể sửa đổi lại thời hạn đóng BHYT, vì tôi không thể để mất đi 4 năm tham gia BHYT mà không được tính.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, thì “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng

Trường hợp của bạn nếu chứng minh được chỉ gián đoạn tham gia từ 01/4/2017 đến 24/6/2017 là chưa quá 3 tháng. Như vậy, thời gian đóng BHYT trước đó vẫn được tính vào thời gian tham gia BHYT liên tục và thẻ BHYT mới của bạn được ghi giá trị sử dụng tính từ ngày đóng tiền (trên biên lai thu tiền). Trường hợp cơ quan BHXH sơ xuất cập nhật thiếu thông tin và cấp thẻ ghi thông tin chưa chính xác, bạn có thể liên hệ trực tiếp hoặc thông qua đơn vị (hoặc đại lý thu) nơi bạn đăng ký tham gia, để kê khai và cung cấp thêm thông tin cho cơ quan BHXH nơi  cấp thẻ xác minh, điều chỉnh dữ liệu và đổi thẻ BHYT mới.

Câu 32: Bạn đọc từ mail yenbt@bidv.com.vn hỏi:

Tôi là lao động nữ từ ngày 01/01/2018 được nghỉ hưu và hôm nay đọc báo thấy có thông tin đối với nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 nếu áp dụng chế độ hưu trí mới thì sẽ chịu nhiều thiệt thòi, có ý kiến đề nghị lùi chế độ lương hưu mới đối với nữ nhưng chờ Quốc hội thông qua. Giả sử khi Quốc hội thông qua nhất trí lùi cách tính lương mới cho nữ thì những người nghỉ đúng 01/01/2018 đã bị tính lương hưu theo chế độ mới rồi thì có được tính lại không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 56 và Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 quy định: Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi để đạt tỷ lệ hưởng tối đa là 75% thì phải có đủ 30 năm đóng BHXH; lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải có đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải có đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải có đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75%.

Từ ngày 01/01/2018 quy định nêu trên có hiệu lực thi hành và cơ quan BHXH đã tổ chức thực hiện đúng quy định hiện hành. Về nội dung Bạn hỏi hiện nay chưa có quy định khác nên cơ quan BHXH chưa có căn cứ trả lời.

Câu 31: Bạn đọc từ mail ledung286@gmail.com hỏi:

Năm 2014 em có làm cho công ty Giant-V và tham gia BHXH được 5 tháng (từ tháng 07/2014 đến tháng 11/2014) thì em xin nghỉ, và từ đó đến nay vẫn chưa rút sổ về. Vậy anh, chị vui lòng cho em hỏi là giờ em muốn rút sổ về có được không ạ? Em có được thanh toán chế độ BHXH một lần không ạ? Nếu được thì với mức lương năm 2014 là 2.889.000 đồng thì em được thanh toán bao nhiêu ạ? Em xin chân thành cảm ơn ạ!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 18 Luật BHXH năm 2006 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả sổ BHXH cho người lao động khi người lao động không còn làm việc.

Đối chiếu với quy định nêu trên, việc công ty Giant-V trước đây không trả sổ BHXH cho Bạn là chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đề nghị Bạn liên hệ với công ty để thực hiện các thủ tục trả sổ BHXH cho Bạn.

Theo quy định của pháp luật về BHXH thì khi người lao động đã có thời gian đóng BHXH, việc giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động căn cứ thời gian đóng BHXH được ghi nhận tại sổ BHXH và hồ sơ do người lao động cung cấp theo quy định. Đề nghị Bạn liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để cơ quan BHXH căn cứ vào hồ sơ của Bạn trả lời cụ thể.

Câu 30: Bạn đọc từ mail quynhtrang.pmb@gmail.com hỏi:

Tôi tên Lê Văn Bừng, sinh ngày 22/12/1965, giáo viên đã nghỉ việc tháng 11/2016, hiện đang bảo lưu số năm tham gia BHXH là 32 năm 02 tháng. Tháng 9 năm 2017 tôi giám định sức khỏe mất sức 63%. Xin hỏi năm 2017 tôi có đủ điều kiện hưởng lương hưu trước tuổi không ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 1, Điều 16 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên thì: “Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời theo bảng dưới đây:

Tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên quy định: “Thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu. Trường hợp tháng sinh là tháng 12 thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 01 của tháng 01 năm liền kề sau năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu”.

Đối chiếu điều kiện về tuổi đời nêu trên với trường hợp của Ông sinh ngày 22/12/1965, có 32 năm 02 tháng đóng BHXH, suy giảm khả năng lao động 63% thì thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu là ngày 01/01/2021.

Câu 29: Bạn đọc từ mail hung73ktm@gmail.com hỏi:

Anh tôi sinh năm 1973 đã tham gia BHXH bắt buộc tính đến hết tháng 3/2018 là tròn 20 năm, trong đó có 17 năm làm công việc nặng nhọc độc hại. Hiện nay sức khỏe yếu không đáp ứng được công việc nên Doanh nghiệp thông báo cho nghỉ việc từ tháng 4/2018. Hỏi anh tôi không đóng BHXH nữa mà chờ đến đủ 50 tuổi thì có được về hưu sơm không? Hay phải tham gia BHXH tự nguyện?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại  Khoản 1 Điều 55 Luật BHXH năm 2014, lao động nam khi nghỉ việc từ ngày 01/01/2018 trở đi có đủ từ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau đây:

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, nghỉ hưu trong năm 2018 phải đủ 53 tuổi, nghỉ hưu trong năm 2019 phải đủ 54 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2020 trở đi phải đủ 55 tuổi thì đủ điều kiện hưởng lương hưu trước tuổi.

