Công tác tuyên truyền góp phần quan trọng vào thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 21-NQ/TW
13/03/2018 05:15 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 13/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 khu vực phía Nam.
Tới dự Hội nghị có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà và đại diện một số Bộ, ngành Trung ương cùng đại diện Ban Tuyên giáo, BHXH các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại Hội nghị.
Vận động các tầng lớp nhân dân tham gia BHXH, BHYT
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, 5 năm qua, công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về công tác BHXH, BHYT. Các quan điểm, chủ trương nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác BHXH, BHYT, nhất là mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và các giải pháp chủ yếu được nêu trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Đề án, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được tuyên truyền kịp thời, sâu sắc tới cán bộ, đảng viên và nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn.
Hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam trực tiếp biên soạn và phát hành hàng nghìn cuốn tài liệu cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền. Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành ủy cũng đã biên soạn, phát hành nhiều ấn phẩm tuyên truyền về BHXH, BHYT; thường xuyên đăng tải các chủ trương, chính sách, tình hình thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, nội dung của Luật BHXH, Luật BHYT trong bản tin sinh hoạt chi bộ. Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố, trang tin điện tử của các sở, ngành đã cung cấp thông tin, bài, ảnh về kết quả và hoạt động trong lĩnh vực BHXH, BHYT, tạo thuận lợi cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động tra cứu, tham khảo, cập nhật thông tin.
Ngoài ra, các ấn phẩm tuyên truyền được các địa phương chú ý khai thác, như: In và phát hành hàng triệu tờ gấp tuyên truyền những điều cần biết về BHXH, BHYT, BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh; tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền và treo hàng trăm tấm panô, áp phích, tranh cổ động những điều cần biết về BHXH, BHYT; sách hỏi đáp, sổ tay, lịch, băng đĩa phát trên hệ thống phát thanh... được in ấn với số lượng lớn phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở.
Các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, các bộ, ngành, địa phương lồng ghép nội dung BHXH, BHYT trong tuyên truyền các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động, chính sách phát triển của ngành, địa phương mình. Các báo, tạp chí đều có những chuyên trang, chuyên mục giới thiệu các quan điểm của Đảng về an sinh xã hội, về những điều luật và điểm mới của BHXH, BHYT. Nhiều bài viết phân tích, dự báo của các nhà nghiên cứu; ý kiến phản ánh của các đối tượng, thành phần hoạt động trong khu vực kinh tế tập thể… đã tạo ra những diễn đàn sôi nổi và làm sâu sắc hơn nhận thức về an sinh xã hội, về BHXH, BHYT. Các trang chuyên đề giới thiệu văn bản luật, chính sách, thông tin cụ thể về BHXH, BHYT đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Nhiều thông tin bổ ích trong nước và thế giới liên quan đến BHXH, BHYT được các cơ quan thông tấn báo chí ở cả Trung ương và địa phương cập nhật, giới thiệu, đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về lĩnh vực này...
Các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị, tập huấn để nâng cao nhận thức, kỹ năng công tác tuyên truyền về an sinh xã hội, về BHXH, BHYT. Trong 5 năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với BHXH tổ chức nhiều hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền ở địa phương, cơ sở. Điển hình, năm 2016, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức 2 Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền BHXH, BHYT tại Thành phố Cần Thơ và tỉnh Phú Thọ.
Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia BHXH, BHYT được tiến hành thường xuyên. Bằng nhiều hình thức, các cơ quan thông tin, tuyên truyền đã phân tích, giải thích cho các đối tượng nhận thức được quyền và lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT; đồng thời giúp nhận diện, đấu tranh với những hành vi vi phạm đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Nhìn chung, với nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo, công tác tuyên truyền 5 năm qua đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác BHXH, BHYT; đồng thời đã có những đóng góp to lớn trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tham gia BHXH, BHYT.
Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà báo cáo tại Hội nghị.
Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội
Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, công tác tuyên truyền BHXH, BHYT góp phần định hướng dư luận, tạo sự ổn định về tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Triển khai thực hiện BHYT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT được mở rộng và không ngừng tăng lên. Nguồn thu BHXH, BHYT tăng nhanh qua các năm. Công tác giải quyết các chế độ BHXH được thực hiện đầy đủ. Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT ngày càng được đảm bảo và mở rộng. Chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được cải thiện; thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời chi phí khám, chữa bệnh BHYT, góp phần bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Quỹ khám chữa bệnh BHYT giữ được cân đối, sử dụng đúng mục đích, ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Nhiều địa phương đã tổ chức hình thức đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng, như nhóm chủ DN, người lao động trong các DN, đặc biệt các DN ngoài nhà nước. Giải đáp vướng mắc của DN và người lao động. Tăng cường tuyên truyền, giải thích cho các DN còn nợ đóng, trốn đóng BHXH; kiên quyết yêu cầu chủ DN thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho người lao động, như các tỉnh: Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh...
