Ngành BHXH Việt Nam: 2 năm đồng hành, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vượt qua đại dịch cùng người lao động và DN

13/09/2021 11:34 AM


Trong gần 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và mọi mặt đời sống của người lao động (NLĐ), đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay. Kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn của DN và NLĐ, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với cấp có thẩm quyền tham mưu, đề xuất, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, BHYT.

Ngành BHXH Việt Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch Covid-19

Linh hoạt áp dụng các giải pháp hỗ trợ đối với DN và NLĐ

Trong năm 2020, trước những khó khăn do dịch Covid-19 tác động tới cộng đồng DN và NLĐ, BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia với Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Sau khi Nghị quyết được ban hành, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương, nỗ lực triển khai, đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

- Toàn Ngành đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.847 đơn vị, DN cho 192.503 lao động với số tiền tạm dừng đóng là trên 786,8 tỷ đồng.

- Xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện Hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của DN đối với 168.163 lao động để ngân sách nhà nước hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng.

- Xác nhận Danh sách NLĐ bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 585 lao động để đơn vị, DN được vay ngân hàng trả lương ngừng việc cho NLĐ.

Sang năm 2021, dịch Covid-19 bước vào đợt dịch lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường hơn đã ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng DN và NLĐ, BHXH Việt Nam tiếp tục tham gia với Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, nỗ lực “vào cuộc” triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN với phương châm đưa chính sách đến DN và NLĐ nhanh nhất, thuận tiện nhất và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể:

- BHXH Việt Nam đã thực hiện cải cách tối đa các TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết không quá 01 ngày làm việc.

- Thực hiện ngay việc cung cấp các dịch vụ công giải quyết chính sách hỗ trợ BHXH, BHTN trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam, đồng thời tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để DN và NLĐ kê khai hồ sơ trực tuyến, không phải đi lại giúp đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.

- Chỉ sau hơn 01 tuần Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện xong việc giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) đối với 375.335 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11.238.437 lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) là khoảng 4.322 tỷ đồng. Trong thời gian giảm đóng này, nếu NLĐ không may bị TNLĐ - BNN, cơ quan BHXH vẫn đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ bảo hiểm về TNLĐ-BNN cho NLĐ theo quy định.

- Tính đến hết ngày 06/9/2021 ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 474 đơn vị với 87.455 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 589 tỷ đồng tại 47/63 tỉnh, thành phố; xác nhận danh sách 798.244 lao động của 29.555 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, trong gần 2 năm qua, BHXH Việt Nam luôn chủ động, linh hoạt đưa ra các giải pháp để người thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT vừa được đảm bảo quyền lợi kịp thời, vừa hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp, góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả như: Chi trả lương hưu tại nhà, chi trả gộp 02 tháng lương hưu trong cùng kỳ chi trả; linh hoạt trong chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, cấp thuốc BHYT cho người bị mắc bệnh mãn tính; hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4 của ngành trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam; đề xuất Bộ Y tế thống nhất việc sử về dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” thay thế thẻ BHYT giấy trong KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc, kể từ ngày 01/6/2021; tích hợp bổ sung các dịch vụ công của Ngành (cấp lại sổ BHXH/ thẻ BHYT; chuyển địa bàn hưởng lương hưu; đăng ký tài khoản giao dịch cho con,…) trên ứng dụng VssID; khuyến khích người nhận các chế độ BHXH qua tài khoản;…

Bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT trong dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ năm 2020 đến nay, khắc phục nhiều khó khăn, công tác chi trả, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm chỉ đạo, để chi trả kịp thời, tạo thuận lợi hơn trong quá trình thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN của người tham gia.

Trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho: trên 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trên 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho (trong đó: chi trả bằng tiền mặt cho gần 2,5 triệu người; chi trả cho trên 700 nghìn người qua tài khoản cá nhân); trên 167,6 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; trên 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp và gần 16,3 nghìn người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề;...

Trong 8 tháng đầu năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết: hơn 4,09 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau; 966.146 lượt người hưởng chế độ thai sản; 232.231 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trên 91,5 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; 471.653 người nhận trợ cấp thất nghiệp và 11.758 người lao động được hỗ trợ học nghề…

Có thể nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, nhiều lao động bị mất việc làm, các chính sách hỗ trợ BHXH, BHTN đối với DN và NLĐ theo các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho DN và NLĐ, cũng như việc triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, tạo thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngành BHXH Việt Nam đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ DN, NLĐ vượt qua khó khăn; tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách BHXH, BHYT.

BHXH Việt Nam xác định luôn bám sát, quyết tâm thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động cùng vượt qua đại dịch Covid-19. Tiếp tục cùng các Bộ, ngành, địa phương tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ tốt hơn nữa cho người tham gia BHXH, BHYT; hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngành BHXH Việt Nam sẽ không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, cải cách TTHC để tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHTN, BHYT; để các chính sách hỗ trợ ngày càng nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị điều chỉnh chính sách BHXH, BHYT của DN và NLĐ; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn./.

PV