+ Đủ 50 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp của anh bạn không có thông tin về việc suy giảm khả năng lao động và nghề nghiệp thực sự làm việc nên chưa đủ căn cứ trả lời cụ thể. Nếu anh bạn đủ 50 tuổi phải bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mới đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi. Sau khi nghỉ việc, nếu anh bạn có nguyện vọng thì có thể tham gia BHXH tự nguyện để sau này được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Câu 28: Bạn đọc từ mail Haivan1411@gmail.com hỏi:

Tôi đang làm việc tại Bắc Giang, cơ quan chính ở Bắc Ninh. Tôi tham gia BHXH ở huyện Yên Dũng - tỉnh Bắc Giang, nay tôi chuyển BHXH sang tỉnh Bắc Ninh từ tháng 2/2018. Vậy nếu tôi đi khám chữa bệnh ở Bắc Giang thì tôi có được hưởng quyền lợi của thẻ BHYT hay không? Tôi phải lấy thẻ BHYT ở cơ quan cũ hay cơ quan mới ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

- Ông được hưởng chế độ KCB BHYT đúng tuyến trong các trường hợp sau:

+ KCB tại nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu;

+ KCB tại cơ sở KCB tương đương với tuyến của cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

+ KCB BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện.

- Về việc cấp thẻ BHYT: Do ông chuyển công tác sang đơn vị mới nên ông sẽ được cơ quan mới làm thủ tục đóng BHYT. Vì vậy, đề nghị ông liên hệ với cơ quan mới để lấy thẻ BHYT.

Câu 27: Bạn đọc từ mail phuonghang0204@gmail.com hỏi:

Cho tôi hỏi, cha của bạn tôi đi làm tại tỉnh Đồng Nai, trong thời gian đi làm cha của bạn tôi phải vào viện cấp cứu và phải mổ vì đau tim, giờ cha của bạn tôi sức khỏe còn yếu và sắp phải mổ lần nữa, nhưng nơi khám chữa bệnh ban đầu của cha bạn tôi là ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Bạn tôi có đến bệnh viện Đầm Dơi xin giấy chuyển viện nhưng bênh viện nói phải là trực tiếp cha của bạn tôi đến xin giấy chuyển viện. Vậy cho tôi hỏi thủ tục như vậy có đúng không? Và nhờ tư vấn cho tôi cần phải làm thủ tục, giấy tờ gì để cha của bạn tôi kịp thời gian mổ.

Chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

- Trường hợp ông vào viện cấp cứu tại bệnh viện, tỉnh Đồng Nai thì được xác định là đúng tuyến KCB BHYT và phải xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân theo quy định trước khi ra viện.

- Trường hợp ông được bệnh viện hẹn mổ tiếp lần nữa thì không phải quay lại nơi đăng ký KCB ban đầu tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau để lấy Giấy chuyển viện. Khi đến mổ theo Giấy hẹn thì ông xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân và Giấy hẹn khám lại theo quy định.

Câu 26: Bạn đọc từ mail dangthithao.tb17@gmail.com hỏi:

Cho em/cháu hỏi khi hết hạn bảo hiểm y tế tại trường học, sau đó em/cháu muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế mà theo hộ gia đình thì làm thế nào ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Câu hỏi của bạn chưa rõ do vậy chúng tôi trả lời chung như sau:

1. Nếu bạn hết hạn thẻ BHYT nhưng vẫn đang học tại nhà trường thì không thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình.

2. Nếu bạn không còn học tại nhà trường thì bạn tới đại lý thu BHXH, BHYT gần nhất làm thủ tục để tham gia BHYT hộ gia đình như sau:

- Trường hợp bạn đã được cấp mã số BHXH thì cung cấp mã số BHXH, đóng tiền để nhận thẻ BHYT.

- Trường hợp bạn chưa có mã số BHXH thì điền thông tin vào tờ khai TK01 (ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-HXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam), đóng tiền để nhận thẻ BHYT. Người tham gia BHYT không phải trình hay nộp bất kỳ giấy tờ nào khác cho cơ quan BHXH.

Câu 25: Bạn đọc từ mail hoangthithuthao120192@gmail.com hỏi:

Tôi có một câu hỏi thắc mắc muốn gửi đến BHXH Việt Nam như sau:

Hiện tại, luật BHXH bắt buộc đóng BHXH cho người nước ngoài, nhưng vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về mức đóng, trách nhiệm đóng, hồ sơ thủ tục đóng như thế nào? và chế độ người nước ngoài được hưởng là những gì? Vậy nên đơn vị tôi vẫn chưa đóng được BHXH cho người nước ngoài. BHXH Việt Nam có thể hướng dẫn chi tiết quy trình và giải đáp những thắc mắc mà tôi vừa nêu trên được không?

Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 2, Khoản 1 Điều 124 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 01/01/2018 người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Khi Chính phủ có quy định về việc tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động là người nước ngoài thì BHXH Việt Nam sẽ thông tin và hướng dẫn thực hiện chung.