Việc nắm bắt thông tin phản hồi được chú trọng triển khai nhất là phối hợp giải quyết những "điểm nóng", những vấn đề dư luận bức xúc hoặc quan tâm. Các ý kiến của nhân dân được phản ánh trên các diễn đàn thông tin đại chúng; ý kiến trả lời, giải đáp của các cơ quan chức năng được công bố rộng rãi, bảo đảm cơ chế thông tin hai chiều trong tuyên truyền. Việc công khai tình hình thu, chi BHXH, BHYT; công bố danh tính và tình hình nợ đọng BHXH, BHYT của các đơn vị, DN; công khai việc giải quyết những vụ việc vi phạm chính sách, pháp luật BHXH, BHYT mang tính dân chủ, minh bạch trong thông tin.
Từ đó, góp phần ổn định tình hình tư tưởng, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Thống nhất với quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cũng cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21 công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong công tác phát triển đối tượng tham gia với độ bao phủ BHXH, BHYT đạt khoảng 86% dân số; sau 5 năm, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã tăng khoảng 30%. Công tác cải cách thủ tục hành chính về BHXH của BHXH Việt Nam đã đạt được những dấu ấn lớn, tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị và DN khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Thủ tục hành chính về BHXH, BHYT giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục, số giờ giao dịch về BHXH, BHYT giảm từ 335 giờ xuống còn 147 giờ (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) và 51 giờ (theo đánh giá của các cơ quan trong nước).
Riêng trong năm 2017, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH để phục vụ người dân, đơn vị và DN bước đầu đã có những kết quả tích cực. Hiện toàn quốc đã có khoảng trên 90% số đơn vị, tổ chức và DN tham gia thực hiện giao dịch điện tử BHXH, BHYT với cơ quan BHXH; BHXH Việt Nam cũng đã liên thông dữ liệu KCB BHYT và kết nối trực tuyến hàng ngày với trên 12.000 cơ sở KCB qua Hệ thống Thông tin giám định BHYT.
Trong xếp hạng Môi trường kinh doanh Doing Business 2018 được Ngân hàng thế giới (WB) công bố tháng 10/2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm ngoái, lên vị trí 68/190 nền kinh tế. Trong đó, chỉ số nộp thuế và BHXH tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất, vượt 81 bậc lên vị trí 86/190. Theo phân tích của WB, chỉ số này được ghi nhận cải thiện trong thủ tục nộp thuế và việc ứng dụng CNTT, áp dụng giao dịch điện tử trong thủ tục BHXH. Còn báo cáo Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Việt Nam ICT Index 2017) do Hội Tin học Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông công bố cũng đã ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục của BHXH Việt Nam với tăng 18 bậc so với năm 2016, BHXH Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.... Đó là những minh chứng cho vai trò của Ngành BHXH trong góp phần ổn định tình hình tư tưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Công tác tuyên truyền cũng đã tham gia vào quá trình hoàn thiện và phát triển quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội; tham gia tổng kết thực tiễn trên phạm vi cả nước cũng như ở từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực liên quan. Trong các năm 2013, 2014, 2015, 2016 công tác tuyên truyền đã đồng hành với quá trình xây dựng Luật BHXH (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động... và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Công tác tuyên truyền đã phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết, luật pháp, chính sách liên quan đến BHXH, BHYT; đề xuất, kiến nghị sửa đổi chủ trương, chính sách, pháp luật cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Với chức năng nắm bắt và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo các cấp đã tích cực, kịp thời theo dõi, tổng hợp tâm tư, nguyên vọng của các tầng lớp nhân dân liên quan đến BHXH, BHYT. Đây là một kênh thông tin quan trọng giúp các cấp ủy, chính quyền có thêm cơ sở thực tiễn để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản về lĩnh vực này.
Quang cảnh Hội nghị.
Vì mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi người lao động
Đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền Nghị quyết 21, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đưa ra những định hướng, chiến lược phát triển cụ thể về BHXH, BHYT nhằm tiến tới hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi NLĐ. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn những tồn tại, hạn chế: Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền BHXH, BHYT; hình thức tuyên truyền một số nơi thiếu sức hấp dẫn, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; kiến thức và khả năng tuyên truyền về BHXH, BHYT của một số cán bộ tuyên truyền, phóng viên báo chí còn hạn chế; công tác phối hợp trong hoạt động tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương, giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và giữa các cơ quan, sở, ban, ngành ở một số địa phương còn chưa thật chặt chẽ, hiệu quả...
Để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 21, trong đó, đặc biệt là mục tiêu về bao phủ BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh yêu cầu, trong thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố cần khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cần tiếp tục đẩy mạnh, tập trung vào một số nội dung chủ yếu: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền BHXH, BHYT; nâng cao tính thiết thực, chiều sâu trong nội dung tuyên truyền BHXH, BHYT; đổi mới hình thức tuyên truyền BHXH, BHYT, bảo đảm tính phong phú, đa dạng, phù hợp với đối tượng; bồi dưỡng nâng cao kiến thức BHXH, BHYT cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền./.
Đặng Huế
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh