Học sinh học nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp

09/02/2018 11:17 AM


Có một số nghề trên 90% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay khi ra trường với mức thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/tháng. Thông tin này được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết tại buổi gặp mặt phóng viên báo chí vừa diễn ra chiều 07/02.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân phát biểu tại buổi gặp mặt.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, năm 2017, công tác tuyển sinh đã được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tích cực triển khai, ước đạt 2,2 triệu người. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540.000 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1,66 triệu người. 

Trong năm qua, công tác đào tạo được các cơ sở GDNN triển khai theo hướng đổi mới chương trình, phương thức đào tạo theo module, tín chỉ hoặc kết hợp giữa module và tín chỉ. Điều quan trọng là nội dung, chương trình đào tạo được xây dựng với sự tham gia của các DN; quá trình đào tạo được gắn kết với DN đảm bảo cho học sinh, sinh viên có những kiến thức, kỹ năng bám sát theo yêu cầu của người sử dụng lao động, của khoa học, công nghệ.

Đặc biệt, đã có 12 nghề được tiến hành đào tạo thí điểm theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc. Không những thế, ngày càng nhiều mô hình đào tạo đạt chất lượng hiệu quả cao xuất hiện, có những trường cam kết trả lại học phí nếu đào tạo không có việc làm và thu nhập không thoả đáng.

“Chất lượng GDNN bước đầu đã có chuyển biến tích cực, từng bước được cải thiện. Một số lĩnh vực đã tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Chất lượng, kỹ năng của nguồn nhân lực qua GDNN đã dần từng bước bắt kịp với thị trường lao động và tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp” - Thứ trưởng Lê Quân nhận định.

Trong năm 2018, các cơ sở GDNN tiếp tục đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động và DN. Đặc biệt, ở những ngành, địa phương có nhu cầu lớn về nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp. Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (BộLĐ-TB&XH) Nguyễn Hồng Minh cho biết, nâng cao chất lượng các cơ sở GDNN chính là "chìa khóa" để giải bài toán cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với mục tiêu tạo bước chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng và hiệu quả GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là ở những ngành, những địa phương có nhu cầu lớn về nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp; ưu tiên đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 2,21 triệu người, trong đó khoảng 25% là trình độ trung cấp và cao đẳng; phấn đấu 75-80%  người tốt nghiệp có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Đề hoàn thành các mục tiêu này, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho biết, trong năm 2018 Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp sẽ phải triển khai có hiệu quả 8 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN, cụ thể hóa Luật GDNN và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, đẩy mạnh tổ chức thực hiện pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GDNN.

Hai là, tăng cường và đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về GDNN. Làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; không chạy theo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh; tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Ba là, xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng.

Bốn là, triển khai thực chất, rõ nét một số hoạt động trong 03 nhiệm vụ, giải pháp đột phá của Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN: Chuẩn bị các điều kiện để đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ trong GDNN; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN; tăng cường gắn kết GDNN với doanh nghiệp, thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.

Năm là, tăng cường tổ chức đào tạo chất lượng cao, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại NLĐ thích ứng với cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư (4.0). Kiểm soát chất lượng đào tạo.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức đào tạo.

Bảy là, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; triển khai khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên; tăng cường hợp tác, liên kết với nước ngoài trong hoạt động GDNN.

Tám là, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về GDNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật GDNN. Tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về Quản lý Nhà nước về GDNN./.

PV (theo Dân sinh)