Câu 24: Bạn đọc từ mail tranhuynb92@gmail.com hỏi:

Kính thưa BHXH Việt Nam. Tôi đóng BHXH ở BHXH Huyện Nhơn Trạch Đồng Nai do công ty tôi ở trong đó, nhưng công ty có chi nhánh ngoài Hà Nội nên tôi sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng tôi lỡ đánh mất sổ BHXH, Công ty tôi có nói tôi phải vào BHXH Nhơn Trạch làm thủ tục cấp lại, nhưng tôi ở Hà Nội vào đó bất tiện và tốn thời gian. Tôi đã chốt sổ và đóng BHXH được 1 năm. Vậy tôi có thể xin cấp lại sổ mới ở ngoài Hà Nội được không, cần những thủ tục và giấy tờ gì.

Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 31 của Quy trình thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định: Người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH; Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH: nộp cho cơ quan BHXH”. Trường hợp của Bạn đã xác nhận sổ BHXH và đóng BHXH được 1 năm thì Bạn có thể xin cấp lại sổ BHXH ở tất cả các cơ quan BHXH (kể cả BHXH trên địa bàn Hà Nội). Thành phần hồ sơ cấp lại sổ BHXH gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

Đại diện Ban Thực hiện chính sách BHXH giao lưu với bạn đọc.

Câu 23: Bạn đọc từ mail buiduysang@gmail.com hỏi:

Tôi tên là Sáng hiện đang công tác tại VNPT. Tôi đã tham gia đóng bảo hiểm hơn 10 năm rồi. Tôi đóng bảo hiểm với tên là Bùi Duy Sáng. Cách đây 3 năm tôi đã đổi họ thành Nguyễn Duy Sáng. Vậy cho hỏi giờ tôi làm sao để thay đổi tên để đóng bảo hiểm cho đúng. Và 10 năm đóng bảo hiểm đó là sao để chuyển sang tên mới?. Cảm ơn anh( chị) đã đọc và giúp tôi.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 46 của Quy trình thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: “Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng”. Trường hợp của Bạn đã đổi họ thì phải cấp lại sổ BHXH, đề nghị Bạn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Quyết định số 595/QĐ-BHXH và nộp cho cơ quan BHXH để được xem xét giải quyết.

Câu 22: Bạn đọc từ mail nhukieu168@gmail.com hỏi:

Vui lòng cho em hỏi từ năm 2006 đến nay em chỉ làm có 1 công ty duy nhất là công ty Cổ phần Phú Khang. Từ đó đến nay công ty em không có thay đổi thông tin gì hết vẫn lấy tên công ty Cổ phần Phú Khang,chỉ là vào tháng 6/2011 công ty có dời địa điểm từ Quận 1 chuyển lên Quận 7, nên bắt buộc bảo hiểm phải chuyên địa điểm đăng ký từ Quận 1 sang Quận 7, ngoài ra không thay đổi thông tin gì.

Công ty đóng BHXH cho em từ T4/2006 đến nay. Nếu tính phải là 11 năm 7 tháng mới đúng.(Vì trong quá trình đóng bảo hiểm công ty em đóng đủ và đóng đúng hết, không có gián đoạn).

Em có những thắc mắc sau, xin anh chị vui lòng tư vấn giúp em:

1/ Emkhông hiểu sao trên thẻ BHYT của em lại ghi là “Thời điểm đủ 5 năm liên tục: từ 1/7/2016” (nghĩa là bảo hiểm chỉ tính cho em từ thời điểm từ Quận 7) (em không hề gián đoạn đóng BHXH). Vậy em đã bị thiệt thòi về phần BHYT?

2/ Hôm nay nhân sự công ty em đưa thông tin cho em đối chiếu để tiến hành hoàn trả sổ bảo hiểm cho em, thì trên thông tin đóng bảo hiểm cũng chỉ hiển thị thời gian đóng từ Tháng 7/2011.

Em thắc mắc thì nhân sự bảo là do chuyển địa chỉ nên phải chốt sổ bên Quận 1, giờ bảo hiểm chỉ hiển thị dữ liệu của Quận 7.

- Vậy anh chị cho em hỏi bảo hiểm hiển thị như vậy thì sau này khi em hưởng BHXH, BH thất nghiệp thì em có được hưởng trọn không? Phần bên Q1 em chưa nhận bất kì bảo hiểm nào thì có bị mất không? Em sẽ được hưởng là từ T4/2006 đến nay hay chỉ được tính theo thông tin mà BH hiển thị mới nhất?

Trong khi chờ đợi sự trả lời của anh /chị, em xin chân thành được cám ơn anh/chị.

Trân trọng kính chào!

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Để việc xác định thời gian tham gia BHYT liên tục đảm bảo chính xác,  BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 238/BHXH-CNTTT ngày 22/01/2018 trong đó quy định “Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, rà soát dữ liệu thẻ BHYT, đảm bảo đúng, đủ thông tin về quá trình tham gia BHYT; Trường hợp phát hiện có sai sót thì thực hiện ngay việc đổi thẻ BHYT và phối hợp với Bưu điện, đơn vị quản lý đối tượng, đại lý thu để chuyển thẻ đến tận tay người tham gia BHYT; Thực hiện việc đổi thẻ BHYT ngay trong ngày làm việc khi đơn vị quản lý đối tượng hoặc người tham gia BHYT đến làm thủ tục cấp đổi thẻ BHYT do sai thông tin về thời gian tham gia BHYT”.

Trường hợp thẻ BHYT của bạn có ghi thời điểm đủ 5 năm liên tục chưa chính xác, do quá trình cập nhật thông tin của cơ quan BHXH nơi chuyển đến chưa đảm bảo chính xác, kịp thời. Rất mong bạn thông cảm. Bạn có thể liên hệ trực tiếp hoặc thông qua Công ty nơi bạn làm việc, để kê khai và cung cấp thông tin cho cơ quan BHXH nơi  cấp thẻ kiểm tra, điều chỉnh dữ liệu và đổi thẻ BHYT mới .

