Nỗ lực nâng chất lượng y tế học đường

05/03/2018 04:31 PM


Tăng số lượng định biên nhân viên được tuyển dụng, mở lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ y tế, thường xuyên tổ chức các buổi họp giao ban, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị y tế học đường… là những việc Tp.HCM đã và đang thực hiện nhằm nâng cao chất lượng y tế trường học. Tuy nhiên, hoạt động này ở khối ngoài công lập vẫn còn một số điều đáng lo ngại.

Trường học cần thực hiện tốt công tác chăm sóc y tế cho học sinh.

Những sự quan tâm kịp thời

Vừa qua, tại Hội nghị giao ban công tác y tế trường học lần thứ 2 năm học 2017-2018, ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT Tp.HCM), cho biết UBND TP đã có kế hoạch giao Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, tổng hợp số liệu đội ngũ nhân viên y tế, không phân biệt lao động được tuyển dụng theo biên chế hay ký hợp đồng ngắn hạn, tại tất cả đơn vị giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP.

Trên cơ sở đó, TP sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng miễn phí để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ này. Đây được xem là quyết tâm rất lớn của TP trong việc chuẩn hóa trình độ đội ngũ nhân viên y tế, kéo giảm khoảng cách về chất lượng chăm sóc y tế giữa các trường học.

Thêm vào đó, từ tháng 8/2017, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường tiểu học có từ 28 lớp trở lên (đối với trung du, đồng bằng, TP) và trường tiểu học từ 19 lớp trở lên (đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học) được bố trí tối đa 3 nhân sự cho 4 vị trí việc làm gồm văn thư, kế toán, y tế và thủ quỹ.

Riêng đối với các trường tiểu học có từ 27 lớp trở xuống ở trung du, đồng bằng, TP; 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí tối đa 2 người. Quy định này thay thế Thông tư liên tịch số 35, ban hành ngày 23/8/2006 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; trong đó chỉ cho phép các trường tuyển dụng tối đa 2 người cho 4 vị trí việc làm, khiến các trường gặp rất nhiều khó khăn trong co kéo về nhân sự.

Ngoài ra, nhân dịp cả nước kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Sở GD-ĐT Tp.HCM đã tổ chức một buổi họp mặt thân mật dành cho tất cả nhân viên y tế trường học trên địa bàn TP. Đây được xem là sự quan tâm rất kịp thời của các cấp lãnh đạo TP trong việc tạo cơ hội để các thầy, cô có thể thoải mái chia sẻ tâm tư, nguyện vọng cũng như kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, công tác chuyên môn.

Phó phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TP so sánh vui, cùng được gọi là “thầy, cô” nhưng giáo viên ở các bộ môn khác được nhận sự quan tâm rất nhiều từ phụ huynh và xã hội, đặc biệt trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trong khi các anh chị làm công tác y tế cũng đóng góp nhiều vào chất lượng chăm sóc học sinh nhưng được rất ít phụ huynh nhớ đến.            

Cần sự phối hợp tốt hơn giữa các đơn vị

Bên cạnh những tín hiệu vui, sơ kết công tác y tế trường học sau khi kết thúc học kỳ 1 năm học 2017-2018, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, cho biết hiện nay còn 17 đơn vị trường học, tập trung nhiều ở khối ngoài công lập, chưa cung cấp đầy đủ số liệu về nhân sự, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế để Sở GD-ĐT tổng hợp báo cáo gửi Sở Nội vụ trình UBND TP.

Bên cạnh đó, dù đã được triển khai từ tháng 8/2017, nhưng đến nay một số đơn vị vẫn chưa hoàn tất công tác khám sức khỏe đầu năm học cho học sinh, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT chưa đạt 100% theo yêu cầu của UBND TP. Cá biệt có đơn vị sử dụng kinh phí BHYT trích lại cho trường sai mục đích, như trả lương, bồi dưỡng cho giáo viên, mua máy vi tính, không phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tất cả những sai phạm này đều được cán bộ Sở GD-ĐT nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị kịp thời chấn chỉnh.

Từ thực tế đó, đại diện Sở GD-ĐT cho biết, từ năm học tới sẽ nghiên cứu đưa hoạt động y tế vào một trong những nội dung chấm điểm thi đua của các đơn vị để tạo sự đồng nhất, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc y tế tại các trường học.

Riêng yêu cầu về nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm tại trường học, theo thông tin từ Sở GD-ĐT, hiện nay ở quận 3 và quận 5 - là 2 quận được TP lựa chọn thí điểm mô hình cung cấp thực phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn (100% nguồn cung thực phẩm vào bếp ăn trường học từ các cơ sở đạt chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP…) - chưa thể hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của TP.

Dự kiến, trong năm học tới sẽ có thêm 4 quận thí điểm mô hình trên, gồm các quận 8, 11, Tân Bình và Bình Thạnh, nâng tổng số địa phương triển khai mô hình đạt chuẩn an toàn thực phẩm tại trường học lên 6 quận. Do đó, trong thời gian tới, sở yêu cầu các quận, huyện gấp rút triển khai các bước chuẩn bị để đáp ứng kịp tiến độ theo kế hoạch đã đề ra, hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng sức khỏe và dinh dưỡng đối với học sinh.

Tại buổi họp mặt nhân viên y tế trường học do Phòng GD-ĐT quận Tân Bình tổ chức mới đây, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT quận, đã gửi lời tri ân chân thành nhất cũng như gửi tặng những phần quà có giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần để giúp các thầy cô tiếp tục “vững tay chèo” trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho học sinh./.

Theo SGGP