2. Trường hợp của Bạn đã tham gia BHXH từ tháng 4/2006 đến nay và chưa hưởng bất kỳ chế độ BHXH nào thì tất cả các chế độ BHXH không bị mất đi và vẫn được ghi nhận từ tháng 4/2006 đến nay. Hiện nay, sau khi kiểm tra trên phần mềm quản lý thì quá trình tham gia BHXH của Bạn đã được cập nhật đầy đủ. Vì vậy, Bạn đề nghị BHXH Quận 7 in đầy đủ quá trình công tác từ tháng 4/2006 đến nay trên Phiếu đối chiếu quá trình đóng BHXH (Mẫu số 03) để thực hiện và rà soát quá trình công tác.

Câu 21: Bạn đọc từ địa chỉ email Hang.VoThiThu@vietinbank.vn hỏi:

Tôi tham gia BHXH từ tháng 3/2011 đến hết tháng 5/2017, sau đó từ 01/6/2017 Tôi xin nghỉ không lương đến hết ngày 30/11/2017 (6 tháng). Đến ngày 01/12/2017 Tôi tiếp tục công tác và đóng BHXH đến nay. Trong thời gian nghỉ không lương thì tôi có thai, ngày dự sinh 08/4/2018. Nay do bác sỹ khám thấy cần thiết phải nghỉ làm để dưỡng thai đến lúc sinh con (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định). Vậy xin hỏi khi tôi sinh con tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu được tôi phải có những giấy tờ thủ tục gì?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp của Bạn, nếu tại thời điểm tháng 4/2018 Bạn sinh con, thì thời gian 12 tháng trước khi sinh của Bạn được xác đinh là khoảng thời gian từ 4/2017 đến tháng 3/2018. Do Bạn không nêu rõ Bạn tham gia BHXH đến thời điểm nào nên BHXH Việt Nam chưa có đủ căn cứ để trả lời cụ thể. Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, Bạn có đủ điều kiện thì Bạn nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động để chuyển cho cơ quan BHXH xem xét, giải quyết; hồ sơ gồm: Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con; Trường hợp khi mang thai phải nghỉ dưỡng thai quy định tại Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH thì có thêm Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai (theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế; từ ngày 01/3/2018 thực hiện theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế).

Câu 20: Bạn đọc từ mail phamthuc2471@gmail.com hỏi:

Tôi có câu thắc mắc mong được giải đáp. Tôi có quyết định nghỉ hưu từ ngày 17/12/2017, như vậy quyền lợi chế độ nghỉ hưu tôi được hưởng là theo quyết định mới vừa ra ngày 01/01/2018 của Nhà nước hay vẫn áp dụng quyết định trước đây từ năm 2017 trở về trước ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật BHXH năm 2014 thì: “Đối với người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật”.

Tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên quy định: “Thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu. Trường hợp tháng sinh là tháng 12 thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 01 của tháng 01 năm liền kề sau năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu”.

Nội dung hỏi của Bạn chưa có đủ thông tin nêu trên về ngày tháng năm sinh nên BHXH Việt Nam chưa có căn cứ để trả lời. Trường hợp thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu của Bạn từ ngày 01/01/2018 trở đi thì chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định kể từ ngày 01/01/2018 trở đi.

Câu 19: Bạn đọc từ mail hopnguyenmolisa@gmail.com hỏi:

Trường hợp của tôi đã đóng BHXH tại công ty cũ được 01 năm. Thời gian làm việc và vẫn đóng BHXH tại đây đến tháng 03/2017. Sau đó tôi xin nghỉ việc và làm tại công ty hiện tại, tiếp tục đóng BHXH tại công ty mới từ tháng 04/2017. Nay nếu tôi phải nghỉ việc và nếu chưa tìm được việc làm thì có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không? 

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 49, Luật Việc làm thì : “Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.”

Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp ở đơn vị cũ nếu chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được cộng dồn với thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp ở đơn vị mới để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp lần này. Đề nghị Bạn đối chiếu với quy định nêu trên để biết hoặc đến cơ quan BHXH nơi cư trú, căn cứ theo hồ sơ để được trả lời cụ thể.

Câu 18: Bạn đọc từ mail nguyen.quyen@rhythmvn.com hỏi:

Trường hợp người lao động nghỉ không lương trên 14 ngày trong tháng. Tháng nghỉ đó đã không phải đóng các loại BHXH, BHYT, BHTNLĐ- BNN, BH thất nghiệp.

Vậy người lao động có bị truy thu tiền phạt thẻ BHYT của tháng đó không?

Em được biết khi NLĐ nghỉ không lương công ty báo giảm nghỉ không lương thì thẻ BHYT đã bị cắt bởi cơ quan BH nên khi NLĐ đi KCB sẽ không sử dụng được.

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Khoản 3, Điều 85 Luật BHXH 2014; Khoản 2, Điều 3 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Khoản 2, Điều 58 Luật Việc làm thì trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Tiết a Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 50 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định trường hợp đơn vị  lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.

Câu 16: Bạn đọc từ mail ketoanlequyen@gmail.com hỏi:

Công ty em làm bên xây dựng chuyên về nhân công, vậy cho em hỏi mức đóng BHXH cho công nhân như thế nào? Nếu tháng công nhân không làm việc thì không phải đóng BHXH đúng không vì họ không có thu nhập. Quy định mức lương ngày nhưng nếu họ làm ít ngày mà thu nhập chỉ vài trăm đến một triệu thì đóng theo thực tế phát sinh phải không? Em mong sớm nhận được tư vấn của quý cơ quan. Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Căn cứ quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, tổng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN hiện nay là 32% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; trong đó: Công ty (đơn vị sử dụng lao động) đóng bằng 21,5%, người lao động đóng bằng 10,5%.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ,BNN theo quy định của pháp luật về lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

2. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 85, Khoản 4 Điều 86 Luật BHXH năm 2014, người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người lao động và người sử dụng lao động (doanh nghiệp) không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đề nghị bà Quyên đối chiếu các quy định nêu trên để biết và thực hiện theo quy định.

Câu 15: Bạn đọc từ mail thiduchung@gmail.com hỏi:

Sổ BHXH của tôi được đăng ký lần đầu tại công ty thuộc địa bàn quận Tân Bình. Sau đó tôi nộp sang làm tại công ty tại quận 1. Khi tôi nghỉ thì hiện công ty tại quận 1 đã làm thất lạc sổ BHXH của tôi. Bên công ty đã tiền hành làm thủ tục cấp lại nhưng họ báo là bên BHXH quận 1 không tìm thấy quá trình đóng bảo hiểm của tôi, nhưng tôi tra cứu số BHXH vẫn ra thông tin của mình và không tra cứu được thông tin quá trình đóng. Hiện bên phía công ty vẫn đang cố tìm thông tin để làm lại sổ cho tôi. Trường hợp xấu nhất, có phải tôi sẽ phải làm sổ mới và mất tất cả quá trình đã đóng BHXH trước đây. Mong nhận được sự hổ trợ thông tin từ phía cơ quan. Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Do Bạn không cung cấp thông tin nên cơ quan BHXH không kiểm tra được quá trình đóng BHXH, BHTN cho Bạn. Hiện nay, cơ quan BHXH đã cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin của người tham gia BHXH, tra cứu mã số BHXH, mã hộ gia đình trên cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://baohiemxahoi.gov.vn và thực hiện các bước sau: Tra cứu trực tuyến/Tra cứu quá trình tham gia BHXH/Điền đầy đủ thông tin của mình/Tra cứu.

Câu 14: Bạn đọc từ mail vocaoduc2255@gmail.com hỏi:

Tôi vừa là cán bộ hưu trí, vừa là thương binh. Xin hỏi, vậy tôi được hưởng ở mức BHYT là bao nhiêu và trên thẻ BHYT thể hiện ký hiệu bằng chữ gì và số mấy?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Quyết định số 1351/QĐ-BHXH ngày 16/11/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành mã số ghi trên thẻ BHYT thì mã thẻ gồm 15 ký tự, chia làm 04 ô. Trong đó: 02 ký tự ô đầu tiên là mã đối tượng; 01 ký tự ô thứ 2 theo là mã quyền lợi; 02 ký tự ô thứ 3 là mã tỉnh nơi cấp thẻ; 10 ký tự ô cuối cùng là mã số BHXH (mã số không thay đổi trong suốt quá trình tham gia BHYT).

Trường hợp của bạn là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, nếu đồng thời bạn là người có công với cách mạng (do thông tin bạn nêu chưa rõ thương binh tỷ lệ thương tật bao nhiêu%). Vì vậy, mã thẻ của bạn như sau: ô mã thẻ đầu tiên được ký hiệu theo đối tượng hưu trí (là đối tượng đóng được xác định đầu tiên theo thứ tự các đối tượng quy định tại Điều 12 sửa đổi của Luật BHYT); ô thứ 2 ghi theo quyền của đối tượng có mức hưởng cao nhất. Nếu bạn chưa chứng minh được là người có công với cách mạng, mã quyền lợi ký hiệu là số 3 (quyền lợi đối tượng hưu trí), được quỹ BHYT thanh toán 95% thuộc phạm vi chi trả BHYT. Trường hợp chứng minh được là người có công với cách mạng, còn tùy thuộc vào tỷ lệ thương tật, nếu thương tật thấp hơn 81% mã quyền lợi ký hiệu là số 2 (được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí thuộc phạm vi chi trả BHYT), nếu thương tật trên 81% mã quyền lợi ký hiệu là số 1 (được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí thuộc phạm vi chi trả BHYT và không giới hạn tỷ lệ thanh toán một số loại thuốc, vật tư...).

Câu 13: Bạn đọc từ mail nguyenhai0302@gmail.com hỏi:

Tôi muốn hỏi cơ quan BHXH vấn đề, người lao động khi đổi thẻ căn cước công dân thì số CMND cũng thay đổi. Vậy có cần làm thủ tục đổi số BHXH theo số căn cước mới không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 46 của Quy trình thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: “Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng”. Trường hợp của Bạn thay đổi số chứng minh nhân dân đã ghi trên sổ BHXH bằng số thẻ căn cước công dân nên không phải cấp lại sổ BHXH. Để hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc hưởng các chế độ BHXH sau này, đề nghị Bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cho cơ quan BHXH để thực hiện điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu.

Câu 12: Bạn đọc từ mail doanhanhkhhy@gmail.com hỏi:

Công ty em có sử dụng lao động là người nước ngoài và có tham gia BHXH cho người nước ngoài từ ngày 01/01/2018. Vậy khi người lao động nước ngoài hết HĐLĐ về nước sở tại có được rút BHXH 1 lần hoặc chuyển quá trình đóng BHXH tại Việt Nam về nước sở tại hay không? Nếu di chuyển hoặc rút một lần thì cần những giấy tờ thủ tục như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ từ ngày 01/01/2018. Hiện nay Chính phủ chưa quy định cụ thể về việc tham gia BHXH và thủ tục giải quyết hưởng các chế độ của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nên cơ quan BHXH chưa có căn cứ trả lời Bạn.

Câu 11: Bạn đọc từ địa chỉ email: vuphan.171194@gmail.com hỏi:

Em bị công ty cho nghỉ việc một tuần nhưng trong lúc ra về em bị tai nạn nặng trong công ty…Vậy em có được hưởng chế độ nghỉ ốm không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Điểm b, c Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên quy định không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau: Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Do câu hỏi của Bạn nêu không đủ căn cứ để xác định vụ tai nạn của Bạn có phải là tai nạn lao động hay không; Công ty cho Bạn nghỉ việc một tuần theo hình thức nào nên BHXH Việt Nam không đủ căn cứ để trả lời cụ thể đối với Bạn. Đề nghị Bạn đối chiếu với các quy định nêu trên để xem xét quyền lợi cụ thể trong trường hợp của Bạn.

 Câu 10: Bạn đọc từ email: phamkhanhhao10591@gmail.com hỏi:

Vợ em làm việc cho công ty nước ngoài, đóng bảo hiểm từ tháng 12/2016, tháng 8 vợ em sinh em bé, công ty đóng bảo hiểm hết tháng 8 cho vợ em (công ty làm sai) công ty lúc này đã giải thể. Em mang hồ sơ làm thai sản lên BHXH của huyện thì mấy anh chị nói hồ sơ vợ em không hợp lệ và trả lại hồ sơ. Em nghĩ sau này vợ em sinh em bé nữa mà đóng bảo hiểm thì chắc hồ sơ sẽ chẳng bao giờ hợp lệ cả vì 01 tháng nghỉ mà công ty đó vẫn đóng BHXH cho vợ em. Vậy em phải làm sao, đi làm công nhân đã vất vả, đóng bảo hiểm đầy đủ, chỉ mong khi sinh em bé được hưởng chế độ để có tiền nuôi con cũng không có. Rất mong sự giúp đỡ của các anh chị mong được sự phản hồi ạ.

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Điều 101 Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con là: Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con.

Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 quy định:  Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Do câu hỏi của Bạn không nêu rõ vợ Bạn có đóng BHXH liên tục hay không; Thời điểm Công ty giải thể (trước hay sau thời điểm vợ Bạn sinh con?); Vợ của Bạn sinh con vào ngày nào trong tháng 8? Bạn đã nộp hồ sơ gồm những giấy tờ gì cho cơ quan BHXH nên BHXH Việt Nam không có đủ căn cứ để trả lời cụ thể. Nếu vợ Bạn sinh con vào tháng 8/2017 và đã đóng BHXH liên tục từ tháng 12/2016 đến tháng 7/2017, trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con (từ tháng 8/2016 đến tháng 7/2017) vợ Bạn có 8 tháng đóng BHXH thì vợ Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Đề nghị Bạn đối chiếu với các quy định nêu trên để xem xét quyền lợi cụ thể trong trường hợp của vợ Bạn.

Câu 9: Bạn đọc từ mail pennysumi03@gmail.com hỏi:

Cho em hỏi hiện nay báo tăng mới người lao động trên phần mềm TS24 thì có cần khai mã hộ gia đình không? Nếu không khai thì hồ sơ có hợp lệ không? Trường hợp tra cứu người lao động chưa có mã hộ GĐ thì phải làm sao?

Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy trình thu BHXH, BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, quy định đối với trường hợp báo tăng mới người lao động phải có thông tin mã số BHXH của người tham gia, không yêu cầu bắt buộc khai mã hộ gia đình.

Đối với trường hợp người tham gia đã được cấp mã số BHXH thì đơn vị ghi mã số BHXH vào các mẫu biểu tương ứng. Trường hợp người tham gia chưa được cấp mã số BHXH (kể cả trường hợp người tham gia không nhớ mã số BHXH), đơn vị phối hợp cơ quan BHXH hoặc Bưu điện Văn hóa xã để cấp mã số BHXH, mã hộ gia đình.

Cơ quan BHXH hỗ trợ đơn vị, người tham gia tra cứu mã số BHXH, mã hộ gia đình tại địa chỉ: http://baohiemxahoi.gov.vn.

Câu 8: Bạn đọc từ mail tuongvinh90@gmail.com hỏi:

Em hiện là nhân sự khối doanh nghiệp và cũng mới tiếp nhận công việc từ nhân sự cũ. Em có một thắc mắc muốn được cơ quan BHXH giải đáp để giải quyết cho người lao động.

Tháng 4/2017, bên doanh nghiệp có điều chỉnh mức đóng BHXH cho 5 người lao động lí do thăng chức. Doanh nghiệp đã khai báo lên trên phần mềm, Cổng Thông tin bảo hiểm đã báo nhận được, nhưng thông thường doanh nghiệp làm việc với chuyên quản, những lệnh không hợp lệ sẽ được thông báo lại và hướng dẫn điều chỉnh, doanh nghiệp không nhận được thông báo nào từ chuyên quản cũng như Cổng Thông tin là không hợp lệ. Khi gửi báo cáo kết quả đóng bảo hiểm về thì nhân sự cũ không để ý mail ở mục Spam, nên đã không thấy để ý đối chiếu, cứ nghĩ chuyên quản không gửi có đòi nhưng chuyên quản nói 1 quý gửi 1 lần. Hiện tại doanh nghiệp chỉ nhận được kết quả đóng của 4 tháng từ đầu năm đến giờ nhưng không liên tục, rất khó khăn cho nhân sự mới vào như em để đối chiếu. Tháng 11 có 1 người nghỉ thai sản, Doanh nghiệp đã tự tra kết quả quá trình đóng để yên tâm giảm thai sản đúng thì phát hiện mức đóng của chị vẫn như cũ, và cả 4 người còn lại vẫn chưa được điều chỉnh, doanh nghiệp có hỏi chuyên quản thì được chuyên quản nói lệnh Tháng 4 đó không hợp lệ, do tăng quá nhiều phải có kèm quyết định, yêu cầu doanh nghiệp ghi công văn giải trình, lập lệnh tháng 11 điều chỉnh từ tháng 4, bổ sung quyết định bổ nhiệm của 5 người bên trên rồi sau đó giảm thai sản. 

Cho Doanh nghiệp hỏi trong trường hợp doanh nghiệp làm hồ sơ thì có được giải quyết kịp để điều chỉnh và trong tháng này giảm thai sản không kịp thì tháng sau có được truy giảm thai sản, và doanh nghiệp rất mong được hướng dẫn đầy đủ hồ sơ cần làm để doanh nghiệp làm mà không mất thời gian bổ sung nhiều lần do sai sót hồ sơ, chờ đợi ảnh hưởng đến việc không điều chỉnh thai sản kịp, làm ảnh hưởng quyền lợi cho người lao động. Rất mong bên bảo hiểm hỗ trợ giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp. Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, Điều 10, Điều 13 Quyết định 838/QĐ-BHXH ngày 29/5/2017 ban hành Quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN thì đơn vị nhập thông tin của người lao động từ các Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS),  lập danh sách người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm TNLĐ, BNN (mẫu D02-TS), Bảng kê thông tin (mẫu D01-TS) vào phần mềm kê khai của BHXH Việt Nam và  nhận thông báo xác nhận nộp hồ sơ điện tử. Cơ quan BHXH sau khi tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra đối chiếu, nếu đơn vị khai đúng, đủ sẽ giải quyết và trả kết quả cho đơn vị; nếu chưa đúng, chưa đủ sẽ trả lại hồ sơ và thông báo đến địa chỉ thư điện tử đã đăng ký của đơn vị. Trường hợp tháng 4/2017 doanh nghiệp có làm thủ tục kê khai điều chỉnh mức đóng BHXH (điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH) qua mạng, nhưng vì lý do nào đó, cơ quan BHXH không nhận được thì nay doanh nghiệp có thể kê khai lại hồ sơ báo điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với 05 người trước, sau đó báo dừng đóng BHXH đối với 01 lao động do nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH và được tính là thời gian đã đóng BHXH) để đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người lao động. Còn nếu đơn vị đã gửi kê khai mà cơ quan BHXH chưa điều chỉnh thì cơ quan BHXH có trách nhiệm điều chỉnh lại.

Thành phần hồ sơ đề nghị điều chỉnh mức đóng BHXH cho người lao động theo hướng dẫn tại Điều 23 nêu trên, trường hợp cơ quan BHXH yêu cầu đơn vị cung cấp quyết định bổ nhiệm là không đúng quy định.

Đại diện Ban Thu tham gia giao lưu cùng bạn đọc

 Câu 7: Bạn đọc từ mail nguyenthibichhongpy@gmail.com hỏi:

Tôi tên: Nguyễn Thị Bích Hồng. Tổng công ty tôi làm trong TP.HCM có chi nhánh phụ thuộc ở Phú Yên. Tháng 09/2017 có thay đổi giám đốc chi nhánh và địa điểm Chi nhánh. Vậy cho hỏi tôi phải làm thủ tục gì để thay đổi Giám đốc và thay đổi địa điểm Chi nhánh với cơ quan BHXH, trong khi Giám đốc Chi nhánh mới phải thử việc 2 tháng kể từ ngày 20/09/2017, Giám đốc cũ hạ chức xuống làm Phó Giám đốc Chi nhánh. 

Cảm ơn Anh/Chị!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Điều 23 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN, đối với thay đổi giám đốc, và địa điểm của Chi nhánh thì:

- Trường hợp Giám đốc Chi nhánh (cũ) đang tham gia BHXH nay giữ chức Phó Giám đốc Chi nhánh (gọi chung là người lao động) thì người lao động lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS), kê khai đủ các nội dung [01], [09] và [15], trong đó nội dung [15] kê khai là điều chỉnh chức danh Phó Giám đốc Chi nhánh kể từ tháng … năm…. gửi doanh nghiệp để tổng hợp chung gửi cơ quan BHXH. Đối với lao động mới giữ chức danh Giám đốc thì sau 2 tháng thử việc mà ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thì người lao động lập tờ khai tham gia theo mẫu TK1-TS từ thời điểm ký hết hợp đồng.

- Trường hợp Chi nhánh thay đổi địa điểm thì lập Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh BHXH, BHYT (mẫu TK3-TS) ghi điều chỉnh địa điểm chi nhánh gửi cơ quan BHXH, cùng với Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS) do thay đổi mức đóng (nếu có, đối với trường hợp thay đổi tiền lương làm căn cứ đóng do thay đổi vùng).

Câu 6: Bạn đọc từ mail luongthihien.9871@gmail.com hỏi:

Em muốn hỏi, trường hợp của em lúc em mang thai em làm việc tại nhà, có nhờ anh trai đóng bảo hiểm giúp, sinh con xong em không đóng nữa. Giờ em đi làm ở công ty được 2 tháng công ty có đóng BHXH cho em, em không biết bảo hiểm cũ còn hạn khi anh trai em nói em mới biết. Nên em đã đóng sổ mới giờ em muốn nối sổ có được không ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 46 của Quy trình thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN); quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: “Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới”. Trường hợp của Bạn có 2 sổ BHXH ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau, đề nghị Bạn mang 2 sổ BHXH đến cơ quan BHXH để được hướng dẫn thủ tục gộp sổ BHXH.

Câu 5: Bạn đọc từ mail pctgiaothuy@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH, BHYT từ năm 2012. Đến ngày 01/07/2017 do UBND huyện không còn nhu cầu ký hợp đồng với chúng tôi. Vì vậy, từ ngày 01/7/2017 chúng tôi không đóng BHXH, BHYT bắt buộc nữa. Đến nay tôi muốn mua BHYT tự nguyện thì thời gian ghi trên thẻ BHYT của tôi có được tính từ ngày tôi tham gia BHXH bắt buộc hay không? Xin cảm ơn

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 10, Điều 1 Luật số 46/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/06/2014 thì “Đối tượng quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 12 của Luật này tham gia bảo hiểm y tế từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế”.

Trường hợp của bạn đã ngừng tham gia BHYT từ ngày 01/7/2017 đến nay đã quá 03 tháng, vì vậy thẻ BHYT có giá trị sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền.

Câu 4: Bạn đọc từ mail dunganhnga@yahoo.com hỏi:

Tôi vừa được được cấp thẻ BHYT năm 2018. Đến ngày 01/02/2018 tôi nghỉ hưu theo chế độ. Như vậy, tôi có phải thực hiện đổi thẻ BHYT từ CC sang HT không? Xin cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Điểm 2 Khoản 7, Điều 1 của Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/06/2014 quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”; Điểm 2 Khoản 15, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13, quy định: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Theo quy định nêu trên, trường hợp của bạn vừa là đối tượng hưu trí, nếu bạn có thẻ BHYT cấp trước đó theo đối tượng người có công với cách mạng, bạn được đổi  thẻ BHYT theo đối tượng hưu trí, nhưng hưởng theo quyền lợi của đối tượng người có công với cách mạng có ký hiệu ghi trên thẻ BHYT là HT1. 

Câu 3: Bạn đọc từ địa chỉ email hungyb90@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia đóng BHXH từ 25/8/2017 đến ngày 10/01/2017.Tức là đã đóng BHXH được hơn 4 tháng. Nhưng do Công ty đóng cửa hàng nên Tôi phải chốt sổ BHXH vào ngày 10/01/2017. Tôi chuyển sang làm việc cho nơi khác và đóng nối BHXH tại nơi đó. Dự sinh của Tôi vào cuối tháng 6/2018. Vậy cho tôi hỏi tôi có được hưởng chế độ thai sản và theo điều luật như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Do Bạn không nói cụ thể thời gian Bạn tham gia BHXH tại đơn vị tiếp theo nên BHXH Việt Nam chưa có căn cứ trả lời cụ thể. Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu tại thời điểm Bạn sinh con, Bạn đủ điều kiện thì Bạn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Câu 2: Bạn đọc từ mail vuquyet8xpro@gmail.com hỏi:

Em có đóng BHXH còn vợ em thì không. Em có vào trang BHXH đọc thông tin là chồng sẽ được hưởng hai tháng lương cơ bản. Nhưng em vào văn phòng công ty em hỏi thì người ta bảo là công ty không có chính sách đó. Em nói là Luật BHXH quy định chứ đâu phải công ty. Thì người ta bảo vậy chị không biết. Anh chị cho em lời khuyên nên làm gì?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 38 Luật BHXH năm 2014, Khoản c Điểm 2 Công văn số 3432/LĐTBXH-BHXH ngày 08/9/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về thực hiện chế độ BHXH theo Luật BHXH năm 2014, Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì: Trường hợp sinh con nhưng người mẹ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hoặc chỉ có cha tham gia BHXH và cha đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.

Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu tại thời điểm vợ Bạn sinh con bạn đủ điều kiện thì Bạn được hưởng trợ cấp thai sản một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con. Bạn nộp bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh cho Công ty của Bạn để chuyển lên cơ quan BHXH nơi Công ty Bạn đóng BHXH để được xem xét, giải quyết.

Câu 1: Bạn đọc từ mail buiphuong.141190@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH đến tháng 10/2017 được 3 năm 7 tháng. Trong năm 2017 tôi đã đóng BHXH các tháng: 1,2,3,6,7,8,9,10. Vì muốn nghỉ ngơi nên tôi đã xin nghỉ việc từ tháng 11/2017. Thời gian tôi dự sinh vào 28/01/2018. Vậy cho tôi hỏi tính đến lúc sinh tôi đã nghỉ việc được 3 tháng thì có được hưởng chế độ thai sản không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp của Bạn nếu tại thời điểm tháng 01/2018 Bạn sinh con thì trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh (được xác định từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2017) Bạn có 08 tháng đóng BHXH. Do đó, Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

.